Tản mạn về giáo dục
Cộng đồng mạng lại dậy sóng về chuyện giáo dục. Lần này không phải là Bạo lực học đường, là sự ngu dốt hệ thống. Mà là chuyện cô giáo bắt quì. Đa số ý kiến bất bình với vị phụ huynh nọ. Đa số bảo vệ cô giáo. Nếu như giáo viên bị tước hết mọi quyền lực, mọi biện pháp thì họ sẽ dạy trẻ như thế nào?
Số ít những nhà tâm lý học, những người cấp tiến thì ủng hộ vị phụ huynh.
Tôi không phải là nhà giáo dục, cũng không phải là nhà tâm lý. Tôi chỉ là một người bà, một người mẹ, và tôi cũng đau đáu chuyện “Dạy con lối nào” trong xã hội đầy biến động hiện nay.
Năm 1965, tôi xa Hà Nội đi sơ tán, cô bé Hà Nội xa ánh đèn và những buổi đi dạo công viên cùng bố mẹ, xa những câu chuyện cổ tích mẹ kể. Tôi về quê nội ở với các bác.
Quê tôi vùng chiêm trũng, mảnh đất nghèo đói quanh năm “Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa”. Bọn học sinh vỡ lòng chúng tôi học trong một căn nhà cũ, nền đất, mái rạ, vách bằng rơm trộn nhuyễn với đất sét, ấy vậy mà căn nhà đó lại có hẳn một hè bằng gạch… Và thầy giáo là một ông đồ ngày xưa… Hình như đấy là người có học cao nhất làng tôi thời ấy.
Khi đưa tôi đi học, bác tôi dọa: “Học dốt và láo là phải quì gai mít” nên tôi sợ lắm. Khi đến lớp, tôi cứ đi tìm xem thầy để gai mít ở đâu nhưng không thấy, nhưng tôi cũng được nhìn thấy cái Bông bị thầy bắt quì ở thềm gạch đó…. Còn những đứa viết xấu và chửi bậy thì bị thầy đánh bằng thước… Bọn trẻ con chúng tôi nhận điều đó tự nhiên và vẫn rất yêu thầy.
Cả lớp tôi đi đất, riêng tôi đi đôi guốc gỗ từ Hà Nội về. Để giống các bạn, tôi giấu guốc và đi đất… Rồi chúng tôi tập chạy xuống hào, tập chạy ra hầm chữ A phòng khi giặc Mỹ ném bom. Thầy giáo nhìn thấy tôi chạy chân đất liền gọi lại, thầy mắng tôi đi đất làm tôi sợ lắm, rồi thầy đến nhà bác, và tôi có đôi dép cao su để đi…
Đến bây giờ, nhớ về những người thầy cũ… tôi không sao quên được người thầy đầu tiên ấy. Thầy rất nghiêm với chúng tôi, nhưng tình yêu thương học sinh của thầy thì tất cả chúng tôi đều cảm nhận được, chúng tôi luôn biết ơn thầy.
Thời hiện đại, khi rộ lên chuyện Bạo lực học đường, tôi hỏi cháu nội: “Con có bị cô giáo đánh không”. Bé thành thật: “Ở trường này con không bị cô đánh, còn ở trường trước thì cô có đánh con”, nhưng bé lại nói thêm: “Cô đánh cho con tốt hơn thôi mà”. Và trong thực tế, tôi thấy bé vẫn yêu cô giáo đã đánh bé dù bé không học cô đã hai năm.
Là một người luôn cập nhật những điều mới mẻ, tôi không và không bao giờ ủng hộ sự áp đặt, sự làm nhục học sinh… Nhưng câu chuyện cô giáo bắt học sinh quì và sự phản ứng nhiều chiều của cộng đồng khiến tôi suy nghĩ nhiều.
Tôi không đủ lý luận chuyên môn. Xã hội đã thay đổi, biện pháp giáo dục cũng cần thay đổi. Tuy nhiên, điều tôi cảm nhận được là dù dùng biện pháp nào, dù trong điều kiện xã hội như thế nào thì điều đầu tiên cần là người Thầy phải dậy học sinh với tất cả trái tim. Nếu thầy có một cách sống nhân văn, nếu Thầy thực sự yêu thương trẻ, vì trẻ thì trẻ sẽ cảm nhận được và lúc ấy chúng sẽ tiếp nhận những điều thầy dạy một cách tích cực.
Người thầy cần nhất là có trí tuệ sắc sảo và trái tim yêu thương chân thành.
Tác giả bài viết: Nguyễn thị Hương (sài Gòn)