Cảnh 1. Kịch LÙ TẲNG
LÙ TẲNG
Kịch dài của Nhà văn-Nhà báo Cao Thâm
NHÂN VẬT
- Trần Bê. Khoảng 50 tuổi, Giám đốc Công ty Thành Đạt.
- Ông Vích. Khoảng 55 tuổi, Giám đốc Sở Tài nguyên.
- Quy. 29 tuổi, phóng viên báo Tương Lai.
- Ca. 25 tuổi, lái xe cho ông Vích.
- Bà Yên. Khoảng 65 tuổi. Chủ quán nước.
-Trần Hoàn. 55 tuổi, Bí thư Tỉnh ủy.
-Lê Hải. Ngoài 40 tuổi, Chủ tịch UBND tỉnh.
- Trung tá Xê: Chỉ huy lực lượng cứu hộ.
-Cụ Tê: Khoảng 75 tuổi, già làng.
-Bà Cả Xệ: Vợ ông Vích.
Giáo sư Bơn; Kiều Nhi, Thơm: Đoàn viên, cán bộ Sở Tài nguyên
…và một số nhân vật khác.
TÓM TẮT
Lù Tẳng (tiếng Tày) là cái hang đá lộ thiên thẳng đứng. Ngày xưa, khi mà hủ tục mê tín dị đoan chưa được bài trừ, những người mắc bệnh phong (bệnh hủi) bị dân bản đưa ra miệng Lù Tẳng. Họ bắc tấm ván đặt người bệnh lên đấy, bỏ mặc người bệnh vật lộn với đau đớn đến chết, rồi tự rơi xuống Lù Tẳng.
Chuyện xảy ra tại Mỏ vàng Phja Khao của Công ty Thành Đạt–doanh nghiệp tư nhân do Trần Bê làm Giám đốc. Trần Bê từng là lính đặc công. Sau khi xuất ngũ, anh đi đào vàng, trở thành “bưởng vàng” khét tiếng ở bãi vàng Phja Khao. Có tiền, có mối quan hệ với lãnh đạo địa phương, anh tham gia cùng địa phương lập lại trật tự khai thác vàng ở Phja Khao và được ông Vũ Văn Vích, Giám đốc Sở Tài nguyên giúp đỡ, doanh nghiệp của anh được cấp phép khai thác vàng. Thực chất, đây là công ty “sân sau” của ông Vích và em vợ ông, là Chủ tịch UBND tỉnh.
Là người luôn khao khát được cống hiến, được làm những việc có ích cho xã hội, Trần Bê đã tuyển dụng những thanh niên lêu lổng ở nông thôn vào Công ty, tạo việc làm cho họ; chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho họ theo mô hình văn hóa doanh nghiệp để họ có cuộc sống ổn định, lâu dài ở Phja Khao. Nhưng lòng tốt và trình độ non kém của anh về kiến thức quản lí đã bị ông Vích lợi dụng, dẫn đến kết cục bị thảm: Hầm vàng gặp sự cố, công nhân sợ hãi trốn về quê; Trần Bê cùng ông Vích, cô nhà báo và anh lái xe của ông Vích bị kẹt dưới đáy hang Lù Tẳng, không cách gì thoát được.
Dưới đáy Lù Tẳng, bốn người bất lực, vật lộn với đói, khát và họ bộc lộ bản năng sống của mình trước cái chết đang đến gần: Ông Giám đốc sở bộc lộ bản chất tham lam, bẩn thỉu đã tìm cách giết ông Giám đốc mỏ để độc chiếm can nước; bộc lộ bản năng thú tính, bầy đàn. Dưới đáy hang cũng bộc lộ tình thương yêu cao cả và cảm động giữa ông giám đốc mỏ và cô nhà báo, anh lái xe. Họ dành cho nhau từng giọt nước, họ xả thân cứu nhau. Và đặc biệt, dưới đáy hang đã bộc lộ tình yêu vô cùng trong sáng, cao đẹp của cô nhà báo và anh lái xe. Đáy hang Lù Tẳng trở thành thiên đường của mối tình đẹp như trong cổ tích.Vở kịch còn ca ngợi lòng dũng cảm của lực lượng cứu hộ.
Vở kịch muốn gửi tới khán giả thông điệp rằng: Lù Tẳng như hang ổ của những phần tử cán bộ lãnh đạo tha hóa. Chúng như những con hủi đục khoét cơ thể con người. Sự tha hóa quyền lực với những mưu mô xảo quyệt và dục vọng tham lam vô độ của chúng là nguyên nhân chính làm băng hoại đạo đức xã hội, dẫn đến mọi sự sụp đổ. Chỉ có sự kìm chế dục vọng và tình thương yêu giữa con người với con người mới cứu được con người, cứu được mọi sự sụp đổ.
CẢNH PHỤ
Tại một đơn vị quân đội.Tiếng còi báo động đột ngột hú vang.Tiếng những bước chân rầm rập. Những người lính gọn gàng trong trang phục mang phù hiệu bộ đội công binh, trên mình đeo các thiết bị cấp cứu người bị nạn.
Trung tá Xê: (Hô dõng dạc).Tất cả đơn vị hai hàng ngang, tập hợp! (những người lính cứu hộ nhanh chóng tập hợp thành hai hàng ngang) Nghi…êm! Thưa các đồng chí. Theo điện báo của Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai của tỉnh, vào lúc mười sáu giờ, ngày mồng ba tháng một, tức ngày hai lăm Tết, tại Mỏ vàng Phja Khao đã xảy ra một vụ sự cố sập hầm vàng, khiến bốn nạn nhân bị kẹt trong lòng đất. Đơn vị chúng ta được giao nhiệm vụ ứng cứu. Tôi yêu cầu các đồng chí khẩn trương chuẩn bị phương tiện, triển khai lực lượng.
Các chiến sĩ: (Hô vang). Sẵn sàng nhận lệnh!
(tiếng còi báo động lại gầm rú, những chiến sĩ nhanh chóng lên đường).
CẢNH I
Trong thung lũng hẹp có dãy nhà nhà tập thể, nhà văn hóa…khá khang trang.Trước cổng công ty Thành Đạt chăng cờ đuôi nheo và băng rôn. Băng rôn mang dòng chữ “Nhiệt liệt chào mừng đồng chí Vũ Văn Vích, Giám đốc Sở Tài nguyên về thăm và chúc Tết CBCN Công ty”.
Tầm 9 giờ sáng, ông Vích và nhà báo Hồng Quy từ chiếc xe con sang trọng bước xuống rồi dừng trước cổng Công ty.
Quy: (Nhìn quang cảnh): Oài. Khu khai thác vàng mà nhà cửa đàng hoàng quá, anh nhỉ?. Vậy mà em cứ tưởng…
Ông Vích: Ồi, cái nạn khai thác vàng tự tự do, bát nháo ấy bị dẹp lâu rồi, em ạ. Đây là doanh nghiệp tư nhân, được cấp phép khai thác đàng hoàng; quy mô hoạt động như doanh nghiệp nhà nước ấy chứ. Nghị quyết Trung ương đã quán triệt rồi. Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Em thấm nhuần quá rồi, còn gì!
Quy: Anh nói chuẩn không cần chỉnh. Ôi, rét quá! Tầm này, ở nhà mọi người đang đang hối hả sắm hàng Tết, còn em thì…
Ông Vích: Thì em lại được tác nghiệp tại cái nơi mà không phải nhà báo nào cũng được tiếp cận đâu nhá. Vinh dự quá còn gì. Đây là mô hình doanh nghiệp mới, đề tài rất hay cho nhà báo đấy, em nhá. Mà này, phong bì dày lắm đấy… À, em biết tay Tuyền, Giám đốc Nhà máy chế biến rác thải chứ?
Quy: Em biết ạ. Sao anh?
Ông Vích: Công ty tay Tuyền vừa đưa dây chuyền vào hoạt động đã bị dân kêu um lên vì xả thải ra môi trường. Đơn tố cáo của dân đang nằm trên bàn làm việc của anh. Em cứ đến công ty tay Tuyền mà “gõ”. Tiền đấy chứ còn tiền đâu.
Quy: Thế ạ! Hôm nào anh cho em xin tư liệu về công ty tay Tuyền nhé.
Ông Vích: Tất nhiên, tất nhiên rồi. (bật cười). Cái nghề làm báo của em kiếm tiền dễ phết. Không viết bài cũng có tiền; viết bài đăng báo điện tử rồi gỡ xuống càng nhiều tiền. Vụ thằng Tinh ở phố Mới xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp, em có viết chữ nào đâu mà cũng có mấy chục triệu, còn gì!
Quy: Gớm, mấy cái đồng bọ tay Tinh bồi dưỡng cho em nhằm nhò gì so với anh. Anh chỉ kí một nhát, đất của tay Tinh chyển thành đất đất thổ cư, anh đút túi mấy trăm triệu, em còn lạ.
Ca: (Cao to, đẹp trai, bê vào lẵng hoa).
Ông Vích: Cháu cứ đặt hoa vào chỗ kia.
Ca: Dạ, vâng ạ (đặt lẵng hoa xuống, rồi đi ra). Cháu chào bác, em chào chị ạ.
Quy: Ca này, chị bảo…
Ca: (quay lại). Chị bảo gì em ạ?
Quy: À, mà thôi…À, chị có cái này (mở xắc ra lấy cuốn sách, đưa cho Ca). Sách mới đấy. Chị chưa kịp đọc. Em rỗi, đọc cho đỡ buồn.
Ca: Ôi quý quá. Em cảm ơn chị. (nhận cuốn sách rồi đi ra).
Quy: (Nhìn theo Ca). Cậu “sĩ quan đường lối” của anh ngoan quá nhỉ?
Ông Vích: Chuyện!...
Quy: Vậy mà sao anh cứ quát mắng cậu ấy thế?
Ông Vích: À…vì nó là thằng lái xe, phải rắn không có ngày nó bán mình đi ấy chứ. Vậy nhưng em biết không, ở cơ quan anh, mọi người gọi cậu ấy là Công dân số Hai đấy; khối người sợ cậu ấy hơn cả phó giám đốc đấy.
Quy: Em lại thấy cậu ấy cứ như nô lệ của anh thì có. Cậu ấy không những phục vụ hầu hạ anh mà còn hầu hạ vợ, con, cháu, anh em họ hàng nhà anh… Ngày lễ, ngày Tết, anh em trong cơ quan được quây quần bên người thân, còn cậu ấy thì phải đưa vợ chồng anh đi chúc Tết, đi chùa…
Ông Vích: Ừ, kể ra nó vất vả thật. Nhưng nó được nhiều lộc của anh lắm đấy. Hoàn cảnh gia đình nhà nó bi đát lắm, em ạ. Mẹ nó bị suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo, tốn kém tiền tấn. Nhờ được đi với anh, nó mới có phong bì để chữa bệnh cho mẹ, chứ đồng lương lái xe, ba cọc ba đồng, chết đói.
Quy: Em biết rồi.
Ông Vích: Em biết gì?
Quy: Em biết hoàn cảnh của cậu ấy. Em đã đến gian nhà trọ của cậu ấy rồi. Em còn đến bệnh viện thăm mẹ cậu ấy nữa. Mẹ cậu ấy tưởng em là người yêu cậu ấy, mừng phát run lên. Hiếm có thanh niên thương mẹ như cậu ấy, anh ạ. Mỗi lần đi công tác với em, cậu ấy đều tìm mua thuốc, mua quà cho mẹ. Đến bệnh viện, cậu ấy tắm rửa, giặt giũ cho mẹ...Rồi cậu ấy bón cho mẹ từng thìa cháo, nước mắt chứa chan, nom thương lắm. Mà anh này, nom cậu ấy có vẻ mềm yếu thế thôi, gấu phết đấy. Có lần, cậu ấy lai em, mấy thằng thanh niên chặn đường. Cậu ấy nhảy xuống, lao vào chúng nó sẵn sàng liều mạng để bảo vệ em. Ghê lắm đấy.
Ông Vích: Này, này. Em biết hơi nhiều về cậu ta quá đấy. Không khéo, tôi cho xe chở em đi tác nghiệp để rồi…
Quy: (bật cười). Để rồi làm sao?
Ông Vích: Để rồi…để rồi…
Quy: (lại cười). Anh ơi, cậu ấy kém em những bốn tuổi cơ mà. (trêu Ông Vích). Nhưng anh cảnh giác cũng phải. Hai chị em trên một chiếc xe, vi vu trên những chặng đường dài mà không bập vào nhau, mới là lạ. Mà lái xe của anh thì cao to đẹp trai như thế; nom hiền lành dễ thương như thế. Anh đọc “Người thứ 41 chưa?”.
Ông Vích: Ùi. Bận bỏ mẹ. Làm gì có thời gian đọc sách.
Quy: (tiếp tục trêu Ông Vích).Cuốn sách này em đọc từ thời học phổ thông, cơ. Chuyện kể về một chiến sĩ Hồng quân Maryutka nhận lệnh áp giải một tù binh có cặp mắt xanh là trung úy Bạch vệ. Trên đường đi họ gặp bão, hai người bị giạt vào một hòn đảo hoang vu. Trải qua nhiều hiểm nguy, hai con người ấy đã nương tựa vào nhau mà sống, và một tình yêu đẹp giữa họ đã nảy nở. (cười). Đấy. Anh thấy chưa? Họ là kẻ thù của nhau đấy, nhưng vẫn bất chấp tất cả để được yêu, để vượt qua đói khổ, vượt qua nỗi cô đơn, nữa là…
Ông Vích: Thôi chết, chưa biết chừng…Này, cái lần mà anh cho xe chở em đi Yên Bái phản ánh tình hình lũ lụt ấy. Hôm ấy, trên đường về, nước suối dâng cao, xe không qua được, em và cậu ấy bị ách lại cả buổi chiều và cả một đêm dài trên xe…Hôm đó…các người đã…làm gì với nhau?
Quy. Hôm đó, chúng em đã…uống bia. Trên xe chẳng có gì ăn, chỉ còn mấy lon bia. Hai chị em phải uống bia trừ bữa. Đang đói, uống vào, men bia dẫn nhanh như điện. Cả hai mặt đỏ phừng phừng. Thế là chúng em dẫn nhau vào rừng…
Ông Vích: Vào rừng? Vào rừng …để làm gì?
Quy: Chúng em vào rừng để…hái ổi (mơ màng). Ôi, cả một vườn ổi rừng ngào ngạt, vàng rực trong nắng xế. Cậu ấy leo lên cành ổi, vươn mình hái những quả ổi chín nẫu, thơm nức, nóng hổi xuống lòng tay em rồi cười rạng rỡ. Chiều thu miền núi hoang vắng và quạnh hiu tê bại cả tầm hồn. Rồi chúng em ngồi bên nhau, ăn ổi trừ bữa.
Ông Vích: Rồi…rồi sao nữa?
Quy: (cười). Rồi…rồi…bỗng nhiên, cậu ấy run bắn, chạy ào ra xe như sợ em vồ cậu ấy.
Ông Vích: Rồi…sao nữa?
Ông Vích: Rồi chúng em thức cả đêm. Đêm miền núi, sương xuống lạnh ghê gớm, em phải nằm trên ghế sau, còn cậu ấy thì ngồi ôm vô lăng chờ nước rút, không nói với nhau câu nào. Anh chọn được sĩ quan đường lối trung thành thật đấy.
Ông Vích: (cười). Em ơi, đó là phẩm chất số một của lái xe cho sếp đấy! Lái xe cho sếp là phải kín đáo, không nghe, không biết, không thấy. Và đặc biệt là “con thầy, vợ bạn, gái cơ quan”, không được phép đụng vào!
Quy: Em lại không tin đó là phẩm chất của người lái xe. Mà đó là sự khiếp đảm của cậu ấy trước thần quyền của anh. Có lúc em tự hỏi, nếu chẳng may, cậu ấy làm điều gì mất lòng tin của anh rồi bị anh sa thải. Và khi ấy, không những cuộc sống của cậu ấy bị điêu đứng mà cả tính mạng mẹ cậu ấy cũng bị đe dọa. Thần quyền đã làm cho cậu ấy bạc nhược, biến dạng, không còn là cậu ấy nữa.
Bê: (Từ ngoài vào, rối rít bắt tay ông Vích): Ôi, anh…
Ông Vích: (Giới thiệu) Đây là nhà báo Hồng Quy, phóng viên báo Tương Lai. Còn đây là anh Bê, Giám đốc Công ty Thành Đạt. Hai người làm quen đi.
Bê: (Bắt tay Hồng Quy). Ôi. Quý hóa quá. Năm cùng tháng tận, ai cũng bận mà Công ty được đồng chí Giám đốc sở và nhà báo về thăm, chúc Tết, quý hóa quá.
Ông Vích: (Giới thiệu Bê với Quy). Công ty của anh Bê đây năm nay đạt mức tăng trưởng cao lắm đấy nhà báo nhá, được Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng Bằng khen đấy. (với Bê). Như vậy, đến nay, Công ty được cả thảy mấy cái bằng khen rồi, anh Bê nhỉ?
Bê: (vẻ khiêm tốn). Dạ, ba anh ạ. Một cái về thành tích bảo vệ môi trường, một cái về công tác an sinh xã hội, năm nay được thêm bằng khen nữa về sản xuất kinh doanh giỏi, anh ạ.
Ông Vích: (với Quy). Đấy. Nhà báo thấy chưa? Một doanh nghiệp tư nhân mà tạo việc làm cho trên ba trăm lao động, mỗi năm nộp ngân sách hàng trăm triệu đồng, lại bảo vệ tốt môi trường, được tỉnh khen; rồi làm công tác an sinh xã hội, được tỉnh khen. Đề tài báo chí của em đấy chứ đâu. Mà em biết không? Trước đây, khu vực này nạn khai thác vàng trái phép diễn ra nghiêm trọng lắm, để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Vậy mà từ khi anh Bê ra tay, đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo vùng đất này đấy. Đề tài báo chí của em đấy, chứ đâu.
Bê: Dạ, anh quá khen. Nếu không được anh chỉ đạo, giúp đỡ, Công ty làm sao phát triển được thế này ạ.
Ông Vích: (với Quy). Mà em biết không? Anh Bê đây từng là lính đặc công đấy?
Quy: Ôi, thế ạ?
Ông Vích: Võ nghệ cao cường lắm đấy. Từng là bưởng vàng khét tiếng ở vùng này đấy. Nhưng khi có tiền, anh ấy không đua đòi xây biệt thự, tậu xe sang mà cùng với địa phương lập lại trật tự khai thác vàng ở đây, cải tạo ruộng nương cho dân bản; tập hợp những thanh niên lêu lổng, tạo việc làm cho họ. Đấy. Toàn đề tài hay cho nhà báo đấy.
Bê: Ôi, anh lại quá khen. Đấy là công sức của anh, của tập thể lãnh đạo và nhân dân địa phương, chứ một mình em thì làm được gì ạ. Bây giờ mời anh chị vào hội trường ạ.
Ông Vích: (chỉ tay vào lẵng hoa, nói với Bê). Anh cho người mang giúp lọ hoa vào hội trường.
Bê: Vâng, vâng.
(Đèn sân khấu tắt vài giây rồi bật sáng. Trên sân khấu căng tấm phông lớn gắn hàng chữ NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐỒNG CHÍ VŨ VĂN VÍCH, GIÁM ĐỐC SỞ TÀI NGUYÊN VỀ THĂM VÀ CHÚC TẾT CBCN CÔNG TY; phía trên là dòng chữ đỏ “Chúc mừng năm mới, Xuân Kỉ Hợi, 2019. Dưới sân khấu, đông đảo công nhân mặc trang phục in logo Thành Đạt. Nhạc nổi lên. Tiếng vỗ tay theo bước chân của ông Vích, Quy và Bê. Dàn diễn viên trong trang phục rực rỡ xuất hiện)
Ông Vích: (ngồi cạnh Bê, thốt lên): Diễn viên xinh đẹp quá…
Bê: Toàn công nhân Công ty cả đấy anh ạ. Hai cô ngoài cùng bên trái là thợ nhà đèn, cô thứ tư kia là thợ vận hành máy bơm nước, ba cô bên phải là cấp dưỡng…
Nhạc trưởng: (Chừng 30 tuổi đầu trọc, tay xăm trổ những hình kỳ quái, mặc áo đuôi tôm, tay cầm cái que, từ cánh gà sân khấu bước ra, cúi chào. Mọi người vỗ tay. Giọng nhạc trưởng bỡn cợt). Kính thưa đồng chí Vũ Văn Vích, Giám đốc Sở Tài nguyên, kính thưa nhà báo Hồng Quy, phóng viên Báo Tương lai; kính thưa đồng chí Trần Bê, Giám đốc Công ty Thành Đạt. Hôm nay, cán bộ công nhân công ty chúng ta vô cùng vinh dự được đồng chí Giám đốc sở bớt chút thời gian vàng ngọc lên thăm, chúc Tết và động viên. Đề nghị vỗ tay. (mọi người vỗ tay). Trong niềm hân hoan này, đội văn nghệ Công ty xin gửi tặng quý vị đại biểu và anh chị em công nhân chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Mở đầu chương trình là màn hợp ca truyền thống của Công ty, có tựa đề “Thành Đạt đi lên”. Sáng tác: (nhạc trưởng dừng một lúc rồi nhấn mạnh): - Trần Bê! (giọng bỡn cợt) -Tác giả bài hát chính là đồng chí Giám đốc Trần Bê của chúng ta đấy ạ. Đề nghị vỗ tay! (mọi người vỗ tay). Dàn dựng chương trình: (nhạc trưởng lại dừng một lúc): - Trần Bê! Phối khí: (dừng một lúc) – Vẫn là …Trần Bê! Chỉ đạo nghệ thuật: (dừng một lúc) – Trần Bê! (dứt lời, nhạc trưởng quay đít về phía khán giả, bắt nhịp. Khán giả vỗ tay rầm rầm).
Dàn diễn viên: (Hát theo điệu chèo Tứ Quý): Phja Khao thân yêu ta đến đây nơi rừng sâu, tiếng lòng náo nức càng thấy thêm yêu cuộc í đờ…i/. Ta gắng công sức a xây đời ta. Kìa tài nguyên bao la đang vẫy gọi/Nào các bạn ơi/Chúng ta/ Mang sức trai chúng ta xây đời ta/ Kìa hầm sâu mênh đang vẫy gọi/ Thiết tha/
Nâng bước chân chúng ta đi vào ca. La lí la/ lí la/li là/lì la… Ta yêu, ta yêu, tha thiết công ty của ta/ Sá gì gian khó cùng quyết tâm ta luyện rèn… (Dưới sân khấu, đám cử tọa cười rú, vỗ tay rầm rầm)
Bà Yên: (hớt hải chạy vào, hét to): Phản động! Phản động! Bọn phản động!
Bê: (Hốt hoảng, bật dậy, chạy đến chỗ bà Yên): Sao? Sao? Phản động đâu? Thằng nào phản động?
Bà Yên: (chỉ tay vào đám khán giả): Đây. Bọn phản động đây!
Bê: Sao công nhân mà là phản động? Bà bị thần kinh à?
Bà Yên: Chúng nó vỗ tay đểu!. Chẳng có thằng nào yêu cái công ty này cả. Các ông ra mà xem kìa. Nước trong lò chảy ra ào ào như thác, công nhân sợ hãi, tháo chạy tán loạn như vịt kia kìa...(hội trường náo loạn).
Hết cảnh 1.