Cảnh 2-Kịch LÙ TẲNG
CẢNH 2
Tại một quán nhỏ nằm cạnh khu tập thể Công ty Thành Đạt. Trước quán gắn biển “THANH YÊN-BIA-RƯỢU-BÁNH –KẸO-THUỐC LÁ”.
Tầm 2 giờ chiều, khu tập thể vắng teo. Bà Yên, chừng 65 tuổi, ngồi cạnh quầy hàng, đeo kính, cầm cuốn sổ, lật từng trang, miệng lẩm bẩm. Bê mặc bảo hộ lao động, đội mũ nhựa, chân đi ủng, bước vào.
Bà Yên: Cậu ơi, bọn thợ lò chúng nó bỏ về hết rồi, cậu ơi.
Bê: Em biết rồi. Không những thợ lò mà cả thợ điện, thợ bơm nước, thợ nhà đèn, cũng phắn sạch. Chị còn cơm nguội không, em xin bát. Mấy đứa cấp dưỡng cũng bỏ trốn, chẳng ai nấu cơm.
Bà Yên: Còn, còn. (lấy cơm cho Bê ăn. Trong lúc Bê ăn cơm, bà chìa cuốn sổ ra). Chúng nó còn nợ chị hơn trăm triệu bạc đây này. Chúng nó mua thuốc lá chịu, mua bia chịu, mua mì tôm chịu, thứ gì chúng nó cũng chịu, bảo ghi sổ trước khi về Tết sẽ thanh toán sòng phẳng. Vậy mà… Bọn khốn nạn! Bọn chó cắn áo rách!...
Bê: Mẹ kiếp. Em quan tâm, chăm lo cho chúng nó chu đáo như thế, còn gì. Nơi ăn, nơi ở, nơi vui chơi giải trí đàng hoàng như thế. Lương thưởng sòng phẳng như thế…Vậy mà lúc công ty gặp khó khăn, chúng bỏ trốn, em không kịp trở tay. Năm hết tết đến, hầm lò thì bục nước…
Bà Yên: Chị cả tin quá. Cả em cũng thế. Chúng nó toàn bọn vô học, đi làm thuê làm mướn khắp nơi, được em tuyển dụng ra đây. Dễ chúng nó làm, khó chúng nó bỏ. Nhìn cái cách chúng nó vào đây ăn uống, nói năng bạt mạng, thô lỗ, chị đã có linh cảm…
Bê: Thì em cứ tưởng, chúng nó ở quê, không có việc làm, lêu lổng, chơi bời, hỏng người nên đưa chúng nó ra đây, tạo việc làm, tạo cuộc sống ổn định để chúng nó gắn bó lâu dài với Công ty. Nào ngờ…
Bà Yên: Vậy bây giờ em định làm thế nào?
Bê: Em vừa ra ngoài cửa hầm. Nước rút hết rồi chị ạ. Chắc bục túi nước trong hầm thôi. Sự cố không nghiêm trọng lắm đâu. Ác cái, chẳng còn thằng nào ở lại để cùng em vào hầm kiểm tra xem thế nào.
Bà Yên: Thế, thế, cái lão giám đốc và cô nhà báo cũng phắn rồi à, em?
Bê: Họ đánh xe ra ngoài phố huyện ăn cơm, chắc sắp quay lại. Lão ấy còn bám em, mà chị.
Bà Yên. Em coi chừng cô nhà báo. Sáng nay, chị thấy nó chụp nhiều ảnh lắm. Nó mà tương lên báo, lôi thôi to, các cơ quan chức năng sẽ xộc vào, không đối phó nổi đâu, em ạ.
Bê: Không lo đâu chị ơi. Lão ấy có cái ô to lắm. Chủ tịch tỉnh là em vợ lão ấy đấy. Quyền lợi của anh em nhà lão ấy đang ở trong hầm vàng kia kìa. Hàng tháng em vẫn phải chăm sóc anh em nhà lão ấy. Báo chí đụng vào đây là đụng vào dái ngựa đấy, chị ạ.
(Ông Vích, Hồng Quy và Ca xuất hiện).
Bà Yên: Kìa, mời các anh chị vào nhà cho ấm. Khổ! Công nhân bỏ về hết cả, chẳng lo được bữa ăn cho các anh chị.
Ông Vích: (Với Bê).Tôi chẳng hiểu anh giáo dục công nhân kiểu gì mà…mà…Công nhân mà hèn nhát thế à? Anh xem dưới vùng mỏ Quảng Ninh ấy. Khi gặp sự cố hầm lò, công nhân sẵn sàng vào nơi hiểm nguy để cứu đồng đội, có người còn hi sinh cả tính mạng. Đằng này, công nhân của anh gặp sự cố thì tháo chạy như vịt. Bản lĩnh của giai cấp công nhân Việt Nam mà hèn nhát thế à?
Bê: Anh thôi đi! Anh ăn trên ngồi trốc có biết chúng tôi ở nơi rừng thiêng nước độc này làm ra chỉ vàng khổ như thế nào không?
Ông Vích: Cái gì, anh kêu khổ à? Tài nguyên có sẵn trong lòng đất, chỉ có móc lên mà bán cũng kêu khó, kêu khổ, là sao?
Bê: (Nổi khùng, chỉ tay vào mặt ông Vích): Anh biết đếch gì nghề hầm lò mà nói! Anh có biết, để lấy được một chỉ vàng, chúng tôi phải khoan, phải nổ mìn, phải bốc xúc, chống chèn, phải đặt cả mạng sống của mình trong lòng đất, anh biết không? Để kiếm được chỉ vàng đã cơ cực, nuôi quân đã cơ cực, lại còn phải nuôi cả thằng phòng thuế, thằng phòng cháy nổ, thằng an toàn lao động…
Ông Vích: Thằng nào đến đây quấy quả, anh bảo tôi.
Bê: “Quan thì ở xa, bản nha thì gần”. Anh ở trên tỉnh, tôi ở đây với họ, không biết cách đối xử, có ngày sập tiệm. Đấy. Làm ăn bây giờ khổ thế đấy, anh có biết không?.
Ông Vích: (Giọng lạnh ghê người): Thôi, được. Nếu cậu thấy khó làm ăn quá thì tôi sẽ đề nghị tỉnh ra lệnh đóng cửa mỏ!
Bê: Cái gì? Đóng cửa mỏ? Anh dọa tôi đấy à?
Ông Vích: Đừng hỗn! Chỉ cần cô Quy viết bài báo, tôi sẽ đề nghị tỉnh ra lệnh đóng cửa mỏ ngay lập tức!
Bê: Ông đừng dọa! Thằng này đã từng một mình trên điểm chốt nơi biên giới, súng đạn quân địch bắn như mưa, không chết. Thằng này đã từng đối mặt với những thằng đầu gấu khét tiếng ở bãi vàng này, không chết, thì bây giờ ông đừng dọa tôi! Cả cơ nghiệp của tôi đang dưới hầm lò kia kia. Ông biết điều thì tôi còn cung phụng ông. Còn không thì…
Bà Yên: (Can Bê). Thôi, tôi xin cậu. Cậu không được nói thế. (với ông Vích). Anh thông cảm, cậu ấy đang bị sốc nên nói năng bạt mạng. Bây giờ anh em phải bình tĩnh để cùng nhau giải quyết công việc đi, chứ. (với ông Vích) Em nó đang gặp khó khăn, công nhân, cán bộ bỏ về quê hết cả. Anh là lãnh đạo trên tỉnh, mong anh giúp đỡ cậu ấy để vượt qua đận này.
Ôg Ích: Bây giờ thì tôi …tôi biết giúp đỡ thế nào?
Bê: (xuống giọng). Em xin lỗi đã quá lời với anh. Thực ra, sự việc không quá nghiêm trọng đâu anh ạ. Em vừa ra cửa hầm, thấy đường hầm khô ráo rồi, chứng tỏ trong hầm có một túi nước vỡ, theo đường hầm đổ ra suối. Theo kinh nghiệm của em, túi nước đã cạn kiệt, nguy cơ về bục nước đã loại bỏ. Trước mắt, cần phải nhanh chóng gia cố khu vực xung yếu đó để ngăn chặn sự sụp đổ. Trong hầm lò, một vị trí xung yếu bị sụp đổ, nếu không được gia cố kịp thời, nó sẽ gây sụp đổ cả hệ thống. Bây giờ, em muốn anh cùng em vào hầm lò kiểm tra đánh giá tình hình để có phương án khắc phục..
Ông Vích: Tôi với anh thì làm được gì?
Bê: Không phải vào lò để làm, mà để kiểm tra đánh giá tình hình thôi. Sau đó em vào bản thuê thanh niên vào gia cố ngăn đất đá sụp đổ. Khi đưa đường hầm vào trạng thái an toàn, ra Giêng em sẽ huy động lực lượng tiếp tục khai thác. Cần thiết, có thể tuyển dụng thợ hầm lò ở vùng mỏ Quảng Ninh. Em đã đào vàng nhiều năm ở đây nên em biết, sau khi bục túi nước, rất có thể lượng vàng sa khoáng sẽ trôi theo ra ngoài…
Ông Vích: (Mắt sáng rực lên). Nhưng mà…nguy hiểm lắm cậu ơi.
Bê: Anh đừng lo. Đường hầm chống giữ chắc chắn lắm. Mấy lần anh vào hầm kiểm tra, anh biết rồi, còn gì.
Quy: Cho em vào lò với. Em muốn khám phá lòng đất.
Bê: Đúng đấy. Nhà báo vào đấy tìm hiểu sẽ viết được bài báo hay. Lâu nay, trên báo chí chỉ thấy phản ánh nạn đào vàng trái phép; chỉ thấy hang hố rồi tai nạn chết người. Bây giờ, nhà báo vào đấy sẽ thấy đường lò cao ráo, chống giữ chắc chắn; trong đó điện sáng trưng, gió mát lộng…
Quy: Ôi thích quá! (với ông Vích). Ta vào đi, anh.
Ca: Kìa, chị Quy…
Quy: Không sợ đâu em ạ. Chị đã xuống hầm lò than dưới Quảng Ninh rồi mà…
Ông Vích: (nhìn Ca). Cậu cũng phải vào lò!
Ca. (Bối rối). Dạ…cháu…
Quy: (Với ông Vích). Anh cứ để cậu ấy trên này. Chúng ta chỉ vào lò kiểm tra thôi mà.
Ông Vích: Không được. Cậu ấy to khỏe, phải vào lò để mang nước uống.
Ca. Dạ, vâng ạ.
Ông Vích: (Ra lệnh cho Ca). Cậu ra xe mở mấy gói quà tết lấy tất cả bánh kẹo để vào lò có cái ăn.
Bà Yên. Đây, đây, tôi có cả bánh khảo, xúc xích đây, mọi người mang vào lò mà ăn. Mang cả nước nữa. Khổ, công nhân về hết cả, chẳng còn ai phục vụ ăn uống.
Hết cảnh 2.