Nhầm lẫn về cây phách trong sách giáo khoa

Trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 (tập 1), câu thơ: “Ve kêu rừng phách đổ vàng/Nhớ cô em gái hái măng một mình” trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu được giải thích: “Phách: một loại cây thân gỗ, nở hoa vàng vào mùa hè”. Giải thích này không đúng.

 

 

Lại có chuyện, ở một lớp học sinh bổ túc văn hoá, khi bình giảng bài thơ “Việt Bắc” của Nhà thơ Tố Hữu, đến câu “Ve kêu rừng phách đổ vàng”, có anh nhạc công nêu ý kiến với thầy giáo: “Tôi cho rằng chữ phách trong câu thơ trên là Nhà thơ muốn nói đến nhạc thấy giáo ạ. Phách nhạc mà. Nghĩa là tiếng ve hoà trong rừng nhạc tạo bức tổng phổ hoành tráng của núi rừng Việt Bắc”.

Ngay cả các giáo sư biên soạn sách giáo khoa cũng  không hiểu về cây phách. Tư liệu văn học 12 - tập 1 - Nguyễn Văn Long chủ biên - Nxb Giáo dục, 2001, trang 44, viết: Tác giả đã từ bao năm trời cặn kẽ trông nhìn đồng bào miền núi; đã bao nhiêu mùa ngắm nhìn phong cảnh, thuộc các mùa hoa của núi rừng: Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi... Ve kêu rừng phách đổ vàng. Các giáo sư đứng tên chủ biên các bộ sách giáo khoa văn học như Nguyễn Đăng Mạnh, Phan Trọng Luận, Trần Đình Sử, trong các cuốn Văn học 12 tập 1 - Nxb Giáo dục, 1995; Văn học lớp 12 tập 1 (sách chỉnh lí năm 2000), Ngữ văn 12 tập 1 ( Nxb Giáo dục, 2008), đều chú  giải Phách: Một loại cây thân gỗ, nở hoa vàng đầu mùa hè.  Như vậy, suốt mấy chục năm nay, các thế hệ học sinh phổ thông đều học từ những tư liệu không chính xác.

Thực tế, ở Việt Bắc có cây phách, hoa phách màu tím chứ không màu vàng như sách giáo khoa đã giải thích. Câu thơ “Ve kêu rừng phách đổ vàng”, phải hiểu lúc ấy nhà thơ Tố Hữu miêu tả lá của cây phách đổ xuống màu vàng, chứ không liên quan gì đến sắc hoa của nó cả.