Vội "chê" Nhà thơ Tố Hữu

- Này, cậu! Nhà thơ Tố Hữu hoạt động lâu năm ở Thái Nguyên mà chẳng hiểu về địa lý Thái Nguyên đâu cậu ạ! - Chết! Bác nói thế nghĩa là sao? - Thì đây, tôi đọc cho cậu nghe: “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế/ Gió qua rừng đèo Khế gió sang/ Em là con gái Bắc Giang/ Rét thì mặc rét nước làng em lo ...”. Đó là mấy câu thơ trong bài thơ “Phá đường” của Nhà thơ Tố Hữu, đưa vào giảng dạy trong nhà trường suốt mấy chục năm nay. Tôi thấy hình như cái đèo Khế trong bài thơ này không ổn, cậu ạ...


Việt Bắc, 30/4/2015. Ảnh của Cao Thâm

 

 

VỘI “CHÊ” NHÀ THƠ TỐ HỮU KHÔNG THUỘC ĐỊA LÍ!

- Này, cậu! Nhà thơ Tố Hữu hoạt động lâu năm ở Thái Nguyên mà chẳng hiểu về địa lý Thái Nguyên đâu cậu ạ!

- Chết! Bác nói thế nghĩa là sao?

- Thì đây, tôi đọc cho cậu nghe:

“Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế

Gió qua rừng đèo Khế gió sang

Em là con gái Bắc Giang

Rét thì mặc rét nước làng em lo ...”. Đó là mấy câu thơ trong bài thơ “Phá đường” của Nhà thơ Tố Hữu, đưa vào giảng dạy trong nhà trường suốt mấy chục năm nay. Tôi thấy hình như cái đèo Khế trong bài thơ này không ổn, cậu ạ. Này nhé, xét về địa lý, phía Đông Bắc tỉnh Thái Nguyên giáp Bắc Giang, phía Tây giáp Tuyên Quang. Đèo Khế thuộc xã Yên Lãng, Đại Từ, Thái Nguyên, giáp ranh giữa Thái Nguyên với Tuyên Quang. Nhà thơ Tố Hữu làm thơ như vậy chẳng hoá ra rét từ Thái Nguyên thổi về Yên Thế (Bắc Giang), quay ngược hướng Tây lên Tuyên Quang, qua Đèo Khế sau đó lại ngoặt về Bắc Giang, hay sao. Tôi không giám bình thơ Tố Hữu. Nhưng cái sự điều khiển gió mùa Đông - Bắc của cụ trong bài thơ trên xem ra không đúng. Gió có quy luật của gió chứ đâu tuỳ tiện thổi lung tung thế được, phải không cậu!

Tôi hết sức kinh ngạc về sự phát hiện và suy diễn của ông bác hàng xóm của tôi. Và tôi nhớ lại, thời học lớp 10 (hệ 10 năm), thầy giáo cũng giảng về đường đi của gió mùa Đông Bắc trong bài thơ “Phá đường” của Nhà thơ Tố Hữu cho chúng tôi như vậy.

Cái sự phức tạp , mất trật tự của gió mùa Đông Bắc trong bài thơ “Phá đường” đeo đẳng tôi mãi. Thời cụ Tố Hữu còn sống, có lúc, tôi định viết thư đề nghị Nhà thơ Tố Hữu giải thích loại gió lạ lùng ấy, nhưng sợ mất thời gian của vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng, lại sợ mình phức tạp. Cái cốt lõi của bài thơ là khắc họa hình ảnh cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Việc nhà còn bề bộn, lúa chưa khô, sắn chưa thái, con thơ dại... vẫn hăng hái “theo chồng đi phá đường quan” ngăn cản bước tiến của địch. Còn cái gió mất trật tự kia chẳng giữ vai trò gì quan trọng trong bài thơ. Bạn đọc chỉ cần hiểu, đó là gió mùa Đông Bắc rất rét, từng đợt táp vào mặt chị em phá đường nhưng không làm chị em sờn lòng. Chính tôi và ông bác nọ mới là phức tạp! Nghĩ vậy, tôi đành từ bỏ ý định viết thư hỏi Nhà thơ Tố Hữu.

Sau này, tôi may mắn được gặp Nhà thơ Tố Hữu tại một hội nghị về công tác báo chí do Bộ Văn hoá-Thông tin tổ chức. Kết thúc hội nghị, tôi bám theo Nhà thơ, tìm cơ hội để hỏi về cái đèo Khế ấy. Nhà thơ đã già yếu lắm nhưng vẫn hăng hái nói chuyện với mọi người về báo chí, văn chương. Khi thang máy dừng, mọi người nhường Nhà thơ ra trước. Nhà thơ nheo mắt cười, nói: “Các bạn cứ ra đi, mình còn một tầng nữa!” - Ấy là Nhà thơ hóm hỉnh muốn nói rằng: cụ sắp sang thế giới bên kia! Quả nhiên, sau đó không lâu, Nhà thơ Tố Hữu đã vĩnh việt chúng ta.

Lại nói về cuộc gặp ngắn ngủi ấy. Lúc rời thang máy, tôi mạnh dạn:

- Thưa bác, cháu là nhà báo ở Thái Nguyên.

- Thái Nguyên à? - Giọng Nhà thơ chợt chùng xuống bâng khuâng:

- Đã lâu lắm rồi mình không có dịp lên thăm Thái Nguyên.

Tôi ngập ngừng:

- Thưa bác,... ngày xưa.... bác làm bài thơ “Phá đường” ở đâu ạ?

- Ở Thái Nguyên đấy!

- Nhưng mà,... thưa bác, sao đèo Khế ở phía Tây, trên đường sang Tuyên Quang, chẳng lẽ gió mùa Đông Bắc thổi theo hướng Tây ạ?

Nhà thơ bật cười:

- Cậu nhầm rồi! Thái Nguyên có hai đèo Khế. Một đèo Khế ở phía Tây, giáp Tuyên Quang. Còn một đèo Khế nữa ở Đồng Hỷ, qua khe Mo, sang Bắc Giang. Đèo Khế trong bài thơ “Phá đường” là đèo Khế qua khe Mo (Đồng Hỷ). Gió mùa Đông Bắc qua đèo Khế này thổi về Bắc Giang.

…Sau lần gặp Nhà thơ, tôi tìm về đèo Khế ở khe Mo. Đúng là gió mùa đông Bắc trong bài thơ “Phá đường” của Nhà thơ Tố Hữu thổi đúng quy luật của tự nhiên chứ Nhà thơ không “điều khiển” nó thổi lung tung như chúng tôi nhầm tưởng. “Đường quan” – nơi mà năm xưa “Con gái Bắc Giang” cụ thể là con gái vùng Hiệp Hoà, Yên Thế, Tân Yên... đối chọi với gió rét “ Hì hà hì hục / Lục cục lào cào ...” phá đường ngăn cản quân Pháp từ Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, ... theo “Đường quan” tấn công lên An toàn khu II của ta trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. “Đường quan” xuất phát từ Bắc Giang, qua Nhã Nam. Từ Nhã Nam rẽ hai hướng: Một hướng lên Yên Thế, nơi trước đây đại bản doanh của cụ Đề Thám. Hướng khác, qua Phú Bình, Đồng Hỷ, Võ Nhai (Thái Nguyên ) lên Lạng Sơn. “Đường quan” mà chị em Bắc Giang đi phá ấy là đoạn từ Bắc Giang lên Nhã Nam. Đường lớn, dân quen gọi là đường quan hay đường cái quan. Đoạn đường này qua vũng trũng lầy thụt. Nếu đường bị phá, xe cơ giới không còn đi đường nào khác. Đoạn qua địa phận Đồng Hỷ ( Thái Nguyên ) có một con đèo hai bên vách đá dựng đứng, gió thổi hun hút. Từ trước đến nay con đèo này vẫn gọi là Đèo Khế.

(Rút trong tập bút ký “Những ngày đàng”, Nxb Lao động, 2006 của Cao Thâm)