Đêm thơ ở Ngọc Hồi (Kon Tum)
Ngọc Hồi là một vùng đất thiêng của Tổ quốc, nơi phên giậu Quốc gia và là điểm tiếp giáp về địa lý, giao thoa về văn hóa giữa ba nước Đông Dương là Việt Nam, Lào, Campuchia. Trong lịch sử cách mạng, đây là cửa ngõ ra vào Trường Sơn, nơi cách mạng và kháng chiến chọn là một trong những căn cứ địa. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện giàu lòng yêu nước và một lòng theo Đảng, theo cách mạng, anh dũng chiến đấu giành độc lập tự do và thống nhất đất nước.
Ngày nay, trong công cuộc xây dựng đất nước, Ngọc Hồi là điểm đến, nơi “không hẹn mà gặp” của 17 dân tộc anh em. Có đồng bào dân tộc địa phương như người Dẻ, Triêng, Người Xê Đăng, Brâu… Có những người anh em đến từ miền núi phía Bắc như dân tộc Mường, Nùng, Tày, Thái…. Và người Kinh đến từ mọi miền Tổ quốc. Điều đó cho thấy huyện Ngọc Hồi quả là nơi “ Đất lành chim đậu”.
Mỗi một dân tộc đến đây sinh sống đã mang theo cả tên đất, tên làng như Hào Lý, Hào Nưa (của người Mường từ Hòa Bình vào)… và đặc biệt họ mang theo nền văn hóa độc đáo của dân tộc mình góp phần tô điểm cho bức tranh văn hóa đa dạng và đặc sắc của quê hương mới. Ở đây, ta có thể gặp trang phục đậm đà màu sắc Tây Nguyên của người Dẻ, người Triêng… trên nương, gặp cái sặc sỡ rộn ràng váy áo của người Thái, Người Dao, Người Mèo …trong lễ hội; Lại gặp tà áo dài thưới tha của cô gái người Kinh ngoài đường phố, trên sân trường hay trong công sở… Ở đây, ta được ngây ngất trong âm điệu trầm hùng của Cồng Chiêng Tây Nguyên - Một di sản văn hóa thế giới, say đắm trong những làn điệu chèo Bắc Bộ, những câu quan họ Bắc Ninh ngọt ngào hay một điệu hò ví dặm, một câu hát bài chòi, một câu ca vọng cổ…
Văn hóa là nền tảng và là tài sản tinh thần quan trọng của bất cứ quốc gia, dân tộc nào. Với mỗi địa phương cũng vậy, khi văn hóa được định giá và ứng xử đúng nó chính là cơ sở đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Trong khi chúng ta tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa nước ngoài, thì việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa của dân tộc mình chính là cái “mỏ neo” đảm bảo cho nền văn hóa của chúng ta phát triển theo đúng định hướng “hòa nhập nhưng không hòa tan” của Đảng.
Với người Ngọc Hồi, Đêm thơ Nguyên tiêu Xuân Ất Mùi 2015 là đêm thứ hai sau đêm thơ Nguyên tiêu Xuân Nhâm Thìn 2012 rất thành công, nó vừa thể hiện sự quan tâm của Đảng Bộ, chính quyền địa phương trong việc chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân, vừa là sân chơi bổ ích cho những người làm thơ và công chúng yêu thơ của huyện nhà. Những tác giả được giới thiệu trong đêm thơ hầu hết là những công dân của huyện. Họ là cán bộ hưu trí, cán bộ huyện ủy, là nhà giáo, là anh bộ đội, là bác nông dân... Ấy là tác giả trẻ Hoàng Thị Ngọc Mai, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kon Tum, một cô giáo trẻ của Trường tiểu học Nguyễn Huệ xã Sa Loong; Là tác giả Nguyễn Chí Tường, Trưởng Ban dân vận huyện ủy Ngọc Hồi hay Vũ Văn Thuấn, Thẩm phán toàn án nhân dân huyện Ngọc Hồi, Bác Sỹ Triệu Tất Đà của Trung tâm y tế huyện…
Mỗi tác phẩm thơ, nhạc được giới thiệu là một cung bậc của cảm xúc, một thanh âm, một gam màu của cuộc sống nơi mảnh đất “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe”. Tuy chưa phải đã hoàn hảo (và đó cũng là chuyện bình thường) nhưng với sự chân thành và lòng nhiệt huyết, những người tổ chức và các tác giả thơ, nhạc của địa phương đã có một đóng góp hữu ích vào đời sống tinh thần của nhân dân trong dịp tết đến xuân về.
Chia tay đêm thơ Nguyên tiêu Xuân Ất Mùi 2015 của huyện Ngọc Hồi, hẳn trong lòng của những vị khách đến từ các cơ quan văn hóa, báo chí, văn học nghệ thuật của tỉnh và các các huyện bạn cũng như những người làm công tác văn hóa nghệ thuật của huyện Ngọc Hồi bên cạnh những ấn tượng tốt đẹp còn là niềm tin vào sự phát triển mạnh mẽ của phong trào sáng tác văn học nghệ thuật nơi đây.