Làm người tử tế cũng...khó

Đọc xong một cuốn sách hay tôi không thể không giới thiệu cho bè bạn. Lần này tôi muốn nói về cuốn "Chuyện nghề của Thủy" do người bạn thân của đạo diễn Trần Văn Thủy (nhà văn Lê Thanh Dũng) viết cùng với anh và được NXB Hội nhà văn phát hành năm 2013, đã tái bản mà tìm mua vẫn khó.

 

 

Bây giờ thì mọi người đều biết đến các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của anh. Chẳng hạn như: Những người dân quê tôi, phim đầu tay, quay ở chiến trường Quảng Đà, đoạt giải Bồ Câu Bạc tại Liên hoan phim Quốc tế Leipzig (1970); Nơi chúng tôi đã sống, giải cao nhất Liên hoan phim Trường VCIK thi ở Ba Lan, Phản bội, về chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979, giải vàng LHP Việt Nam 1980; Hà Nội trong mắt ai, giải vàng LHP Việt Nam 1988; Chuyện tử tế (1985), nội dung về thân phận của những người nghèo khổ và những mâu thuẫn xã hội được đánh giá là tác phẩm đặc sắc nhất của đạo diễn Trần Văn Thủy, đoạt giải Bồ Câu Bạc Liên hoan phim Quốc tế Leipzig, được báo chí nước ngoài gọi là “Quả bom đến từ Việt Nam nổ tung ở thành phố Leipzig”; Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai 1999, giải Phim ngắn hay nhất, Liên hoan phim Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 43; Chuyện từ một góc phố (2003), phim về những hậu quả của chất độc màu da cam để lại trong gia đình một cựu phóng viên chiến trường; Mạn đàm về người Man di hiện đại, phim về "ông tổ nghề báo Việt Nam" Nguyễn Văn Vĩnh...

Vậy mà sao cuộc đời và chuyện nghề của anh gian truân đến khó lòng tưởng tưởng nổi. Xuất thân từ một gia đình có ông bố "lưu dung" do "dinh tê" vào vùng tạm chiếm trước năm 1954, Thủy chịu nhiều thành kiến và sau khi tốt nghiệp THPT anh được học một lớp huấn luyện ngắn hạn của Bộ Văn hóa. Năm 1960 anh can đảm làm một trong hai người đầu tiên lên xây dựng Ty Văn hóa Lai Châu và lam lũ nhiều năm chỉ nhờ lòng yêu miền núi và bà con các dân tộc ít người.

Giữa năm 1965 anh được lệnh đi bộ về Hà Nội để thi vào khóa điện ảnh có tên là "Khóa chống Mỹ cứu nước" nhưng ác thay về đến nơi thì người ta đã thi được 2 tuần rồi. May có đạo diễn Nông Ích Đạt đã thẳng thắn nói với Hiệu trưởng Trần Đức Hinh: "Tôi nói cho ông biết nhé, cái loại miền núi như tôi đào bảy ngày không ra một thằng đâu! Thằng này nó là người Kinh thật nhưng nó sống ở trên đó, phục vụ trên đó. Nếu không có thằng Nông, thằng Lò, thằng Ma nào đó thì phải đào tạo nó chứ!" Thế là anh được thu nhận với lời yêu cầu: " Cứ học thử, nếu học tốt thì được; nếu không được. không phù hợp thì trả cậu về Ty Văn hóa Lai Châu" . Nhưng Thủy lại học rất tốt. Vậy rồi chưa học được bao lâu, giữa năm 1966 đã được điều động vào chiến trường. Thủy được kết nạp vào Đảng mặc dù khi về địa phương điều tra đã bị trả lời là "Gia đình này không được" (!).

Thủy vào Nam cùng đoàn với BS Đặng Thùy Trâm. Về sau anh tâm sự: "Mình đã thoát chết hàng ngàn lần, không phải sống sót để mà ngồi đây nói khoác với nhau. Nếu có hương hồn Đặng Thùy Trâm ở đây thì chắc Trâm cũng tán thành rằng nhiều người anh hùng gấp nhiều lần Trâm. Cái điều ấy không sai đâu mà, chỉ có điều họ không có cuốn nhật ký; thứ hai nữa là họ... chưa chết" (!). Chuyện những năm thoát chết hàng ngàn lần chỉ có đọc trong sách mới hiểu nổi và đến mức khó tin trong những hoàn ảnh như vậy mà Thủy vẫn có thể quay được phim màu để chuyển ra được đến Hà Nội. Dịp may hiếm có là vào năm 1972 Thủy được cử đi Liên Xô học đạo diễn với người thầy lừng danh Roman Karmen.

Với cuốn phim "Nơi chúng tôi đã sống" anh được bảo vệ tốt nghiệp sớm hơn các bạn một năm và về nước năm 1977. Tài hoa như anh mà thật khốn khó khi tiếp tục làm những bộ phim sau đó với những tư duy ấu trí và duy ý chí của không ít người lãnh đạo văn hóa, văn nghệ thời ấy. Cũng may vì còn những con mắt sáng của nhiều vị lãnh đạo cấp cao như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh...

Đây là cuốn sách mà tôi đọc thấy trang nào cũng hay, không chỉ vì câu chuyện mà chính vì những triết lý mà đạo diễn Thủy chiêm nghiệm được trong cuộc sống. Tôi muốn các bạn tự đọc về những triết lý sâu sắc ấy, nó giúp ích cho mỗi chúng ta rất nhiều khi nhìn lại chính bản thân mình, cuộc đời mình, và xã hội mình đang sống

Tôi chỉ xin trích một đoạn viết về số phận hai cuốn phim mà chắc nhiều người trong chúng ta đã vô cùng thích thú: Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế:

"...Tôi bê năm hộp phim vào phòng khách. Gần 30 phút sau Thủ tướng bước vào. Ông bực mình nói ngay:

- Muốn xem một bộ phim mà khó thế à? Nếu khó quá thì tôi không phiền các đồng chí nữa.

Có ai tưởng tượng nổi không: Thủ tướng đã phải chờ ngót nửa tháng kể từ lúc yêu cầu xem bộ phim.........

Khi hết phim đèn bật sáng, ông Ðồng vẫn ngồi lặng lẽ, đầu hơi cúi, tay đặt lên trán. Những người có mặt trong phòng cũng im lặng, nghe rõ tiếng quạt trần quay nhè nhẹ trên đầu.

Ông trầm ngâm hồi lâu và nói:

- Tôi không nghĩ sự thể lại quan trọng đến mức này. Ý kiến thứ nhất của tôi là: Nếu đã là anh em văn nghệ với nhau thì phải biết thương yêu, bảo vệ nhau. Các anh mà không bênh vực nhau thì còn ai bênh vực các anh? Ý kiến thứ hai của tôi, anh Dũng ghi vào biên bản để gửi sang Văn phòng Ban Bí thư: Tổ chức chiếu công khai bộ phim này cho nhân dân xem, chiếu càng rộng càng tốt, càng nhiều càng tốt. Chiếu ngay lập tức! Nếu phát hiện cái gì sai thì sửa!

Trước khi chúng tôi ra về, ông còn ân cần dặn riêng tôi nếu có chuyện gì không hay thì tìm mọi cách chủ động liên hệ với ông.

Không biết có phải vì bức xúc trước số phận của bộ phim và tình cảnh của tôi hay không mà tại buổi khai mạc Ðại hội điện ảnh toàn quốc lần thứ II diễn ra tại Cung Thiếu nhi chỉ hai ngày sau khi xem phim Hà Nội trong mắt ai, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng đến rất sớm và đã có bài phát biểu hơn một giờ đồng hồ trước hơn 500 nghệ sĩ điện ảnh toàn quốc.

Ông nói rất kỹ, rất mạnh mẽ, rất sâu sắc về cách thức quản lý, lãnh đạo văn nghệ: “Ðừng bắt anh em văn nghệ sĩ phải chui qua một cái lỗ kim, theo một khuôn mẫu có sẵn...”.

Không ai ngờ, chỉ vài ba tháng sau kể từ khi Thủ tướng Phạm Văn Ðồng can thiệp, Hà Nội trong mắt ai lại biến khỏi màn ảnh. Chỉ biết là không được chiếu, bị cấm. Cứ thế mà thi hành. Chẳng ai trả lời cho có đầu có đuôi, cho ra ngọn ra ngành.

Ðối với một tác phẩm hay tác giả, lệnh cấm có thể là một biên bản hội nghị hẳn hoi được truyền đạt nội bộ, hoặc có khi chỉ là một câu nhắn nhe, một cú phôn và thường là không thời hạn...

Giờ đây khi thì trả lời phỏng vấn, khi thì trên diễn đàn, tôi đã nói lời gan ruột: tôi chẳng hào hứng gì phải nhắc lại cái thời làm phim Hà Nội trong mắt ai, tôi cũng không muốn xem lại bộ phim và kể lại những chuyện lằng nhằng vinh nhục xảy ra sau đó nữa.

Bởi nhiều lẽ:

- Chuyện này ai cũng biết rồi, nói đi nói lại thành lắm lời.

- Ba mươi năm qua rồi, xem lại thấy ngượng về nghề, về thủ pháp, chẳng có ấn tượng gì đáng kể, chỉ là những cảnh đơn sơ lắp ghép lại, được dẫn dắt bởi lời bình mang tính ẩn dụ.

- Cuốn phim quay bằng phim nhựa ORWO color 35mm màu sắc phai nhạt, xước xát, chẳng còn một bản nào nghiêm chỉnh đủ tiêu chuẩn kỹ thuật.- Phần kết phim đã bị sửa một cách ngớ ngẩn. Thời ấy trong một tình thế lúc nào cũng có thể bị bắt, tôi đã phải thêm vào một đoạn cuối cảnh quảng trường Ba Ðình vào những ngày lễ lạt. Toàn bộ đoạn ấy xuất hiện trong phim nằm ngoài ý muốn của tôi.

Tôi muốn nói thêm rằng bộ phim này nổi tiếng không phải vì thông tuệ hoặc hay ho tài giỏi gì mà vì nó gây ra sự tranh cãi ồn ĩ một thời gian dài. Người ta đã chen nhau xếp hàng mua vé đi xem chỉ vì nó... bị cấm, bị đưa lên thớt, bị quy thành vấn đề chính trị: chống Đảng, dạy Đảng cầm quyền, kêu gọi mọi người xuống đường, sau lưng đạo diễn là một lực lượng chính trị...

Chung quy nó nổi tiếng vì sự đa nghi thái quá, mẫn cán thái quá của một số người có chức quyền thời đó.

Thế rồi phải mấy năm sau, ngày 15-12-1986 Ðại hội VI khai mạc. Ông Nguyễn Văn Linh được bầu là tổng bí thư.

Ðây là một đại hội vô cùng quan trọng, nó quyết định cho sự đổi mới và đã nêu ra những khẩu hiệu:

“Nhìn thẳng vào sự thật, phản ánh đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật”.

“Hãy cởi trói cho văn nghệ sĩ”.

“Văn nghệ sĩ hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”.

“Ðừng bẻ cong ngòi bút, phải viết cái điều mình nghĩ”.

Có một nghị quyết vô cùng quan trọng đối với giới văn nghệ sĩ trí thức lúc đó là nghị quyết 05 của Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam về lãnh đạo, quản lý văn hóa văn nghệ với nội dung sửa đổi, chấn chỉnh lề lối, cách thức lãnh đạo trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ.

Tháng 5-1987 ông Nguyễn Văn Linh trực tiếp xem phim Hà Nội trong mắt ai. Ông rất ngỡ ngàng vì những đồn thổi bấy lâu nay về bộ phim.

Ông thành thật hỏi chúng tôi:

- Bộ phim này nó chỉ có thế thôi à các anh?

- Vâng, bộ phim nó chỉ có thế thôi ạ!

- Nếu chỉ có thế này thôi thì tại sao lại cấm? Hay vì trình độ có hạn mà tôi không hiểu được?

Câu nói giản dị ấy làm tôi xúc động và bị ám ảnh mãi tận sau này. Tiếp đó ông đã cho tổ chức chiếu lại Hà Nội trong mắt ai ở hội trường Nguyễn Cảnh Chân.

Mở đầu hội nghị, ông nói: “Các đồng chí, hôm nay mời các đồng chí đến đây để các đồng chí bộc bạch, kể cho nghe tất cả những quan tâm, những sự trăn trở trước đường lối, trước những cách thức đối với văn hóa văn nghệ để chúng ta có thể làm việc một cách tốt hơn với nhau. Tôi đến đây để nghe chứ không phải đến đây để nói...”.

Sau đó ông ngồi xuống và bắt đầu nghe mọi người nói. Thời kỳ đó còn có những cây đại thụ như Nguyễn Khắc Viện, Cù Huy Cận, Nguyễn Ðình Thi,... tất cả những văn nghệ sĩ trí thức lớn nhất của phía Bắc, các nhà nghiên cứu đều có mặt.

Buổi họp đầu tiên (7-10-1987) chuông reo, nghỉ giải lao, mọi người tản ra sân. Tôi đang nói chuyện với nhà văn Nguyễn Khải. Trong bộ phim Chuyện tử tế, tôi có dẫn những câu chữ của Nguyễn Khải nhưng tôi không nói hẳn ra là của ông. “Một nhà văn từng viết: con người là một sinh vật không bao giờ chịu sống thúc thủ, nó luôn muốn vươn tới cái tuyệt vời, cái vô biên, cái vĩnh cửu là những mục tiêu mãi mãi không bao giờ đạt tới”. Thời gian đó Chuyện tử tế chưa được công chiếu, tôi mới chỉ thì thầm cảm ơn ông Nguyễn Khải.

Lưu Quang Vũ đến bên và nói: “Ông Nguyễn Văn Linh bảo mình gọi cậu ra nói chuyện một tí”.

Tôi ra gặp và chụp ảnh chung với ông Nguyễn Văn Linh, Trần Ðộ, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Văn Hạnh... Ông Nguyễn Văn Linh nói với tôi:

- Ðến bây giờ tôi đã hiểu tại sao người ta cấm bộ phim ấy.

Có thể thấy việc này đã ám ảnh ông đến như thế nào (ông xem bộ phim này từ tháng 5-1987!).

Ông nói:

- Tôi đề nghị anh nên làm tập 2.

Nghe ông nói vậy, tôi đã nghĩ đến phải làm cái gì rồi.

Khi đó, bộ phim Chuyện tử tế đã làm xong cũng để đấy bởi vì bộ phim Hà Nội trong mắt ai vẫn bị cấm. Không có cách gì để quảng bá Chuyện tử tế hoặc mang bộ phim này ra để duyệt, để phát hành và công chiếu được. Chuyện đó là không tưởng. Còn bây giờ là thời cơ!

Tan họp, tôi về hãng phim gặp họa sĩ Trịnh Quang Vũ, nhờ anh viết thêm cho tôi chữ “Tập 2” dưới cái tên Chuyện tử tế, ngụ ý đây là tập 2 của Hà Nội trong mắt ai được làm theo ý của Tổng bí thư. Tôi rất biết làm thế là không phải với ông Nguyễn Văn Linh, nhưng tình thế buộc tôi phải hành xử như vậy. Tôi nghĩ việc cầm cân nảy mực quốc gia đại sự là việc của bề trên, còn việc làm phim như thế nào là bổn phận của chúng tôi. Như vậy là nhờ cái vía của ông Linh mà Chuyện tử tế ra đời, tồn tại và lang thang khắp nơi khắp chốn...

“Hồi Hà Nội trong mắt ai bị cấm, một lần sau khi chiếu phim cho gia đình đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xưởng phim tài liệu. Xem xong, đang ngồi uống trà thì mất điện, trời đã chạng vạng tối, đại tướng đứng với tôi rất lâu, ông hỏi: “Mất ngủ lắm hả?” rồi choàng tay ôm, vỗ vỗ vào lưng tôi và nói: “Cuộc sống là mẹ của chân lý”...”.

Một câu nói dễ hiểu và dễ trơn tuột đi với những người vô tâm hoặc nông cạn, nhưng chỉ có những người đã qua nhiều trải nghiệm trên đường đời mới hiểu được sâu sắc và càng trải nghiệm thì càng hiểu sâu sắc hơn. Hẳn là trong câu nói đó có cả trải nghiệm của chính vị tướng già sau bao năm chinh chiến.

Đạo diễn Trần Văn Thủy năm nay 74 tuổi, ông đang sống cùng gia đình ở Hà Nội. Ngoài việc tiếp tục bồi dưỡng lớp người thay thế ông đang im lặng và say mê với công việc làm từ thiện. Gần hai mươi năm qua, ông đã góp phần xây được tám cây cầu to, rộng, đẹp, bền chắc, xây trường tiểu học, trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, khu văn hóa, gần một trăm giếng bơm nước sạch, nhiều ngàn mét vuông bê tông đường làng, trợ cấp cho người nghèo và các cháu bị hậu quả chất độc da cam, xây dựng lăng mộ tổ, lập ấp, và nhiều việc khác nữa. Ông không nghĩ đó là việc từ thiện, vì hai chữ từ thiện khiến ông có cảm giác đó là sự ban ơn. Ông coi việc mình làm chỉ là tiến hành những điều hiếu nghĩa. Bền bỉ đánh thức sự tử tế xung quanh, và ông đã trở thành một người tử tế từ bao giờ cũng không rõ nữa.