Bài thơ hay của X. Exênin

Thơ hay Nghệ thuật cần phải riêng, phải khác, phải mới. Riêng và Khác và Mới để tồn tại và phát triển.


 

LỜI TỰ THÚ

X. Exênin

Người nào sống khác thường

Số phận định từ trước

Nếu tôi không nhà thơ

Tôi đã thành trộm cướp

Gầy gò và nhỏ bé

Điều khiển bọn trẻ ranh

Tôi về nhà là thấy

Xây xát cả thân mình

Mẹ tôi kêu hoảng hốt

Tôi nói, máu đầy môi:

“Con vấp vào hòn đá

Ngày mai sẽ lành thôi”.

Bây giờ thì khác trước

Tuổi nghịch ngợm qua rồi

Một sức sống man dại

Tràn trề trong thơ tôi

Chữ hiện lên hỗn loạn

Trong mỗi một câu thơ

Như phản ánh phá phách

Của chú bé ngày xưa.

Tàn bạo và kiêu hãnh

Dáng điệu mới luôn luôn

Xưa máu đầy trong miệng

Nay máu đầy trong hồn

Tôi không nói với mẹ

Mà với cả mọi người

“Tôi vấp vào hòn đá

Ngày mai sẽ lành thôi”./.

Tháng năm 1922

Tế Hanh (dịch)

 

Lời bình:

Ngay mấy câu mở đầu, đã báo hiệu điều gì đó không bình thường, khá rạch ròi, dứt khoát:

Nếu tôi không nhà thơ / Tôi đã thành trộm cướp

Những đoạn thơ tiếp theo là hai quãng đời khác nhau với hai hành trạng khác nhau.

Quãng đời ngây thơ hồn nhiên lúc còn trẻ nhỏ là cá tính, tính cách mạnh của một đứa trẻ nghịch ngợm, táo bạo: Gầy gò và nhỏ bé / Điều khiển bọn trẻ ranh / Tôi về nhà là thấy / Xây xát cả thân mình  và ráo hoảnh như không: Mẹ tôi kêu hoảng hốt / Tôi nói, máu đầy môi / “Con vấp vào hòn đá / Ngày mai sẽ lành thôi”.

Quãng đời trưởng thành là công việc và suy nghĩ của một người làm thơ, hoàn toàn có ý thức về hành trạng, nghề nghiệp và trách nhiệm của mình trước cộng đồng xã hội: Đó là những phẩm chất quý báu cho công việc sáng tác chữ nghĩa, một loại lao động nghệ thuật đòi hỏi nhiều vốn sống và đam mê: Một sức sống man dại / Tràn trề trong thơ tôi. Đòi hỏi nhiều tìm tòi, tâm huyết, nhiều tài năng và bền bỉ sáng tạo: Chữ hiện lên hỗn loạn / Trong mỗi một câu thơ và nữa Tàn bạo và kiêu hãnh / Dáng điệu mới luôn luôn / Xưa máu đầy trong miệng / Nay máu đầy trong hồn.

Việc so sánh hai quãng đời ấy rất đắc dụng, rất độc đáo: Nó rất khác mà cũng rất giống. Rất xa mà cũng rất gần. Giữa chúng có một nét chung, một mẫu số chung: Ấy là cá tính riêng không bình thường, khác thường so với số đông xung quanh, không chịu bằng lòng với những gì đã có, đang có. Hay muốn chối bỏ, muốn thay đổi một khuôn khổ quen thuộc sáo mòn nào đấy mang ý nghĩa phương pháp, quan niệm, quan điểm. Hay về một tư tưởng cách tân, đổi mới văn chương, nghệ thuật...

Tiếp nữa, chi tiết máu và câu trả lời ở đoạn trên được lặp lại ở cuối bài tưởng đơn giản mà thâm thúy:

Tôi không nói với mẹ

Mà với cả mọi người:

“Tôi vấp vào hòn đá

Ngày mai sẽ lành thôi”

Từ vết thương da thịt, đứa trẻ chạy về  nói với mẹ.

Đến vết thương cuộc đời hay những suy tư, trăn trở của một người cầm bút cần phải bộc lộ, phải nói với nhiều đối tượng rộng lớn, phức tạp khác nhau ngoài xã hội, tức nói với mọi người.

Hai sự việc, hai cấp độ, được nâng lên thành bản lĩnh thi nhân, bản lĩnh nghệ thuật! Nó tuyên ngôn tuyên bố giữa cuộc sống và chịu trách nhiệm trước cuộc đời.

Thơ hay Nghệ thuật cần phải riêng, phải khác, phải mới. Riêng và Khác và Mới để tồn tại và phát triển.

Lời lẽ rất bình dân, phổ thông.

Giọng nói, cách nói cũng rất đại chúng, gần gụi.

Bằng kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sáng tác và tâm huyết bản thân, Lời tự thú của Exênin nhẹ nhàng vui vẻ len lỏi vào tâm hồn, tình cảm mỗi người đọc chúng ta, nhất là giới sáng tác văn chương, nghệ thuật./.