Làm được thơ hay: Khó lắm!

Nhà thơ Chế Lan Viên có viết rằng: Bài thơ anh làm một nửa mà thôi/Còn một nửa để mùa thu làm lấy, cũng là nói cái ý ấy. Nói thực với các bạn, tôi rất muốn làm theo lời dạy này của người Thầy mình, là bài thơ, mình chỉ làm có… "một nửa" mà thôi, nghĩa là bao giờ cũng cố gắng để có một khoảng trống cho người đọc cùng nghĩ tiếp với mình, và phấn đấu để có nhiều bài có cái cho người ta nghĩ khác mình. Tất nhiên làm được điều đó rất khó và không phải lúc nào mình cũng có thể làm được.

 

 

 

Từ trước đến nay, đã có nhiều ý kiến khác nhau bàn về thơ và thơ hay, chả ai giống ai và dường như chả bao giờ kết thúc. Bởi thơ luôn luôn phát triển, và quan niệm về thơ hay luôn được bổ sung.
Tôi nghĩ: thơ là sự tương ứng giữa ý và lời. Lời và ý song song nhau, lời hết ý cũng hết là thơ trung bình. Lời hết mà ý vẫn còn, các cụ xưa gọi là dư ba, ý tràn ra cả ngoài lời là thơ hay, Ý đã hết rồi mà lời vẫn còn là thơ dở. Còn thơ rất hay là bất cứ lúc nào, ở độ tuổi nào, trong hoàn cảnh nào, đọc cũng thấy thấm, và càng ngẫm nghĩ, càng thấy có một điều gì đó còn ở phía trước... Nhà thơ Chế Lan Viên có viết rằng: Bài thơ anh làm một nửa mà thôi/Còn một nửa để mùa thu làm lấy, cũng là nói cái ý ấy. Nói thực với các bạn, tôi rất muốn làm theo lời dạy này của người Thầy mình, là bài thơ, mình chỉ làm có… "một nửa" mà thôi, nghĩa là bao giờ cũng cố gắng để có một khoảng trống cho người đọc cùng nghĩ tiếp với mình, và phấn đấu để có nhiều bài có cái cho người ta nghĩ khác mình. Tất nhiên làm được điều đó rất khó và không phải lúc nào mình cũng có thể làm được.
Chế Lan Viên dạy các nhà thơ trẻ thế thôi, nhưng cả đời thơ của ông, chỉ đến Di cảo, nhà văn Vũ Thị Thường, vợ ông, biên soạn và in cho ông, sau khi ông đã chết, ông mới làm được cái điều ông nói. Và theo tôi, đến đó, ông mới có thơ thực hay, chỉ tiếc là bài nào cũng có cảm giác còn dang dở… Thực ra điều nhà thơ Chế Lan Viên nói cũng không phải là hoàn toàn mới. Nó đã có trong kho tàng lý luận thơ ca của cha ông ta. Bởi thế mà trong không ít trường hợp, Đổi mới là trở về với Cái cũ tốt đẹp... 
Đọc thơ của một người nào, tôi muốn được đưa tay vào "khoắng" trong thơ của người đó, xem ngón tay mình có chạm vào gan ruột của tác giả hay không? Thơ chỉ hay khi có gan ruột của tác giả ở trong đó. Đấy lại là một cách hiểu khác. Tôi tin là các bạn cũng có một cách hiểu khác nữa. Và như thế, mỗi chúng ta mang đến cho thơ ít nhất là một cách hiểu khác nhau, và vì thế, thơ mới có nhiều bài thơ hay khác nhau, nền thơ mới có nhiều nhà thơ hay khác nhau. 
Thơ các bạn trẻ bây giờ có đặc điểm là nói thẳng, nói trực tiếp (tất nhiên vẫn là cách nói của thơ) với tốc độ nhanh. Có lẽ vì thế mà mất cái dư ba chăng? Tôi nhận ra thơ của các bạn trẻ còn ở điều ấy nữa. Lắng lại, ít thấy có cái gì còn ở đằng sau, cũng ít khi thấy có cái gì còn chìm lặn vào bên trong của câu chữ. 
Sáng tạo câu chữ là sáng tạo rất lớn của nhà thơ. Lao động rất vất vả của nhà thơ cũng là chữ. Chữ là vô cùng quan trọng, nên nhà thơ Lê Đạt nói, nhà thơ là phu chữ cũng phải, nhưng ai đó nói chữ tạo ra nhà thơ thì lại không đúng đâu. Vì từ xưa đến nay, chữ không bao giờ tạo ra nhà thơ. Đương thời, nhà thơ Xuân Diệu hay dùng ba chữ rất đáng nhớ là vặt lông vịt. Theo Xuân Diệu, con vịt béo hay gầy không phải ở bộ lông. Tìm thơ là tìm ở thịt con vịt chứ không phải ở bộ lông. Thịt con vịt theo Xuân Diệu là thực tế, là đời sống trong thơ, với tiêu chuẩn chân chân chân, thật thật thật. Thực ra, thơ không chỉ có chân chân chân, thật thật thật. Xuân Diệu đã thực hiện rất sốt sắng nguyên tắc mà ông tự đề ra cho mình và cổ vũ thế hệ chúng tôi, mà thơ ông ở giai đoạn này, đã mất khá nhiều bạn đọc. Nhưng điều ấy, xin được bàn vào một dịp khác.
Trở lại với khái niệm "bộ lông vịt" mà Xuân Diệu nói, đó chính là ngôn ngữ, hình ảnh, tiết tấu, dù 3 thứ đó ở trong thơ đều vô cùng quan trọng. Xuân Diệu lấy ví dụ khi dịch thơ ra tiếng nước ngoài, "bộ lông vịt" kia bị vặt đi, chỉ còn thịt là cái tứ, cái chất sống. Tôi nghĩ là ông có lý. Ví dụ như bài thơ bốn câu của Trần Đăng Khoa, bài Đất: 
Đất muốn nói điều chi thế 
Mà không nói được với người 
Mà rạo rực trong quả ngọt 
Mà rưng rưng màu lá tươi…
Nhà thơ Nga Gogol đã dịch ra tiếng Nga, xuất bản tại Nga. Hào Minh đã dịch thẳng từ tiếng Nga trở về tiếng Việt, bài thơ thứ 2 này như sau, Đất: 
Lời của đất ngắn gọn 
Thay cho lời, chỉ có 
Hoa tươi 
Quả ngọt.
Vậy lao động thơ, tâm đắc chữ... vân vân..., trong những rạo rực, rưng rưng… rồi đến cái tiết tấu của câu thơ lục ngôn, đều đã bay tiệt, chỉ còn lại cái tứ, cái ý tưởng. Cái đó mới là cái cốt tuỷ của thơ, cái bản quyền của thơ, cái nội sinh của thơ, như xương của người cha truyền lại cho con, ở bên trong, đến lúc chết, máu thịt của mẹ ở bên ngoài tan rữa hết, chỉ có xương là còn lại. Tuy thế, nói thơ là xương cũng không phải. 
Hiện nay, trong thế giới phẳng, hội nhập toàn cầu, thơ là tài sản của cả nhân loại, ý kiến trên của nhà thơ Xuân Diệu, rất đáng để cho chúng ta suy ngẫm.
Tác giả : Nhà thơ Trần Nhuận Minh