Nửa trăm năm mắc nợ một câu Kiều
Nhân đọc “Nợ một lời cảm ơn”. Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ báo Văn Nghệ số 9 (2/3/2013) “Nợ một lời cảm ơn”. Tản văn của nhà thơ Lệ Thu, báo Văn Nghệ số 13 (30/3/2013) và “Nợ một lời xin lỗi” của Cẩm Hương, báo văn Nghệ số 19 (11/5/2013). Những bài viết của các tác giả rất cuốn hút, tôi đã say mê, đọc đi đọc lại, riêng tản văn của Lệ Thu khi đặt bút viết bài này tôi đã đọc lại lần thứ ba. Tôi trân trọng cảm ơn Báo Văn Nghệ và ba tác giả Mỹ Nữ, Lệ Thu, Cẩm Hương đã cho tôi cảm xúc đẹp khi các tác giả đã trả được món nợ bằng văn chương, một niềm hạnh phúc quý giá cho người cầm bút. Với bạn đọc thì những bài viết này thực sự là món ăn tinh thần, là đời sống văn hóa, nghệ thuật… Qua Tác phẩm mới tôi cũng mong được trả một món nợ văn chương mà đã nửa trăm năm tôi chưa trả được.
Ngày ấy tôi là lính nghĩa vụ, nhập ngũ về Tiểu đoàn 14 Pháo phòng không 37 ly thuộc Sư đoàn 320. Trong một dịp đơn vị được nhận nhiệm vụ đặc biệt là kéo pháo ra miền Đông Bắc để bảo vệ tổng thống Indonexia sang thăm nước ta và sẽ ra thăm Vịnh Hạ Long (tuy nhiên chuyến thăm vịnh của tổng thống đã không diễn ra). Đêm đơn vị chúng tôi kéo pháo vào trận địa là một đêm trăng đẹp, núi đồi đồng bãi lung linh huyền ảo được dát vàng, cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên đêm trăng Đông Bắc ấy.
Chiếm lĩnh trận địa xong, trong lúc nghỉ giải lao chúng tôi kéo nhau ra một vạt đất cách mâm pháo chừng vài chục mét, cánh lính trẻ chúng tôi ngồi quây quanh anh Nguyễn Minh Hối – chính trị viên. Anh Hối nói với chúng tôi: “Mấy cậu học trò xứ nhãn hãy nhìn dãy đồi xa kia nhé”. Và rồi anh đọc luôn một loạt câu Kiều, đoạn mà Tú Bà dỗ ngon, dỗ ngọt Kiều sau cơn “…Bằn bặt giấc tiên…” Và anh đọc đến câu
“Trước lầu Ngưng bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung”
Rồi anh tiếp: “Nào, các cậu có thấy vẻ gì không? Hay là chỉ thấy vệt đồi, vệt non thôi…?”. Tuy trăng rất sáng nhưng dãy đồi thấp trước mặt chúng tôi cũng chỉ mờ mờ ảo ảo thành một vệt… Anh lại nói với chúng tôi là Truyện Kiều có nhiều bản, các nhà nghiên cứu chưa ai khẳng định bản nào là bản chuẩn. Có bản in là: “Vẻ non xa…” Có bản in là: “Vệt non xa…” Nói đến đây thì có lệnh tập trung bộ đội về vị trí. Câu Kiều mà anh Hối hỏi chưa có câu trả lời, tôi vừa chạy vừa hứa là sẽ trả lời anh vào dịp khác.
Đã đọc Kim Vân Kiều truyện mà tôi mua được ở chợ quê từ hồi còn tạm chiếm. Ngày ấy sách truyện bày bán ở các chợ như các sạp hàng xén hàng tấm vậy. Còn ít tuổi đọc Kiều làm sao hiểu hết những trùng trùng điệp điệp các tầng ngữ nghĩa của từng câu, từng chữ trong Truyện Kiều. Ấy vậy ở làng quê có rất nhiều người biết Kiều, đọc Kiều, ứng dụng Kiều trong đời sống, nhất là các bà, các chị…
Ví như câu:
“Gìn vàng giữ ngọc cho hay
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời…”
Một câu Kiều ứng dụng đầy ý nghĩa với cánh lính trẻ chúng tôi trước lúc lên đường mà các bà, các chị đọc động viên. Tuy nhiên tôi đã đọc lại Kiều suy ngẫm, đã có câu hỏi để trả lời anh Hối rồi. Thật tiếc là những năm ở gần anh, chưa có dịp nào có được không gian, thời gian như đêm trăng Đông Bắc ấy để anh em cùng nhau phân tích:
“Vẻ non xa…” hay “Vệt non xa…”
Cuối năm 1962 tôi được ra quân về đoàn Chèo Hưng Yên. Cũng trong thời điểm đó đoàn Chèo Hải Phòng về lưu diễn tại Hưng Yên, thật bất ngờ tôi được gặp anh với cương vị Trưởng đoàn Chèo Hải Phòng. Nằm chung giường cùng anh tại Nhà Thành thị xã Hưng Yên, anh em hàn huyên bao nhiêu là chuyện trên trời dưới biển, thế mà: “Vẻ non xa…” “Vệt non xa…” vẫn chưa đề cập tới.
Đến năm 1965, khi giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, tôi tái ngũ về đơn vị 1705 cục Nghiên cứu, đóng quân ở thôn Trung Hoàng – huyện Chương Mỹ - Hà Tây nay là Hà Nội. Lại một lần nữa bất ngờ tôi được gặp anh cũng trong màu áo lính với cương vị cán bộ Tiểu đoàn pháo phòng không 37 ly – Sư đoàn 320B. Anh em ôm nhau một hồi lâu, mừng vui quá đỗi, cả hai cùng cười ra nước mắt. Lần này càng không thích hợp để nói về “Vẻ non xa…” với “Vệt non xa…” được. Cho mãi tới ngày thống nhất đất nước 1975. Trong ngày hội non sông tại Công viên Thống nhất Hà Nội. Tôi gặp người bạn cùng đơn vị cũ tái ngũ cùng anh mới hay tin anh đã hi sinh tại chiến trường xa trong một trận đánh trả quyết liệt với máy bay Mỹ khi anh đang hô vang lời của liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!...”.
Anh Hối đã ra đi mãi mãi. Món nợ “Vẻ non xa…” hay “Vệt non xa…” vẫn còn canh cánh trong tôi cho đến bây giờ mỗi khi chạm tới Truyện Kiều.
Gần đây khi được tiếp xúc với nhà thơ Vương Trọng, người mà tôi cho là thấu hiểu sâu rộng Truyện Kiều. Ông nói, ông có tới sáu, bảy bản Truyện Kiều xưa và nay, ông cho tôi biết là cũng có bản Truyện Kiều in: “Vệt non xa tấm trăng gần ở chung…”. Để chính xác, tôi đã tìm mượn cùng bản Truyện Kiều mà tôi có để so sánh. Cũng theo nhà thơ Vương Trọng thì trong Truyện Kiều của Nguyễn Du tả cảnh là tả tình, cảnh bao giờ cũng gắn với tâm trạng nhân vật với từng thời điểm, từng hoàn cảnh…Vậy trong lúc Kiều vừa mới liều mình không thành, còn đang ngổn ngang với những lời ngon ngọt của Tú Bà.
“Thấy lời quyết đoán hẳn hoi
Đành lòng nàng cũng sẽ nguôi nguôi dần…”
Sẽ nguôi chứ Kiều chưa nguôi cơn bàng hoàng khủng khiếp ấy. Với tâm trạng như thế thì Kiều không thể ngắm chi tiết “vẻ ” mà chỉ thấy lòa nhòa một “Vệt non …” sẽ là có lý hơn.
Anh Hối ơi! Thực ra thì câu trả lời của em cũng là ý mà anh hỏi chúng em tại đêm trăng Đông Bắc ngày ấy. Xa anh đã nửa trăm năm. Hôm nay đứng trên tầng cao của thủ đô Hà Nội phóng tầm nhìn về Đông Anh quê anh. Em còn nhớ tên làng của anh có hai từ mà bây giờ em chỉ còn nhớ một “….Lôi”. Trời đang thu trong xanh vời vợi những dãy đồi núi hướng quê anh em cũng chỉ thấy ảo mờ một vệt. Vậy em xin trả lời anh, kính dâng hương hồn anh nén tâm nhang bằng câu thứ 1034 trong Kim Vân Kiều Tân tập, Quan văn đường tàng bản, Thành Thái Bính Ngọ (1906) “Vệt non xa tấm trăng gần ở chung…” (Qvđ)
Anh Hối thương kính, dẫu là âm dương đôi ngả, anh em ta vẫn gặp nhau tại câu Kiều này. Chào anh, một người lính - một nghệ sĩ.
Hà Nội, cuối thu 2013