Người bỏ ra hàng trăm triệu đồng "chơi" văn học Nga

Đó là Tiến sĩ Khoa học Phan Bạch Châu, sinh năm 1938, quê ở Quảng Nam, hiện ở ngách 102/15 Hoàng Đạo Thành, Hà Nội. Ông được đào tạo ở Liên Xô về cảng biển. Từ khi về hưu, ông lặng lẽ dịch và bỏ tiền túi ra in hàng chục tác phẩm nổi tiếng của các nhà văn Nga. Đó là các tác phẩm: “Một chuyện tình” (tiểu thuyết của Anatall Topliak – Nxb, Thanh niên, 2007); “Mùa lá rụng” (tập thơ Nga – Nxb. Văn hóa – Thông tin, 2007); “Giọt sáng” (tập thơ Nga – Nxb. Văn học, 2008); “Cơn mưa” (tập truyện ngắn Nga chọn lọc – Nxb. Thanh niên, 2008); “Băng giá đầu đời” (Tập thơ Nga – Nxb. Hội Nhà văn, 2010); Nastenka (Tập truyện ngắn Nga chọn lọc – Nxb. Văn học, 2011; “Chuyện đời” (Hồi ký của Paustovsky Konsatin, 3 tập, Nxb. Hội Nhà văn, 2011 - 2012) v.v.


 

 

Tôi theo một bạn viết đến thăm nhà Tiến sỹ Phan Bạch Châu. Đó là ông già tóc bạc phơ, gương mặt hiền từ, đôi mắt sáng. Dù mới gặp lần đầu, ông cũng tặng chúng tôi mỗi người ngót chục tập sách, do ông dịch. Những cuốn sách bìa cứng, in trên giấy tốt. Mỗi cuốn có độ dày 200 – 400 trang, số lượng in 1000 bản. Trong số những tác phẩm dịch của ông, tôi đặc biệt chú ý đến hai tác phẩm là “Mùa lá rụng”, tập thơ của Olga Béc gôn và “Chuyện đời”, bộ hồi ký nhiều tập của Pautovsky. Tôi đã mê đắm thơ Olga Béc gôn và thuộc nhiều bài của bà qua bản dịch của Nhà thơ Bằng Việt (mới đây là bản dịch của Thụy Anh), nhưng đối chiếu với bản dịch của ông Châu, tôi thấy cô đọng hơn; nhiều câu khác nghĩa với bản dịch của Nhà thơ Bằng Việt. Tôi không dám khẳng định bản dịch nào hay hơn, nhưng bản dịch của TS. Phan Bạch Châu chính xác với nguyên tác hơn. Chẳng hạn trong bài thơ “Mùa lá rụng”, câu đầu của khổ thơ cuối, dịch nguyên văn là “Em đi ra ga một mình”, Nhà thơ Bằng Việt dịch: “Em ra ga lòng lặng lẽ như xưa”, ông Châu dịch “Một mình em thui thủi ra ga”. Tôi trộm nghĩ, có lẽ cụm từ “lòng lặng lẽ như xưa” không phù hợp với tâm trạng cô gái trở về nhà sau khi chia tay vĩnh viễn với người yêu, tâm trạng cô chắc đang rối bời mà là“Một mình em thui thủi ra ga” mới phù hợp với “văn cảnh” chăng?

Bộ hồi ký của Paustovsky, 6 tập, in thật đẹp, mỗi tập dày 300 - 400 trang. Từng say mê những trang văn đẹp mê hồn của Pustovsky trong “Bông hồng vàng”, “Bình minh mưa” v.v. bây giờ tôi mới thấy ở Việt Nam  xuất hiện hồi ký của Nhà văn kiệt xuất này. Tôi hỏi:

- Dịch mỗi cuốn sách có được nhiều nhuận bút không, bác?

Ông Châu tủm tỉm cười:

- Làm gì có đồng nào?

Lại hỏi:

- Vậy cơ quan nào đứng ra tổ chức xuất bản vậy, bác?

- Tui!

- Nghĩa là…?

- Tui bỏ vốn làm từ A đến Z. Cuốn dày vài chục triệu; cuốn mỏng thì mươi mười lăm triệu.

- Sách bán được được không ạ?

- Tui có bán chác gì đâu. Chủ yếu là biếu tặng bạn bè, người thân… Cuốn Tạp chí “Biển & Bờ” cũng mỗi mình tui, vừa huy động bài vở, vừa biên tập, vừa tổ chức in ấn. In xong cũng chỉ phát cho hội viên, có bán chác gì đâu!

“Biển & Bờ” thuộc Hội Cảng – Đường thủy – Thềm lục địa Việt Nam. Trước đây, phụ trách Tạp chí này là Nhà thơ Mai Hồng Niên, cùng mấy em giúp việc. Nay, mỗi mình TS. Châu. Vậy mà Tạp chí vẫn ra dày dặn, trình bày khá bắt mắt, in đẹp.

Tôi nhẩm tính, ngoài thời gian bỏ ra để dịch, số tiền đầu tư cho việc xuất bản hàng chục đầu sách như vậy, không thu về đồng nào, có lẽ phải đến hàng trăm triệu đồng. Tôi hỏi TS. Châu, với đồng lương hưu ít ỏi, ông lấy tiền đâu mà in sách? TS. Châu lại cười tủm tỉm:

- Tui vẫn làm khoa học chớ. Tiền thu được từ các công trình nghiên cứu khoa học, tui dành một phần nuôi tác phẩm. Với lại, bà xã nhà tui, tuy về hưu nhưng cũng tham gia khám bệnh, tham gia các hội đồng chấm thi các luận văn thạc sĩ và tiến sĩ ở Trường  Đại học Y Hà Nội và tham gia các chương trình y tế cộng đồng. Cuộc sống không đến nỗi khó khăn lắm…

Ông Châu cho biết, nhờ có mạng Internet ông mới có thể dịch được các tác phầm này nhanh như thế. Một là tra từ điển ngay trên mạng qua nhiều ngôn ngữ (trong “Chuyện đời” một số chỗ tác giả dùng cả tiếng Ukraine, tiếng Kazak, tiếng Ba-lan, tiếng La-tinh và cả nguyên văn tiếng Pháp). Hai là nhiều tên các nhân vật và các địa danh người dịch cũng phải tìm trên mạng để hiểu đó là ai? nơi nào?... để dịch cho sát nghĩa và thoát.

Quả là một cuộc chơi trí tuệ lặng lẽ, sang trọng và tốn kém!

Đọc thêm: Bài viết của Nhà thơ Lê Trường Hưởng về TS. Phan Bạch Châu (trích)

Năm 2012, Tiến sĩ khoa học Phan Bạch Châu đã bước qua  tuổi bảy lăm. Là một chuyên gia đầu ngành về Cảng - Đường thủy và Thềm lục địa, dù nghỉ hưu, ông vẫn được Nhà nước giao nghiên cứu nhiều đề tài quan trọng, làm nhiều dự án phục vụ rất hiệu quả cho ngành.

Hằng ngày ông đều đặn đi từ nhà (khu Kim Giang) đến chỗ làm việc khoảng 10 cây số. Vài năm trước khi chưa bị tai biến, ông tự lái xe đi làm và đưa đón vợ là Tiến sĩ Y khoa Phạm Hoa Hồng, người có chuyên môn xuất sắc, dày dặn kinh nghiệm, đi làm việc và giảng dạy. Ngoài nghiên cứu khoa học, ông còn được giao làm Trưởng ban Biên tập Tạp chí Biển và Bờ, một tạp chí khoa học chuyên ngành ra hằng tháng của Hội Cảng - Đường thủy và Thềm lục địa. Ở công việc này, ông vừa làm "tướng", lại vừa làm quân, từ chọn bài, biên tập, trình bày đến việc in ấn, xuất bản, phát hành…

Khối lượng công việc nghiên cứu khoa học, làm báo đồ sộ như vậy tưởng đã chiếm hết thời gian, song với niềm đam mê văn học nghệ thuật, Tiến sĩ Phan Bạch Châu còn làm thơ và miệt mài dịch các tác phẩm đặc sắc của các nhà văn, nhà thơ lừng danh từ nguyên bản tiếng Nga. Niềm đam mê  ấy có từ khi ông còn là một cậu thiếu niên ở miền quê xứ Quảng. Sau năm 1954 tập kết ra Bắc và suốt các cấp học phổ thông, tưởng như ông sẽ đi theo con đường văn chương. Nhưng bước ngoặt cuộc đời đã mở ra khi ông được Nhà nước cử sang Liên Xô đào tạo về chuyên ngành Cảng - Đường thủy và Thềm lục địa từ bậc đại học rồi trên đại học. Giấc mộng văn chương đành phải tạm gác lại đến khi… về hưu.

Mang tiếng là đã được nghỉ nhưng với ông công việc chuyên môn không hề giảm, chỉ bớt các việc sự vụ, quản lí, bớt sức ép mạnh mẽ về tiến độ. Ông dành "phần còn lại của thời gian" cho Văn học nghệ thuật.

Sau cơn tai biến lần thứ nhất, ông đã cho ra đời tiếp nhau năm "đứa con" tinh thần: “Một chuyện tình”, “Mùa lá rụng”, “Cơn mưa”, “Băng giá đầu đời” (các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ Nga dịch từ nguyên bản tiếng Nga) và “Giọt sáng” - tập thơ do ông sáng tác.

Những tưởng con đường Văn học nghệ thuật cứ thế mà tiến lên, nào ngờ ông lại bị "tai nạn" về sức khỏe lần thứ hai: Các động mạch vành tắc hết, còn lại một "ống" mới… lấp có 64%! Bệnh viện đã phải đặt luôn cho ông hai ống Stent, nhưng sau ba ngày điều trị, về đến nhà ông lại lao vào công việc.

Thấy vậy, ông Trịnh Anh Vinh, đồng nghiệp, lại là hàng xóm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Bạn và Thơ ái ngại: "Sức khỏe bác như thế không nên làm việc nữa, nghỉ ngơi cho nhanh hồi phục, cẩn thận không nhỡ ra…".   Ông bình thản, nói rằng: "Nếu để nghỉ ngơi, không làm việc nữa thì điều trị làm gì? Quỹ thời gian của tôi còn ít lắm nên phải hết sức tranh thủ".

Như người khác chắc họ phải sống gấp, đằng này ông lại… làm việc gấp, dịch gấp! Hàng nghìn trang sách dịch theo nhau ra đời. Bạn bè bảo nhau riêng "đánh máy ví tính" đã mất nhiều thời gian rồi, đằng này lại còn phải suy nghĩ cân nhắc từng câu, từng chữ, dịch sao cho sát, Việt hóa cho hay… mà tiếng Nga lại chẳng dễ dàng gì… Chẳng rõ ông ăn ngủ vào thời gian nào nữa!

Trong vòng ba, bốn năm trở lại đây, với sức làm việc phi thường, ông đã dịch ra tiếng Việt 10 tác phẩm như các tiểu thuyết: “Một chuyện tình” của A- na-tô-li Tô-pô-li-ak, “Chuyện đời” (nhiều tập) của Pau-xtốp-xky Kôn- xtan - tin, “Truyện ngắn Nga chọn lọc”, “Thơ Nga”... đã in và phát hành ở các nhà xuất bản: Hội Nhà văn, Văn học, Thanh niên...

Đọc tác phẩm dịch của ông, người không biết tiếng Nga thấy thích thú vì nó… như ngôn ngữ Việt. Còn những người giỏi tiếng Nga cũng khâm phục tài năng chuyển ngữ của ông. Chuyên gia Nga ngữ Nguyễn Hữu Điển, một người mà trình độ tiếng Nga chính dân Mát-xcơ-va cũng phải vì nể đã thốt lên: "Nếu cho tôi dịch Văn học Nga, chưa chắc tôi đã làm được như anh Châu!".

Những ai đã từng công bố tác phẩm chắc cũng biết được rằng, để xuất bản chừng ấy đầu sách với hàng nghìn trang cần một số tiền không nhỏ!

Thường mỗi đứa con tinh thần ra đời, Tiến sĩ Phan Bạch Châu lại "triệu tập" bạn bè đến uống rượu mừng. Thực sự đó là những cuộc vui lớn với mọi người và ông cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện lắm!

Có lẽ trong trái tim ông cũng chảy dòng máu phiêu lãng “xê dịch” như cụ Nguyễn Tuân nên thoắt cái đã vào Nam, thoắt cái lại ra Bắc, trên bờ chán lại ra đảo. "Loanh quanh" mấy nước châu Á rồi sang cả châu Âu! Đấy là chưa kể có những cuộc thuần túy… ngao du khi tháp tùng phu nhân đi giảng bài ở Tây Bắc, Tây Nguyên hay một tỉnh nào đó. Sức đi cũng "khủng khiếp" như sức làm việc của ông.

Đời thường, Tiến sĩ Phan Bạch Châu là con người hào hiệp, có trái tim nhân hậu, bao dung. Ông luôn quan tâm giúp đỡ bạn bè lúc khó khăn, yếu đau. Biết chắc các bạn già điều kiện kinh tế không thể bằng mình nên đi đâu, làm gì phải chi tiêu, ông cũng kiên quyết dành phần thanh toán.

Cách đây khoảng ba năm, anh N.V, một đảng viên, lái xe ở Tây Nguyên (nay đã thành nhà báo), cả hai vợ chồng đều bị cơ quan vô cớ sa thải trái pháp luật. Không việc làm, không tiền tiêu cả gia đình gồm hai vợ chồng và một đứa con đầu lòng mới sinh lâm vào cảnh khốn khó. Tiến sĩ Phan Bạch Châu đã vào tận nơi tư vấn tháo gỡ khó khăn, đòi lại công lí và giúp đỡ kinh tế "một miếng khi đói". Sau đó, Tòa án đã phán xử công minh, cơ quan phải sửa sai, bồi thường và phục hồi mọi thứ cho N.V. Cũng từ đó N.V coi Tiến sĩ Châu và vợ ông, Tiến sĩ Y khoa Phạm Hoa Hồng như cha mẹ mình.

Dịch giả, nhà thơ, Tiến sĩ Phan Bạch Châu, một người cao tuổi mẫu mực sống vui, sống khỏe, sống có ích. Chúc ông tiếp tục nhiều cuộc chơi sang trọng nữa!