Đến với bài thơ vượt thời gian và khoảng cách hai chiến tuyến

Tháng 3/2012 trong một buổi sinh hoạt thường kỳ của CLB Nguyễn Huy Tưởng, nhà thơ Huỳnh Kỳ chia sẻ : - Thời còn thanh niên trong hoạt động đoàn hiệu, những sinh viên ở Sài Gòn chúng tôi có được biết đến bài thơ Nhà tôi của nhà thơ Yên Thao bên cách mạng. Sinh viên chúng tôi truyền tay nhau đọc và nhiều người chép vào sổ tay thơ của mình vì đó là một bài thơ hay, rất nhân văn và cũng rất lãng mạn. Đến nay gần 50 năm trôi qua tôi không nhớ hết bài thơ, chỉ nhớ được mấy câu sau:


Tôi đứng bên này sông

Bên kia vùng giặc đóng

Làng tôi đấy, sạm đen màu tiết đọng

Tre, cau buồn rũ ướt mưa sương

và câu cuối rất hay và đầy tính nhân bản.

Anh rót cho khéo nhé

Kẻo lại nhầm nhà tôi !

Nhà tôi ở cuối thôn Đồi

Có giàn Thiên lý, có người tôi thương.

Thông qua CLB tôi mong thành viên nào biết về tác giả, hoàn cảnh ra đời và nguyên bản bài thơ thì xin cho biết.

Đến kỳ sinh hoạt tháng 4/2012 thành viên Nguyễn Tiến Thành đã chia sẻ với các thành viên thông tin về nhà thơ Yên Thao và tặng nhà thơ Huỳnh Kỳ bài thơ  Nhà tôi.

Lúc này nhiều thành viên cũng muốn biết thêm hiện nhà thơ sống thế nào và có còn tiếp tục làm thơ nữa hay không. Những thành viên thích sưu tầm thì muốn có trong tay thủ bút của tác giả.

Đáp ứng lòng mong mỏi của các thành viên, tháng 4/2013 trong chuyến ra Bắc dự ngày hội “đọc sách và bản quyền thế giới” do Bộ VH TT&DL tổ chức, trước khi về Sài Gòn tôi tìm đến thăm nhà thơ Yên Thao ở phố Huế, Hà Nội.

Sáng ngày 28/4/2013 tôi đến thăm ông tại nhà ông ở phố Huế. Ông và vợ còn khỏe, qua câu chuyện tôi biết ông rất thân với hai người con nhà văn Lê Văn Trương là nhà báo Mạc Lân và bà Lê Thị Giáng Vân.

Và tôi mạnh dạn hỏi ông “Sau khi giải phóng miền Nam, ông nghĩ gì khi biết bài thơ Nhà tôicủa ông được nhiều binh sĩ chế độ Sài Gòn và người yêu thơ miền Nam yêu thích”. Ông trầm ngâm như ôn lại quá khứ và chậm rãi nói.

“Không riêng gì bài thơ Nhà tôi của tôi, bài Tây tiến của anh Quang Dũng, Màu tím hoa simcủa anh Hữu Loan và một số bài thơ khác của nhà thơ trưởng thành trong  kháng chiến chúng tôi đều được những người lính và nhân dân của phía bên kia yêu thích. Tôi nghĩ những bài thơ hay sau khi ra đời không còn thuộc về tác giả, về chính trị, chính em mà thuộc về nhân dân, những người đã chắp cánh và bảo tồn cho thơ ca của dân tộc. Do vậy, tôi nghĩ không có gì đặc biệt”.

Vâng nhà thơ nói rất đúng. Những bài thơ hay đã trở thành tài sản văn hóa của dân tộc, nó tồn tại không phụ thuộc vào chế độ này hay chế độ khác, nó chỉ phụ thuộc vào nhân dân, những người mà từ cuộc sống của mình đã làm chất liệu cho sáng tác của các nhà thơ. Chúng tôi hiểu điều đó và xin cám ơn ông đã để lại  một tuyệt phẩm cho nền văn hóa Việt Nam.

PHẠM THẾ CƯỜNG

 

BÀI THƠ ‘NHÀ TÔI’ CỦA YÊN THAO

Đôi nét về nhà thơ và hoàn cảnh ra đời bài thơ

Nhà thơ Yên Thao tên thật  là  Nguyễn Bảo Thịnh, sinh ngày 21.1.1927 quê ở Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp năm 1946. Yên Thao là một nhà thơ khá nổi tiếng thời kháng chiến chống Pháp cùng với những tên tuổi như Quang Dũng, Tất Vinh, Hồng Nguyên, Hoàng Cầm…

Nhà thơ Yên Thao viết không nhiều thơ tình, ông nổi tiếng hơn ở thể thơ trào phúng,  là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ trào phúng Hà Nội. Ở lĩnh vực thơ trào phúng, độc giả Hà Nội và cả nước biết nhiều đến thơ ông dưới bút danh Cử Yên (thường dùng nhất) hay Thái Dương, Lang Bang, Nguyễn Bảo…

Về bài thơ Nhà Tôi, nhà thơ Yên Thao kể như sau: “ Năm 1949, tôi công tác văn nghệ tại Quân đội Liên khu 3, theo một đơn vị đánh vào một đồn binh Pháp đồn trú cạnh sông ở một làng Đồi. Trong lúc đợi chờ giờ nổ súng, tôi trò chuyện với anh em và được biết ở đơn vị này có một cậu quê ở ngay làng Đồi đó. Phía bên ấy đang còn mẹ và vợ. Cậu ta lấy vợ được chừng tháng thì chiến tranh bùng nổ. Chàng lên đường đi kháng chiến, chia tay người vợ trẻ. Trong câu chuyện, mấy lần cậu ta nhắc đến giàn thiên lý của nhà mình. Tôi rất thích câu chuyện nên viết nên bài thơ “Nhà tôi”…”.

 

Bài thơ được mọi người chép tay, thuộc lòng, nhanh chóng truyền bá vào tới tận Nam Bộ kháng chiến, không chỉ với lính xuất thân nông thôn mà cả với lính thành phố cũng thấy thấp thoáng trong bài thơ những nét hợp với mình. Không những thế bài thơ còn được ngay những người lính của chế độ Sài Gòn ưa thích

 

NHÀ TÔI

 

 

 

 

Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng giặc đóng
Làng tôi đấy, sạm đen màu tiết đọng

Tre, cau buồn rũ ướt mưa sương
Màu trăng vôi lồm lộp mấy khung tường
Nếp đình xưa người hỡi, đau gì không?

*
Tôi là anh lính chiến
Rời quê hương từ dạo máu khơi dòng
Buông tay gàu vui lại thuở Bình Mông
Ghì nấc súng nhớ ơi, ngày đắc thắng
Chân chưa vẹt trên nẻo đường vạn dậm
Áo nào phai không sót chút màu xưa
Đêm hôm nay tôi trở về, lành lạnh
Sông sâu mừng lấp lánh sao lưa thưa

*
Tôi có người vợ trẻ
Đẹp như thơ
Tuổi chớm đôi mươi cưới buổi dâng cờ
Má trắng mịn thơm thơm mùa lúa chín
Ai ra đi mà không từng bịn rịn
Rời yêu thương nào đã mấy ai vui
Em lặng buồn nhìn với lúc chia phôi
Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ.

*
Tôi còn người mẹ
Tóc đã ngả màu bông
Tuổi già non thế kỷ
Lưng gày uốn nặng kiếp long đong
Nắng mưa từ buổi tang chồng
Tơ tằm rút mãi cho lòng héo hon
Ôi, xa rồi, mẹ tôi
Lệ nhòa mi mắt
Mong con phương trời
Có từng chợt tỉnh đêm vơi
Nghe giòn tiếng súng nhớ lời chia ly :
- Mẹ ơi, con mẹ tìm đi
Bao giờ hết giặc con về mẹ vui.

*
Đêm hôm nay tôi trở về, lành lạnh
Sông sâu mừng, lấp lánh sao lưa thưa
Ống quần nâu đã vá mụn giang hồ
Chắc tay súng tôi mơ về Nguyễn Huệ
Làng tôi kia, bên trại thù quạnh quẽ
Trông im lìm như một nấm mồ ma
Có còn không, em hỡi ! mẹ tôi già !
Những người thân yêu khóc buổi tôi xa ?
Tôi là anh lính chiến
Theo quân về giải phóng quê hương
Mái đầu xanh bụi viễn phương
Bước chân đất đạp xiêu đồn lũy địch.

*
- Này, anh đồng chí
Người bạn pháo binh
Đã đến giờ chưa nhỉ
Mà tôi nghe như trại giặc tan tành ?
Anh rót cho khéo nhé
Kẻo lại nhầm nhà tôi !
Nhà tôi ở cuối thôn đồi
Có giàn thiên lý, có người tôi thương.

Yên Thao- 1949