Về bức tranh tự họa

Có người hỏi tác giả: “Tại sao họa sĩ vẽ chân dung mình chỉ vẽ có nửa khuôn mặt, còn lại một nửa để trắng?”. Tác giả nói: Đúng là như vậy. Nó có lý do của nó đấy. Vì con đường vẽ tranh của tác giả nó không hợp thời, hợp thế… gặp nhiều gian truân vất vả, chỉ lặng lẽ âm thầm mà vẽ và sáng tác hàng trăm tác phẩm về quê hương Nam Định.


Bến đò Chè - Nam Định. Tranh: Hồ Y

 

 

VỀ BỨC TRANH TỰ HỌA

Hồ Y - Tự họa – Bột màu (60 x 80 cm)
Tự học thành tài, danh lặng lẽ
Thành Nam còn mãi phố HỒ Y
(Trần Mỹ Giống)
.
Có người hỏi tác giả: “Tại sao họa sĩ vẽ chân dung mình chỉ vẽ có nửa khuôn mặt, còn lại một nửa để trắng?”. Tác giả nói: Đúng là như vậy. Nó có lý do của nó đấy. Vì con đường vẽ tranh của tác giả nó không hợp thời, hợp thế… gặp nhiều gian truân vất vả, chỉ lặng lẽ âm thầm mà vẽ và sáng tác hàng trăm tác phẩm về quê hương Nam Định.
Tác giả không tán thành cơ chế tổ chức của ngành Mỹ thuật hiện nay. Họ coi trọng bằng cấp, trường lớp chính quy và phân cấp hội viên trung ương với hội viên địa phương, chuyên nghiệp với nghiệp dư, đẻ ra những hội đồng nghệ thuật độc đoán để phán xét đánh giá tác phẩm. Còn đối với những người bằng con đường tự học, vẽ nghiệp dư ít có quyền lợi thường bị lép vế. Do đó tác giả có nhiều điều suy ngẫm. Tác giả là một thành viên tham gia vận động thành lập Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh (thời kỳ đó là tỉnh Hà Nam Ninh). Những năm đầu hoạt động, tác giả có đóng góp cho phong trào sáng tác được hai tác phẩm là “Bến đò Chè Nam Định” và “Đóng thuyền xi măng lưới thép”. Cả hai bức tranh này sau khi trưng bày đã được Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Việt Nam mua và lưu trữ. Tác giả còn có nhiều tranh tham dự các cuộc triển lãm mỹ thuật như triển lãm toàn quốc, triển lãm tranh khu vực sông Hồng và triển lãm trong tỉnh. Không rõ lý do nào mà tác giả chẳng có một cái giấy khen, đồng tiền thưởng của cơ quan Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Lại còn một nỗi buồn nữa là hàng năm Hội địa phương với Hội trung ương có khoản tiền tài trợ cho các hội viên sáng tác, chẳng bao giờ tác giả được xếp loại A, loại B, may lắm thì được loại C hoặc khuyến khích. Tiền các loại tài trợ hạng cao A và B thường dành cho các họa sĩ có bằng cấp.
Đóng thuyền xi măng lưới thép. Tranh: Hồ Y
Bàn về văn học nghệ thuật, từ thời xa xưa người ta đã chứng minh là tất cả mọi người đều có thể tham gia hoạt động văn học nghệ thuật, miễn là phải có năng khiếu và lòng đam mê, sự rung động của tâm hồn, nói lên những khát vọng của mình, không phân biệt tuổi tác, địa vị, nam nữ đều được bình đẳng, tôn trọng nhau, như các vua quan ngày trước vẫn có thể làm thơ, làm văn… Tóm lại, làm văn học nghệ thuật là tay trái, rất ít người làm chuyên nghiệp. Làm văn học nghệ thuật trước hết là phải thai nghén sáng tác, phải có tác phẩm. Khi tác phẩm ra mắt thì chỉ có hay và dở, xấu và đẹp. Tác phẩm nào hay và đẹp thì được tồn tại lưu danh với thời gian. Tác phẩm nào xấu và dở chỉ có một thời gian ngắn là bị lãng quên. Nghệ thuật không có người thầy nào dạy được. Người thầy của nghệ sĩ chính là nghệ sĩ. Văn học nghệ thuật là trăm hoa đua nở, muôn màu muôn vẻ. Kỵ nhất là những cá nhân ngộ đặt mình vào chiếu trên, chiếu dưới rồi tôn mình lên giảng dạy mọi người.
Đối với tác giả, may sao ông trời có mắt, “hữu xạ tự nhiên hương”, nhờ blog và mạng internet giới thiệu, tranh của tác giả được quần chúng độc giả trong tỉnh xem và đánh giá tác giả là họa sĩ người đã gửi được hồn những con phố cổ thành Nam và chân dung văn học các văn nghệ sĩ quê ở Nam Định. Lại được nhà nghiên cứu phê bình Trần Mỹ Giống tặng tác giả hai câu thơ:
Tự học thành tài, danh lặng lẽ
Thành Nam còn mãi phố Hồ Y.
Tác giả coi đấy là những phần thưởng lớn, còn đối với tác giả quan niệm đạt được những thành công đó chỉ như là hạt cát trong sa mạc nghệ thuật. Vì trong thiên hạ còn rất nhiều người tài giỏi. Thiên hạ nhân, thiên hạ tài.
10 – 2013
HỒ Y.