HÀ GIANG TỨC CẢNH - Một bài thơ hay của Ngọc Thanh

Bài thơ hay và đẹp giống như một viên ngọc quí. Nhưng viên ngọc này thực sự trở nên lung linh và chói sáng rực rỡ nhờ bài bình tinh tế và tài hoa của Diên Minh.

 


Người ta thường nói “miếng ngon nhớ lâu” là để chỉ những món cao lương mĩ vị; khi được thưởng thức sự ngon ngọt, thơm lành, bổ dưỡng của nó, ta không thể không nhớ, có khi đến hết cuộc đời. Thơ không phải là thứ thưởng thức bằng vị giác mà bằng những cảm giác, cảm xúc đặc biệt. Nhưng có lẽ, ai “sành điệu”, say mê nó, chắc chắn sẽ có lúc phải thốt lên “Ôi! ngon quá”. Tôi lại thấy, những người mê thơ Đường luật có cái thú riêng. Họ bảo làm và thưởng thức thơ Đường luật giống như được chế biến và ăn một thứ đặc sản, nhiều khi dư vị của nó thấm thía đến tận cùng tâm hồn, tận cùng cảm xúc, “sướng” đến mức không lời lẽ nào tả nổi. Sự sung sướng này cũng có được, trong trường hợp cụ thể, là khi ta thưởng thức bài thơ “Hà Giang tức cảnh” của Ngọc Thanh, người làng Đôn Thư, hiện đang là giáo viên Ngữ văn trường THPT:

“Hà Giang – Bắc Mục” – phải nơi đây?!
Mỏi cánh chim bay suốt một ngày…
Chập tối, khỉ ho – nghe ngộ ngộ!
Rạng ngày, cò gáy – thấy hay hay!
Bốn bên, núi đỏ, mây ôm ấp…
Ba phía, rừng xanh, gió lắt lay…
Người tới từ xa, trông cảnh lạ,
Nỗi lòng sao mãi vẫn chưa khuây?!
Đọc bài thơ, tôi đoán, người am hiểu thơ Đường luật, không ai là không một lần xuýt xoa rằng, sao lại có bài thơ hay và độc đáo đến thế. Thơ Đường luật, một loại thơ “ý tại ngôn ngoại”, không phải là “món ăn” nhanh lúc đói, mà là “cao lương mĩ vị”, phải “ăn” vào lúc thư thả, thanh nhàn, “trà dư tửu hậu”. Đọc và thưởng thức thơ Đường luật chính hiệu, người đọc “tinh” và có kinh nghiệm, là cứ phải từ từ, tà tà, vừa “ăn” vừa ngẫm nghĩ mới thấy hết “vị ngon”, “vị ngọt” của nó, chớ có vội vàng mà “ăn nghiến ăn ngấu”, để chỉ thấy cái vỏ bề ngoài mà không cảm nhận được cái “đẹp” bên trong, chao ôi là tinh chất, “ăn” xong rồi mà cảm giác ngơ ngẩn cứ bám riết mãi lấy hồn ta, khó mà dứt ra được. Đọc “HGTC” cũng phải theo cách từ từ,  tà tà, không thì cảm giác ngon lành chưa đọng tí nào đã trôi đi mất, để rồi tiếc ngẩn, tiếc ngơ; hay bị người ta trách là không biết thưởng thức “món ngon”.
Sự thú vị, sung sướng “bao phủ” tâm hồn ta sau khi thưởng thức bài thơ là, bề ngoài tưởng như tác giả đem đến cho ta cảm giác buồn rười rượi khi đứng trước cảnh thiên nhiên hoang sơ, hiu hắt, quạnh quẽ, vắng vẻ nơi đất trời “thâm sơn cùng cốc”; mà thực ra, bên trong là bao nhiêu sắc thái, cung bậc tình cảm, cảm xúc được “thăng hoa” qua những nét tâm trạng đan xen, không tinh không nhận ra đâu. Chẳng thế mà, khi trao đổi, tôi được biết, tác giả đã đổi tựa đề bài thơ từ “Buồn cảnh lạ” thành “Hà Giang tức cảnh”, cho cảnh Hà Giang đã thanh lọc qua tâm hồn người nghệ sĩ, hiện hữu sinh động, hấp dẫn trước mắt ta.
Bài thơ sáng tác năm 1980, khi tác giả mới hơn hai mươi tuổi, vừa tốt nghiệp khoa Ngữ văn, trường đại học Sư phạm Hà Nội, chân ướt chân ráo, được tổ chức điều động về một trường THPT xa nhất của tỉnh Hà Tuyên khi đó. Một người trẻ, từ nhỏ sống ở đồng bằng, chỉ biết rừng núi qua sách báo, phim ảnh và chuyện kể của người lớn, lần đầu tiên đến một nơi rừng núi heo hút, xa xôi, mới lạ; hỏi làm sao không thấy lạ lẫm, bâng khuâng, ngỡ ngàng. Nhưng cũng vì trẻ tuổi mà sau cái cảm giác ngỡ ngàng ban đầu, là sự háo hức khám phá vẻ đẹp, nét độc đáo ở nơi núi rừng với sức hấp dẫn, cuốn hút lạ kì. Phải “bóc tách” bài thơ theo kết cấu chặt chẽ của thứ thơ cổ điển, mới khám phá được thế giới tâm trạng bộc lộ một cách tinh tế của tác giả.
Hai câu đề, làm nhiệm vụ giới thiệu, nhưng cách giới thiệu đã rất khéo qua cảm giác:
“Hà Giang – Bắc Mục” – phải nơi đây?!
Mỏi cánh chim bay suốt một ngày.”
Câu 1 là sự “vỡ lẽ” về một điều đã muốn được chiêm nghiệm từ lâu. Ồ! Đây là Hà Giang, Bắc Mục à? Đúng là xa thật! Phải là người trong cuộc mới thấy thấm thía cái “vỡ lẽ” đến hồn nhiên ấy. Câu thành ngữ “Hà Giang Bắc Mục” không phải là động từ, tính từ miêu tả như thường thấy mà là những địa danh trần tục; lại có sức miêu tả đặc biệt về nơi rừng núi xa xôi, thăm thẳm, cheo leo, hiểm trở vô cùng; mà tác giả đã hình dung từ khi còn nhỏ qua lời mẹ kể, giờ đang trải ra trước mắt. Ai đã từng ngược Hà Giang năm xưa, chắc đến bây giờ vẫn còn hãi hùng về con đường chẳng kém gì “Thục đạo nan” (thơ Đỗ Phủ) ấy. Hóa ra, khi sáng tác, để thể hiện một ý tưởng nào đó, người làm thơ không cứ gì phải tả dài dòng mà chỉ cần gợi, song sức gợi của nó có lẽ còn bằng mấy tả. Thì đây, câu 2 cũng chỉ là một câu kể, có hơi tả chút xíu. Nhưng cách kể cũng thật tinh vi. Vẫn là cách nói qua một hình ảnh quen thuộc của thơ ca cổ điển, khi diễn tả sự xa xôi ngàn trùng cách trở là “cánh chim”, nhưng thật “quái” khi tác giả đo khoảng cách địa lí bằng cánh chim bay trong một thời gian với con số cụ thể “suốt một ngày”. Bà Huyện Thanh Quan khi xưa viết “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi”. Hồ Chí Minh sau đó, cũng viết “Quyện điểu qui lâm tầm túc thụ” (chim mỏi về rừng tìm cây ngủ). Cùng là cảm giác mệt mỏi, xa xôi của con người gửi gắm qua cánh chim chiều, nhưng sao ta thấy ở đây, lại hàm chứa chút gì đặc biệt. Phải chăng có cảm giác đó, là do sự giản dị, “ngây thơ” trong cách nói. Đằng sau câu thơ,  tưởng như có “cặp mắt – tâm trạng” đăm đắm dõi theo cánh chim mải miết trên trời, đồng hành cùng người trai trẻ xa xứ. Và anh ấy đã tìm thấy trong thiên nhiên người bạn đường, cho vơi bớt nỗi cô đơn dằng dặc. Diễn tả sự xa xôi bằng cách này thì thật không có gì khéo hơn. Thế mới biết, đọc thơ phải đồng cảm với người sáng tác, mới hiểu chiều sâu của sự sáng tạo độc đáo.
Vậy là, có thể thấy, ngay trong hai câu đề, cảnh và tình đã được thể hiện khá “tinh”, đã hòa quyện, gắn chặt như hai mà một. Sự hài hòa tiếp tục được bộc lộ ở 2 cặp thực, luận của bài thơ. Nhưng trong hai cặp câu này, bên cạnh cái “tinh” còn có cái “nghịch”, thú vị vô cùng. Cả hai cặp đều là tả thực và qua cách tả tài tình, bức tranh thiên nhiên nơi núi rừng hiện lên có cả màu sắc, cả âm thanh; được cảm nhận bằng sự nhạy bén của con mắt, cái tai tinh tường, nơi trái tim người nghệ sĩ rung động sâu xa với cảnh thiên nhiên kì thú. Và điều khoái chí là, bức tranh ấy như thực như hư, tưởng như hiện hình mà lại mơ hồ, rất thực mà rất ảo, nhìn bao quát thì tĩnh, nhưng từng chi tiết thì động và gợi cảm. Nếu ai đó cảm nhận, cảnh thiên nhiên hiu quạnh, vắng vẻ, hoang sơ, xa xăm, khiến cho con người buồn, thì chưa đủ. Bởi, ở đây có buồn, có cô đơn, nhưng đó chỉ là bề ngoài và thoáng qua. Còn đối với người trẻ kia, niềm vui, chất phong tình, sự thích thú khám phá, thưởng thức mới là nét tâm trạng chủ đạo. Thật “khoái” làm sao khi nhà thơ “đánh lừa” được người đọc chưa đọc kĩ:
“Chập tối, khỉ ho, nghe ngộ ngộ…
Rạng ngày, cò gáy, thấy hay hay…
Bốn bên, núi đỏ, mây ôm ấp…
Ba phía, rừng xanh, gió lắt lay…”
Này nhé! Trong bốn câu thơ, nếu để tâm ngẫm nghĩ một chút, người đọc sẽ thấy, tác giả sử dụng hai thành ngữ và bốn từ láy sao mà điệu nghệ nhường ấy. Hai thành ngữ “khỉ ho cò gáy” và “rừng xanh núi đỏ”, vốn dĩ là hình ảnh ước lệ (mang tính khái quát, không có thật) được “bẻ” đôi ra “lắp ghép” khít khìn khịt “như cậu với mợ”, rất “hợp tình, hợp lí” với hoàn cảnh địa hình, thời tiết, không gian, thời gian tạo nên bức tranh vừa thật, vừa ảo, vừa mơ màng, vừa hiện thực. Người ta thường “chiết tự” từ, đây tác giả lại “chiết”…thành ngữ, quả là một sáng tạo tuyệt vời. Và bốn từ láy đặc tả “đắt xắt ra miếng” đặt ở cùng một vị trí cuối bốn câu thơ thì không có gì hiệu quả hơn trong “nhiệm vụ” chuyển tải những nét tâm trạng, được bộc lộ tinh vi của nhà thơ. Người sành thơ, khi tìm hiểu một bài thơ thường chú tâm phát hiện “thần ý”, “thần tự”, vì đó là “chìa khóa” để mở cánh cửa “tham quan”, khám phá “ngôi nhà thơ” là vậy.  Hai cặp thực, luận, cặp nào ra cặp ấy; cứ đối nhau chan chát, chằn chặn, “vuông thành sắc cạnh”, mà vẫn tự nhiên, dung dị, bay bổng, hòa hợp...
Ở hai câu thực, nhà thơ cảm nhận thiên nhiên qua thời gian bằng cách “chiết” thành ngữ “khỉ ho cò gáy” với hình ảnh và âm thanh: “khỉ ho” đặt vào thời điểm “chập tối”, “cò gáy” đặt vào thời điểm “rạng ngày”, hợp lí quá đi! Thực ra, trong cảnh thiên nhiên, làm gì có những hình ảnh và âm thanh ấy. Tác giả dân gian khi xưa đã khéo tưởng tượng để đặc tả sự hoang sơ, vắng lặng của chốn “ma thiêng nước độc” và nhà thơ lại mượn cách nói ấy để gợi tả cảnh núi rừng heo hút, hoang dã. Thủ pháp truyền thống trong thơ ca cổ điển “dùng động để tả tĩnh” ở đây đã phát huy tác dụng rất cao. “Nghe” những âm thanh ấy, người trẻ nọ có buồn đâu nào! Chỉ có ngỡ ngàng, thích thú, sương sướng đấy chứ, “nghe ngộ ngộ”, “thấy hay hay” kia mà. Tác giả như không kìm được lòng mình mà phải tự nhiên thốt lên cảm xúc “nghe”, “thấy” từ trong tâm hồn, rất trung thực, thật thà, chính xác. Và hai từ láy “ngộ ngộ”, “hay hay” thì chắc không phải giải nghĩa nhiều, người đọc cũng có thể cảm nhận sự độc đáo, thú vị vì bản thân nó đã hiển hiện cái “hay”, cái “ngộ” rồi. Tôi chắc khi đọc lại và tưởng tượng hình ảnh “khỉ ho”, “cò gáy”, chính bản thân tác giả cũng phải cười thầm, khoái chí! Nó “ngộ” vô cùng!...
Nếu trong hai câu thực, nhà thơ cảm nhận thiên nhiên qua thời gian, thì trong hai câu luận, tác giả lại miêu tả thiên nhiên qua không gian. Nếu bức tranh thiên nhiên ở hai câu thực được quan sát qua cái nhìn “cận cảnh”, thì ở hai câu luận là cái nhìn “viễn cảnh”. Không gian được mở ra theo “rừng xanh, núi đỏ” rộng lớn, bao la với “bốn bên”, “ba phía”, nhiều chiều, có mây, có gió, có đất, có trời. Song hình ảnh không gian ấy không “chết cứng” như trong bức tranh của hội họa. Cũng đầy màu sắc và là màu sắc đậm đặc đấy, nhưng nó được “vờn vẽ” bằng tâm hồn đậm chất phong tình của nhà thơ. Nên mây và núi mới “ôm ấp” nhau tình tứ đến thế! Và gió “lắt lay” như gợi lòng người đượm chút buồn hiu hiu, nhè nhẹ, bâng khuâng, buồn nhưng không “thảm”.
Cũng thật hàm súc khi bức tranh toàn cảnh Hà Giang được quan sát và gợi tả trong khoảng thời gian “suốt một ngày” đủ cả sáng, trưa, chiều, tối, đêm, ngày trong tâm trạng đan xen nhiều màu vẻ của tác giả, dù vẫn cứ còn lạ lẫm, ngỡ ngàng, thương nhớ. Câu thơ Xuân Diệu, phải chăng rất đúng trong trường hợp này:
“Sáng trông mặt đất thương xanh núi
Chiều vọng chân mây nhớ tím trời”
Vậy nên, nhà thơ vẫn kết theo cách bài bản như nguyên tắc thơ Đường luật, nhưng cái kết ấy vẫn có vẻ là “động tác giả” để đùa bạn đọc cho vui:
“Người tới từ xa trông cảnh lạ,
Nỗi lòng sao mãi vẫn chưa khuây!?”
Câu thơ bề nổi bảo “chưa khuây” nhưng đồng cảm với tác giả qua “đề, thực, luận” thì nó “cãi” đúng lí là “quá khuây rồi”. Vì “cảnh trong tình ấy, tình trong cảnh này” đã hòa hòa hợp hợp, khăng khăng khít khít, chỉ có làm lòng người dịu lại, hòa vào với cảnh mà thưởng ngoạn như người du khách có “máu nghệ sĩ”, tìm đến nơi thiên sơn vạn thủy, để thỏa cái thú tang bồng, hồ thỉ của tâm hồn lãng tử, phiêu du. Bài thơ mở đầu và kết thúc đều bằng một câu hỏi mang sắc thái tu từ, nhưng ý nghĩa thì khác hẳn nhau. Mở đầu là sự xác nhận, còn kết thúc lại lửng lơ, lững lờ, cứ “lung linh” gợi mãi dư âm tâm trạng trong lòng người đọc…
Cũng cần phải nói thêm một chút về âm điệu, nhịp điệu của bài thơ. Nhịp thì rõ là chuẩn, theo đúng nhịp chẵn lẻ đều đều, thường thấy của thơ Đường. Nhưng âm điệu lại mang đến cho người đọc cảm giác êm nhẹ, khoai khoái thế nào ấy. Nếu để ý, bạn đọc sẽ cảm nhận, không phải ngẫu nhiên, mà nhờ vào dụng công nghệ thuật trong cách bố trí và dùng từ ngữ khéo léo của tác giả mà có được cảm giác đó đấy. Tìm hiểu chút xíu sẽ thấy ngay. Ví dụ, ở cặp câu thực, nếu câu 1 có  nhiều nguyên âm “o”, “ô” thì ở câu 2 lại có nhiều nguyên âm “a”, “â”, tạo vần “lưng” ngay trong câu thơ, đọc lên nghe rất thích, cứ như ru ấy. Thử đọc lại mà xem:
“Chp ti, khỉ ho – nghe ng ng,
Rng ngày, cò gáy – thy hay hay!”
(Câu thơ Tố Hữu:
“Lá bàng đang đỏ ngọn cây
Sếu giang mang lnh đang bay ngang trời”)…
Như vậy, có thể nói, bài thơ “Hà Giang tức cảnh” là một bài thơ hay, trọn vẹn cả về nội dung và hình thức nghệ thuật; mang đậm cả chất cổ điển và chất hiện đại; lấp lánh ý nghĩa sâu xa, hàm súc. Tất cả hòa làm một, tạo nên một thi phẩm Đường luật có giá trị, rất đúng với phong cách người làm thơ. Nó có thể khiến ai đó chưa từng đặt chân lên đất Hà Giang, phải say đắm mà mau mau chóng chóng mang bầu rượu túi thơ, ngược vùng “rừng xanh núi đỏ”, để một lần thỏa sức đắm mình vào thiên nhiên thơ mộng, hữu tình. Được thưởng thức một bài thơ như thế, cũng chẳng khác nào thưởng thức một món sơn hào hải vị, ăn rồi còn đọng mãi dư vị ngọt ngào, thơm ngon, bổ dưỡng,…trong đời dễ có mấy khi! Chỉ khác, nó là dư vị bổ dưỡng cho tâm hồn người yêu thơ và “cảm” thơ!
Tháng 7 – 2012