Những phiên bản cảnh báo và phản tỉnh trong truyện ngắn của Vũ Duy Hòa

...Người ta sống bằng những phiên bản thường không được định trước. Lúc là cái bóng của quá khứ, lúc lại là hiện hữu của thực tại, lúc lại là cái ảo của tương lai. Thật không thể ngờ được rằng truyện ngắn của Vũ Duy Hòa đa phần nhập thân cho những cảnh báo và phản tỉnh đối với con người trước những biến đổi có tính khốc liệt của cuộc thế, trước những rạn vỡ của nhân tính, cùng sự thao thiết vẫy gọi hướng tới một đời sống tốt đẹp, nhân ái, bao dung. Một thế giới có tính người. Một thế giới sạch.

 

Phạm Khang

(Nhà thơ, BTV Nxb Thanh Hóa)


 

Người viết chắc cũng rất đau lòng, căm giận, thương hại cho những mẫu người như Son, Đa (Đại gia); bà Tam, ông Tư, tên Hán (Cồng bà); các nhân vật trong các truyện ngắn“Biến sắc”, “Ảo mộng vàng đen”…là hiện thân cho loại người tham lam, tàn độc, thủ đoạn, biến chất, cơ hội…Đó phải chăng là mặt trái không hoàn thiện của kinh tế thị trường, là cái không hoàn hảo mang khuôn mặt tội lỗi của thế giới phẳng toàn cầu hóa 3.0. Truyện ngắn “Oan gia” gợi lên sự nhức nhối đau đớn trong cuộc đấu không cân sức của sự đố kị, ganh ghét, lạc hậu, bảo thủ nơi lớp người làm ăn theo kiểu quan liêu bao cấp với lớp người mới; năng động và sáng tạo. Cái kết không ngờ là sự trả giá quá đắt khi mà họ đã mất lòng tin của nhau. Cái thiện, cái chân chính đã thắng nhưng mà thắng trong nước mắt. Đó là bi kịch của đời sống, sự cảnh báo ở đây là cần thiết, là đắc dụng của nghệ thuật.

Truyện “Nước mắt chảy xuôi” là câu chuyện cảm động của lòng tốt. Nhân vật Bân vụt sáng trong lối hành xử, ứng xử...làm người đọc có cơ hội thở phào khi được an ủi rằng xã hội này còn có rất nhiều người tốt, ngược với thói vô cảm, dửng dưng trước cái ác, cái xấu của bao người. Cái chết tức tửi của bà Thê trong “Ước nguyện của bà” phản tỉnh về sự vô tâm của lối sống thiếu trách nhiệm và lười nhác của cháu con; rằng con người tự bản thân phải biết vươn lên làm chủ cuộc sống, ăn ở có nghĩa có tình, không vô ơn với bậc sinh thành đã một đời nuôi chúng nên người. Ước nguyện của bà Thê  bỗng dưng trở thành hư ảo; hư ảo trong hình hài khi bà còn sống, hư ảo ngay cả trong cái chết của bà. “Nghiệp chướng” có motip của Vọng Phu, câu chuyện thương tâm của huyền thoại đá. Truyện có lối dẫn bất ngờ đến khó tin, nhưng đó là sự phũ phàng trêu chọc không phải lúc của cõi đời cát bụi. Nó hiện lên nhân văn và đau khổ đến không ngờ trong thời hậu chiến. Vợ chồng Tư – Năm là biểu tượng của nước mắt và cay đắng; khi nhận ra trái ngang thì họ đã mất tất cả! Truyện cảnh báo về những bi kịch trong hôn nhân không rõ cội nguồn, là tiếng nấc không mang dấu ấn thời đại nhưng rất dễ làm chúng ta phải động lòng, thương cảm. Số phận con người còn hiện rõ hơn trong các truyện “Kiếp phận”, “Hoa rừng nở vội”…Con người sẽ ra sao khi quá khứ của họ bị người khác đánh cắp, lợi dụng, thậm chí bán mua. Những truyện ngắn này cho ta thấy một khi lương tâm được đánh thức nó sẽ rên rỉ và gào thét lên như thế nào với mục đích duy nhất là mong được người khác tha thứ. Giá trị của cuộc sống luôn phải là một đời sống có thật, được tôn trọng và trong sạch. Vị giám đốc hợm hĩnh, kiêu căng, hách dịch trong “Lời sám hối muộn màng” là bài học đích đáng cho những kẻ quay lưng lại với đồng đội, với quá khứ, với chính lương tâm làm người của mình.

Truyện ngắn của Vũ Duy Hòa mắc bệnh khó chữa là đa mang phận người, phận đời. Cái tâm của người viết luôn bị thôi thúc tới mức bị ám ảnh bởi phận người, phận đời. Mà đời thì bao la lắm, lại nhiều khúc quanh co nhiều chuyện không thể nói ra hết được. Đến bậc đại trí đại nhân như Phật Thích Ca còn nói: “Người ta ở đời, gặp phải kẻ xử với mình một cách ngang ngược, thì nên coi mình đi trong bụi rậm, vướng phải gai chỉ nên thong thả đứng lại, gỡ dần ra mà thôi. Gai góc kia có biết gì mà đáng giận. Xử được như thế thì tâm mình không phiền não mà bao nhiêu nỗi oán hận cũng tiêu tan.”    Dấu ấn chiến tranh là đề tài mà Vũ Duy Hòa không thể cầm lòng. Đúng thôi, tác giả cũng từng là một người lính cầm súng chiến đấu ở chiến trường thời chống Mỹ - Ngụy. Viết về chiến tranh Vũ Duy Hòa không viết về những trận chiến, ít có đạn bom, máu chảy, đầu rơi. Anh viết về cái kết có hậu đầy tính người qua những vết thương lòng nơi con người thời hậu chiến. Thì ra chiến tranh không hoàn toàn chỉ là chết chóc, ngược lại nó còn là cơ hội, là điểm nhấn cho tình yêu và đức hy sinh bình dị của con người lên ngôi. Họ là những con người đáng kính, là anh hùng vô danh khi tình yêu của họ dành cho nhau không mảy may một chút lụy phiền. Vô tư trong cuộc sống, dũng cảm trong chiến đấu, yêu nhau thật thủy chung, son sắt. Truyện “Ước hẹn không lời” là lời tri ân với quá khứ, người ta khóc cho nó, và tự hào cũng vì nó. Nhân vật Thủy là một bài ca đẹp, một bông hoa đẹp của tình người, tình yêu trong chiến tranh. “Chiếc khăn rằn” lại đưa chúng ta về với một không gian khác, thời khắc khác. Ông Cung nhận ra đứa con của mình để lại trong chiến trường là sự thao thức có trách nhiệm của những người còn sống đối với người đã khuất, là cảm thán khôn nguôi về tình yêu và đức hy sinh của người yêu đối với mình. Đó là món quà vĩ đại khi mà tình yêu đã chiến thắng được đạn bom và chết chóc: “Rưng rưng trước ngôi mộ cũ xưa, ông Cung quàng chiếc khăn rằn rồi thầm thì: Thưa má, con đã trở về viếng má. Trên trời cao linh thiêng má tha thứ cho con, con có tội với má, có tội với em Thắm…Gió lay nhẹ làn khói mỏng từ nắm nhang trên mộ vấn vít bay lên không gian thăm thẳm. Ông Cung như thấy thấp thoáng bóng áo bà ba và chiếc khăn rằn quấn trên đầu của má đang chèo ghe chở ông băng qua lửa đạn trên dòng kênh ngày nào.”

Cảnh báo và phản tỉnh là thiên chức của văn học. Văn học có cái đặc ân là đem tới cho người đọc một đời sống khác, cái đời sống vừa cũ lại vừa mới, được tái tạo và được nâng lên một tầm cao mới, một tâm thế mới. Đó là lúc văn học vượt qua được cái đời sống bình thường để hóa thân thành tư tưởng, có giá trị dẫn dắt lương tri và thời đại. Vũ Duy Hòa đã có bước đi mạnh dạn, khi xả thân vào cái ma trận bát quái đồ của xung lực và thách thức của truyện ngắn trong “Chuyện cũ kể lại”. Có lúc tôi tưởng anh rất dễ buông xuôi, bất lực. Nhưng thật may, bây giờ thì tôi đã có cái để nói trong bài viết nhỏ này. Xin được gọi đó là một “chiến tích”. Một “chiến tích” văn xuôi đọc được hẳn hoi. Không phải truyện nào cũng hay cả, có truyện còn non, sượng, lối viết vẫn theo lối cổ điển, nhiều nhân vật lớp lang, áo mũ đến giọng điệu còn sơ sài…thôi thì được đến đâu là quý, là nâng niu đến đấy. Viết văn nhiều khi như đi cày ruộng là thế!

Làm văn thì phải phiêu lưu, mạo hiểm. Lá gan của nhà văn nhiều khi phải to như núi, tâm thì phải như biển rộng sông dài may ra mới chạm vào được cái sướng, cái buồn nhân thế. “Chuyện cũ kể lại” nói ngoa ra cũng được xem là một cuộc phiêu lưu, có điều đó là cuộc phiêu lưu đáng trân trọng. Xin có lời tri ngộ với anh qua tập truyện ngắn đầu tay xuất bản đầu năm Bính Thân này.Mùa xuân 2016


P.K