Sáng mãi phẩm chất người lính

Cảm nghĩ khi đọc tập truyện ký: TRƯỜNG SƠN NGÀY ẤY của Tùng Lâm. Thế hệ chúng ta vừa phải trải qua cuộc chiến tranh bi hùng nhất lịch sử nước Việt. Đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trường sơn, nơi mở ra con đường huyền thoại, con đường máu lửa, con đường quyết định dẫn đến thắng lợi ngày 30/4/1975.


 

 

Đường Trường sơn vừa là con đường công khai cũng là con đường bí mật chuyên chở vũ khí, khí tài, lương thực. Che chở những đoàn quân xuyên rừng lội suối rầm  rập từ hậu phương lớn miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam làm lên chiến thắng. Công đầu trong những chiến công đã làm lên lịch sử vẻ vang ấy thuộc về những chiến sĩ Trường sơn. Đó là những người lính công binh mở đường, những nam, nữ thanh niên xung phong, những chiến sĩ giao liên vượt gian khổ hiểm nguy làm con thoi  giữ liền mạch cung đường và những chiến sĩ lái xe quả cảm, suốt mười sáu năm ròng (1959 - 1975) ôm tay lái. Xe không kính, soi đường là ánh sáng đèn gầm nhòa nhạt. Mồ hôi, nướt mắt và máu của các chị các anh đã đổ ra rải khắp mọi cung đường, thức với ngàn đêm để cho hàng vạn tấn hàng được đưa đến tiền phương. Tổ quốc đời đời vinh danh các chị, các anh. Đó cũng là cảm hứng cho hàng ngàn tác phẩm của các nhà văn chuyên và không chuyên đã viết về chiến công của các chị các anh, viết về con đường Trường Sơn huyền thoại.

Tập truyện ký TRƯỜNG SƠN NGÀY ẤY  của tác giả Tùng Lâm vừa được nhà xuất bản  Hội Nhà văn ấn hành quý 3 năm 2015 cũng viết về đề tài này.

Tùng Lâm nguyên là chiến sĩ lái xe, anh có thâm niên cầm lái  lăn lộn gần chục năm trời trên đường Trường sơn  gian lao và anh dũng.

Sách được trình bày trang trọng và rất đẹp mắt. Khi mở đến trang 16 Thấy tấm ảnh minh họa: Chàng trai trẻ mặc quân phục đôi mắt mở to rực lửa môi mím lại tay đang ôm vành lái và tấm ảnh thứ hai (trang 140) Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang nắm tay Tùng Bách và ảnh tác giả in trên bìa 4 – Người đọc vẫn dễ dàng nhận ra Tùng Lâm – Tùng Bách chỉ là một người. Nhưng điều làm lên giá trị tập sách TRƯỜNG SƠN NGÀY ẤY là ở phần nội dung.

Tập sách khiêm tốn chỉ gồm mười một bài viết. Ngay từ lời tự giới thiệu, tác giả Tùng Lâm đã làm người đọc hài lòng. Lời lẽ thâm tình, giọng văn trôi chảy khúc triết. Dẫu chỉ là lời giáo đầu thông lệ nhưng sự bộc trực chân thành có sức cuốn hút để người đọc đồng điệu lật vào trang tiếp. Tác giả đã cho chúng ta sống lại một thời quá khứ chưa xa. Buổi lễ hạ sao mà thế hệ trẻ hôm nay không còn nghe nhắc đến và có thể không hiểu nó mang ý nghĩa gì? - Đó là buổi lễ tiễn những đoàn quân giương cờ mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng năm cánh ra quân vào chi viện chiến trường. Đây là trách nhiệm và vinh dự mà tuổi trẻ lúc ấy rất đỗi tự hào.

Vào trận – trang 7 là khúc mở đầu hùng tráng cho những người đã đi qua cuộc chiến tranh thấy lại mình một thuở hào hùng. Sức xuân tuổi hai mươi bỗng ào ạt ùa về. Ký ức bừng thức,  thấy mình như đang hiên ngang bước đi trong đội ngũ trùng trùng tiến về phương nam – “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước…”. Những đoàn người đưa tiễn đứng kín hai bên đường, nụ cười long lanh nước mắt, tiếng trống ếch rộn ràng, những lứa đôi nghẹn ngào bịn rịn. Hình ảnh một ông già đang giơ nhát cuốc ngang đầu, trông thấy đoàn quân hiên ngang ra trận. Cảm xúc dâng dâng ông quên cả việc đang làm là bổ nhát cuốc xuống ruộng mắt cứ trân trân đứng như thế nhìn theo. Những cánh thư như bươm bướm ném xuống mặt đường, đoàn người lao xao đón nhận…Đấy là khung cảnh hoành tráng tiêu biểu mà một thời hậu phương tiễn đưa những đứa con yêu quý ra mặt trận. Có thể nói những đoạn ký này của Tùng Lâm chính là những khắc họa lịch sử trung thực nhất để văn học lưu lại.

 

Thế hệ chúng ta đã quen nghe đến cụm từ: Chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Thế hệ kế cận nếu được nhắc lại có thể các em sẽ thấy mông lung trìu tượng không tường tận nó ám chỉ cụ thể những gì.  Thì đây TRƯỜNG SƠN NGÀY ẤY  của Tùng Lâm đã cho người đọc hiểu và cảm nhận sâu xa về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Đó là những hình ảnh tiêu biểu nói  về người chiến sĩ lái xe  Trường sơn Hà Văn Vấn. Người được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cấp trên lệnh xuống cho đơn vị “bắt” anh phải nghỉ ngơi trong nhà hầm để được an toàn tính mạng chờ giao liên đưa ra miền bắc đào tạo cán bộ nguồn. Nhưng anh không muốn cầu toàn -  còn một ngày ở chiến trường  cũng phục vụ hết mình.. Anh yêu cầu được lái xe xông ra phía trước. Anh nêu tấm gương tận tụy can trường, cần mẫn, “Yêu xe như con, quý xăng như máu”. Năm năm cầm vô lăng trong tuyến lửa vượt hàng vạn cây số, chở hàng ngàn tấn hàng. Vẫn giữ xe an toàn. Tinh thần quả cảm gan góc  mà bình dị của anh là tấm gương cho những chiến sĩ trẻ như Bách noi theo. Anh đã đào tạo truyền dạy cho họ có thêm kinh nghiệm, bản lĩnh vượt qua mọi hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ. (Người anh hùng bình dị)

Còn tiểu đoàn trưởng Sính quê Cát Dài thành phố Hải Phòng. Một cầu thủ bóng đá nổi danh một thời. Không ngồi hầm chỉ huy sở ra lệnh chung chung mà mỗi lần đơn vị xuất kích là mỗi lần có mặt bám xe, ngồi bên chiến sĩ lái để kịp thời chỉ đạọ khi gặp tình huống. Có trường hợp đặc biệt, một chiến sĩ buông tay lái bỏ xe, sợ chết không dám xông lên, anh rút súng ra khỏi bao cưỡng chế anh ta trở lại xe đi tiếp: mệnh lệnh chiến trường, tôi có thể bắn anh, kẻ tháo lui (trang 69)

Trước hành vi tiêu cực anh cương quyết độc đoán đến lạnh lùng, để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, song lúc yên bình lại ngọt ngào vỗ về chiến sĩ: Em bình tĩnh lại, chúng ta sinh ra bằng xương bằng thịt ai mà chẳng sợ chết. Không sợ chết không phải là người – (trang 70)

Rất thương chiến sĩ, trong một chuyến đi quyết liệt, anh nói:  Bách à! Trắng hai đêm rồi, tranh thủ chợp mắt đi, tao cầm lái cho – (trang 76)

Và đấy là lần ôm tay lái cuối cùng của người sĩ quan kiên cường dũng cảm: Thằng AC130 hạ độ cao đang quần đảo dữ dộ, nó rẹt cấp tập những loạt đạn 20 ly cày  toang toác quanh xe… thằng F4 bổ nhào tới…Anh đổ gục xuống tay vẫn còn ôm chặt vành tay lái… –  trang 77 (Tiểu đoàn trưởng)

Nói đến chủ nghĩa anh hùng cách mạng là nói đến sự can trường dũng cảm không sợ hy sinh của người chiến sĩ… Suốt trong  mười câu chuyện mà Tùng Lâm kể trong TRƯỜNG SƠN NGÀY ẤY  thì chuyện nào cũng gặp. Họ là những chiến sĩ lái xe, những chiến sĩ công binh phá bom mở đường những con người bình dị nhưng rất đỗi can trường dũng cảm. Chưa có ngôn ngữ, câu chữ nào thỏa đáng để vinh danh về họ. Họ là những người nông dân bám làng bám đất, kiên quyết ở lại cùng bộ đội góp phần giữ vững mạch máu giao thông. Đó là vợ chồng ông già trong “Cung đường ông lão”. Hễ có xe  sa lầy là y như rằng đã thấy vợ chồng ông xuất hiện giúp đỡ. Một lần xe Bách bị  sa lầy họ đã chặt cây nhãn cuối cùng trong vườn nhà vác ra để cứu xe. Đúng là tổ quốc trên hết, còn  non sông đất nước sẽ còn tất cả. Những người dân ấy đã đặt lợi ích quốc gia lên trên quyền lợi riêng mình.

Đọc TRƯỜNG SƠN NGÀY ẤY của Tùng Lâm, điều làm chúng ta ám ảnh mãi vẫn là những chi tiết trong hai chuyện “Đèo giăng gió” và “Những bông hồng lửa”. Hình ảnh những cô gái Trường Sơn treo mình lơ lửng trên vách đá như những con  nhện giăng mành để đục đá, nổ mìn mở đường thông tuyến. Ngoài cái chết do bom đạn rình rập còn những hiểm nguy liền kề như sẩy chân, đá lở , đứt dây…đọc mà thấy xa xót quá. Họ! Những người phụ nữ được tạo hóa sinh ra mang thiên chức rất riêng và thiêng liêng. Họ là hoa của đời, là sắc hương của cuộc sống. Vậy mà chiến tranh đã đẩy  họ vào gian khổ, hiểm nguy tưởng như quá sức tưởng tượng “Đèo giăng gió”.

Tùng Lâm đã cho chúng ta được nhìn cận cảnh những người con gái ấy hy sinh và chịu đựng tới mức nào: -  Tụi em bảo vệ đèo đã gần hai năm… Cực nhất là thiếu nước sinh hoạt. Trên đèo nắng như nung…nước phải trông vào mấy anh lái xe. Nên ở đây mỗi giọt nước là một giọt máu…Bọn em cắt phiên mỗi ngày được hai đứa gội đầu qua quýt cho bớt bụi đất. Phải chờ sáu ngày mới đến lượt mình. Một tuần giặt quần áo hai lần. Mỗi lần cử ba đứa theo xe vào ngầm cách cả chục cây số. Họ giặt quần áo cho cả tiểu đội và được tắm gội….Điều kiện cực rứa buộc phải tìm cách thích nghi, rứa là nghĩ ra cách “tắm khô”…Là kiểu “gỡ mìn”. Cái thứ bụi đất vùng ni dẻo quẹo tạo thành lớp bọc kín da thịt, dùng tay xoa nhẹ Chúng săn lại như con giun đất. Cả bọn tô hô đứng quây lại, đứa sau xoa cho đứa trước. Bóc hết lớp “vỏ” đất, lấy gô rót từng giọt nước lên vai rồi dùng tay vuốt nhẹ, tráng qua… Mỗi lần cởi đồ ra, nhìn nhau òa khóc. Đứa mô cũng lở loét đầy mình. Lại hỏi nhau: - Bay còn “chu kỳ” hay đã tắt?...Đến chừ tất cả như đàn ông. Trong ba lô đứa mô cũng có một báu vật. Đó là mớ tóc trút ra, tụi em cầm đọn tóc đó mà nức nở gói lại, dặn nhau nếu chết chôn theo…(trang 64, 65)

Đọc đến đây tôi nghĩ: giả như câu chuyện này được dịch ra mọi thứ tiếng của các châu lục thì có lẽ cả nhân loại cũng phải ngỡ ngàng. Còn chúng ta, đọc để nhớ lại,  để hiểu thêm về sự hy sinh của một lớp người làm ta thương cảm ngậm ngùi, chịu ơn và kính phục.

“Những bông hồng lửa” là câu chuyện thứ mười được sắp theo mục lục. Đây là câu chuyện tình hãn hữu trong tập sách. Một câu chuyện tình đẹp đến lung linh ngẫu nhiên nảy nở giữa chàng trai lái xe Tùng Bách với Út Tươi nữ chiến sĩ biệt động vừa thoát khỏi nhà giam của kẻ thù. Tuổi  xanh tràn khát vọng bị kìm nén trong chiến tranh, họ gặp nhau bỗng bùng phát một tiếng sét ái tình. Họ hẹn hò tìm nhau ngày thống nhất đất nước. Nhưng hạnh phúc chẳng vuông tròn cho họ.Trong chuyến hàng cuối cùng anh chở vào Tây Ninh phục vụ cho chiến dịch Hồ Chí Minh đầu xuân năm 1975. Xe trúng bom, Bách bị trọng thương thành tàn phế… Nghĩ đến Út Tươi, em đang rực rỡ tuổi đôi mươi. Không muốn em phải chịu thiệt thòi, Bách đã viết một lá thư đoạn tình gửi vào Kinh A – Cái Sắn – Rạch Giá để hủy lời hẹn ước. Nào ngờ anh nhận được hồi âm của gia đình Út Tươi báo hung tin: Út Tươi đã hy sinh trên giường bệnh tại Viện Quân y 108. Bách ôm nỗi đau xa xót đến tận cùng…Anh “tập tễnh rê đôi nạng gỗ ra vẫy xích lô đưa đến  nghĩa trang… . Đặt những bông hồng đỏ thắm: Tôi run run thắp những nén nhang. Nỗi đau đã tận cùng của nỗi đau lặn sâu ngược thấu vào tim, cứ trơ trơ không còn nước mắt nữa... (trang 136)

Chiến tranh thật là tàn ác! Đây cũng là dương bản của nó đấy. Đọc TRƯỜNG SƠN NGÀY ẤY của Tùng Lâm làm ta chỉ một ước mong: Đất nước này dân tộc này Đừng bao giờ phải chịu thêm một cuộc chiến tranh nào nữa.

TRƯỜNG SƠN NGÀY ẤY không chỉ vinh danh sắc hồng chủ nghĩa anh hùng cách mạng như sự hy sinh anh hùng của tiểu đoàn trưởng Sính, của Dũng, của Nguyễn Phúc Thẩm…Một cách đơn chiều mà Tùng Lâm còn tôn trọng cả cái bản năng bản ngã – cái phần người trong mỗi con người như phản ứng trước cái chết của chiến sĩ Chu: Em sợ lắm…Thủ trưởng đừng bắt em đi tiếp…Cậu ta hoảng đến vãi ra quần… Những đoạn văn trần trụi ấy làm ta thêm trân trọng tính hiện thực của một tác phẩm văn học.

 

TRƯỜNG SƠN NGÀY ẤY không có gì kiệt xuất, những vấn đề anh nói thì văn đàn đã đề cập đến nhiều rồi. Nhưng cái đáng quý là tác phẩm đã bổ sung tư liệu mới cho kho tàng văn học được dày thêm. Và cái đáng trân trọng ở đây là tác phẩm được viết ra trung thực của người trong cuộc. Một người đang thoi thóp sống  trong một cơ thể tàn phế, chỉ còn một chân, dịch chuyển khó khăn. Sọ não và trong buồng ngực còn găm mảnh bom đạn chiến tranh. Con mắt còn lại chỉ còn chút ánh sáng  mờ mờ… Những câu chữ anh gõ ra trên bàn phím  cũng khó khăn như đánh vật. “Con chuột” Chạy đến chỗ nào lắm lúc anh loay hoay tìm mãi không ra.

Và TRƯỜNG SƠN NGÀY ẤY  ra mắt bạn đọc được anh viết trong thể trạng ấy.

Dẫu chỉ thế thôi cũng đáng trân trọng trước một nghị lực./.

TP. Cẩm Phả 27/7/2015

NDL