Xuân Diệu "phê" ...thơ

… Nón che chung trời mưa lổ đổ\Đôi môi hương sấu chín dịu chua. Và đây là lời “phê” của Xuân Diệu : “Trời lổ đổ mưa, che chung một nón, giúp cho hai cái đầu gần nhau, cho nên “đôi môi hương sấu chín…” thế là nên thơ quá rồi!


 

 

Người ta đã nói nhiều về tài thơ Xuân Diệu. Người ta cũng đã nói nhiều về tài bình thơ của ông. Nhưng có một phương diện khác ít được nhắc đến, song vẫn lồ lộ trên mỗi trang viết của ông, đó là tài “phê” thơ.

 

“Phê” thơ thì có gì mà tài ? Và có gì để đáng nói không ? Người xưa nói người khen ta đúng là bạn ta, còn kẻ chê ta đúng là thầy ta. Tôi cứ nghĩ nếu chỉ thấy tài tho hay tài phê bình thơ của Xuân Diệu cũng đã nói được cái cốt cách, thần thái của ông rồi. Nhưng không thấy được tài “phê” thơ của ông thì hình như ta đã bỏ qua một phía khác tài năng của ông.

Xuân Diệu bình thơ rất hay, rất tinh tế. Có những câu thơ, bài thơ qua lời bình của ông như có lửa, có điện. Đoạn Tú Bà mắng Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Xuân Diệu hạ mấy lời bình thật thấm thía : “Tú Bà nói chưa đầy nửa phút mà bọt mép văng mãi ngàn năm. Gớm cái con hổ cái. Nó nói như muốn xé xác người ta, như muốn xé rách trang giấy Truyện Kiều”. Những lời bình như thế không hiếm trong các bài bình thơ của Xuân Diệu.

Nhưng Xuân Diệu phê thơ cũng hay không kém. Cái tinh tế để cảm nhận được những câu thơ hay, những bài thơ hay những là cái tinh tế để ông phát hiện ra những câu thơ dở, những bài thơ dở. Có những câu thơ, những bài thơ, người đọc bình thường cảm thấy cũng “đọc được”, thì con mắt tinh đời của Xuân Diệu có thể chỉ ra chỗ chưa đạt một cách chắc chắn.

Có nhà thơ nọ viết :

… Nón che chung trời mưa lổ đổ

Đôi môi hương sấu chín dịu chua.

Và đây là lời “phê” của Xuân Diệu : “Trời lổ đổ mưa, che chung một nón, giúp cho hai cái đầu gần nhau, cho nên “đôi môi hương sấu chín…” thế là nên thơ quá rồi ! Chữ hương hợp với sấu chín và cũng hợp cho đôi môi, nhưng thêm dịu chua vào thì hỏng toi ! Sấu chín vừa ngọt dịu vừa chua, như thế nó vẫn cứ ngọt và càng ngon. Nhưng hai tiếng dịu chua chỉ dùng được cho sấu chín mà thôi, không thể dùng được cho đôi môi, đôi môi mà chua, thì là người đang ốm mệt hoặc là… chưa súc miệng !… Trừ phi là văn trào phúng, chứ trong văn trữ tình, nên tránh đừng để chữ môi gần bên chữ chua, vì chua còn có nghĩa là chua ngoa, môi em ăn nói chua ngoa quá…”.

Xuân Diệu rất sành trong việc cảm nhận thơ hay, mà cũng rất sành trong việc phát hiện ra thơ dở. Một câu thơ lạc điệu, một ý thơ khập khiểng, một tứ thơ lỏng lẻo hay một từ dùng không đúng chỗ đều được ông chỉ ra và bình luận khá thấu đáo.

Một lần nọ, trong một bài thơ dự thi đăng trên báo Văn nghệ, miêu tả việc đưa điện về nông thôn, có câu :

Tôi bước dưới những hàng ống sứ

Rất trắng tròn như cổ tay em…

Xuân Diệu bình luận : “Những cái ống sứ trắng tròn như cổ tay em thì có xinh không ? So sánh như vậy có làm vinh dự cho thiếu nữ, có tôn cái đẹp của thiếu nữ lên không ? Người con gái nào mà lại thích cổ tay của mình đẹp như ống sứ mắc dây điện ? Ống sứ trắng và tròn nhưng cứng nhắc và trơ trẽn lắm !”

Trong một tập thơ được Giải thưởng của Hội nhà văn, có bài kể chuyện hai người yêu nhau đi xem Viện bảo tàng, có đoạn :

Em thấy chăng ? Nghĩa Cương

Núi xanh màu cổ kính

Gặp thạp đồng Đào Trịnh

Vui hình người giao hoan.

Xuân Diệu nhận xét đấy là một đoạn thơ thiếu mất sự thanh nhã. Ông viết : “Tạo hình người giao hoan được, thì nói chuyện ấy cũng được, không nên phong kiến theo Khổng Tử. Tuy nhiên “em” ở đây là ở mức “già nhân ngãi, non vợ chồng”, có thể suồng sã một tý cũng được. Nhưng nếu “em” ở đây là cô gái trắng trong mới đi với mình vài lần đầu, mà lại nói với cô ấy “hình người giao hoan”, nhất là nói trong thơ thì có còn trang nhã không ?”

Xuân Diệu không chỉ tinh tế trong việc chỉ ra cái dỡ, cái chưa được của thơ. Mà ông cũng rất tinh tế, rất độc đáo trong cách chê. Giọng chê của ông có một chút hóm hỉnh, có một chút đùa vui. Chính cái giọng hóm hỉnh đùa vui này đã làm cho việc phê thơ của ông không nặng nề như ở nhiều bài phê bình khác. Người đọc thú vị mà tác giả bị chê cũng chấp nhận được.

Chẳng hạn trong bài thơ Đường cày mới thẳng của một tác giả nọ có đoạn :

Lúc nghỉ anh đứng nhìn

Đường cày trông đã đẹp

Em chỉ đôi chim chích

Trên cành thông ven sông

Chim đang đứng rỉa lông

Trông sao vui mắt lạ

Xuân Diệu hóm hỉnh chỉ ra cái vô lý của ý thơ : “Theo tôi đọc, thì tác giả bài thơ này tưởng tượng ra đấy thôi, chứ tác giả chưa dạy cho cô gái nào cày sất cả. Vì trong đời thực, một người con gái có giáo dục, có ý tứ, có sự tế nhị, hơn nữa một cô gái quê, muốn tỏ tình với người con trai, lại đi chỉ trỏ cho người con trai thấy đôi chim kia đang “chim” nhau hay sao ? Ai lại trơ trẽn, lộ liễu thế.” Suy bụng ta ra bụng người”, hoặc giả anh con trai có lộ liễu thế chăng ? Lộ liễu như vậy là “liễu ngõ hoa tường”, phai mất đi cái thiêng liêng e ấp của tình yêu ban đầu”.

Cũng có khi cái hóm hỉnh của ông là dẫn ra những bài thơ dở, buồn cười, không bình luận gì nhiều. Chẳng hạn : “Tôi xin lỗi bạn đọc kể vào đây một sự thiếu ý tứ đến nỗi như là một sự cố ý; bài “ca dao” dự thi :

Đêm nay phục kích trên đồi

Lòng anh nhớ tới người anh thương

Giặc còn chếch cháng bên đường

Thương em để bụng, anh giương súng chờ !

Xin miễn bình luận !”

Có người trách ông trong khi viết, trong khi nói hay “cù” người đọc, người nghe cười. Ông chỉ tủm tỉm đáp lại : “Ấy cũng phải khích động như thế cho người nghe, người đọc sôi nổi lên, đỡ chán”. Điều này đã làm cho những bài viết có tính chất phê phán của ông bao giờ cũng dí dỏm, đọc rất thú vị.

Xuân Diệu hóm hỉnh, đùa vui cho việc phê thơ không nặng nề kinh viện, chứ không phải là ông dễ dãi với việc phê thơ. Phải nói rằng trong lĩnh vực này ông là người quyết liệt và sòng phẳng. Nếu là thơ dở, thì dù là của ai, dù được tặng giải thưởng gì đi nữa, ông cũng phê. Ông là người đã giới thiệu thơ của nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa với nước ngoài, với trong nước. Nhưng ông cũng là người phê tập “Khúc hát của người anh hùng” của Trần Đăng Khoa một cách không nhân nhượng. Với ông, khen ngợi hay phê phán là phải nói được bản chất đích thực của nó, chứ không phải đúng một cách cầu an. Có lần ông tâm sự : “Trong sự khen chê tôi không chủ trương một cách chung chung là “phải có chừng mực”; đó là một sự chiết trung rất cầu an; tôi nghĩ rằng phải cố gắng nhận xét, cân nhắc xem tác phẩm nó có thế nào, nó đến đâu, tất cả vấn đề của sự đánh giá là phải xác đáng. Chê phủ phàng, chê vùi dập là không nên đối với nền văn học mới còn trẻ tuổi; mặt khác nói khuyết điểm mà đúng huyệt và chí tình, còn làm cho một tác giả có bản lĩnh khoái và cảm động hơn là một lời khen quá thặng lên như một cái áo rộng, thậm chí một cái áo thụng, “tiếng khen như gió thoảng ngoài” (Bàn về chất lượng của thơ, 1977).

Có khi Xuân Diệu phê rất nặng. Ông chê người này viết như thế “trơ trẽn lắm”, ông phê người kia “viết thế e vô lễ”, thậm chí có khi ông chê là không biết làm thơ… Nhưng không mấy ai nỡ giận ông, bởi vì đằng sau những lời phê đó là một tấm lòng nhân hậu, một tấm lòng chí tình, hết mình với thơ, với đời. Xuân Diệu sống hồn nhiên, mãnh liệt, mà khen chê cũng hồn nhiên, mãnh liệt, có sao nói vậy, không đưa đẩy, làm xiếc bằng ngôn từ. Có lẽ điều đó đã làm cho ông đến được với mọi người, dù có khi ông có phê phán họ.

Ở Xuân Diệu dù làm thơ, viết văn hay viết phê bình văn học bao giờ cũng là nỗi “khát khao giao cảm với đời” (Chữ dùng của Nguyễn Đăng Mạnh). Và kỳ lạ thay những lời thơ, những lời bình của ông sống với bạn đọc đã đành, mà những lời phê bình của ông những sống được với bạn đọc, thậm chí có khi còn được thêu dệt thành những giai thoại văn chương đầy thú vị.

Xuân Diệu đã ra đi. Nhưng những gì ông để lại vẫn sống, vẫn tiếp tục giao cảm với đời như nỗi khát khao của ông hằng mong lúc còn sống./.