Vì sao tiểu thuyết 'Tắt Đèn' “tòng lai chưa từng thấy”?

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh (1894), 60 năm ngày mất (1954) của nhà văn Ngô Tất Tố

 

 

Tắt đèn ra đời năm 1937, ngay lập tức được dư luận xã hội đón nhận một cách nhiệt thành. Đương thời, nhiều nhà văn cũng như các nhà nghiên cứu và bình luận văn học đều gặp nhau ở một điểm, rằng Tắt đèn là một tiểu thuyết mới lạ. Vũ Trọng Phụng tôn vinh là “tòng lai chưa từng thấy”, còn Trần Minh Tước thì ngạc nhiên: tác phẩm được viết với “những phương pháp rất mới”. Về sau này khi đánh giá Tắt đèn, nhiều người vẫn gặp nhau ở yếu tố mới mẻ ấy: “Từ lối trình bày, tả cảnh, cho đến cách hành văn, thật là mới mẻ” (Nguyễn Công Hoan), “Tắt đèn vẫn còn phải sống lâu, thọ hơn cả một số văn gia đương kim hôm nay” (Nguyễn Tuân)... Cái mới thời đại trông chờ được thể hiện ở Tắt đèn, từ đó làm nên một tác gia Ngô Tất Tố mà có người cho là “hiện tượng độc đáo nhất của văn chương hiện thực” là gì?

Tắt đèn không chỉ vạch mặt thảm họa sưu cao thuế nặng, cường hào ác bá ở nông thôn vào thời điểm bùng dậy của phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 - 1939) mà còn là sự phân tích sâu sắc về thảm trạng nông thôn Việt Nam; trong đó thảm họa cường hào, thuế má là cái “tạo cớ” của sự khám phá nghệ thuật.

Cấu trúc của Tắt đèn được mở đầu bằng những quan sát thể hiện sự hiểu biết hết sức thấu đáo về đời sống nông thôn. Chỉ trong vòng hơn một trang sách, 340 chữ, Ngô Tất Tố đã tạo dựng được bức tranh sinh động, rất đặc trưng của làng quê nông thôn Bắc Bộ với hàng loạt các chi tiết, hình ảnh, màu sắc, âm thanh, hành động mang tính nếp sống thường ngày của làng quê. Con người: thợ cày, chủ, quan lớn, tuần phu. Loài vật: gà, trâu, bò, chèo bẻo, chào mào. Âm thanh: tiếng gà gáy, tiếng trâu thở phì phò, tiếng bò đập đuôi đen đét, tiếng người khúng khắng, phì phì thổi mồi, há miệng ngáp dài, ngảnh mặt vào vách mà ngáy, nói chuyện rầm rầm, chèo bẻo chẽo chọt v.v... Hình ảnh: trâu bò lục tục kéo đi, những người cổ cày vai bừa đi mò ra ruộng, bóng tối của rặng tre um tùm, ánh lửa lập lòe của chiếc mồi rơm, lũ tuần phu lố nhố, trời sáng mờ mờ; trâu bò con đứng con nằm, quai hai hàm răng nhai trầu suông, nhả ra những cục nước bọt to bằng cái trứng, v.v.

Có thể nói, trang mở đầu Tắt đèn là trang viết vào hàng hay nhất về nông thôn nước ta vào những năm ba mươi của thế kỷ XX bằng ngôn ngữ tiểu thuyết hiện đại mà hết sức dung dị, sống động; hoàn toàn vượt ra khỏi sự phong bế của văn phong nhà Nho với bài bản, lớp lang biền ngẫu, ngôn từ chữ Hán của thánh hiền.

Bằng ngôn ngữ mới mẻ đó, cuộc sống nông thôn Bắc Bộ đã được Ngô Tất Tố miêu tả một cách sống động. Trong 26 chương sách của Tắt đèn, hầu như chương nào nhà văn cũng dành mấy dòng ngắn gọn để miêu tả phong cảnh làng quê với sự quan sát, ví von rất độc đáo. Chẳng hạn, “Bóng người ngả xuống mặt ruộng, dài thườn thượt như bóng cây cau” (Chương XI), ánh trăng chiếu trên mặt nước ao “lóng lánh như nồi vàng đang chảy” (Chương XIV), mặt trời thì có lúc “chênh chếch nhòm vào gốc đa, gốc gạo” (Chương VII), ánh nắng thì có khi “bứt rứt chiếu đến nửa sân đình” (Chương II). Ông quan sát và miêu tả tinh tế từ khung cảnh rộng, như bầu trời, cánh đồng, đường làng, khóm nhà; cho đến những chi tiết sinh hoạt cụ thể, bé nhỏ đòi hỏi phải có sự hiểu biết sâu sắc mới nhận ra được. Nhà chị Dậu được dựng lên rõ tới mức ta như đang trực tiếp quan sát, từ “dãy mái hiên cườm cượp”; cái sân có “lớp rêu xanh điểm những lá tre vàng úa và cỏ gấu phất phơ”, “lỗ chỗ vết chân chó xen lẫn vết chân người”; cho đến “bức mành rách mép lướt thướt”, những lỗ thủng ở chân phên, “lũ chum mẻ vại hàn”, “đoàn vung sứt miệng hềnh hệch nằm ngửa”, “bãi tro trấu tanh bành” v.v... Ngô Tất Tố dường như vừa có chủ định vừa thực sự là người có sở trường miêu tả cận cảnh con người và đời sống nông thôn, mà khó có người sánh kịp. Đọc Tắt đèn ta có cảm tưởng hễ “ống kính” của ông quay vào chỗ nào là ở đó hiện lên rõ rệt với những góc cạnh đặc sắc của nó.

Đỉnh cao của sự hiểu biết nông thôn qua quan niệm nghệ thuật và con mắt lựa chọn nghệ thuật trong tác phẩm Tắt đèn là ông tập trung vạch ra sự tàn tạ của đời sống và con người nông thôn, mà tiêu biểu là số phận của gia đình chị Dậu. Khắp nơi trong Tắt đèn là sự bần cùng, cạn dần và tắt lịm đường sống. Có thể nói toàn bộ tiểu thuyết là hình tượng của ngọn đèn leo lét ở vào thời điểm kết thúc sự tồn tại.

Sự tàn tạ là yếu tố nổi bật thể hiện số phận của những con người trong gia đình chị Dậu ở làng Đông Xá. Tất cả đều rơi vào cùng quẫn.

Ngôi nhà dành cho những người lương thiện, biết yêu thương nhau như anh chị Dậu thực ra chỉ đáng để dành làm nơi ở cho một loài khác - loài vật: “Nếp nhà tranh lủn củn nấp dưới rặng tre là ngà, lặng lẽ úp lấy khu đất đề thành và kín đáo náu trong một xóm cuối làng Đông Xá, đứng xa ngó lại, có thể lầm với nơi nhốt lợn hay chứa tro”. Tất cả các vật dụng trong ngôi nhà ấy đều hư hỏng. Ta hãy chú ý, Ngô Tất Tố viết: “Bao nhiêu bộ phận cần có của một gia đình, đều được thu cả vào trong nhà”. Nhưng, đó chỉ là những thứ đã mất hết khả năng trợ giúp con người: bức mành rách, bức phên nan thủng, chiếc giường tre gãy giát, chum mẻ, vại hàn, bó củi dong ẩm ướt, đoàn vung sứt miệng, bãi tro trấu nguội lạnh, mấy hòn gạch bếp vỡ, chiếc chiếu rách thủng, bàn thờ chằng chịt mạng nhện đang phủ đồ tang... Và mấy con chó thì đòi ăn “ăng ẳng kêu không dứt tiếng”, trong khi thức ăn có được trong nhà dành cho đám con nhỏ dại của chị Dậu chỉ duy nhất một đống rễ khoai!

Con người trong ngôi nhà cùng khổ ấy tất thảy đều là con nợ, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Anh Dậu đang là đối tượng nợ thuế đinh của nhà nước mà chị Dậu đã tìm cách bán mọi thứ có thể phát mại được vẫn chưa trang trải xong; đã thế anh lại đau ốm, yếu ớt mọi nơi mọi lúc, trong một gia đình đang điêu đứng: lúc nào cũng lử đử, buồn rứt, xanh mét, tái mét, uể oải, lảo đảo, lẩy bẩy, run rẩy... Em anh Dậu là Hợi - “cánh tay phải của cả nhà” thì đã chết, nấm mồ đã xanh cỏ rồi mà suất sưu của anh vẫn còn, nhà nước vẫn đổ lên đầu chị Dậu. Ba đứa con của chị Dậu đều còn bé nhỏ (cái Tý bảy tuổi, thằng Dần năm tuổi và cái Tỉu mới hai tuổi). Chúng cũng đều trở thành “món nợ” theo cách hiểu là gánh nặng cuộc sống đối với cha mẹ trong tình cảnh đói rách tận cùng. Đem bán cái Tý cho nhà giàu, nó lại trở thành một kiểu “món nợ” khác: “món nợ” tinh thần làm đọa lạc khốn khổ tâm can người mẹ. “Con nợ” lớn nhất, hứng chịu nhiều nhất mọi sự đày đọa là chị Dậu. Một tiếng mõ thúc cũng làm chị giật mình. Một chút âm thanh mâm bát nhà hàng xóm, một ngọn khói bếp nhà láng giềng cũng làm chị đau đớn cho cảnh nhà. Hết bán chó đến bán con mà vẫn chưa đủ, chị phải tất tả chạy lên tỉnh bán sữa mình cho cửa quan để chạy sưu thuế. Cùng đường đến như thế mà chị vẫn còn bị cửa quan săn đuổi vào một đêm “trời tối như mực”.

Bao quanh ngôi nhà và gia đình chị Dậu cũng là một không gian và con người tàn tạ. Vào buổi đốc thúc sưu thuế, cũng là lúc gia đình chị Dậu ở vào đỉnh điểm khánh kiệt, bọn cường hào chức dịch thừa cơ chẳng cần gì hết ngoài sưu thuế, như Lý trưởng làng Đông Xá nói: “Không cần gì hết, đứa nào trái ý đánh luôn... chúng tôi làm vua làm việc, quanh năm đầu chày đít thớt, chỉ có những lúc “hồng thủy trướng giật” và những khi “sưu thuế giới kỳ” như thế này thì mới có quyền. Tha hồ đánh, tha hồ trói,... đánh chết vô tội vạ”. Tất cả bộ máy ác bá ở làng Đông Xá - từ vợ chồng Nghị Quế đến lý trưởng, chánh hội, lý cựu, phó lý, lý đương, cai lệ, biện lệ, lính cơ luôn thường trực hành vi quát, mắng, la, thét, chửi, rủa, túm cổ, đấm, thụi... luôn hầm hầm, sừng sộ, hằm hè, trừng mắt... và đi đâu cũng dây thừng, tay thước, roi song, gậy gộc... đòi “vả vỡ mồm”, “chẻ xác ra” những người như anh Dậu, chị Dậu. Khắp nơi ở làng Đông Xá, ngày cũng như đêm, chìm ngập trong không khí trấn áp tới cực điểm. Tiếng trống, tù và, hiệu ốc, hiệu sừng, mõ cá liên hồi kỳ trận thúc ép “lúc nào cũng như có đám đánh cướp”. Như vậy là người dân như gia đình chị Dậu, do nạn sưu thuế, đã trở thành đối tượng tấn công không thể khoan nhượng của bộ máy chức dịch địa phương thừa hành chính sách nhà nước. Họ bị coi như một “đám cướp”. Cho nên cả tiểu thuyết Tắt đèn là “một bản tố khổ chan hòa nước mắt”. Có nhà nghiên cứu đã đưa ra một con số so sánh thú vị: trong khoảng hơn một trăm trang của tiểu thuyết Tắt đèn có tới hơn 90 lần Ngô Tất Tố miêu tả nhân vật khóc hoặc tái hiện hình ảnh những giọt nước mắt; trong lúc tiểu thuyết Bỉ vỏ của Nguyên Hồng dài 233 trang có 21 lần, còn Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan dài 270 trang chỉ có 7 lần (Phạm Mạnh Hùng).

Sự tàn tạ của con người nông thôn Việt Nam không chỉ thể hiện ở phía thân phận những người nông dân cùng bần mà còn ở phía những kẻ đối diện. Chúng có thể có quyền để đàn áp, có tiền để chèn ép người lương thiện nhưng bản thể của chúng thực chất đã bị đánh mất. Nhà văn Nguyễn Tuân đã có lần nêu ra một loạt “sinh vật” trong Tắt đèn: sinh vật Nghị Quế chồng, sinh vật Nghị Quế vợ, sinh vật lý trưởng và lũ sai nha đốc thuế người... bởi chúng đã “phá hết tính người”, “tan hoang đi cái tâm người”; chúng hùa nhau tạo ra cái “sa mạc nhân tâm... không còn tia nước nguồn thương nào”. Biểu hiện tột đỉnh của tính vật trong bản chất vợ chồng Nghị Quế là sự gian manh trong mua bán người và thái độ đối với “món hàng người” mà chúng mua được: bởi “nuôi chó còn hơn là nuôi đứa ở”!

Từ làng, số phận đẩy đưa con người cùng đinh chị Dậu lên huyện, rồi lên tỉnh. Quan Tri phủ giở thói dâm ô bị chị Dậu cự tuyệt được chị Dậu gọi là “sự khủng khiếp ở trong phủ”; thì đến lượt sang tỉnh chị phải gặp cảnh quái đản còn ghê gớm hơn: làm vú sữa cho cụ cố, bị cụ cố giở thói sàm sỡ. Hình ảnh cụ cố “gần tám mươi tuổi, cái tuổi mà trời bắt cả hai hàm răng không còn cái nào, để cho bao nhiêu cao lương mỹ vị đều không có hân hạnh được vào cái mồm móm mém” là đỉnh điểm cuối cùng của sự tàn tạ như vòng xoáy trôn ốc. Ở đây sự tàn tạ của cuộc sống diễn ra cả ở bình diện thể xác lẫn bình diện tinh thần - hình tượng cụ cố trở thành một dạng của quái thai. Chị Dậu tuy thoát được cảnh bị xúc phạm, nhưng phía trước chị là một tương lai “tối như mực”.
Tắt đèn đến đây tựa như ngọn đèn đã tắt. Ánh sáng cuối đường hầm như một ảo ảnh đã tan nát trong ảo vọng. Cuộc sống bị ném vào bóng tối. Có thể nói Tắt đèn là hành trình tàn tạ của một nông thôn không còn điều kiện để sống. Và sự hiểu biết, sự phân tích bản chất nông thôn của Việt Nam trong đêm trường thực dân, phong kiến đã được nâng từ bình diện ghi chép phong tục, quan sát hiện thực lên bình diện khái quát tư tưởng chan chứa khát vọng tự do, giải phóng. Chúng tôi cho rằng, sự độc đáo của Tắt đèntrong gương mặt chung của dòng văn học hiện thực 1930 - 1945 là ở chỗ đó./.

 

Nhà Xuất Bản Mai Lĩnh ( Xuất bản lần đầu tiên năm 1939) - Ảnh: internet