Bất ngờ từ "Đảo chìm" của Trần Đăng Khoa
Tiểu thuyết “Đảo Chìm” của Nhà thơ Trần Đăng Khoa xuất bản cách đây gần 30 năm và đã tái bản trên 30 lần. Toàn bộ cuốn sách chỉ có 60 trang khổ 13 X 19 cm; bằng một truyện ngắn viết dài, lại tách ra từng mẩu nhỏ, mỗi mẩu là một truyện độc lập. Dù tái bản nhiều lần như vậy; dù được nhiều bạn đọc cho rằng, “đây là cuốn tiểu thuyết hay nhất Việt Nam, kể từ năm 1945 đến nay”; “là cuốn sách ai đọc cũng rơi nước mắt”. v.v. nhưng đến nay, “Đảo Chìm” vẫn “chìm” trong sự ồ ạt của các loại sách. Thậm chí, nhiều người nhầm tưởng, sau khi “nổi đình nổi đám” với những tập thơ thiếu nhi và tập sách “Chân dung và đối thoại”, Nhà thơ Trần Đăng Khoa “chìm” rồi!
Một bạn đọc tên là Đặng Hoàng Thu Hà say mê “Đảo Chìm” đến nỗi, mỗi lần tái bản Đảo Chìm, cô đều mua. Khi biết Nhà văn Xuân Đức có trang điện tử, cô thức thâu đêm đánh máy, sau đó gửi cho Nhà văn Xuân Đức đưa lên trang mạng của mình. Tiếp đó, Nhà thơ Trần Đăng Khoa và Nhà báo Nguyễn Chu Nhạc cũng đưa “Đảo Chìm” lên trang mạng của mình. Thật bất ngờ, chỉ trong thời gian ngắn, trên 3 trang điện tử này, hàng vạn người đọc “Đảo Chìm” và để lại hàng trăm cảm nhận. Điều thú vị là, qua đó, các nhân vật trong “Đảo Chìm” nhận ra nhau, ôn lại những ngày tháng trên đảo gian khổ mà lạc quan, yêu đời và cuối cùng, họ tìm đến với nhau. Cũng từ đó, trên các trang cá nhân này diễn ra cuộc tọa đàm về “Đảo Chìm” của những blogger, lính thủy, thợ điện, bác sĩ giáo viên…rất sôi nổi, thú vị mà thật sâu sắc, khách quan; đôi chỗ tếu táo, nhưng vẫn giữ được nét văn hóa ứng xử rất cao.
Để bạn đọc hiểu thêm mảng sáng tác văn xuôi rất thành công của Nhà thơ Trần Đăng Khoa và cổ vũ cho hình thức phê bình văn học mới, không hề tốn kém kinh phí mà có sức lan tỏa rộng lớn, chúng tôi trích giới thiệu những phản hồi của độc giả khi đọc “Đảo Chìm” trên trang mạng của các nhà văn trên.
GẶP GỠ BẤT NGỜ CỦA CÁC NGUYÊN MẪU
Nguyễn Huy Liêm (y tá Đảo)
Tôi là một trong những nhân vật của Đảo Chìm. Thời ấy, tôi làm y tá của đảo, chỉ qua lớp tập huấn y tá 18 tháng, vì bấy giờ biên chế bác sĩ phải ở những đảo lớn, có đông quân, đảo nhỏ chỉ có y tá, y sĩ thôi. Tên tôi là Huy Liêm, nhưng anh Khoa chỉ nhớ mỗi tên đệm của tôi. Cái chuyện này, anh Khoa viết rất chính xác, như chuyện của Nguyễn Hữu Tư, chúng tôi gọi là Tư Xồm, Trần Văn Hai thì đúng rồi. Hai đã hy sinh đúng như anh Khoa kể. Còn một nhân vật nữa rất hay là Trần Văn Tròn người Quảng Bình, nhưng anh Khoa không viết. Anh Khoa có biết Tròn, còn giới thiệu cho Tròn làm quen với một cô tuyên văn, chúng tôi gọi là văn công Hạm đội 171 Nguyễn Thanh Nhạn. Cô Nhạn rất xinh, hát quan họ cực hay, chỉ mỗi tội… hôi nách. Tròn có yêu cô gái ấy, họ có thư từ cho nhau, nhưng rồi không thành. Mọi tình tiết trong truyện đều chính xác, chỉ có chi tiết tôi mổ ruột thừa cho Thiêm thì có “mô li phê”, thực ra tôi mổ qua sự chỉ dẫn của bác sĩ ở đảo Trường Sa lớn. Tôi chưa mổ bao giờ, phải có tư vấn qua điện thoại vô tuyến điện. Nhưng ca mổ thành công. Chuyện Nàng An ta na mê ra cũng rất đúng. Đúng như thế, nhưng không phải lợn mà là chó. Con chó An ta na mê ra rất khôn, biết làm xiếc như anh Khoa tả, nhưng không hiểu vì sao anh Khoa lại đổi thành lợn thì tôi không hiểu. Lợn thì hay hơn chăng? Trong một ý kiến của bạn đọc có trách anh Khoa, sao không viết tiếp về con lợn. Trong cảnh cuối cùng, con lợn ở đâu? Hay tác giả quên mất con lợn? Tôi rất đồng ý với một ý kiến của bạn đọc cho rằng, không cần bàn đến con lợn nữa, vì chuyện của lợn đã hết rồi. Khi Hai chết mà còn mang lợn ra đùa thì rất bất nhẫn, dừng lại như anh Khoa là phải.
Người lính thủy kể về vị Tư lệnh
Tôi là lính của tướng Cương. Nhiều người cứ nhầm Thượng tướng Giáp Văn Cương với Trung tá Giáp Văn Khương, người đánh Pháp, nhảy từ núi Ninh Bình xuống sông. Không phải. Ông Cương thực sự là một vị tướng tài. Ông Cương tính cách đúng như cậu Khoa miêu tả. Ông cụ lãng mạn lắm, đã có thời bị kỷ luật vì tính lãng mạn. Nhưng chúng tôi rất phục cụ. Tài lắm. Ông Cương là tướng quân sự, nhưng diễn thuyết hay cực. Về điều này, các vị chính ủy Hải quân, cả ở thời ông Cương và sau này chỉ đáng là học trò ông thôi. Tôi rất thích nghe ông Cương nói chuyện với lính. Còn nhớ thời tôi ở đảo, có vị Chính ủy Vùng ra huấn thị lính, khi về, có cậu chơi luôn một quả đại pháo 75 li xoẹt trên nóc đài chỉ huy tàu. Tra hỏi không tìm ra. Thực ra ai cũng biết nhưng không ai làm kẻ chỉ điểm. Chịu. Tướng Cương chẳng có văn bản giấy má gì, nói chuyện lính rất thích. Ông tuyên bố cắt phép của lính. Hồi ấy có người ở đảo đến 4 năm liền, chứ không như giờ đâu, mà đảo lại thiếu thốn, khổ lắm, khổ đúng như cậu Khoa miêu tả. Ông Cương bảo: Tớ đâu có muốn đày đọa các cậu. Nhưng đây là Tổ quốc của mình, máu thịt của mình. Giá trị gì mấy cái hòn đá cỗi cằn này mà phải gìn giữ? Nhưng ta giữ có phải mấy hòn đá hoang vu này đâu. Mà là biển cả đấy chứ. Mất đảo là mất biển, mà biển lại bao bọc suốt từ Bắc đến Nam. Tất cả kẻ thù đánh ta đều đi đường biển. Pháp cũng vào ta từ biển. Mỹ cũng thế. Gần kề ta núi liền núi, sông liền sông mà bọ Ômãnhi xưa cũng vào ta qua cửa biển Bạch Đằng. Thế thì chúng ta phải giữ đảo, giữ biển thôi. Khổ mấy cũng phải giữ. Có chết cũng phải giữ. Thế nên chúng mày mới phải chịu cảnh đọa đầy thế này. Tao già rồi, ngoài 70 rồi, lẽ ra phải được ở nhà vui thú tuổi già chứ, vậy mà tao cũng lại phải lặn lội ra đây. Vẫn phải làm Tư lệnh. Ở đây có cậu nào thay được Tư lệnh không? Xung phong nào? Mạnh dạn lên chứ. Cậu nào làm được Tư lệnh, tớ sẽ báo cáo quân chủng, báo cáo Bộ Chính trị cho thay ngay Giáp Văn Cương? Còn việc về phép của các cậu, chúng tớ có tiếc gì đâu. Nhưng Bộ Tư lệnh nghèo quá. Cả nước nghèo quá. Còn hàng triệu bà mẹ liệt sĩ đói ăn, hàng triệu trẻ con không có trường học. Đưa một cậu về phép, bộ tư lệnh phải xuất 20 tấn dầu cả tầu ra tầu về. Mà dầu thì cả nước cũng không có, phải mua của nước ngoài, mua rất đắt. Một đứa bớt một lần về phép thì một trăm bà mẹ liệt sĩ có được đến mấy tháng ăn. Mà hàng triệu bà mẹ liệt sĩ còn đứt bữa. Thế rồi ông khóc. Lính cũng khóc. Thôi, chúng con hiểu rồi. Bố đừng nói nữa, chúng con thương bố lắm. Ông Cương bảo: Chẳng ai nỡ làm một cái việc táng tận lương tâm là cắt phép của các cậu. Nhưng hôm nay tớ phải làm cái việc táng tận lương tâm ấy. Cắt phép. Còn nếu cậu nào có thể tự túc về được thì tớ cho các cậu đi ngay. Đi bất cứ lúc nào. Có ai bơi được về đất liền không? Không à? Giai trẻ gì mà kém thế. Tớ mà trẻ trai như các cậu là tớ trốn đấy. Thế là tướng với lính cười bò. Ông Cương tài lắm. Mà ông ấy chân thành cơ, anh em lính tráng rất thích, mặc dù ông ấy rất nghiêm chứ không đùa cợt sàm sỡ.
Khoa viết về tướng Cương rất đúng. Nhưng đúng như nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói, có chi tiết Khoa bịa, như việc ông Cương đánh trận ở Điện Biên. Ông Cương là lính thời Điện Biên, nhưng không biết gì về Điện Biên. Khi Điện Biên xảy ra, mặt trận của ông Cương lại ở chiến khu Đông Triều. Riêng điều này thì chú Khoa đếch biết gì cả. Nhưng cũng không phải vì một chi tiết vặt mà hỏng cả một cuốn sách đặc sắc.
Cựu Thuyền trưởng tàu HQ05 Trần Trọng Trí (nguyên mẫu của nhân vật chính trị viên Thuận )
1. Đã lâu rồi, tôi tưởng không còn nước mắt nữa. Lòng ngỡ chai lì. Tôi hay chọc ghẹo mọi người cho vui. Nay đọc lại cuốn sách viết về Trường Sa, tôi đã lại khóc. Con gái tôi, cháu Trần Thu Hà mà trong tiểu thuyết anh Khoa gọi là Trần Thị Tương nay đã 37 tuổi, có hai con gái. Cháu ngoại tôi đã học lớp 12. Cháu đọc chuyện này, thoạt đầu cười, sau thì khóc. Nó không biết đây là chuyện bác Khoa viết về ông nó, mẹ nó. Tôi tìm cuốn sách này mà không biết tìm ở đâu. Dẫu sao vẫn muốn có cuốn sách hơn là khi đọc, lại phải mở máy tính.
2. Tôi đã về hưu mấy năm nay, giờ làm thợ cắt tóc. Tôi cũng có mấy kỷ niệm với Thần đồng - Tất nhiên Thần đồng bây giờ người ta mới gọi, chứ chúng tôi vẫn gọi gã là Cua Đồng. Gã có tặng tôi hai bài thơ cũng viết kiểu ứng tác. Bài thứ nhất rất dài, nhưng tôi chỉ nhớ được bốn câu: "Thuyền trưởng ơi, hãy cho tôi bát rượu/ Tôi uống vào cho biển cả nó thêm say/ Cho sóng lớn chồm lên muôn sức ngựa/ Nâng tầu ta đi canh giữ nước non này". Chúng tôi sướng những câu thơ này lắm. Rất sảng khoái và rất lính. Tôi còn đố Khoa làm một bài thơ… đái ở trên biển. Cứ tõng thẳng từ trên boong xuống biển. Không ngờ cha Cua Đồng đã biến một việc rất thô tục thành một bài thơ trữ tình mà cánh lính biển tàu HQ05 từ lính đến quan đều thuộc: "Anh biết giấu vào đâu giữa muôn trùng trời nước/ Nỗi nhớ em không một phút nào ngơi/ Nỗi nhớ trào dâng anh xả vào biển cả/ Nguồn yêu thương cuồn cuộn chảy dưới trời". Sướng! Bác Nhạc cho tui thăm gã Cua Đồng, và nhắn giùm: Thuyền trưởng Trí vẫn nhớ Khoa. Mong Khoa sớm trở về với biển, hoặc đến Liễu Đề, Nam Hà thì ghé nhà Trí chơi.
Nguyễn Văn Tròn (cựu lính thủy)
Ối, thủ trưởng Trí ơi!
Em không ngờ lại gặp thủ trưởng ở đây. Em dạo này mở quán thịt chó, cũng sống được Sếp ạ. Sếp thuộc thơ bác Khoa còn em lại khoái thơ Sếp. Mà thơ rất thiết thực (cắt một đoạn). Bây giờ em thay ba vợ rồi. Vợ em hiện là giáo viên dạy mẫu giáo, lương ít nhưng tử tế, có điều kiện nuôi con. Hôm nào em sẽ về quê thủ trưởng đấy.
Thuyền trưởng Trần Trọng Trí
Hóa ra là chú Tròn! Rất mừng chú có quán thịt chó. Mà dạo xưa chú có biết ăn thịt chó đâu nhỉ. Hôm TS giết con Ái Vân (tên con chó khoang - lính thường lấy tên ca sĩ họ thích đặt cho chó) để chiêu đãi tướng Cương, chú với ông Khoa không ăn. Chú còn nôn ọe. Bây giờ lại nghiện thịt chó à. Rất mừng chú có ba vợ. Anh một vợ đã mệt phờ. Bà cai ngục nhà anh cũng béo như ông Khoa, mà nước vẫn dâng như lũ sông Hồng. Chú Tròn ba vợ thì kém đếch gì cụ khốt đồ nho, nhân vật của bác Nhạc. Cái truyện ấy hay đấy. Vào đọc ngay. Tôi rất thích. (cắt bỏ một đoạn). Tiếc là lâu rồi, tôi không gặp ông Khoa, chỉ thỉnh thoảng thấy ông ấy trên truyền hình. Béo quá. Ông ấy về làng không khéo chết oan vì dân nó đánh, nghi là tham nhũng. Hôm tôi qua Đài (VOV), đi với mấy ông cựu chiến binh bên Bộ tham mưu, có ông Đảm, Phó Chủ tịch Hội CCB đài tiếp rồi dẫn đi xem mấy nơi, qua phòng ông Khoa thì ông ấy đi vắng. Tôi vẫn làm thơ, tham gia câu lạc bộ thơ. Hôm vừa rồi có gửi bốn bài cho ông Bành Thông in trong tập Hương ngoại ô cùng với một triệu tiền mua sách. Thơ mà tôi tâm đắc, cánh cựu chiến binh quê tôi thích đều là thơ mách qué. Bác Nhạc có dám in thơ tôi không? Đại loại như thế này: IẾC XIẾC: Tối qua đi xem xiếc/ Thấy rõ ràng từng chiếc/ Càng nhìn lại càng tiếc/ Không được đi đoàn xiếc/ Để được sờ từng chiếc/ Tiếc/ Iếc xiếc. Bữa nào vào Quảng Bình tôi sẽ đến thăm chú Tròn. Còn bác Khoa với bác Nhạc tôi gặp chắc không khó lắm.
Nguyễn Văn Tròn
Thủ trưởng Trí.
May có bác Nhạc làm liên lạc để em được gặp thủ trưởng. Em mở quán thịt chó, nhưng vẫn không biết ăn thịt chó. Điều đó chẳng quan trọng. Vợ và chú em vợ em tác nghiệp, còn em thu tiền với điều hành chúng. Quán của em ở thị trấn Vân Đồn, với bảng hiệu: Cầy tơ Tròn lùn. Đông khách lắm. Thế cái bệnh lòi dom của thủ trưởng bây giờ thế nào? Thủ trưởng vẫn làm thơ quậy à? Em vừa thấy thủ trưởng quậy trên mạng bác Nhạc, nói cái vụ cối chày gì đó. Thủ trưởng cũng nên giữ mồm giữ miệng một chút, chả gì Sếp cũng Đại tá, lương tướng, suýt nữa anh hùng… Lúc nào thăm thủ trưởng, em nói nhiều, bây giờ qua nhà ông Nhạc, anh em mình nói với nhau mà toàn thiên hạ nghe, cụt cả hứng. Thủ trưởng bảo trọng.
Lê Văn Khánh (cựu lính thủy)
Ôi chồ chồ, thủ trưởng ơi, em là Khánh đây. Khánh cắt tóc và dạy thủ trưởng cắt tóc đó. Thằng Tròn điện cho em bảo vô xem thủ trưởng, lại bày cho em cách viết thư cho thủ trưởng trên blog. Em vào mấy hôm rồi, nhưng bữa ni mới biết cách viết thư. Em đọc thơ thiên hạ thấy thua thơ thủ trưởng hết. Em đọc ai cũng thích. Vịnh cây khoai môn: “Trên rừng sướng nhất cây khoai môn. Củ nó luộc lên ăn rất ngon. Cái bẹ nấu canh ăn cũng sướng. Lá nó hao hao giống cái ...”. Vịnh nồi hầm: “Trắng trắng đen đen lại lùm lùm. Cũng đai cũng ốc, cũng tùm lum. Thịt gân nhét phứa vào trong ấy. Một lúc rút ra nhũn nhùn nhùn”. Vịnh cái tủ lạnh Saratop: “Cắm vào run rẩy toàn thân. Rút ra nước chảy từ chân xuống sàn. Hỡi người quân tử giàu sang. Cắm vào xin chớ vội vàng rút ra”. Nhưng em thích nhất bài thơ Sống ở Đảo Chìm, viết tặng ông Trần Đăng Khoa: “Sống ở đảo khoái ơi là khoái/ Nó giúp ta đi đái rất gần/ Đái ở đầu, đái ở chân (Đầu đảo, chân đảo)/ Đứng đâu đái đấy, đéo cần đi xa/. Chẳng như hồi sống ở nhà. Muốn đái một bãi phải ra tận vườn”. Hay! Thủ trưởng có thơ mới, bảo bác Nhạc đăng cho chúng em thưởng thức nhá.
Trần Thu Hà (con gái Thuyền trưởng Trần Trọng Trí)
Chú Chu Nhạc kính mến!
Cháu là Hà, con gái bố Trần Trọng Trí. Bố cháu và chú Tròn đã mất vì tai nạn giao thông tại Thái Lan. Xe do chú Tròn lái. Chú Tròn mất tại chỗ. Còn bố cháu vào viện đến ngày thứ ba thì mất vì vết thưong quá nặng. Bố cháu mất đã nửa tháng rồi. Bố cháu đã rất quý chú và chú Khoa nên cháu báo để các chú biết. Nếu có gì đường đột mong chú tha lỗi. Cháu Hà.
“ĐẢO CHÌM” THẬT XUẤT SẮC MÀ BỊ… “CHÌM”!
Thu Hoài (Diễn viên chèo): “Tôi chưa đọc một tác phẩm nào ngắn mà lại sâu sắc, cảm động, hài hước đến thế”
Tôi được con rể mua tặng cuốn “Đảo Chìm” của chú Trần Đăng Khoa từ lâu, nhưng tôi lại chỉ đọc những phần khác chứ không đọc “Đảo Chìm”, vì cái này từng mẩu cũng đã trích in trên báo Tiền phong gần chục năm về trước. Tôi đã theo đọc trên Tiền Phong và cũng rất cảm tình với lối kể chuyện của tác giả, những chuyện nửa hư nửa thực, gần với thể loại tấu nói, một loại hình sân khấu mà bộ đội những năm chiến tranh rất thích (Tôi là diễn viên chèo). Nhưng bây giờ đọc một mạch “Đảo Chìm”, thì thấy cái truyện thật ấn tượng. Nói là tiểu thuyết, nhưng những tiểu phẩm này gộp lại cũng chỉ bằng hai chương tiểu thuyết của Nhà văn Nguyễn Văn Thọ thôi. Cái chương hay nhất là chuyện giết con lợn thì báo Tiền Phong không in, có lẽ họ e ngại theo quan niệm của thời ấy, cũng như màn giết Hề của Tào Mạt ngày xưa chúng tôi diễn, có ý kiến của một ông duyệt cần phải bỏ màn đó, nhưng bỏ màn đó thì không còn kịch. Nhân vật hay nhất trong cuốn “Đảo Chìm” của chú Khoa là con lợn. Nàng An ta na mê ra ấy. Đểu! Nhưng hay cực kỳ. Đọc về con lợn này tôi cứ nghĩ đến nhân vật hề trong Tào Mạt, cái kiếp con hát mua vui cho đời, tác giả rất sâu sắc, chua cay. Hay lắm. Tôi chưa đọc một tác phẩm nào ngắn mà lại sâu sắc, mà lại cảm động hài hước đến thế.
Huy Cừ: “Tôi thực sự không thể cầm được nước mắt”
Cái truyện hay quá. Nhưng tôi rất khó tin cái truyện này ông Khoa viết năm 1980. Vì ngôn ngữ rất mới, có những chữ của thời bây giờ, như đại ca, rồi hoa hậu, á hậu cũng là chuyện sau này. Năm 1980 còn trước đổi mới, khi đó hình như ta chưa có hoa hậu. Tôi đồ rằng, đây là những chuyện xảy ra năm 80 còn ông Khoa viết cái này vào cuối những năm 90, đầu những năm 2000. Ngôn ngữ mới lắm. Tôi thích văn xuôi của Khoa hơn thơ của Khoa rất nhiều, kể cả thơ trước đây, ông này viết rất hấp dẫn. Các chi tiết của ông ấy chắt lọc lắm, có một ý rất hay, tôi cũng có thời là lính biển nhưng Khoa phát hiện ra là hải âu là bạn thuyền chài. Hải âu bay gần đất liền, nhìn thấy hải âu là ngửi thấy mùi đất liền, những người lính biển trước luc hy sinh, nhìn thấy hải âu là rất mừng vì hy vọng nắm xương của mình có thể được sóng đẩy về với đất. Khi khép chuyện, trước cái chết của Hai, ông Khoa cũng nhắc lại chi tiết này, cầu mong trước khi nước khép mắt Hai được nhìn thấy cánh hải âu. Tôi thực sự không thể cầm được nước mắt. Hay lắm. Mà sao cái truyện này in lại nhiều lần, mà chẳng thấy ông phê bình nào nhắc đến, cũng chẳng được giải thưởng gì, dù chỉ khuyến khích hay giải chuyên ngành của quốc phòng hay an ninh. Ông Khoa tiếng nổi như cồn, nhưng khi nhắc đến ông ấy, không ít người cứ cho rằng ông này chỉ có thơ thiếu nhi là hay, có người còn xỏ xiên cho rằng ông ấy đã về hưu từ khi 8 tuổi. Kỳ thật!
Thanh Xuân: “Viết quá giỏi!”
Tôi là người Việt, sinh sống tại Canada. Lướt qua mấy trang web Việt để đỡ nhớ nhà, thấy trang Xuân Đức hay quá. Cũng chỉ định đọc chơi thôi, ai dè đọc hết được cả cuốn tiểu thuyết trong nhà ăn của siêu thị Châu Á. Cũng không biết mấy tiếng đồng hồ. Bây giờ chắc 2giờ đêm giờ Việt Nam. Tôi thực sự xúc động, và chưa bao giờ tôi đọc một cuốn sách nào của Việt Nam xúc động và hài hước như cuốn sách này. Viết quá giỏi! Tôi cũng có nghe tên ông Khoa nhưng chưa bao giờ đọc ông ấy một cách nghiêm túc. Bây giờ thì tôi sẽ tìm ông này đọc cho có hệ thống.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: “Tôi thực sự bàng hoàng”
Tôi đọc “ Đảo Chìm” trên nước Đức,
Năm ấy vợ tôi sinh con. Tôi được Khoa tặng “ Đảo Chìm” đã lâu mà chưa thèm đọc. Bụng nghĩ, Khoa thi sĩ, Khoa nhà thơ thần đồng, biết quái gì về văn xuôi mà chìm với nổi. Vợ sinh em bé, tôi phải thân một mình con cò lặn lội, bán hàng kiếm sống, theo nghĩa đen, đúng là trên băng giá. Buồn quá, bão gió, tuyết băng nhiều, khách chẳng có ai. Nhớ chuyện nổi chìm, tôi mang cuốn sách mỏng của Khoa ra đọc. Cuốn sách hút hồn tôi đọc liên tục. Năm ấy lạnh vô cùng. Băng dày đến năm sáu phân dưới chân. Cỏ cũng cứng lại, đá một cái là gẫy như nó giòn lắm chứ không mềm mại như thi sĩ hay ca ngợi. Thế mà tôi cứ nguyên vị một chỗ, một mạch, chơi sạch cuốn chìm nổi. Đảo Chìm Khoa viết lời dẫn, nói là chuyện thật, ghi lại chuyện thật, nhưng tôi thừa biết nhiều đoạn hắn phịa, phịa 100 phần trăm, như câu chuyện vị tướng với người lính.Tôi là lính chiến, 11 năm đánh nhau, 11 năm choảng tới hơn 500 trận (cao xạ cứ bắn 1 lần máy bay đi là tính 1 trận), từng được huân chương chiến công (chứ không phải huân chương niên hạn) nên ai viết bốc phét là tôi biết tỏng. Đọc Khoa làm người cũng cầm bút, viết văn từ năm 1972 trong rừng, làm tôi bàng hoàng. Bởi cái khó nhất của nhà văn là không phải chụp ảnh sự thật; cái khó nhất là thâu tóm hồn cốt những sự thật mà dựng lên một sự thật. Những câu chuyện của Khoa, như chi tiết tôi nêu trên, hoàn toàn tạo dựng được tinh thần của người chiến sĩ với đất đai của cha ông. Cao cả, dung dị, đời thường mà hoành tráng... Chi tiết câu chuyện giữa tướng và lính hoàn toàn làm người đọc như tôi xúc động và nhận ra tiếng vỗ của một bàn tay. Trong “Đảo Chìm”, các câu chuyện cứ như đùa, như chơi mà rơi nước mắt. Tinh thần một dải đất, một doi cát , một tấc đất của Tổ tiên được viết ra như khắc đá xuyên suốt tác phẩm. Nó làm tôi nhiều lần khi đọc Khoa viết về những tháng năm thế hệ chúng tôi vì đất mẹ, dám hy sinh mà run lên, mặc mẹ tuyết gió vẫn ào ào thổi quanh tôi. Ngay cả "nhân vật" con lợn Khoa dựng cũng tài. Tôi đã nuôi chó khi một mình ở trong một ngôi nhà gỗ, quanh tôi nhung nhúc bọn cướp đồng hương, sẵn sàng băm tôi làm pate nên tôi hiểu “nhân vật” lợn. Nó biến thành người bạn lính như con chó nòi Đức Hanssi đã chia sẻ bao năm tháng với tôi ở giữa khu vườn mênh mông trắng lạnh, thiếu vắng con người, xa cách "đất liền": Tổ quốc. Khả năng của một nhà thơ có tài hay không ở chỗ cô đặc chữ, làm nên cảm xúc lan truyền, sang chấn bạn đọc lập tức. Khả năng của một nhà văn là sự tái dựng điều nào đó có thể nhặt ngay từ cuộc sống ngồn ngộn hoặc bịa đặt (sáng tạo ra tình huống, chi tiết) mà vẫn tạo nên cảm giác vừa thật vừa khái quát, gửi gấm một tinh thần tư tưởng nào đó, lại không hề "Nghĩa Lộ", tự nhiên như đời sống vốn có... Khoa là nhà văn đã làm được cấp độ thứ hai khi cầm bút... Gần đây, một bạn văn trẻ trình làng một cuốn tiểu thuyết hơn 500 trang, viết về các chiến sĩ Trường Sa. Anh, với tấm lòng trân trọng những người lính, viết cuốn sách ấy khi đang nằm trên Trường Sa, trình độ học vấn còn thiếu hụt. Nhưng tôi đánh giá cao nó, vì tự nhìn thấy mặt mạnh anh làm được, đặc biệt là tấm lòng anh với bè bạn, đồng đội... khi mà với tuổi ấy, tôi khó có thể viết như anh. Song ở mặt nào đó, sách chưa vươn tới, vượt ra khỏi cái mô phỏng về đời sống của người chiến sĩ - chủ nghĩa hiện thực - Tôi bèn tìm mua một cuốn “Đảo Chìm” để tặng bạn gái của anh và anh, nhưng tìm mãi mà chẳng nơi nào bán. Bèn tới nhà sách Hàn Thuyên của cô Miên để giới thiệu “Đảo Chìm” cho Khoa tái bản. Ba ngàn cuốn tái bản ngay tắp lự và hết veo sau hai tháng cho nhiều đại lí bán, chứng tỏ Đảo Chìm của Khoa sau hơn hai chục lần “tái và chín” vẫn có bạn đọc; chứng tỏ, một nhà văn không cần làm điệu, nhất thiết cứ mải mốt đi tìm tân tiếc gì để nổi tiếng... Sự tìm tòi bứt phá hình thức là cần thiết với con đường tất yếu của văn học nghệ thuật, song điều quan trọng hơn cả - theo tôi - khi là nhà văn có văn cách và nhân cách dứt khoát phải đầm mình, đừng hoang tưởng, để nói trúng tâm ý của quần chúng lao khổ thì sẽ có bạn đọc! Nhất là hôm nay Trường Sa, Hoàng Sa đang là vấn đề danh dự và lương tâm của mỗi người dân Việt Nam, thì “Đảo Chìm” của Khoa càng có tác động. Và khi thế giới tàn lụi chiến tranh lạnh, vấn đề Tôn giáo và Dân tộc (mãi mãi) là sự nhức đau của các sắc tộc thì Đảo Chìm sẽ có sức sống lâu dài...
Bây giờ, khi đang viết những dòng này tôi vẫn nhớ như in cảnh huống tôi đọc “Đảo Chìm” của Khoa ở Đức. Tôi đã để lại nó, cuốn Đảo Chìm ấy cho con gái yêu của tôi, trong bộ sách tôi muốn con tôi sẽ đọc, phải đọc, khi nó luôn nói: Con là người Việt Nam.
Phan Văn Tòng: “Tôi thấy trang nào cũng hay đến lạ lùng”
Tôi không phải là lính biển mà là lính bộ đã đánh trận dọc Tây Nguyên, tuy thế cuốn tiểu thuyết của anh Khoa vẫn làm tôi vô cùng xúc động. Tôi thấy trang nào cũng hay đến lạ lùng, vì vẻ đẹp trong sáng và rất hồn nhiên lạc quan của lính biển. Tôi rất chú ý đến ý kiến của ông Nguyễn Xuân Viên khi xếp cuốn sách này vào loại hay nhất của tiểu thuyết Việt Nam. Có lí đấy. Cuốn tiểu thuyết ai cũng khen là “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Tôi thấy nó thật buồn, chua chát, xót xa, cuộc chiến thì thắng mà bộ đội ta thì thua, có thể nói là thảm bại, cả thể xác lẫn tinh thần. Cuốn của anh Khoa khác hẳn, gian khổ, thiếu thốn khủng khiếp mà vẫn vui, vẫn tin vào cuộc sống. Ngay cái chết cũng có khả năng thúc đẩy phát triển và tôi thấy thế là đúng. Tôi thấy Tổ quốc ta thật hùng vĩ và thiêng liêng. Tôi thích cuốn sách của anh Khoa và đánh giá cuốn của anh Khoa rất cao là vì thế.
Nguyễn Văn Đệ: “Đau và trong vô cùng!”
Tôi đồng ý với anh Phan Văn Tòng cũng như nhiều anh chị tham gia bàn luận. Trần Đăng Khoa là nhà tiểu thuyết, nhưng anh ấy lại là một nhà thơ có tài, một chuyên gia ngôn ngữ, nên tôi thấy các câu chữ của Khoa chắt lọc và chặt chẽ lắm. Cái ba lô là một tác nhân dẫn đến cái chết của Hai đã được Trần Đăng Khoa cài cắm ngay từ phần đầu của tiểu thuyết. Khi Khoa đến, Hai đã giao cái ba lô của Hai cho Khoa giữ. Và chiếc ba lô đã thành một nhân vật. Có những chi tiết đọc thấy gai người, là thỉnh thoảng cái ba lô lại chao lắc trong gió và đôi đũa lại khua vào cái bát sắt leng keng. Và những lúc như thế, Hai thường lần dậy, đơm bát nước ngọt, là cái quý nhất đảo, đặt lên thành giường, rồi chắp tay vái lên nóc bạt. Sau này, cũng vì sợ mất cái ba lô này mà Hai trở lại đảo cứu cái ba lô. Vì đó là ba lô của người lính đã mất không còn hài cốt, nên có thể đưa bảo vật này cho mẹ Thiêm, an táng làm mộ gió để có chỗ cho bà mẹ còn thắp hương cho con. Chi tiết đắt vô cùng. Đau và trong vô cùng. Các tình tiết diễn ra rất hợp lý. Tôi chưa đọc cuốn sách nào mà đọc rồi thấy ám ảnh, không sao quên được như cuốn sách này. Hay vô cùng!
Phan Văn Tòng: “Một vẻ đẹp hùng vĩ và thiêng liêng của Tổ quốc”
Ý kiến của anh Ng. Đ. Đệ rất tinh, nhận xét của anh là của một nhà phê bình, có khả năng thẩm văn khá cao, không phải nhà phê bình nào của ta hiện nay cũng có. Cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh nhiều nhà phê bình tên tuổi cho là hay nhất Việt Nam. Đặt bên cạnh cuốn của Trần Đăng Khoa và cùng đọc một lần sẽ cho ta nhận định về vị trí của hai tác phẩm này. Tôi nói là tôi đánh giá cuốn của Trần Đăng Khoa cao hơn. Cuốn anh Khoa đọc xong thấy nó ám ảnh mình rất ghê, về vẻ đẹp cao cả và giản dị của anh bộ đội Cụ Hồ, vẻ đẹp hùng vĩ và thiêng liêng của Tổ quốc. Mọi tác phẩm thật hay, có giá trị rất lâu dài đều vậy cả. Đúng không?
Đỗ Duy: “Xúc động đến phải khóc mà vẫn không bi lụy”
Việt Nam ta có nhiều tiểu thuyết hay, sắc sảo, phản ánh sinh động nhiều mặt chiến tranh, hòa bình, xây dựng cuộc sống hiện đại kinh tế WTO. Đọc mà thấy vui, đặc biệt xúc động đến phải khóc mà vẫn không bi lụy, mà lạc quan cách mạng, hiển hiện vấn đề trung tâm nhất của mọi thế hệ VN là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, thì không có cuốn sách nào bằng cái Đảo Chìm của Trần Đăng Khoa, nhất là vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa của ta hiện nay, cuốn sách thật tuyệt mà lại viết cách đây gần 30 năm. Thật kì diệu. Không thể dùng câu nào khác để nói cảm nghĩ của tôi về tuyệt tác này. Vâng, thật tuyệt diệu.
Lưu Trọng Đàm: “Hình thức rất lạ”
Tôi là một lính biển, đã nhiều năm làm bác sĩ ở Trường Sa. Tôi đã xem phim Đảo Chìm do Xưởng phim Quân đội nhân dân chuyển thể từ tiểu thuyết của Trần Đăng Khoa. Nhưng thú thật, tôi không thích cái phim vì nó rất khiên cưỡng và rất giả. Từ đó, tôi không đọc cuốn sách, dù vợ tôi có mua và quảng cáo với tôi rất rầm rĩ rằng sách hay lắm, buồn cười lắm. Tôi không đọc, vì mình đã biết cốt truyện qua cuốn phim cùng tên rồi. Bởi thế bữa nay trực ở bệnh viện, ngày nghỉ nên vắng bệnh nhân, mới vào mạng đọc thử, thấy bất ngờ vì cái truyện hay thật. Tôi rất thích những trang đối thoại của ông Khoa, vì thấy nó rất sống động, rất lính. Có lẽ sau Phạm Tiến Duật, đây là cây bút giàu chất lính nhất, mà là lính trẻ. Khá thật, mặc dù ông Khoa ở Hải Quân có mấy năm thôi, và ông ấy cũng đi đảo lớt phớt lắm, chứ không đằm mình như tụi lính tráng thật sự chúng tôi. Điều đặc sắc nhất của cuốn truyện ông Khoa có lẽ lại là hình thức. Hình thức rất lạ. Tiểu thuyết là những mẩu chuyện nhỏ, nhiều chuyện cũng bình thường ở dạng hoạt kê, cảm giác thấy gì kể nấy, kể vui vui, nhưng gộp lại, đọc liền mạch thì thấy hay và thâm thúy thật. Văn ông Khoa cũng gọn. Một cuốn sách đặt ra một vấn đề rất lớn, mà ngắn choặn có mấy chục trang, cũng như cuốn "Ông già và biển cả", tác phẩm đoạt giải Nobel của Hemingway cũng rất lớn mà đâu có dài. Tôi nghĩ văn hiện đại là nên ngắn, ít chữ nhưng dung lượng thông tin lại lớn.
Vũ Minh Hoàng: “Tôi đọc “Đảo Chìm” như bị ma ám”
Tôi đã đọc hai lần tác phẩm này. Phải nói là cuốn sách có một ấn tượng rất mạnh, đọc như bị ma ám. Tôi chưa thấy cuốn sách nào lạ như cuốn sách này. Trước hết là hình thức. Cách viết của chú Khoa rất mới. Mỗi chương là một truyện, có thể tồn tại độc lập. Ví như chuyện "Cô tiên trên đảo" viết về cô con gái của chính trị viên Thuận. Toàn bộ chuyện con gái ông Thuận dồn trong một chương, có mở, có phát triển, rồi thắt nút, cởi nút. Nếu như nhà văn khác có thể phát triển các tình tiết, ví như các chàng trai đều phải lòng cô bé này, cũng do thiếu thốn tình cảm, mà mỗi người tưởng tượng theo một kiểu, có thể đẩy lên nữa, yêu đương, rồi ghen tuông, thậm chí tranh giành nhau, rồi lại nhường nhau, nhường cho một chàng lính nào đó bất hạnh nhất, ví như mồ côi, không có thư của người thân ở đất liền, mọi người muốn cô bé Tương này thư cho anh chẳng hạn, rồi cuối tiểu thuyết mới bật ló ra về một sự thật: Cô bé có tí tuổi, vẫn còn đang đái dầm chẳng hạn. Phải nói là rất hay, rất phong phú. Nhưng Khoa không phát triển theo hướng đó, cậu ta gói gọn mọi chuyện có mở có kết trong một chương thôi, từ khi cậu Tư râu không chịu gọi Thuận bằng bố, đến khi hiểu ra sự thật, là Thuận chẳng có cô con gái nào như trong tưởng tượng của lính, mà rồi Tư lại chịu gọi Thuận bằng bố. Tình tiết rất hợp lý. Cậu Khoa đưa gọn chuyện về một chương, lại thấy có cái thú vị khác, nó thành một truyện ngắn, truyện mini, hay là một tiểu phẩm có tính kịch. Nghĩa là tách riêng ra, cái truyện có thể đứng độc lâp thành một tác phẩm riêng biệt, nhưng gộp lại thì chương nọ làm rõ chương kia, các chương lại gắn kết với nhau thành một cuốn tiểu thuyết thực sự. Tôi gọi là tiểu thuyết, vì cuốn sách này có kết cấu trọn vẹn của một cuốn tiểu thuyết, ngôn ngữ cũng là ngôn ngữ tiểu thuyết với giọng văn rất riêng biệt, vừa rất buồn cười, như thể loại tấu nói mà lại rất xúc động. Viết giỏi lắm. Cái chi tiết tả Hai ùm cũng hóm, anh chàng cởi truồng, nên nhảy xuống biển, làm luôn hai phát ùm ùm, Khoa nháy thêm "Có điều cái ùm sau lại to hơn cái ùm trước. Hãi thế!". Giỏi. Rất nghịch, rất lính, tả thằng cởi truồng đi tắm mà tả thế là tài lắm. Tôi rất phục ngôn ngữ của Trần Đăng Khoa.
Hà Vân: “Trời ơi những người lính đảo!...”
Em đọc rồi không thể ngủ được nữa vì nước mắt cứ chảy ra... Những người lính trong câu chuyện của anh ám ảnh em. “ Đảo Chìm” ám ảnh em, cả những câu văn rất ngắn, những chi tiết đắt, cười ra nước mắt, những động từ rất lạ, rất... Trần Đăng Khoa...
Không hiểu sao cảm xúc cứ trào dâng. Chưa bao giờ đọc truyện mà lòng em lại lâng lâng và nghẹn ngào đến thế! Thực sự “Đảo Chìm” chưa được nhắc đến với một giải thưởng nào cả nhưng với bạn đọc nó là một báu vật...
"Bằng những con chữ mỏng manh và đầy giông gió, tôi muốn cắm một cột mốc chủ quyền lãnh thổ theo cách của riêng tôi cho quần đảo thiêng liêng này". Cái cột mốc theo cách riêng của anh quả là kì diệu!
Trương Hòa Bình: “Chuyện thật mà như chuyện viễn tưởng”
Cuốn sách của ông Khoa vừa lạ lại vừa hay. Phần đầu là lạ. Phần sau là hay. Phần đầu là phần nào? Đó là những chương, hay là những mẩu chuyện, những tiểu phẩm giới thiệu về hòn đảo này. Nó lạ, vì không có hòn đảo nào như thế trên cõi thế gian này. Đảo gì mà lại chìm dưới nước. Nếu nó chưa nổi lên thì sao gọi là đảo? Phải gọi là dải đá ngầm chứ. Đây là dải đá ngầm, nhưng lại không phải dải đá ngầm. Vì nếu là dải đá ngầm thì ai gìn giữ làm gì? Nhưng hòn đảo này lại được gìn giữ, vậy thì nó không còn là đá ngầm, nó là đảo, là mô hình một xã hội tương lai. Nhưng phải một trăm năm nữa nó mới ra đời. Kinh khủng. Nếu đây là chuyện viễn tưởng thì cũng đã hay. Nhưng nó lại không phải viễn tưởng. Nó là một xứ sở có thật ở Việt Nam. Chính vì thế mới kinh khủng. Tự thân nó đã có một ý nghĩa, là ý tại ngôn ngoại, có lẽ cũng là ý tưởng của ông Khoa mà cháu Thu Hà đã một lần nói toạc ra. Ông Khoa đúng là một Bá Nha đã có Tử Kỳ. Ông may mắn hơn rất nhiều nhà văn khác. Đó là phần lạ của cuốn sách. Còn phần hay là khi bắt đầu xuất hiện con lợn, mà lính tráng Đảo Chìm gọi là nàng An tan a mê ra. Nàng An tan a mê ra là nhân vật hay nhất, đặc sắc nhất của cuốn sách, cũng là điểm để ngòi bút ông Khoa xuất thần. Con lợn đẻ. Ông Thuận là chính trị viên, nên ông nhìn sự kiện lợn đẻ thành một sự kiện chính trị. Đảo Chìm không phải xứ sở hoang dại. Đảo Chìm đã có sự sống. Mặc dù có có bao nhiêu người lính đã sống và đã chết cho cái xứ sở này, mà chết rất vu vơ, những cái chết dường như rất vô nghĩa. Đó là cái chết của Thiêm. Rồi sau đó là Hai, một chàng trai bơi giỏi nhất đảo. Ông Khoa viết rất kỹ, rất tinh qua một chi tiết khi miêu tả chim biển, khi ông Khoa (nhân vật) xuất hiện, bầy chim làm loạn lên vì có hơi người. Hai bảo, "ngày mai, lũ chim sẽ bơ ông anh ngay". Rồi ông Khoa đẩy lên một nấc nữa, qua một ý nghĩ nội tâm, nhưng đọc thấy lạnh người: "Chả lẽ ngày mai tôi không còn hơi người nữa ư?". Kinh khủng. Và chính vì thế, việc lợn đẻ rất bình thường, thậm chí là vớ vẩn mới trở thành sự kiện. Đảo kéo còi tàu, thắp đuốc. Liên hoan. Nhưng liên hoan tiết kiệm, không dùng nước ngọt, mà chỉ, ngày mai tất cả đều mặc quần áo, "không đứa nào được cởi truồng!". Hay đến kinh hoàng. Vừa rùng rợn, vừa hài hước, vừa xót đến quặn thắt cả gan ruột. Rồi bầy lợn chết hết, chỉ còn sống mỗi con mà lính gọi là nàng Anta... Sự phản ứng của đám lính khi xuất hiện. Người yêu con lợn như Hai, có thể "hi sinh" trang phục của mình để may cắt bộ váy áo cho lợn, tạo thành một nghịch cảnh, con lợn thì xúng xính mớ bảy mớ ba, còn thằng người lại cởi truồng nồng nỗng. Rồi đẩy lên nữa qua một chi tiết, lợn được chia 4 lít nước ngọt, trong đó người lại chỉ có hai. Con người không bằng con lợn. Tư là anh quản lý, chỉ nhìn con lợn như một cái máy "ngốn" nước ngọt, nên tìm mọi cách tiêu diệt "con nặc nô". Và khi con lợn động đực, nhảy cả xuống biển, lính nhao xuống vớt trong vùng biển có rất nhiều cá mập, Tư đã nhân cớ đó "đánh" vào lòng trắc ẩn của chính trị viên, và Tư chơi đòn chính trị, quy kết chính trị viên coi lính không bằng tính mạng con lợn. Đến lúc đó, chính trị viên Thuận mới quyết định xử trảm con lợn, nàng An tan a mê ra kiều diễm, một nghệ sĩ lừng danh của của xứ Đảo Chìm.
Chương giết lợn ông Khoa viết cũng rất giỏi, khi kề con dao vào cổ lợn, con lợn lại tưởng con người đang đùa với mình, thế là máu nghệ sĩ được đánh thức, và “cô nàng” lại tung mình biểu diễn, mua vui cho con người ở cái xứ sở chẳng biết lấy gì để làm vui. Một nghệ sĩ tài danh như thế, chỉ có ăn cơm thừa canh cặn để lột hết tâm hồn mình thành những vẻ đẹp tinh thần sao lại nỡ giết đi? Con người có còn là con người không? Hay đã là ác thú? Không ai giết nổi con lợn, kể cả Tư, người chủ mưu tiêu diệt con lợn này. Tôi chỉ tiếc phần cuối, ông Khoa bỏ quên con lợn. Khi Hai mất, lúc ấy con lợn ở đâu? Tâm trạng nó thế nào? Tiếc là ông Khoa đã bỏ lửng. Đấy là điểu khiếm khuyết, đáng tiếc nhất của thiên truyện đặc sắc này. Vì thế, “Đảo Chìm” rất hay, tuyệt hay, nhưng không hoàn hảo. Rất tiếc.
Đặng Hoàng Thu Hà (người đánh máy Đảo Chìm, đưa lên trang điện tử của Nhà văn Xuân Đức): “Cháu rất ngạc nhiên, vì sao sách hay như thế lại không có một giải thưởng nào cả!”
Cháu chỉ là người yêu văn chương thôi. Cháu có 4 cuốn “Đảo Chìm” in trong 4 lần khác nhau. Cuốn mới nhất in cuối năm 2008, có bổ sung thêm một cái truyện mini về ông già 72 tuổi lập mưu cưới vợ rất hay. Thế là cháu lại mua thêm. Cuốn này in đẹp, bìa của họa sĩ nổi tiếng Văn Sáng. Cái bìa đẹp, nhưng chứng tỏ bác Sáng vẽ bìa nhưng lại không đọc sách của bác Khoa. Bác Khoa viết về một hòn đảo chìm, nghĩa là một hòn đảo chưa có đảo, nó mới là một cái mô hình, như mô hình CNXH mà chúng ta đang gìn giữ vậy, bác Sáng lại vẽ hòn đảo có núi non, núi cao chót vót, có cả chim bay mây lượn. Đấy là đảo của bác Sáng, không phải đảo bác Khoa. Cháu đang sưu tầm đủ 25 cuốn Đảo Chìm của 25 lần xuất bản trong vòng 8 năm. Cuốn in lần thứ nhất là tháng 10 năm 2000 ở Nhà xuất bản Thanh niên. Cuốn ấy cũng Văn Sáng vẽ bìa, nhưng màu vàng. Trung bình, mỗi năm hơn 3 lần tái bản “Đảo Chìm”. Cháu rất ngạc nhiên, vì sao cuốn sách hay như thế mà không thấy có một giải thưởng nào cả, kể cả giải thưởng chuyên ngành của Bộ Quốc Phòng hay Tổng cục Chính trị?. Cuốn sách này không phải chỉ có “Đảo Chìm” mà còn có nhiều tác phẩm viết về lính cũng rất hay như “Ký ức tháng Tư”, “Chuyện ở Quảng Bình”, nhiều lắm, điều lạ hơn cũng ít thấy các nhà phê bình nhắc đến nó. Vậy thì rõ ràng có một dòng văn học rất chính thống mà lại nằm ở ngoài Hội nhà văn và các cơ quan chuyên ngành của văn học.