Ca khúc thiếu nhi sao không là "Giai điệu tự hào"?

Hình ảnh em thiếu nhi mang cơm cho mẹ đi cày trong ca khúc “Đưa cơm cho mẹ đi cày” của Hàn Ngọc Bích; hình ảnh “Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy…” trong ca khúc “Hạt gạo làng Ta” nhạc của Trần Viết Bính, lời thơ của Trần Đăng Khoa v.v. là những hình ảnh đẹp nhất của thiếu nhi trong những ca khúc thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Tiếc rằng, trong chương trình “Giai điệu tự hào” – chương trình ca nhạc của VTV - không giới thiệu những ca khúc thiếu nhi - những giai điệu cũng rất đáng tự hào của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

 

 

Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích sinh ngày 18-11-1940, quê ở Hà Nội. Ông tốt nghiệp khoa Lịch Sử, Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1962 và làm giáo viên ở Sơn Tây. Năm 1973, ông về công tác tại Vụ giáo dục Tiểu học- Bộ Giáo dục và Đào tạo, làm ủy viên Thư ký Hội đồng Âm nhạc của Bộ.

 

Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích sáng tác nhiều ca khúc cho thiếu nhi, góp phần soạn thảo sách giáo khoa, sách giáo viên, sách hướng dẫn dạy học môn Âm nhạc. Ca khúc của ông được sử dụng nhiều trên sách báo, đài phát thanh và truyền hình, trong các cuộc thi âm nhạc thiếu nhi, …

Những bài hát đáng chú ý của nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích gồm có: Rửa mặt như mèo, Em đố mẹ em (cùng Văn Dung), Đưa cơm cho mẹ đi cày, Em bay trong đêm pháo hoa, Tiếng chim trong vườn Bác, Tre ngà bên Lăng Bác, Tháng ba học trò, Xinh xinh hạt nắng, Hoa bí vàng (ca cảnh). Trong tập 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỉ 20 (Kết quả từ cuộc bình chọn âm nhạc do báo Thiếu niên tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa học giáo dục VTV, Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức năm 1999-2000), nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích có 4 bài được chọn là: Đưa cơm cho mẹ đi cày, Em bay trong đêm pháo hoa, Tiếng chim trong vườn Bác, Tre ngà bên Lăng Bác.

Nhạc sỹ Hàn Ngọc Bích kể: Ca khúc “ Đưa cơm cho mẹ đi cày” ông viết ở Thường Tín từ cuối năm 1970, khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở vào thời kỳ ác liệt nhất. Chính năm ấy, ông mất đứa con gái đầu lòng. Cảm giác mất mát có phảng phất đâu đó trong bài hát. Cái chung và cái riêng xen lẫn, man mác nhưng không buồn. Mãi đến năm 1972 sau nhiều lần sửa chữa, khi ưng ý, ông mới gửi tới Đài Tiếng nói Việt Nam…

Hình ảnh em thiếu nhi mang cơm cho mẹ đi cày  trong ca khúc “Đưa cơm cho mẹ đi cày” của Hàn Ngọc Bích có lẽ là một trong những hình ảnh đẹp nhất của thiếu nhi trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Thời kỳ này, nam giới ra chiến trường, mọi công việc nặng nhọc ở hậu phương, như cày, bừa… do phụ nữ đảm nhận. Dưới đây là hình ảnh em bé mang cơm cho mẹ trong ca khúc nổi tiếng của Hàn Ngọc Bích:

“Mặt trời soi rực rỡ, gió đùa tóc em bay

Giỏ cơm trên tay, em đi đưa cơm cho mẹ em đi cày

mẹ ơi, mẹ nghỉ tay, trời trưa vừa tròn bóng

mẹ ăn cơm cho nóng mà để trâu cho con chăn (ớ) chăn trâu

mai đây lúa thơm xóm thơm làng, lúa thơm lừng cả bàn tay

là thơm nắng hôm nay khi em đưa cơm cho mẹ em đi cày

Đường hành quân diệt Mỹ, bố hỏi cuối thư vui

Lúa xuân thêm bông, ngô khoai xanh tuơi ai giỏi giang tay cầy

mẹ ơi, mẹ hẳn vui, chiều qua đọc thư bố

lời bố khen con nhớ, mẹ đảm đang con chăm ngoan, lúa lên mai

Mai đây chiến thắng bố về, sẽ nghe mẹ kể chuyện con

rằng con bé lon ton, khi con đưa cơm cho mẹ vui đi cày”.

 

HẠT GẠO LÀNG TA (nhạc của Lê Viết Bính- lời thơ của Trần Đăng Khoa)

Lời bình của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi về “Hạt gạo làng ta”

Khi làm bài thơ này, Trần Đăng Khoa đang học cấp một nhưng bằng sự hiểu biết đời sống nông thôn và nhờ tài năng đặc biệt, bài thơ được viết ra một cách sâu sắc và rung động, giầu ý nghĩa nhưng lại rất trẻ con:

Hạt gạo làng ta

Có vị phù sa

Của sông Kinh Thầy

Có hương sen thơm

Trong hồ nước đầy...

ở lứa tuổi ấy mà biết nghĩ như thế là sâu sắc lắm. Từ một thực tế có tính khoa học là cây lúa hút chất dinh dưỡng ở bùn, đất ra hoa, trổ bông, kết hạt (như ai cũng biết) thì nhà thơ bằng sự tinh tế của tâm hồn còn nghe được, cảm được “vị phù sa”, “hương sen thơm”, trong hạt gạo. Và hơn thế nữa, còn có cả tình người, lòng người ấp ủ:

Có lời mẹ hát

Ngọt bùi hôm nay...

Làm ra hạt gạo gian khó biết chừng nào. Ca dao cổ có câu thấm thía:

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.

Đó là phát biểu trực tiếp, có tính chất luân lí, hơi nghiêng về lí trí. Còn trong bài thơ này, Trần Đăng Khoa để thực tế đời sống tự nói lên:

Hạt gạo làng ta

Có bão tháng bảy

Có mưa tháng ba

Giọt mồ hôi sa

Những trưa tháng sáu...

Bão dập, nắng lửa, mưa dầm, thiên nhiên nhiệt đới khắc nghiệt đã đổ lên đầu người nông thôn bao nhiêu nhọc nhằn để làm ra hạt gạo, mà cụ thể nhất là bà mẹ của mình:

Nước như ai nấu

Chết cả cá cờ

Cua ngoi lên bờ

Mẹ em xuống cấy.

Bốn câu thơ có sức chứa lớn nội dung, về hình thức biểu hiện. Nghĩ bằng cách nghĩ của trẻ con, tác giả mới so sánh cái nước do mặt trời hun nóng lên ở ruộng với nước nóng mà ta đun, nấu lên; nước nóng đến mức “chết cả cả cờ” thì phải là mắt trẻ con mới nhìn thấy được. Vì sao vậy? Cá cờ có nơi gọi là cá thia lia, thân, đuôi nhiều màu sắc rực rỡ, các cậu bé ở nông thôn mà bắt được là đem về nuôi ở chai, lọ thủy tinh như ở thành phố người ta nuôi cá vàng.

Nước nóng chết cả cá, nhưng chết mấy con cá cờ quả là tiếc đứt ruột. Phải có con mắt trẻ con, tâm lí trẻ con mới viết được hai câu thơ:

Nước như ai nấu

Chết cả cá cờ...

“Cua ngoi lên bờ”: không sống ở nông thôn, không có thực tế ruộng đồng không có câu thơ đó. Nóng quá, cua ngoi lên bờ nhưng bất ngờ đến sửng sốt khi:

Cua ngoi lên bờ

Mẹ em xuống cấy

Hai câu thơ, hai hình ảnh đối nghịch nhau gây một chấn động tình cảm mạnh trong lòng người đọc.

Có phải nói điều gì nhiều về những vất vả, nhọc nhằn của người mẹ để làm ra hạt gạo? Hai câu thơ đã nói quá nhiều. Một câu như đám mây mang điện tích âm gặp câu kia mang điện tích dương tạo nên tiếng sét. Tiếng sét đó làm chấn động tình cảm trong lòng bạn đọc.

Kể ra bài thơ dừng lại ở đây được rồi, là đúng với lứa tuổi người viết. Nhưng trong thời điểm cả nước dồn sức chống Mĩ, trẻ con cũng già đi trước tuổi. Các em không được sống hồn nhiên cái tuổi bắt dế, nuôi chim của mình. Trần Đăng Khoa cũng vậy mà còn hơn thế nữa. Vì thông minh hơn người, em tiếp nhận không khí chính trị, không khí xã hội một cách nhạy bén:

Hạt gạo làng ta

Những năm bom Mỹ

Trút lên mái nhà

Những năm khẩu súng

Theo người đi xa...

Trần Đăng Khoa vừa miêu tả hạt gạo nghìn đời, vừa nói lên hạt gạo những năm chống Mỹ: gian khổ và nghĩa tình. Tác giả biết chọn lọc những hình ảnh có sức rung động. Câu thơ như:

Bát cơm mùa gặt

Thơm hào giao thông

vừa nói được hoàn cảnh, vừa nêu được khí thế của đất nước thời ấy.