Mỗi nhà văn có con đường đi tới chữ của mình
Mỗi nhà văn có con đường đi tới chữ của mình, có thế giới chữ của mình. Chữ đến với tôi từ mặt biển giữa trưa nắng, bốn chung quanh bầu trời cong chụp xuống. Những con sóng bạc đầu, trên mỗi ngọn sóng lại xòe ra những chùm nước nhỏ, tất cả lưu giữ ánh mặt trời sáng lòa như một trận mưa bạc đang rơi. Một đàn cá chuồn bỗng xé nước bay lên vẽ trong không trung những vòng cung bạc, và nhanh chóng biến mất như một ảo ảnh. Rồi gió. Gió từ chân trời ngập tràn mặt biển. Gió ào đến bao bọc quấn quít lấy tôi đứng trên con tầu đang đè sóng tiếp tục cuộc hành trình. Trời, biển, gió ập vào tôi ý nghĩa được sống, được làm người và cảm giác – hơn thế – khát vọng tự do.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn
Chữ đến với tôi từ rừng đại ngàn hoang vắng, hầm hập nắng, không khí cây cối không một chuyển động, mồ hôi ròng ròng, cái đói cắn vào bụng, quẩy đôi thùng ghép bằng gỗ thông, lủi vào một gốc cây, đập quả dứa vỡ đôi, hai hàm răng chắc cắm phập vào mảnh dứa vỡ, gọn như một cú đớp của hàm chó sói. Khợp.
Chữ của tôi là cô thôn nữ trong vườn vắng trèo lên cây bưởi hái hoa, bỗng thấy nụ tầm xuân nở ra xanh biếc khiến tôi xúc động. Là em bé mặt đỏ bừng, mồ hôi bết tóc đứng im lìm trước con chuồn chuồn ớt đỏ tươi đỗ trên cọc rào của tuổi thơ tôi. Là chuyến đi Ninh Bình khi hai mươi tuổi, ngơ ngác trước những con sóc đuôi xù dựng đứng bay từ cây nọ sang cây kia, rồi buổi tối họp chi đoàn, hát mẹ thương con có hay chăng chẳng nhìn ai nhưng cũng biết có những cặp mắt bồ câu đang hướng về mình, nghe bí thư chi đoàn hỏi người ngồi bên “đêm qua đi ngủ hến cắn hay sao mà ngáp thế” bỗng thấy mình giầu thêm một chút. Chữ như bụi vàng tôi cần mẫn nhặt nhạnh thu vén, tích cóp. Chữ như vỉa quặng còn tôi là người thợ mỏ đã bốc hàng trăm tấn đất đá vẫn chưa tìm thấy. Thật vất vả, đúng là phu chữ như Lê Đạt nói, và cũng như anh, tôi thích công việc phu phen. Khi đào bới tôi là người khai phá, là người sáng tạo. Chữ của nhà văn là cuộc sống, đúng hơn, cảm xúc trước cuộc sống anh thổi vào trong chữ. Cảm xúc ấy làm chữ có hồn, chiếm lĩnh người đọc khiến Gorki phải giơ trang sách lên trời soi xem có gì ở bên trong.
Chữ của tôi là tiếng thở dài của những người dưới đáy đến thẳng trái tim tôi, giản dị, âm thầm, khắc khoải, nặng trĩu. Là những chuyến đi biển dài ngày, lên bờ vẫn thấy mình đu đưa như còn trên sóng gọi là say đất cộng với 5 năm tù dài hơn cả kiếp người, khi được tha nhìn ai cũng quen quen ngờ ngợ như gặp lại bạn tù trong trại, để rồichiết xuất được hai tiếng “say tù”. Hai tiếng kết tinh tình yêu cuộc sống và nỗi trầm luân cay đắng của tôi. Nói rộng ra, tất cả sáng tác của tôi đều là hợp chất của hai thành tố ấy, càng đắm đuối càng cay đắng, càng cay đắng càng đắm đuối. Chữ là kinh nghiệm sống, là bầu khí quyển của tôi, tôi hít thở, ngụp lặn, nhấm nháp nghiền ngẫm. Giống Dương Tường, tôi ăn ngủ với chữ như với người tình một thuở. Tôi gọt giũa, lật lên lật xuống, vuốt ve ngắm nghía. Tôi ủ chữ trong tim, tôi ngậm chữ trong miệng, thì thầm với chữ và đọc to lên. Có những chữ như ảo ảnh, ẩn hiện trong sương, một dáng hình trong mơ, luôn giữ một khoảng cách không thể vượt qua. Nó làm tôi mất ăn, mất ngủ, ngơ ngẩn như người bị phụ tình. Lại có những chữ không hề nghĩ tới, vụt rơi vào trang giấy ngay trước mắt như một sự tự tìm đến hiến dâng, món quà ban tặng của Thượng Đế. Chữ với âm thanh trầm bổng (điều đặc biệt của tiếng Việt) lúc như viên chì lăn tròn vào lòng người, lúc trải rộng như cửa sông đổ ra biển cả, nhịp nhàng uốn lượn như múa, như hát, một hòa thanh nhỏ cho từng câu và một tổng phổ trong cả tập truyện dài.
Chữ là khổ sai. Chữ là hạnh phúc. Không chỉ hạnh phúc, tôi còn là một kẻ quyền uy. Muôn ngàn chữ trước mặt, thỏa sức chọn lựa, đảo lên đảo xuống cho đúng chỗ. Một từ chính xác đặt đúng chỗ bỗng rũ hết bụi bậm sáo mòn, vụt trở về vẻ đẹp nguyên sơ. Cũng nói thêm, tôi không chủ tâm bịa ra những từ mới. Những từ bình thường nhất, phổ biến nhất đứng bên nhau bỗng lung linh một vẻ khác thường làm tôi run lên vì vui sướng. Chẳng hạn như người vô hình, mùi của trẻ thơ, góa sống, chứng say tù, độc quyền yêu nước, độc quyền nhận sai lầm, tù ngoại trú mang bản quyền Bùi Ngọc Tấn trong văn học rất rõ ràng. Mà đâu chỉ là những cụm từ. Đó là những khái niệm sống.
Chữ với tôi như duyên nợ từ kiếp trước. Chữ, người bạn chung thủy không bao giờ rời bỏ tôi. Khi tôi bị bắt nhốt xà lim, chữ cũng theo vào. Ngoài chữ của Tolstoi trong tập Anna Karenina mà Dương Tường tặng, còn chữ của tôi, những chữ vô hình, những chữ hoài thai trong ngục tối, trong lao động khổ sai để rồi sinh nở trên giấy trắng mấy chục năm sau đó, một cuộc hoài thai kéo dài hơn nửa kiếp người. Chữ trò chuyện cùng tôi, động viên tôi vượt qua cái chết lâm sàng, an ủi tôi mỗi khi tôi tuyệt vọng. Tôi mang ơn chữ, luôn cố gắng để khỏi phụ tình cảm ấy của chữ, nhưng vẫn còn một khoảng cách quá xa giữa mong muốn với hiện thực, và hiểu rõ một điều mình là người bất lực.
………………………
(*) Chữ ở đây nên hiểu là từ, không phải chữ trong bảng chữ cái (a, b, c)
Tin cùng chuyên mục
Sự tích bài thơ "Hôn" của Phùng Quán
14/04/2014
Trịnh Công Sơn và khát vọng hòa bình
02/04/2014
Đối thoại văn chương (Chương II)
28/03/2014
Đối thoại văn chương
21/03/2014