Đối thoại văn chương (Chương II)

Trần Nhuận Minh: Ngôn ngữ là cái vỏ của tư duy, cũng là công cụ của tư duy. Khi tư duy đã thay đổi thì ngôn ngữ cũng phải thay đổi theo. Đó là lẽ thường.

 

Chương Hai


ĐỐI THOẠI THÁNG GIÊNG

 

36. Nguyễn Đức Tùng:
Cảm ơn anh đã cho biết thêm những chi tiết rất hay về dòng họ văn học Nguyễn Tường. Thật tiếc nếu ở Cẩm Giàng hiện nay không còn ai quyến thuộc. Hình như hầu hết đã vào Nam và sau này qua định cư ở Hoa Kỳ. Trong văn học miền Nam, các nhà văn Duy Lam, Thế Uyên, cháu gọi Nhất Linh bằng cậu ruột, cũng rất nổi tiếng. Nhưng anh nói đúng, thế hệ sau không thể bằng thế hệ trước; mặc dù thời nhỏ tôi rất yêu chất văn lãng mạn bi phẫn của Thế Uyên, chất hài hước nhân từ của Duy Lam. Những năm cuối 1990, tình cờ trong một thư viện ở Calgary, tôi có đọc một cuốn sách của Nguyễn Tường Bách.
Tác giả là em trai kế của Thạch Lam, con út trong gia đình, tốt nghiệp bác sĩ ở trường Y khoa Hà Nội và hoạt động về văn học báo chí một thời gian ngắn trước 1945. Ông thoát ly qua Trung Quốc rồi lập gia đình với một phụ nữ Trung Quốc, chứng kiến nhiều cảnh thăng trầm, sống ở đó cho đến cuối đời mới đi định cư ở Mỹ. Cuốn sách có tên Trên sông Hồng cuồn cuộn, dày sáu hay bảy trăm trang, như một hồi ký giá trị về thời kỳ sôi động 1945.
Đến nay tôi vẫn còn nhớ một đoạn ở chương cuối, như một tiếng khóc được nén lại, cố gắng thuộc lòng đoạn văn ngay trong lần đọc thứ hai ở thư viện, vì mùa hè ấy tôi sắp đi xa Calgary, linh cảm còn lâu mới trở lại.
“Vòng vây đã xiết chặt gần quá rồi. Đêm nay là đêm cuối còn có thể nằm trên mặt đất của nước mình. Dị quốc gần, gần quá. Chỉ vài chục bước lội bì bõm trên những hòn đá cuội nhẵn lì là được, dễ lắm.
Nhưng như thế là giã từ đất nước, quê hương, giã từ tất cả những gì thân yêu nhất với bao ngọt bùi cay đắng đã ăn sâu vào linh hồn ta, da thịt ta từ lúc còn thơ đến tuổi trưởng thành. Không, không thể nào như thế được.”
Xin lỗi tác giả nếu tôi ghi không đúng lắm. Nhưng thôi, chúng ta chuyển qua chuyện khác. Câu trước anh vừa nhắc đến Xuân Diệu và Thế Lữ.
Tôi là con chim đến từ núi lạ 
Ngứa cổ hót chơi 
Khi gió sớm vào reo um khóm lá 
Khi trăng khuya lên ủ mộng xanh trời 
Chim ngậm suối đậu trên cành bịn rịn 
Kêu tự nhiên nào biết bởi sao ca 
Tiếng to nhỏ chẳng xui chùm trái chín 
Khúc huy hoàng không giúp nở bông hoa 
Hát vô ích thế mà chim vỡ cổ 
Héo tim xanh cho quá độ tài tình 
Ca ánh sáng bao lần dây máu đỏ 
Rồi một ngày sa rụng giữa bình minh
Trên tờ báo Tuổi ngọc ở miền Nam trước đây, trong bài viết nhan đề Sa rụng giữa bình minh, tưởng niệm Quách Đàm, nghệ sĩ ngâm thơ, Duyên Anh đã nhắc đến những câu thơ đẹp và trong suốt như mơ của Xuân Diệu, đến nay tôi vẫn nhớ, mặc dù có thể không chính xác.
Anh từng khá gần gũi với nhà thơ. Nhân nói về thơ tình, anh nghĩ thế nào về Xuân Diệu?
Trần Nhuận Minh:
Có người gọi Xuân Diệu là “ông hoàng của thơ tình”. Tôi nghĩ không biết gọi thế có đúng không? Ông có hai giai đoạn sáng tác khác hẳn nhau. Trước năm 1945, ông là một nhà thơ, ai đọc ông cũng bị thơ ông chinh phục. Mà hầu hết là thơ tình. Tôi đọc thơ tình ấy của ông lại chỉ thấy thơ, thậm chí thơ hay, thơ của một nhà thơ rất có tài, có tài hơn người, chả nghĩ nó là thơ tình.
Sau năm 1945, ông là một nhà thơ công dân, làm thơ như làm nhiệm vụ công dân đối với đất nước. Điều ấy rất quý và rất đáng kính trọng. Còn thơ tình thì ông làm xen kẽ, như trổ ra mấy cái lỗ thông hơi cho thoáng cái căn nhà của thơ ông mà thôi. Sau đó, ông viết thơ tình nhiều hơn, đủ các tình huống. Ông nói với tôi là ông muốn làm một “bộ từ điển tình yêu bằng thơ”, xếp theo các hạng mục tình yêu, từ thăm dò, tìm hiểu, tán tỉnh, hỏi, cưới, sinh con, giận dỗi cãi cọ, rồi lại yêu nhau, kể cả chuyện sinh hoạt giường chiếu, rồi về già, yêu nhau lúc già… Tóm lại là toàn bộ quá trình. Đến khi ông mất, việc ấy đã không thực hiện được.
Bây giờ đọc lại những bài thơ tình ấy của ông, tôi cảm thấy là ông “chế tạo” ra nó nhiều hơn là ông viết nó từ trái tim đang yêu của mình. Tôi rất nhớ một lần Chế Lan Viên nói về thơ tình Xuân Diệu, trước mặt Xuân Diệu, có tôi ngồi hóng chuyện ở đó. Chế Lan Viên nói: người ta bảo thơ tình Xuân Diệu “độc đáo” thì đúng quá rồi. Bởi vì không ai yêu như Xuân Diệu cả. Đàn ông không ai yêu như thế, đàn bà không ai yêu như thế, thanh niên không ai yêu như thế và ông già cũng không ai yêu như thế… Sau đó Chế Lan Viên nói một câu rất tục mà tôi không tiện nêu ra đây. Xuân Diệu bực lắm mà không làm gì được. Vài lần được chứng kiến những cuộc “giao tranh” như thế, tôi thấy Chế Lan Viên cực kỳ thông minh, và hơi cay nghiệt, còn Xuân Diệu thì lúc nào cũng “thua trận”, bực dọc lắm, nhưng cứ ậm à ậm ừ…
Trong bản tham luận đọc tại hội thảo khoa học của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, tổ chức tại thành phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) ngày 4 và 5/8/2009, có đoạn tôi viết về thơ tình Xuân Diệu. Tôi xin trích lại để bạn đọc tiện theo dõi:
Một điều thấy rất rõ là thơ hiện nay đã khác rất xa với thơ trước đây. Những năm ấy, thơ chỉ nói về cái cộng đồng, gần như loại bỏ hoàn toàn cái cá nhân, kể cả cái cá nhân rất chính đáng, như tình yêu, cũng không thể có được một phút hoàn toàn im lặng trong thanh vắng dành riêng cho hai trái tim. Nhà thơ Xuân Diệu mà nhiều người cho là ông hoàng của thơ tình, có hai câu thơ nổi tiếng (trong bài thơ có tên là Cầm tay): Một tuần công việc tạm xong / Cầm tay chủ nhật hoà trong phố người… Tôi nhớ, hai câu này, đã được Xuân Diệu dùng làm đề từ cho cả tập thơ tình của mình và tập thơ tình ấy, cũng có tên là Cầm tay, đủ thấy nó có vị trí như thế nào trong quan niệm về thơ tình của Xuân Diệu. Hai câu thơ rất được hoan nghênh, nhưng tôi tin không một trái tim đang yêu nào, dù ở thời điểm đó, công nhận là nhà thơ thân yêu của mình đã viết cho chính mình. Bởi trai gái yêu nhau, ngay cả ở thời chống Mỹ ác liệt nhất, cũng không phải chờ đến ngày chủ nhật, khi công việc tạm xong mới cầm tay nhau, và khi đã cầm tay nhau rồi, chả ai muốn đi vào phố có rất đông người, để họ trông thấy và chỉ trỏ về cái sự cầm tay nhau của mình. Xuân Diệu đã nói theo cái ý rất chủ quan của ông, dù có thể chính ông cũng biết, điều đó không có trong thực tế. Theo tôi, đấy không phải là thơ tình.
Nhiều bài thơ tình khác của ông cũng có cái cảm giác do ông “chế tạo” ra bằng tài nghệ hơn người của mình. Có cái gì như thế mà không phải như thế.
Nhớ Xuân Diệu, tôi chỉ nhớ những bài thơ viết trước năm 1945 của ông.
37. Nguyễn Đức Tùng:
Câu cuối cùng của anh “nhớ Xuân Diệu, tôi chỉ nhớ những bài thơ viết trước năm 1945 của ông” là một nhận định quan trọng. Đến nay hình như tôi ít được nghe ai nói một câu khẳng định rõ ràng như thế về Xuân Diệu. Nó có ý nghĩa lớn về văn học.
Trần Nhuận Minh:
Xuân Diệu làm thơ nhiều, chỉ một hoặc hai năm, ông lại cho in một tập thơ dầy cộp. Nếu chỉ tính về số lượng, ở thể loại thơ, có lẽ ông lập được kỷ lục xuất bản đấy. Và ở thời ấy, bao cấp toàn bộ việc in ấn và phát hành hàng chục nghìn bản, được như ông…, sau Tố Hữu, có lẽ cũng chỉ có một mình ông mà thôi. Nhưng Tố Hữu thì số tập thơ xuất bản không nhiều như ông. Ông tự ví mình như gà đẻ trứng: Cục tác, cục tác!... Đẻ trứng này, tôi còn trứng khác…
Những tập được chú ý hơn cả của ông là Riêng chung, Mũi Cà Mau - Cầm tay, Tôi giầu đôi mắt…, trong đó có những bài nổi tiếng thời chống Pháp như Làng Còng, nổi tiếng thời chống Mỹ như Mũi Cà Mau, Ngói mới, Quả sấu non trên cao… Chưa kể những bài thơ thuần tuý chính trị mà hiện nay không mấy ai nhắc đến khi bình hay giới thiệu thơ Xuân Diệu, nhưng ở thời ấy, đã có những đóng góp rất lớn cho công tác tư tưởng của đất nước. Ông là tác giả những câu thơ viết về đế quốc Mỹ: "Nếu để cho chúng mày lăng loàn tàn ác, thì không còn có trời có đất gì nữa à?" (Xuân Diệu - Tác phẩm văn học được giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Văn học, 2006, trang 659)... Hay nói về nối tiếp truyền thống các thế hệ: "Con của chúng con lại đẻ ra con của chúng" (Xuân Diệu - sách đã dẫn, trang 449)… Tôi nhớ Bùi Giáng cũng có nhiều câu thơ kiểu “đặc biệt” như vậy, tất nhiên hàm lượng nghệ thuật khác nhau. Đây chỉ nói về sự “đặc biệt”. Hầu hết các tập sách, Xuân Diệu đều tặng tôi và tặng Khoa, mỗi người một tập riêng. Cũng như thơ tặng của Sóng Hồng (Trường Chinh), Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Tế Hanh…, các tập thơ và phê bình thơ của Xuân Diệu tặng tôi, cùng nhiều nhà thơ nhà văn khác, tôi đều rất quý, đọc xong rồi cất giữ rất cẩn thận và hiện vẫn còn lưu nguyên vẹn.
Công bằng mà nói, thơ Xuân Diệu sau năm 1945 không hay bằng thơ trước đó của ông, đến nỗi khi chọn Tinh tuyển thơ Việt Nam thế kỷ XX, ban tuyển chọn của Hội Nhà văn Việt Nam gồm bốn nhà thơ và ba nhà nghiên cứu phê bình văn học, trong đó có tôi, do nhà thơ Bằng Việt làm trưởng ban, thảo luận nhiều lần, cân nhắc kỹ lưỡng, cuối cùng chọn ba bài của ông đều là thơ viết trước năm 1945.
38. Nguyễn Đức Tùng:
Xuân Diệu đến với cách mạng hoàn toàn tự nguyện. Theo những tài liệu tôi được đọc, ông đã sống vui, hào hứng, và đã được chế độ đối xử tốt. Trong những giai đoạn khó khăn nhất ở miền Bắc, trong khi mọi người có thể không đủ ăn đủ mặc, có vẻ như ông đã có một cuộc sống không đến nỗi khổ sở về vật chất. Về vụ Nhân văn giai phẩm, ngay từ những năm 50, Xuân Diệu đã, và cùng với Chế Lan Viên, Huyền Kiêu, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan… đứng hẳn về lập trường cứng rắn của Tố Hữu. Có thể nói Xuân Diệu là một người tham gia con đường “văn chương cách mạng” tự nguyện.
Tôi tự hỏi tại sao cũng tự nguyện mà về mặt sáng tác, thì Tố Hữu có thể làm thơ hay trước và sau 1945, Chế Lan Viên cũng viết được một số tác phẩm có giá trị, mặc dù không nhiều, trong thời gian 1945-1975 và đến cuối đời thì để lại các tập thơ di cảo rất lớn lao - mặc dù phần nhiều chưa hoàn tất và các vấn đề văn bản học theo tôi còn rất nhiều vấn đề - ngay Huy Cận cũng có một vài bài hay, mặc dù còn lâu mới bằng được thời gian trước 1945, mà Xuân Diệu về sáng tác thơ thì gần như không có gì?
Trần Nhuận Minh:
Về Nguyễn Công Hoan, hình như không có vai trò “đặc biệt” gì trong vụ Nhân văn giai phẩm. Về Xuân Diệu, anh nói đúng. Ông đến với cách mạng hoàn toàn tự nguyện và hồ hởi, tận tâm. Nói thơ Xuân Diệu sau năm 1945 về sáng tác, “gần như không có gì”, là một nhận xét thật “dễ sợ”. Trong suy nghĩ, sáng tác, nghiên cứu phê bình, nói chuyện thơ, tất cả đều nhất quán. Có lẽ vì hồ hởi tận tâm, nên Xuân Diệu đã tự nguyện cắt đứt hoàn toàn, có thể nói là tuyệt đối, với chặng đường thơ cũ mà thành tựu từng vang dội lẫy lừng. Trong các nhà thơ nhà văn tiền chiến, tôi thấy chỉ có Xuân Diệu, Hoài Thanh và Nguyễn Tuân, là quyết liệt từ bỏ mình đến mức sòng phẳng và phân minh như vậy. Nhưng Nguyễn Tuân thì nói thế, chứ viết không hẳn thế. Đấy là chỗ Xuân Diệu có phần khác với Chế Lan Viên và Huy Cận, lại càng khác với Tố Hữu. Tố Hữu chỉ có một con đường thẳng, ông từ cách mạng mà bước ra, nên thơ ông rất đĩnh đạc, quan phương và thơ cách mạng của ông cũng từ trong lòng ông mà ra, do đó ông viết gì về chính trị cũng làm rung động được lòng người. Chế Lan Viên, Xuân Diệu… và một số nhà thơ tiền chiến khác là từ ngoài mà bước vào, có bước đi còn lo lắng, rón rén, cẩn trọng… vừa đi vừa “nhận đường” (chữ của Nguyễn Đình Thi)… vì thế, giữa thơ và cách mạng, dù sao vẫn có một khoảng cách, khoảng cách đó dài hay ngắn là tuỳ từng người. Do đó, có người lấy lòng mình lấp vào khoảng cách đó không được, thì lấp bằng ý chí, mà ý chí thì không phải là thơ rồi. Xin lưu ý rằng, vào thời điểm đó, thơ không “vị nghệ thuật”, đã đành rồi, thơ cũng không “vị nhân sinh” như hai nhà văn Hoài Thanh và Hải Triều từng tranh luận trước kia. Bây giờ thơ là “vị cách mạng”. Tất nhiên, cách mạng không mâu thuẫn với dân sinh, nhưng dẫu sao, cũng không phải là dân sinh. Lúc ấy, cách mạng không chỉ là nội dung mà còn là mục đích của nghệ thuật. Nói ra điều này, hoàn toàn không hề có ý ca ngợi hay phê phán, mà tôi chỉ cố gắng tìm hiểu cho đúng, hướng đi đã từng tồn tại một thời kỳ khá dài của thơ mà thôi. Cũng xin nói thêm, vào thời điểm đó, với nhiệm vụ cấp bách của thế cuộc, nếu có xác định cách mạng là mục đích của nghệ thuật, trong đó có thơ, thì cũng không phải là sai. Vì “Tổ quốc là trên hết”. Tổ quốc lúc này là cách mạng và kháng chiến chống ngoại xâm. Hoà hợp cách mạng với thơ, hay thơ với cách mạng, nói đúng hơn, hàm lượng, sự gắn bó nội tại, gắn bó của cõi lòng nhà thơ, giữa thơ với cách mạng, vào thời điểm khá dài ấy, là điều dễ thấy, để ta phân biệt thơ Tố Hữu với thơ của các nhà thơ khác cùng thời với ông. Chế Lan Viên, Huy Cận… luôn cố gắng bổ sung mình, làm mới mình, dù rất chậm chạp (Chế Lan Viên chỉ viết được ít bài còn Huy Cận dường như không viết gì… suốt những năm chống Pháp) nhưng cả hai ông, đều không từ bỏ hoàn toàn mình. Còn Xuân Diệu thì khác. Xuân Diệu vào cuộc ngay và vào được ngay từ ngày đầu tiên của cách mạng. Và chúng ta có một Xuân Diệu hoàn toàn mới. Vâng, tôi xin nhắc lại, một Xuân Diệu hoàn toàn mới. Sau Quốc khánh 2/9/1945, ngày 30/11/1945, Xuân Diệu đã có Ngọn quốc kỳ, một tráng khúc nồng nhiệt ca ngợi lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc. Đầu năm 1946, Xuân Diệu lại có bài thơ dài Hội nghị non sông, ca ngợi Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Phải ghi nhận khả năng chuyển hóa nhanh, sự nhạy bén, lòng tận tâm của ông đối với chế độ mới.
Trích một đoạn trong Ngọn quốc kỳ để thấy bước chuyển biến mới, rất đáng quý của Xuân Diệu:
Lũ xâm lăng luồn lỏi kéo binh sang
Tức mặt đất rầm tiếng chân mãnh thú
Cậy súng ống, giở trò gian tặc cũ
Chúng quyết đem thời Trung cổ về đây!
Lập gươm dao, roi vọt với tù đày
Lập trở lại luật côn đồ bạo ngược!
- Ôi năm cánh sao vàng trên đất nước
Đang cười bay, bỗng lặng giữa trời cao
Thân rướn lên như căng thẳng buồm đào
Rồi sắc đỏ chuyển sang luồng tức bực
Trong gió bão, cả thân cờ thét ngược:
“Tiến lên! Tiến lên! Đoàn Việt tiến lên!”
Ngọn quốc kỳ in trong Tuyển tập thơ Việt Nam 1945 – 1960 (Nhà xuất bản Văn học, 1960) do Xuân Diệu tham gia ban tuyển chọn và trực tiếp viết Lời giới thiệu.
39. Nguyễn Đức Tùng:
Dù vốn thích thơ Xuân Diệu, tôi cũng khó mà cho rằng những câu trên đây là những câu thơ xuất sắc. Một người hồ hởi phấn khởi như thế, đi theo cách mạng từ ngày đầu, mà tôi tin là với tấm lòng chân thật, nhưng viết ra những câu thơ như trên đây là một điều đáng để cho các nhà thơ và các nhà phê bình hiện nay phải suy nghĩ.
Tài hoa ngôn ngữ của:
Đây mùa thu tới! Mùa thu tới!
Với áo mơ phai dệt lá vàng
Đi đâu mất hết rồi? Mà có ai bắt ép ông đâu, Xuân Diệu tự nguyện kia mà?
Trần Nhuận Minh:
Ngôn ngữ là cái vỏ của tư duy, cũng là công cụ của tư duy. Khi tư duy đã thay đổi thì ngôn ngữ cũng phải thay đổi theo. Đó là lẽ thường.
Nhân đây, mời các bạn đọc thêm một bài thơ rất tiêu biểu khác, để thấy sự mới hoàn toàn (tôi chỉ nói mới mà thôi) trong tư duy và hệ thống ngôn ngữ của thơ Xuân Diệu.

LÀNG CÒNG
Sớm nay xa cách làng Còng,
Bước đi một bước, trong lòng mến yêu.
Làng Còng vất vả deo neo,
Tô đong, thóc rẽ bao nhiêu căm thù.
Nông dân lao động bốn mùa,
Trồng bông, bón mía, lại vừa tỉa ngô.
Mùa thường ngập lụt chẳng no,
Chiêm thời thỉnh thoảng mất khô một kỳ.
Tháng ba hái củi nặng nề,
Tháng mười kéo mật đêm khuya thức ròng.
Quay xa biết mấy trăm vòng,
Còm lưng bà mẹ trên khung cửi dài.
Nắng hồng chưa kịp sớm mai,
Lưới, nơm, người đã ngâm ngoài ruộng chiêm.
Làm mà nhà rách vách lem,
Vì chưng địa chủ nằm êm mấy toà!
Làng Còng phát động trải qua,
Cây rung đất chuyển như là mùa xuân.
Mặt người lao động nông dân
Sáng tươi gạt hết mấy lần mây đen.
Lửa hờn nhen nhúm đêm đêm,
Thác căm hờn đã đè trên kẻ thù,
Tôi về hai tháng không lâu,
Cùng nhau bát mẻ, chung nhau chiếu sờn.
Hạt cơm ăn của bà con
Là tình, là nghĩa, là ơn thấm nhuần.
Tay anh tôi nắm, tôi cầm,
Khổ xưa gạn kể, đau ngầm phanh phơi.
Khóc chung nước mắt nghẹn lời,
Cười chung sung sướng với người nông dân.
Thuộc đường, thuộc ngõ quen chân,
Ớt cay, mắm mặn, là dân làng rồi,
Mẹ nhìn con bước xa xôi,
Con nhìn mẹ khuất trên đồi lá xanh.
Sớm nay xa cách lều tranh,
Tưởng như khúc ruột còn quanh làng Còng.
11-1953
40. Nguyễn Đức Tùng:
Cũng cương quyết làm mới mình, nhưng Hoài Thanh và Nguyễn Tuân, những người mà anh nhắc đến, có gì khác với Xuân Diệu?
Trần Nhuận Minh:
Cũng muốn vì cách mạng mà làm mới hoàn toàn mình, tương tự như Xuân Diệu, nhưng Hoài Thanh và Nguyễn Tuân có những bước đi khác hẳn nhau. Xin nói trước về Hoài Thanh. Hoài Thanh cũng có một quyết tâm thay đổi mình hoàn toàn để chúng ta có một Hoài Thanh mới, đi qua hai cuộc chiến tranh. Tác phẩm xuất sắc nhất của ông, Thi nhân Việt Nam, viết xong tháng 11 năm 1941. Trong suốt thời gian dài đến 26 năm (1951 – 1977), ông đã nhiều lần tự phê phán nghiệt ngã và lớn tiếng ruồng bỏ.
Năm 1977, Hoài Thanh viết về sai lầm của Thi nhân Việt Nam: “Sai lầm không chỉ ở chỗ đã đề cao quá đáng nhà thơ này hay nhà thơ nọ. Có thể nói toàn bộ sự đánh giá ở đấy là sai, vì sai từ gốc sai đi. Ngay cả những đoạn có vẻ đúng, thật ra vẫn là sai và sai về căn bản” (Toàn tập Hoài Thanh tập II, Văn học, 1999). Và ông từng khuyên bạn đọc phải tránh xa Thi nhân Việt Nam,vì nó “nguy hiểm”, “sức phá hoại” của những bài thơ “buồn nản, hay mơ mộng vẩn vơ” của các nhà thơ “tiểu tư sản” như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử… “ đều là đồng minh của giặc”, có khả năng “bám vào đầu óc như đỉa”. Do đó: “ Cần phải bôi vôi vào mà dứt nó ra” (TNM nhấn mạnh - Sách đã dẫn, tập IV).
Bây giờ, oái oăm thay, đọc Hoài Thanh, vẫn phải tìm đến Thi nhân Việt Nam, cũng như đọc Xuân Diệu, vẫn phải tìm đếnThơ thơ và Gửi hương cho gió… Xin đừng ai cho là tôi phủ nhận thành tựu giai đoạn sau của hai ông. Không ai phủ nhận được ai cả. Chỉ có tác phẩm của Xuân Diệu và Hoài Thanh ở giai đoạn trước đã phủ nhận tác phẩm của chính Xuân Diệu và Hoài Thanh ở giai đoạn sau.
Xuân Diệu nhận ra rất sớm điều này. Theo ngẫm nghĩ của tôi, có lẽ là từ năm 1973. Bởi từ đó, khi nói chuyện với chúng tôi, đặc biệt, khi có dịp giảng giải cho tôi về cái hay của thơ, ông thường chỉ dẫn chứng ở thơ mình, trong hai tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió. Còn Hoài Thanh thì phải đến lúc sắp mất (1982). Trong Lời cuối sách, in ở cuối quyển Thi nhân Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học, 2000, nhà văn Từ Sơn, con trai cả của Hoài Thanh, đã ghi lại lời của cha mình nói với mình, trước khi từ trần, tại phòng cấp cứu Bệnh viện Việt Xô (1982): Nếu không có cuốn Thi nhân Việt Nam, thì không chắc gì người ta đã công nhận cha thực sự là một nhà văn”. Mặc dù sau Thi nhân Việt Nam, ông còn xuất bản 12 tác phẩm khác, suốt hai cuộc kháng chiến, trong có có cuốn như Phê bình và tiểu luận, dày đến 3 tập, hoàn thành trong 11 năm trời (1960 – 1971).
Còn Nguyễn Tuân, tôi sẽ thưa riêng ở phần sau.
41. Nguyễn Đức Tùng:
Chúng ta nên lấy làm mừng rằng: trước khi mất, cả hai ông đều đã nhận ra điều này. Về mặt tâm linh, biết đâu đó là sự giải thoát cao nhất dành cho một người khi rời bỏ cuộc đời, để họ dễ dàng bay về những vùng trời khác. Đó là nói về cá nhân, còn về cả nền văn học, thì ý nghĩa của nó lớn hơn.
Ý nghĩa ấy còn phải được soi sáng nhiều lần từ những tiếp cận khác nhau, như thứ di sản tinh thần cha ông để lại mà người sau cần biết cách đọc và rút ra những bài học cần thiết.
Tác phẩm tiêu biểu hơn cả của Xuân Diệu sau năm 1945, không phải ở lĩnh vực sáng tác mà ở nghiên cứu phê bình, với tậpCác nhà thơ cổ điển Việt Nam. Tôi được biết anh có những bài báo viết công phu về cuốn sách này, làm nhiều người chú ý, trong đó có vấn đề Hồ Xuân Hương và thơ Hồ Xuân Hương. Đó là những đề tài thú vị của nghiên cứu văn học và văn học sử.
Trần Nhuận Minh:
Cũng không hẳn chỉ về “nghiên cứu văn học và văn học sử” như anh nói. Đây chính là một trường hợp Thơ đến từ đâu: từ Hồ Xuân Hương thật và Hồ Xuân Hương giả.
Trở lại tác phẩm của Xuân Diệu. Các nhà thơ cổ điển Việt Nam gồm các bài giới thiệu sách, hay nghiên cứu của Xuân Diệu về các nhà thơ lớn của nền văn học cổ Việt Nam, từ Nguyễn Trãi tới Trần Tuấn Khải. Ông viết rất tâm huyết và công phu, câu văn giầu cảm xúc và hình ảnh, có trang cảm thấy như ông viết văn chứ không phải chỉ có làm nghiên cứu với phê bình. Đó là văn của một nhà văn, mà vẫn có nhiều phát hiện rất sắc sảo, nhiều nhận xét rất tinh vi về câu thơ, lao động thơ trong từng chữ, nêu bật được những đóng góp lớn lao của từng nhà văn vào nền văn học dân tộc với những đặc sắc riêng. Tập sách cũng thể hiện kiến thức uyên thâm và sự từng trải về nghề nghiệp của một nhà thơ lớn. Bài Đọc Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, 2 bài trong chùm 7 bài về thơ Nguyễn Du: Chung quanh từ ngữ Truyện Kiều, Bản cáo trạng cuối cùng trong Truyện Kiều và bài Đọc thơ Tú Xương thật mới mẻ và sâu sắc.
Tuy nhiên, tập sách cũng không toàn bích, thậm chí có những lỗ hổng rất lớn mà càng về sau, càng chịu những thử thách nặng nề.
42. Nguyễn Đức Tùng:
Ví dụ?
Trần Nhuận Minh:
Ví như ông nhiệt tình tán dương bài thơ của Nguyễn Trãi, đặt bài thơ ấy trong từ trường nghệ thuật và tư tưởng của Nguyễn Trãi, hoá ra bài thơ lại của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đặc biệt, ông rất nồng nàn ca ngợi Hồ Xuân Hương, nhưng đến ba phần tư số bài thơ ông dẫn ra để suy tôn Hồ Xuân Hương là bà chúa thơ Nôm, thì ngay những người soạn thơ Nôm truyền tụng được coi là của bà, cũng cho là không phải thơ của bà. Còn tôi thì tôi cho rằng TOÀN BỘ thơ Nôm được truyền tụng coi là của Hồ Xuân Hương, đều không phải của Hồ Xuân Hương. Và suy tôn Hồ Xuân Hương (thật) là Bà chúa thơ Nôm là không có cơ sở.
43. Nguyễn Đức Tùng:
Anh có thể làm nhiều người giật mình. Anh đang chạm đến những vấn đề của lịch sử văn học.
Trần Nhuận Minh:
Đúng thế. Nhưng tôi không phải là người đầu tiên nói về vấn đề này.
Trong tập sách kể trên, Hồ Xuân Hương - bà chúa thơ Nôm là bài viết tiêu biểu hơn cả. Xuân Diệu đã viết và sửa công phu chuyên luận 83 trang này liên tục 22 năm từ 1958 đến 1980. Thực ra thì Xuân Diệu không phải là người đầu tiên đưa ra khái niệm này. Trước ông từ 8 đến 30 năm, từ năm 1950, Lê Tâm đã gọi Hồ Xuân Hương là Bà chúa thơ Nôm rồi. Bạn sẽ thấy rõ điều đó trong tập sách mỏng có tên là Thân thế và thi ca Hồ Xuân Hương của Lê Tâm, do Nhà xuất bản Cây Thông, Hà Nội, ấn hành năm 1950.
Đây là một vấn đề rất lớn và rất phức tạp, tồn tại nhiều chục năm, cũng có cơ sở để kết thúc được rồi, nếu người ta muốn kết thúc, muốn mọi sự rõ ràng. Mà bạch hóa là cái rất khó được thực hiện ở Việt Nam ta. Từ thời Lê, cụ Nguyễn Gia Thiều đã viết:
Cái quay búng sẵn trên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm
Ý cụ Nguyễn có độ bao quát lớn về triết học và nhân sinh, nhưng trong trường hợp này, tôi thấy cụ Nguyễn như nói hộ mình. Chúng ta phải ra khỏi cái sự “đi đêm” ấy, mới hy vọng bạch hóa được. Do đâu? Do cơ chế của xã hội phong kiến hoặc có tính chất phong kiến? Do thói quen...? Dù là do cái gì thì đó cũng là một thực tế. Vì vậy, cho phép tôi nói sòng phẳng và dài rộng hơn một chút.
Những bài thơ Nôm đầu tiên được coi là của Hồ Xuân Hương, xuất bản ở Hải Phòng, năm 1913, như một tài liệu không chính thức. Bốn năm sau, năm 1917, Đông Khê Nguyễn Hữu Tiến xuất bản Giai nhân di mặc, toàn những chuyện hư cấu… trong đó có chuyện Hồ Xuân Hương và thơ Hồ Xuân Hương… dĩ nhiên, cũng là những thứ “hư cấu”. Ấy thế mà có nhà phê bình lại dựa vào đó mà soạn ra Thân thế và sự nghiệp của Hồ Xuân Hương và đánh giá thơ văn của bà, như một tác giả chính thức và tác giả đó có mặt thực sự trong đời sống xã hội. Thấy bán được, các nhà xuất bản tiếp theo in thơ Hồ Xuân Hương như một tác giả thực thụ và số bài mỗi lần in một tăng lên, cuối cùng đến hơn 200 bài thì thôi, bởi không thể tăng được nữa, trong đó có khoảng 30 bài độc đáo và đặc sắc, thường có mặt trong các lần in khác nhau.
Xung quanh tiểu sử của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, có một số điều đã được thời gian bạch hóa. Đến nay thì việc bà là vợ kế (chứ không phải vợ lẽ) quan tham hiệp trấn Yên Quảng (tỉnh Quảng Ninh ngày nay) đã rõ. Bà đã hai lần từ Nghi Tàm (Hồ Tây, Thăng Long) về Yên Quảng bằng thuyền, thăm người yêu, là ông Trần Phúc Hiển, để lại 2 bài thơ tình chữ Nôm viết bên bờ sông Bạch Đằng và 5 bài thơ chữ Hán về vịnh Hạ Long, đã in trong tập Lưu Hương ký, từ năm 1814, thì cũng đã rõ. Như vậy, bà ở hẳn tại Yên Quảng từ năm 1815 (khi ông Hiển cưới bà, thường cho bà dự vào việc quan) đến khi chồng bà bị bắt (tháng 5 năm 1818) chịu án tử hình (1819), vì đã nhận hối lộ 700 quan tiền, (dù bố chồng bà là tướng Trần Phúc Nhân, đã từng giúp vua Gia Long đánh thắng Tây Sơn rồi tử trận). Việc chồng bà chết ở Yên Quảng năm 1819, cũng đã rõ, vì điều đó còn ghi trong Thực lục của nhà Nguyễn. Khi vua Minh Mạng rà soát lại các bản án liên quan đến các quan, ông rất chú ý đến vụ án quan Tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển, ông phê vào bên cạnh: “Tham nhũng như thế mà không giết, thì lấy gì mà khuyến liêm”.
Căn cứ vào các tư liệu mới phát hiện và không còn gì phải tranh cãi này, mà người ta đã xác định được năm sinh của Hồ Xuân Hương là 1772, đặc biệt năm mất là 1822. Điều đó đã được dòng họ Hồ Quỳnh Đôi Nghệ An, quê hương bà, cho khắc vào tấm bia đá lớn, thờ ở ngay đầu làng.
Nếu năm mất được xác nhận là 1822, thì nơi mất có thể có cơ sở, là chùa Giải Oan ở Yên Tử, vì cùng một nguồn tư liệu. Theo tư liệu trên, sau khi chồng chết, để thể hiện lòng thủy chung đúng đạo nhà nho của bà, bà đi tu ở Yên Tử và khi mãn tang chồng thì chết theo chồng ở đây. Bà yêu thi hào Nguyễn Du, điều đó cũng đã rõ vì bà có thơ tặng người cũ là Nguyễn Du, có chép trong Lưu Hương ký (sẽ dẫn ở phần sau). Được biết, người bạn thân của Nguyễn Du là Phạm Quý Thích, như một tài liệu cũ đã xác nhận; có đến Yên Tử thăm bà, trước khi bà tự tử. Chồng bà (Trần Phúc Hiển) mất năm 1819, bà mất năm 1822, năm 1823, phủ Tam Đới, nơi ông Hiển từng làm tri phủ khoảng hơn 10 năm trước, mới đổi tên là phủ Vĩnh Tường. Vậy bài thơ Khóc ông phủ Vĩnh Tường mà hàng chục năm nay gán bừa cho bà là không phải của bà vậy. Ấy là chưa kể, khi chồng chết vì án tử hình, liệu có bà vợ nào nỡ khóc chồng:
Cán cân tạo hóa rơi đâu mất
Miệng túi càn khôn khép lại rồi.
Ta hiểu cán cân kia và miệng túi ấy là cái gì rồi. Khóc thế không những vô văn hóa mà còn vô cả đạo lý nữa. Ấy là chưa kể, khi phủ Vĩnh Tường có tên, thì Hồ Xuân Hương cũng đã chết rồi.
Còn mộ bà hiện nay ở đâu? Có cơ sở để nghĩ rằng, sau mấy năm hung táng ở Yên Tử, thân nhân đã đưa hài cốt bà về nơi ở của bà trước khi làm vợ kế ông Hiển, là ở Nghi Tàm, gần Hồ Tây. Có nhà nghiên cứu đã căn cứ vào bài thơ Long Biên trúc chi từ của Tùng Thiện vương Nguyễn Phúc Miên Thẩm, con vua Minh Mạng, em ruột vua Thiệu Trị nhà Nguyễn, in trong Thượng sơn thi tập, mà đưa ra giả thuyết: mộ bà ở bên hồ Tây, và bây giờ có thể là ở lòng hồ, gần bờ hồ.
44. Nguyễn Đức Tùng:
Như thế có lẽ bài Khóc ông phủ Vĩnh Tường không phải của Hồ Xuân Hương, đúng như anh nói. Nhưng những bài khác thì không chắc như thế.
Trần Nhuận Minh:
Chắc chứ! Sao lại không? Căn cứ vào đâu? Vào chính ý kiến của bà Hồ Xuân Hương. Bàn về thơ bà mà lại cứ đơn phương gạt ý kiến của bà ra thì rõ ràng là rất phi lý. Trong tập Lưu Hương ký, mà theo bài Tựa của ông Tốn Phong viết, hiện vẫn còn in ở đầu sách, thì Hồ Xuân Hương nói rằng: “đây là toàn bộ thơ của cuộc đời tôi từ trước đến nay”, trong đó không có bất cứ một bài nào trong số tất cả các bài thơ Nôm truyền tụng thường được gán cho bà. Như vậy, theo ý của chính bà, các bài thơ ở ngoài Lưu Hương ký đều không phải thơ của bà. Và ngày nay, chúng ta coi thơ truyền tụng kia, không phải là thơ của bà, chính là tôn trọng bà vậy. Trong bài Tựa nói trên, viết tháng 3 năm Giáp Tuất (1814), Tốn Phong nhận xét, thơ Hồ Xuân Hương "xuất phát từ cảm hứng nhưng biết dừng lại ở phạm vi lễ nghĩa. Vui mà không đến nỗi buông tuồng... thơ đúng phép mà văn hoa..." Đọc Lưu Hương ký mới thấy Tốn Phong nhận xét thơ bà như thế là rất chuẩn xác.
Như vậy, thơ thực của bà hoàn toàn xa lạ với thơ được coi là của bà.
Căn cứ vào lời Tựa của Tốn Phong: “Khi hỏi đến tên họ, mới biết cô ta là em gái ông lớn họ Hồ, đậu Hoàng Giáp, người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu”, từ đó, các nhà nghiên cứu mới bạch hóa được tiểu sử của Hồ Xuân Hương. Làng Hoàn Hậu nay là làng Quỳnh Đôi. Bà là con Hồ Sĩ Danh, chứ không phải con Hồ Phi Diễn, như các sách giáo khoa đã ghi từ mấy chục năm nay, vì Hồ Phi Diễn không có con đỗ Hoàng Giáp và làm ông lớn. Hồ Phi Diễn và Hồ Sĩ Danh là anh em con chú con bác, lại rất xa nhau, kể ngược lên đến đời thứ 10 mới cùng một ông tổ. Bà là em ruột Hồ Sĩ Đống (1738 – 1785), đậu Đình nguyên, đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, (tức Hoàng Giáp), làm quan đến Hành tham tụng, (quyền Tể tướng) tước Quận công, cùng với Bồi tụng Bùi Huy Bích, đứng đầu chính phủ thời Trịnh Sâm và Trịnh Khải. Hồ Sĩ Danh (1706 – 1783), chỉ đậu Hương cống (tức Cử nhân), không ra làm quan, nhưng có con làm to, được phong tặng chức Hàn lâm thừa chỉ, hàm Thái bảo. Như vậy là đã rõ.
Xuân Diệu còn khẳng định: đặc trưng để bà có lối thơ ám chỉ cái ấy của phụ nữ và chuyện ấy trong buồng kín, tạo thành đặc sắc, “có một không hai trong văn học Việt Nam, có lẽ trong văn học thế giới. Đó là một kỹ nữ”, mà các quyển Từ điển tiếng Việtđều ghi kỹ nữ là gái mại dâm (là làm đĩ).
45. Nguyễn Đức Tùng:
Tôi xin phép dừng lại, mở ngoặc và đóng ngoặc ở đây. Nếu quả thật định nghĩa của các từ điển tiếng Việt rằng kỹ nữ là “gái mại dâm”, “là làm đĩ”, thì tôi không đồng ý, mặc dù dĩ nhiên đó không phải là nghề được xã hội tôn trọng.
Và mặc dù:
Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt
Cuộc yêu đương gay gắt vị làng chơi
Làng chơi thì không thể đứng đắn được. Nhưng mà:
Chớ đạp hồn em! Trăng từ viễn xứ
Đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn
(Xuân Diệu)
Tôi có bênh vực các kỹ nữ nhiều quá không? Nhưng xin đóng ngoặc và quay lại với câu chuyện chính của chúng ta về Hồ Xuân Hương.
Trần Nhuận Minh:
Chả riêng gì anh, tôi cũng bênh vực kỹ nữ, không phải vì thơ Xuân Diệu mà vì cô Kiều rất đáng yêu của chúng ta. Cô Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là gái làng chơi, làm nghề chơi, là kỹ nữ đấy.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Làng chơi ta phải biết cho đủ điều
Đấy là lời của mụ chủ nhà chứa Tú Bà dạy cô Kiều (chữ Nghề chơi và Làng chơi là do tôi nhấn mạnh). Nhưng đó lại là vấn đề khác. Ở đây là nói về chữ nghĩa trong Từ điển, theo ý kiến “không đồng ý” của anh. Tôi nói có sách, mách có chứng. Trên bàn làm việc của tôi là quyển Từ điển tiếng Việt của viện Ngôn ngữ học Việt Nam, trung tâm Từ điển học và nhà xuất bản Đà Nẵng, in năm 2002, do giáo sư Hoàng Phê làm chủ biên, có bút tích đầu trang của Thủ tướng chính phủ Phạm Văn Đồng, với sự tham gia của giáo sư Hoàng Tuệ và 15 nhà khoa học khác. Sách in lần thứ 8, có sửa chữa đợt 2, gồm 39 924 mục từ, dày 1 222 trang, khổ 14,5 x 20,5 cm, trong đó, trang 520, ghi: Kỹ nữ cv. kỹ nữ d. (cũ: vch) Gái mại dâm. (Chú thích trước ở đầu sách ghi rõ: cv. là cũng viết; d. là danh từ; cũ: vch là trong văn chương cũ thì gọi là kỹ nữ, còn ngoài đời (hiện nay) thì gọi là gái mại dâm). Lại nói: thiên phóng sự Làm đĩ rất nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng là viết về gái mại dâm đấy.
Trở lại với tác phẩm của Xuân Diệu, xin dẫn nguyên văn. Sách Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, phần Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ Nôm, Nhà xuất bản Văn học, 1998, có một mục viết hoa THIÊN TÀI, Kỹ NỮ, trong đó, trang 377 – 378, Xuân Diệu viết:“Tâm hồn Xuân Hương đẹp đẽ như vậy. Và do một số điều kiện sinh lý nào đó, với do hoàn cảnh gia đình xã hội ở thời đại Xuân Hương, tâm hồn ấy cũng là hiện tượng độc đáo kỳ lạ, có thể nói là một không hai trong văn học Việt Nam, có lẽ trong văn học thế giới. Đó là một kỹ nữ” (tôi nhấn mạnh - TNM). Trang 382, Xuân Diệu còn nói rõ hơn: “ Chẳng lẽ bây giờ, ta yêu cầu Xuân Hương đừng là kỹ nữ nữa? Như vậy là ta đã mất Xuân Hương”.
Đến đây thì ai cũng biết: nhà thơ Xuân Hương họ Hồ Quỳnh Đôi, Nghệ An, vợ kế quan Tham hiệp trấn Yên Quảng, từng yêu Cần Chánh điện học sĩ – Hầu tước Nguyễn Du, chú ruột vợ vua Gia Long, em ruột tể tướng Nguyễn Khản, con ruột tể tướng Nguyễn Nghiễm… bản thân bà cũng có anh con bà cả làm tể tướng, bố chồng hàm Thái bảo, một trong ba tước cao nhất của triều đình, như đã nói trên, không phải là gái làm nghề… mại dâm. Trong nghiên cứu khoa học, cứ liệu nền tảng không vững vàng, ổn định, thì các luận điểm đưa ra, chắc chắn không vững bền, dù tác giả của những luận điểm ấy là một người có uy tín rất lớn. Theo tôi, công trình rất nổi tiếng Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ Nôm này của Xuân Diệu là không có cơ sở khoa học, dứt khoát sẽ tự sụp đổ, chỉ có sớm hơn hay muộn hơn mà thôi.
Tôi đồng tình với nhận định của giáo sư Hoàng Xuân Hãn đưa ra tại Paris (Pháp) từ năm 1952 và giáo sư Trần Thanh Mại, đưa ra tại Hà Nội năm 1964, cho rằng, TOÀN BỘ thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương, tất thảy đều không phải của Hồ Xuân Hương mà là thơ dân gian của các ông đồ, sáng tác và nhuận sắc cùng thời với truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn.
Để hiểu quá trình dân gian hóa thơ được coi là của Hồ Xuân Hương, tôi chỉ dẫn một bài là Chơi đu rất nổi tiếng, gọi là của Hồ Xuân Hương (1814), đã có trong thơ Lê Thánh Tông (1442 – 1497):
Bốn cột lang nha khéo trồng
Ả đánh cái, ả còn ngong
Vái thổ địa, khom khom cật
Khấn hoàng thiên, ngửa ngửa lòng…
Thơ thời Lê của Nguyễn Trãi hay Lê Thánh Tông thường có câu lục ngôn lẫn với câu thất ngôn. Tôi thấy thơ vua Lê, âm hưởng rất hay, hình ảnh rất đẹp và sang trọng. Bốn cột người đứng đầu xã (lang nha) đã cho trồng, để dựng cây đu. Ả lên chơi đu (đánh cái) rồi, ả còn chờ đến lượt mình. Chữ ngong chính là chứ ngóng biến dạng mà thành. Hai câu tả chơi đu rất chuẩn xác mà rất gợi cảm, khi cây đu quay lại, người cúi xuống là vái đất, lúc cây đu hất lên, người ngửa ra là khấn trời, vì hai tay bao giờ cũng phải giữ chặt dây đu, cao ngang mặt… Hai câu thơ rất tài nghệ đó, khi bị “Hồ Xuân Hương hoá” là lập tức có “mùi giường chiếu” ngay, để người đọc hình dung cái “chuyện ấy”:
Trai cong gối hạc, khom khom cật
Gái uốn lưng ong, ngửa ngửa lòng…
46. Nguyễn Đức Tùng:
Nhiều người thuộc thơ Nôm truyền tụng Hồ Xuân Hương, những bài mà anh nói không phải của bà. Nhưng không phải ai cũng đọc Lưu Hương ký. Anh nhớ bài tiêu biểu nào không?
Trần Nhuận Minh:
Nói tiêu biểu thì cũng khó. Xin dẫn nguyên văn hai bài thơ của Hồ Xuân Hương trong Lưu Hương ký có liên quan đến các ý đã trình bày ở trên. Bài thứ nhất về mối tình của bà với quan Tham hiệp trấn Yên Quảng, Trần Phúc Hiển, lúc bà về thăm ông, ở trấn lỵ Yên Quảng, nay là thị xã Quảng Yên, bên bờ sông Bạch Đằng, khi ông chưa cưới bà làm vợ. Đọc bài thơ này, các bạn sẽ thấy bà Hồ Xuân Hương yêu ông Hiển đến mức nào, chỉ lo ông Hiển không giữ lời hứa với mình:
BẠCH ĐẰNG GIANG TẠM BIỆT
Khấp khểnh đường mây bước lại dừng
Là duyên là nợ phải hay chăng
Vun hoa khéo kẻo lay cành gấm
Vục nước mà xem động bóng giăng
Lòng nọ chớ rằng mây nhạt nhạt
Lời kia nay đã núi giăng giăng
Với nhau tình nghĩa sao là trọn
Chớ có lưng vơi cỡ nước Đằng…
Các sách đều chú thích nước Đằng là một quốc gia nhỏ bé bên Trung Quốc. Theo tôi, chú thích thế là sai. Nước Đằng chỉ là nước sông Bạch Đằng khi lưng, khi vơi theo mức lên xuống của thuỷ triều. Bà Hương nhắc ông Hiển lòng dạ yêu bà chớ có như thế.
Bài thứ hai là nỗi nhớ người cũ, gửi “Hầu Nghi Xuân Tiên Điền nhân”:
CẢM CỰU KIÊM TRÌNH 
CẦN CHÁNH HỌC SĨ NGUYỄN HẦU
(Hầu Nghi Xuân Tiên Điền nhân)
Dặm khách muôn ngàn nỗi nhớ mong
Mượn ai tới đấy gửi cho cùng
Chữ tình chốc đã ba năm vẹn
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập
Phấn son càng tủi phận long đong
Biết còn mảy chút sương siu mấy
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong
Nguyên tác ghi rõ Hầu người làng Tiên Điền huyện Nghi Xuân. Như vậy, Nguyễn Hầu ở đây đúng là Nguyễn Du, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, được phong tước Hầu (Du Đức hầu). Tháng 2 năm Quý Dậu (1813), vua Gia Long bổ nhiệm ông làm Cần chánh điện học sĩ, rồi cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc.
47. Nguyễn Đức Tùng:
Thơ Hồ Xuân Hương cũng có nhắc đến những người đàn ông khác như Chiêu Hổ. Theo tôi, đó là những cái tên rất cụ thể, như thế phải có nguồn gốc.
Trần Nhuận Minh:
Trong Thơ Nôm truyền tụng Hồ Xuân Hương, có một số bài liên quan đến Chiêu Hổ. Cặp đôi Xuân Hương – Chiêu Hổ cũng cần được làm rõ. Tập Thơ Hồ Xuân Hương, Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2008, có ba bài, xin dẫn lại hai bài:
TRÁCH CHIÊU HỔ (I)
Anh đồ tỉnh, anh đồ say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay…
Chiêu Hổ họa lại:
Này ông tỉnh, này ông say
Này ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Hang hùm ví bẵng không ai mó
Sao có hùm con bế chốc tay…
TRÁCH CHIÊU HỔ (II)
Sao nói rằng năm lại có ba
Trách người quân tử hẹn sai ra
Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt
Nhớ hái cho xin nắm lá đa…
Bài này Hồ Xuân Hương ám chỉ Chiêu Hổ nói dối như thằng Cuội nên mới có hình ảnh “nắm lá đa”.
Chiêu Hổ họa lại:
Rằng gián là năm, quý có ba
Bởi người thục nữ tính không ra
Ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt
Cho cả cành đa lẫn củ đa…
Cũng từ nhiều chục năm nay, nhiều người cho rằng Chiêu Hổ trong Thơ Nôm truyền tụng này là Phạm Đình Hổ. Cũng có ý kiến cho rằng có lẽ không phải, hoặc cao hơn, chỉ dè dặt nêu vấn đề thật khó mà tin Chiêu Hổ lại là Phạm Đình Hổ. Theo tôi, điều này hoàn toàn ngã ngũ được. Chiêu Hổ hoàn toàn không phải là Phạm Đình Hổ (1768 – 1839).
Phạm Đình Hổ, có tên chữ là Tùng Niên và Bình Trực, tên hiệu là Đông Dã Tiều, người làng Đan Loan huyện Đường An, nay là huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương. Ông sinh trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, nhưng bản thân ông chỉ đỗ tú tài. Biết ông là người tài xứ Bắc, trong dịp ra Hà Nội, vua Minh Mạng nhà Nguyễn cho mời ông lên gặp và chỉ sau ít phút tiếp kiến, đã đặc cách phong ông làm Tế tửu Quốc Tử Giám Thăng Long – Hà Nội, tức hiệu trưởng trường, chức danh này chỉ dành cho các tiến sĩ mà bài thi, hoặc sự tiếp xúc sau đó của nhà vua với vị tiến sĩ ấy, thấy được tính uyên bác hơn người. Xin nhớ rằng, tài giỏi như Chu An, thời Trần, cũng chỉ là tư nghiệp, tức hiệu phó, để thấy sự liên tài của vua Minh Mạng và cái thoáng, rất trọng thực tài trong quan chế của nhà Nguyễn.
Phạm Đình Hổ có nhiều trước tác, nhưng nổi tiếng nhất là Vũ trung tùy bút, tác phẩm duy nhất nói về mình, về chuyện đời mình, cho thấy ông là một ngưởi “trầm lặng, mực thước, khắc khổ, nhạt nhẽo”, đặc biệt, ông “rất ghét thanh sắc, nghề cờ bạc, và những chuyện rủ rê chơi đùa”. Ai nói những điều ấy thì ông “bịt tai lại, không muốn nghe” - lời Phạm Đình Hổ - thì không thể có chuyện ông (quan Tế tửu - hiệu trưởng - Quốc Tử Giám Thăng Long Hà Nội) là tác giả của các bài thơ trên, lại “ghẹo nguyệt giữa ban ngày”, cho Hồ Xuân Hương, “Cho cả cành đa lẫn củ đa”, và chửi đời rất sảng khoái theo kiểu lưu manh: Rày thì đù mẹ cái hồng nhan…(ở bài thơ khác) và Hồ Xuân Hương, một nhà thơ “đúng phép mà văn hoa” bao giờ cũng biết “dừng lạiở phạm vi lễ nghĩa” (tựa thơ Hồ Xuân Hương trong Lưu Hương ký), cũng không thể là tác giả của những bài thơ trên: Chốn ấy hang hùm chớ mó tay… Như vậy lại càng rõ. Đây là chuyện hư cấu của văn học dân gian.
Phạm Đình Hổ nói, suốt đời ông, ông chỉ có “mỗi một cái tội là nghiện… nước chè”, chủ yếu là do ông tự pha lấy cho mình. Xin nhớ cho, Bộ Luật Gia Long thời Nguyễn ghi rõ: “Phàm quan văn võ ở đêm với con hát, hay đem con hát vào tiệc rượu, phạt 60 trượng”, nghĩa là giải ra công đường, lột mũ áo, đánh cho 60 gậy rồi đuổi về vườn.
48. Nguyễn Đức Tùng:
Theo tôi, Phạm Đình Hổ rất giống Trần Nhuận Minh, hoặc là ngược lại.
Nhưng tôi thích nhất là câu trích dẫn của anh liên quan đến Bộ Luật Gia Long.
Nếu nhà nước hiện nay đem bộ luật này ra áp dụng, sẽ có nhiều người đau khổ, đặc biệt nhất là các quan chức và các nhà thơ.
Trần Nhuận Minh:
Anh nói tôi rất giống Phạm Đình Hổ là tôi rất khoái chí đấy. Riêng tôi thì chắc chắn không hề hấn gì. Nhưng tôi cũng buồn và “phản đối” việc đưa điều luật “cổ lỗ sĩ” này ra “áp dụng”, không chỉ với các quan, nguy to đã đành, mà còn với các nhà thơ, cũng rắc rối lắm, bởi những người trẻ trung, đẹp giai và rất đáng yêu như anh và các bạn khác của anh, cũng là của tôi, rất có thể sẽ được vinh dự nhận thưởng… 60 hèo.
49. Nguyễn Đức Tùng:
Có thể thấy rằng anh quan tâm đến vấn đề Hồ Xuân Hương đã lâu, bởi những dẫn giải chi tiết, công phu và có tính thuyết phục. Tôi hy vọng các nhà nghiên cứu văn học sẽ quan tâm nhiều hơn.
Trần Nhuận Minh:
Xin nói thêm: tên tập thơ duy nhất của Hồ Xuân Hương là Lưu Hương ký.
Theo giáo sư Trần Thanh Mại, thì chữ Lưu có bộ ngọc ở bên, chỉ quê hương Quỳnh Lưu, không phải là lưu biệt hay lưu truyền, còn Hương là tên bà. Vậy đây là thơ của người Quỳnh Lưu tên là Xuân Hương, đã được ký (ghi lại). Đặc biệt, giáo sư Trần Thanh Mại khẳng định: “Lưu Hương ký là một tài liệu chân chính, đáng tin cậy, và trong trường hợp này, không thể có vấn đề, có kẻ nào đó muốn chơi khăm, làm ra tài liệu giả mạo để đánh lạc hướng nghiên cứu của chúng ta”. (LưuHương ký và lai lịch phát hiện nó - Trần Thanh Mại, toàn tập, tập III, Nhà xuất bản Văn học, 2004).
Cũng xin nói thêm: Nguyễn Du sinh ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 26. Năm ấy, có 13 tháng, vì nhuận tháng 2. Đối chiếu với dương lịch Gregorius là ngày 03 tháng Giêng năm 1766 (hơn Hồ Xuân Hương 6 tuổi), chứ không phải tháng 12 năm 1765 như đã từng ghi trong sách giáo khoa, Từ điển văn học và các sách danh nhân có tiểu sử của ông.
Như vậy, có một Hồ Xuân Hương có thật, quan phương, hoàn toàn xa lạ với chân dung nữ sĩ bình dân, từng được mô tả trong văn học sử là mắt lá răm, mặt rỗ huê, thường ngồi bắc chân chữ ngũ, châm chọc mọi người với hàng chục bài thơ, hầu hết các bài đều có những câu ám chỉ chỗ kín của phụ nữ và chuyện buồng kín, được viết với sự háo hức, bí ẩn đầy đam mê, thường thấy trong “thơ truyền tụng Hồ Xuân Hương”, là sản phẩm của đám mày râu chúng ta, chứ cùng giới nữ, họ không thấy “cái đó” của họ có ma lực gì mà hấp dẫn thế, mà họ cũng chẳng chú ý đến mức “Trưa trật nào ai móc kẽ rêu”. Chữ “móc” nghe rất mất vệ sinh. Họ chả mô tả tường tận “cái trò này”, theo giọng “rất đàn ông” làm gì:
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc
Một suốt đâm ngang thích thích mau
Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả
Ngắn dài khuôn khổ cũng như nhau…
Và cận cảnh rõ ràng được nhìn từ phía khác, từ người ngoài:
Chành ra ba góc, da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa…
Cụ thể làm sao là cái “chuyện giường chiếu” được nhìn ngắm từ trên xuống cơ thể họ:
Mỏng dày chừng ấy, chành ba góc
Rộng hẹp dường này, cắm một cây…
Giáo sư Trần Thanh Mại cho rằng: đó là thứ thơ “nhảm nhí” của đám đàn ông.
Tôi nghĩ là ông đã nói đúng.
50. Nguyễn Đức Tùng:
Cám ơn anh về những phân tích thú vị. Tôi đồng ý với ý kiến cuối cùng của anh.
Nhưng tôi nghĩ rằng trong những bài thơ còn lưu lại, ngoài Lưu Hương ký, có những bài “nhảm nhí” trong dân gian do nhiều người làm và có những bài thực sự của một tác giả duy nhất.
Việc phân biệt hai loại thơ này cần dựa trên nhiều cách nghiên cứu khác nhau: cách tiếp cận văn học sử, xã hội học, và cách phân tích thuần túy văn bản.
Việc chúng ta đang bàn luận này, lúc sinh thời Xuân Diệu, người gọi Hồ Xuân Hương là Bà chúa thơ Nôm, có biết đến không?
Trần Nhuận Minh:
Xin thưa ngay là có.
Như trên tôi đã nói, người đầu tiên vinh danh Hồ Xuân Hương là Bà chúa thơ Nôm, không phải Xuân Diệu, mà là Lê Tâm, trong tập sách xuất bản ở Hà Nội từ năm 1950, trước Xuân Diệu từ 8 đến 30 năm, nhưng sau này người ta chỉ nhớ Xuân Diệu và coi thuật ngữ đó là của Xuân Diệu.
Xuân Diệu biết rất rõ điều đó, vì các hội thảo đó, ông đều đến dự. Tất nhiên là ông không vui, nhưng sau đó, không thấy ông viết bài “cãi lại”.
Tôi rất nhớ một lần, tôi đến thăm Xuân Diệu, sau khi có một hội nghị bàn về thơ Hồ Xuân Hương ở Viện Văn học. Tôi có hỏi ông về những điều trên, ông nói với tôi, giọng rất bực dọc, tôi nhớ vô cùng chính xác và tôi chịu trách nhiệm về sự chính xác này, khi lần đầu tiên công bố ra đây: “Có một Hồ Xuân Hương giả mà cả thế giới nó sợ thật, lại không sướng hay sao. Lại còn tìm ra với tìm vào”. Như vậy, chính Xuân Diệu, người sau Lê Tâm (1950) đã bỏ ra đến 22 năm để vinh danh Hồ Xuân Hương làBà chúa thơ Nôm, cũng đã biết đâu là thực hư trong vấn về này.
51. Nguyễn Đức Tùng:
Anh thường nhắc đến quan điểm chân chân chân, thật thật thật của Xuân Diệu?
Trần Nhuận Minh:
Xuân Diệu đề cao chân chân chân, thật thật thật là cách hiểu đơn giản của một thời, đi ngược lại với chính thành tựu thơ tiền chiến của Xuân Diệu để chúng ta ngày nay có một Xuân Diệu. Cũng bởi hiến thân cho nguyên tắc sáng tác có phần thô sơ, dù rất chân thành, tự nguyện này, mà thơ Xuân Diệu về sau mất rất nhiều bạn đọc. Nói theo cách nói của ngày hôm nay, thì đầu vào phải thực, đầu ra phải hư. Cái hư mới là cái đặc sắc của nghệ thuật. Lột tả được cái thực đã là tài nghệ. Lột tả được cái hư(cái ảo, cái không – đối lập với cái thực, cái có), cái ở trong tâm hồn, trong tâm tưởng, cái chỉ có thể nhìn thấy, khi nhắm mắt lại,còn tài nghệ hơn nhiều. Một họa sĩ diệu nghệ là phải: vẽ được cái không, chứ không phải là cái có; vẽ được cái ảo, chứ không phải là cái thực. Xuân Diệu thống nhất đầu vào với đầu ra, đầu vào là chân chân chân, đầu ra là thật thật thật. Phần không thành công của Xuân Diệu chính là ở chỗ đó. Đến Xuân Diệu còn thế, đủ biết làm được thơ hay khó biết nhường nào.
Khi sáng tác, nhà thơ như đã ở ngoài thời gian, ở ngoài tuổi tác. Nhà thơ cũng như người đang yêu, không có tuổi là vì vậy. Nghệ thuật nhiều khi là cái không nhìn bằng mắt, không nghe bằng tai. Tôi nghĩ vậy, nên có câu thơ:
Muốn nhìn ư
Phải nhắm mắt lại
Muốn nghe ư
Phải bịt tai lại
Những bí ẩn xanh rờn
Dạt dào tuôn chảy tự trời cao…
Phải như thế, nhà thơ mới tiếp nhận được từ trời cao, cái “bí ẩn xanh rờn”… của thi ca và cũng là của đời sống nghệ thuật.
52. Nguyễn Đức Tùng:
Nhận xét của anh về vấn đề thực và hư trong thơ rất hay, tôi nghĩ là có ích cho các nhà thơ khác.
Nhân bàn về thơ tình, xin mở ngoặc nói thêm cho vui, về mặt “trai gái” thì hình như thế hệ các anh ngây thơ hơn so với thế hệ chúng tôi sau này. Càng về sau tuổi trẻ càng thực tế hơn và lém lỉnh hơn chăng? Nếu anh đọc thơ tình của các bạn trẻ bây giờ sẽ thấy như thế.
Trần Nhuận Minh:
Tôi cho rằng, thơ tình của các bạn trẻ bây giờ, nông hơ