Người đẹp Thái Nguyên của Nhà văn Lý Biên Cương

Nhà văn Lý Biên Cương ra đi đã tròn ba năm. Ông mất ngày 22/3/2010, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Thọ 69 tuổi. Nhà văn Lý Biên Cương từng là phóng viên báo Tiền phong (1960); báo Vùng Mỏ (khu Hồng Quảng, 1961 - 1964); báo Quảng Ninh (1964 - 1987), nguyên Ủy viên Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam; nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh, Phó Tổng biên tập báo Hạ Long.

 

 

Ảnh: Tác giả (trái) và nhà văn Lý Biên Cương, năm 2000)

Năm đó, gia đình tôi đang ở TP Thái Nguyên. Một đêm, khi đã khuya lắm, tôi chợt nghe tiếng gõ cửa. Qua cửa kính, tôi thấy một người đàn ông xách chiếc va li:

-Xin lỗi, ai đấy ạ?

- Cương đây. Lý Biên Cương đây.

- Trời, bác Cương…

Tôi lập cập mở cửa đón ông, hỏi:

- Sao khuya khắt thế này…?

Ông Cương ra hiệu cho tôi yên lặng rồi ghé vào tai tôi:

- Buồn lắm chú ạ. Chú cho anh ngủ nhờ đêm nay…

- Chết, có chuyện gì hệ trọng vậy, bác?

Ông không trả lời tôi, nhưng tôi đoán, chắc “anh chị” lại “trục trặc”  khiến ông  phải xách va li ra khỏi nhà trong đêm.

Mối tình giữa ông với người phụ nữ này ông đã công khai với gia đình ông và với bạn bè nên tôi chẳng ngại khi kể thêm vài chi tiết. Người phụ nữ này ông quen trong chuyến công tác ngắn ngày ở Thái Nguyên. Đó là người đàn bà đẹp, sung mãn và trẻ hơn ông chừng 15 tuổi. Nhiều người đọc truyện vừa “Người đàn bà đi ngang qua đời tôi” của Nhà văn Lý Biên Cương đều đồn đoán, người vợ thứ hai này của ông chính là nguyên mẫu  nhân vật chính trong truyện.  Họ có với nhau một con gái. Hai mẹ con họ ở Thái Nguyên, sinh sống bằng nguồn thu nhập chính từ quán café; còn ông vẫn làm việc ở Hội Văn nghệ Quảng Ninh, thi thoảng mới lên thăm.

Thời đó tôi phụ trách nội dung của một tờ báo ở Việt Bắc. Mỗi lần gửi bài cho tôi, ông thường kèm lá thư rất thân mật, trong đó dặn, nếu bài được đăng, nhờ tôi lấy nhuận bút gửi cho cháu Thục Hạnh (tên con gái ông). Nhuận bút chẳng đáng là bao, nhưng cái chính là vợ con ông phấn khởi, biết rằng, dù ông ở xa nhưng xung quanh còn có bạn bè của ông.

Mối tình của ông với người đàn bà này bị một số bạn bè, văn nghệ sỹ  chê trách. Nhưng nếu ai ở trong hoàn cảnh của ông, thấy nỗi cô đơn triền miên của ông chắc sẽ thông cảm với ông.

Trước “Người đàn bà ngang qua đời tôi” này, Nhà văn Lý Biên Cương có cuộc sống gia đình êm ấm và hạnh phúc. Khi  sinh cháu đầu lòng, bà Ngà, vợ chính thức của ông có những biểu hiện khác thường, hay cáu gắt, thậm chí chửi bới ông thậm tệ, vô lí; có lúc lại khóc tu tu như đứa trẻ. Sau đó ông mới biết, vợ ông bị bệnh tâm thần và đã đưa vợ đi chữa trị khắp nơi. Ngót 30 năm,  ông sống cô độc, không có bạn đời đúng nghĩa.

Trong chuyến công tác ngắn ngày ở Thái Nguyên, tình cờ,  ông vào quán café,  gặp “Người đàn bà…”   ấy. Họ không cưới nhau, chỉ làm mấy mâm cơm ra mắt gia đình họ hàng. Mấy năm đầu họ sống ngập tràn hạnh phúc. Tôi nhớ, có lần tôi mời họ đến nhà tôi ăn cơm. Trong bữa, họ ngồi bên nhau, gắp thức ăn cho nhau, gương mặt họ hân hoan, tươi trẻ lạ lùng. Khi ra về, họ ngồi trên xe máy, ôm eo thật tình tứ, lãng mạn. Vậy mà, không hiểu lí do gì mà nay xẩy ra mâu thuẫn, đến nỗi ông phải bỏ nhà ra đi? Tôi hỏi lí do? Ông không giải thích, chỉ kêu buồn. Đêm đó, dù đã rất muộn nhưng tôi và các Nhà thơ: Nguyễn Đức Hạnh, Võ Sa Ha và một số văn nghệ sỹ ở Thái Nguyên cũng mời ông đi uống rượu, động viên ông. Khi đi ngủ, tôi mời ông lên gác, ông bảo cứ để ông nằm ở sa lông ở tầng một; ông đau gút, không leo cầu thang được. Sáng hôm sau, “Người đàn bà…” ấy đi xe máy đến đón ông. Qua ánh mắt, cử chỉ của họ, tôi biết, đêm qua ông buồn vì họ giận nhau như đôi vợ chồng trẻ, bây giờ, “Người đàn bà…” chủ động đến làm lành...

Mấy năm sau, khi tôi chuyển về Hà Nội, mới biết căn bệnh gút của ông ngày càng trầm trọng;  đang điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai. Tôi và Nhà báo Giang Nam vào thăm. Ông ngồi trên xe lăn, mặt và chân phù nề, giọng thều thào, rời rạc; không còn thấy nét sáng láng, hào hoa làm mê hồn biết bao phụ nữ. Chính căn bệnh gút khiến ông bị ngã, gây tai biến, sống thực vật nhiều ngày ở Bệnh viện Việt Xô cho đến lúc ra đi