Nhớ một Tết Độc Lập buồn...

Có một thời chúng ta hay suy diễn và chụp mũ. Nhắc lại chuyện cũ cũng là "Ôn cố tri tân". Nguồn: trannhuong.com


Ông Hoàng Tuấn Phổ tuổi 80

 

 

Mùng Hai Tháng Chín năm Giáp Tý 1984 là một ngày buồn trong một năm buồn của gia đình tôi.
Sau gần 20 năm theo Đảng, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba, Huy chương chiến sĩ văn hóa (hai lần), Cha tôi bỗng bị buộc thôi việc, khai trừ Hội tịch, trả về địa phương-nơi cũng chừng ấy năm trước, ông đứng dậy từ vũng lầy thời cuộc. Nhưng lần này trở về làng cũ, trên đầu ông nặng thêm một tội danh-một tội danh tày trời: Tội "chống Đảng” !
Tôi nhớ, bởi chuyện buồn ấy xảy ra đúng vào dịp Tết Độc Lập dân tộc. Chính xác, Cha tôi phải chấp hành Quyết định buộc thôi việc sau Tết Độc Lập một ngày: Ngày 3 tháng 9 năm 1984. Thế là mọi phấp phỏng hy vọng được minh oan của cả nhà tôi kéo dài từ mùa xuân sang mùa hè, đến mùa thu thì chấm dứt. Mẹ tôi tần tảo, sẵn sàng hy sinh, chịu đựng tất cả vì chồng con, nhưng bà không chịu nổi những lời dị nghị của làng xóm. Khi ấy tôi đã 14-15 tuổi nên cũng hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Tội "chống Đảng" lớn lắm, nhục nhã lắm ! Nó đồng nghĩa với tội Việt gian phản động ! Hai đứa em tôi bé nhỏ chưa hiểu gì, nhưng thấy bố mẹ, các anh buồn, chúng cũng buồn lây.
Thông thường, Mùng Hai Tháng Chín hàng năm, xóm làng tôi vui như Tết. Trẻ con vui đùa, thanh niên cắm trại, tổ chức chơi trò "Hái hoa Dân chủ". Và bao giờ làng cũng có một tiết mục đặc biệt được già trẻ, gái trai chờ đợi là "màn" mổ lợn ăn mừng Tết Độc Lập. Tôi thường sốt sắng với nhiệm vụ đi nhận phần thịt cho nhà mình. Ở làng có mấy ông chuyên chia thịt và chia rất khéo. Thật khó có thể chọn ra một phần thịt nào nhiều hơn, ngon hơn. Phần nào cũng như phần nào, thịt, xương, mỡ, nạc...có đủ cả trong từng khóm. Nhà ai cũng có một phần thịt khá tươm tất. Mấy tháng mới được bữa cơm thịt no nê, bọn trẻ con chúng tôi vui đến mức cứ tưởng ngày này trên thế gian ai ai cũng được sung sướng như mình ! Nhưng năm ấy, nhà tôi không có Tết Độc Lập.
Đồng thời với kỷ luật buộc thôi việc, đề nghị đình bản tiểu thuyết "Mai vàng chùa Tháp" ở NXB Thanh Niên, Hội văn nghệ Thanh Hóa tuyên bố đã gửi công văn đi các cơ quan, tạp chí đề nghị không xuất bản sách và in bài của kẻ "chống Đảng" Hoàng Tuấn Phổ. Thế là, cánh cửa mà Đảng từng mở ra con đường chữ nghĩa cho Cha tôi, nay lại bị đóng sập lại. Trước khi đi "thoát ly", Cha tôi từng cổ cày vai bừa ở quê. Nhưng lần này trở về, dù nặng gánh trên vai, Mẹ tôi không muốn ông lại tiếp tục công việc đồng áng... Cha tôi cũng quyết định bỏ bút, cầm dao cầu làm nghề thuốc, châm cứu chữa bệnh. Nhà tôi trở thành cái xưởng bào chế thuốc nho nhỏ. Phần chúng tôi, chỉ còn biết cố gắng ngoan ngoãn học hành để cha mẹ vơi đi nỗi buồn.
Vậy mà bể dâu thoáng chốc đã 30 năm tròn !
Chắc bạn đọc không khỏi thắc mắc, Cha tôi “chống Đảng” như thế nào ? Vâng, ông “chống” bằng một bài thơ Thất ngôn bát cú ! Nghĩa là ông tham gia cuộc thi “Xướng họa thơ vui, năm Tý nói chuyện chuột” do báo Đảng Thanh Hóa mời. Thơ ông “Họa” lại bài “Xướng” của ông Hà Khang và Mai Bình-Chủ tịch Hội văn nghệ Thanh Hóa. Tôi nhớ như in hai bài thơ này:
Bài “Xướng” do ông Mai Bình chấp bút:
Năm Tý về đây nhắc chuyện đời
Không coi chừng chuột, chuột sinh sôi !
Chùm nem sơ hở con chù vọc
Đĩa chả thờ ơ lũ cống lôi !
Lạ nhỉ ? chơi không toan gọn lốm,
Ở kìa ! ngồi rỗi chực ngon xơi !
Hẹn nhau sắm bả phòng năm chuột
Hễ chúng bò ra giết tiệt nòi !
Bài “Họa” của Cao Đăng (Cha tôi-Hoàng Tuấn Phổ):
Giống chuột làm sao vẫn sống đời ?
Con đàn cháu lũ cứ sinh sôi !
Đồ ăn bè cánh chia phần nhậu,
Của để tớ thầy hợp sức lôi !
Tiếc lọ chê ai đành chuột phá,
Hoài cơm trách bạn để mèo xơi !
Triệt đường ẩn nấp hang cùng hốc,
Cống lỗ chi chi cũng hết nòi !
Đọc xong chắc có độc giả phì cười mà bảo rằng: chúng tôi chỉ thấy đây là bài thơ “chống chuột” chứ làm gì có chỗ nào “chống Đảng” nhỉ ? Đúng vậy, thưa bạn đọc yêu mến ! Đây là bài thơ vui "chống ông Tý”, “nói chuyện chuột” 100% (như chủ đề cuộc thi “Xướng họa thơ vui năm Tý nói chuyện chuột” đã đề ra)
Này nhé: Giống chuột hại, đục khoét từ thượng cổ đến giờ. Thời nào con người cũng tìm cách diệt chuột, và diệt được khá nhiều. Vậy mà chúng “vẫn sống đời”, “Con đàn cháu lũ cứ sinh sôi”. Vì sao ? Vì giống này rất mắn đẻ và cực tinh quái trong cuộc chiến sinh tồn. Chúng hay rúc rích kéo nhau đi ăn. Thứ cùng đánh chén tại trận, thứ hợp sức lôi về hang dùng dần. Khó mà bẫy bắt được chúng. Người xưa có câu “Ném chuột sợ vỡ bình quý” nên đôi khi chuột nhờ cơ hội đó mà sống sót. Nhiều con mèo được nuôi để bắt chuột, nhưng chỉ giỏi ỉa bếp, để chuột ngang nhiên hành hoành, quả là “hoài cơm”, đáng trách. Bài “Xướng” của Mai Bình đề xuất: “Hẹn nhau sắm bả phòng năm Chuột, Hễ chúng bò ra giết tiệt nòi”. Nhưng giống chuột đa nghi có khả năng "xuất quỷ, nhập thần", "thiên biến vạn hóa". Chấp nhận cho chúng tồn tại trong hang hốc là cách đánh chuột nửa vời và thụ động. Cao Đăng đề xuất biện pháp đánh chuột của dân gian, triệt để, quyết liệt hơn: “Triệt đường ẩn nấp hang cùng hốc, Cống lỗ chi chi cũng hết nòi”. Nghĩa là đánh vào tận sào huyệt giống đục khoét ! Lại chủ trương diệt cả chuột cống, chuột lỗ-loại chuột kếch xù mà họ nhà mèo không dám đụng đến. Rồi chuột nhắt, "chi chi" chuột...hễ đục khoét, ăn hại đều diệt hết !
Tôi dù ở tuổi thiếu niên cũng đã đủ khôn để cảm nhận đây là bài thơ hay, nghĩa bóng chống lại những tiêu cực thời nào cũng có. Mẹ tôi là nông dân chất phác, dù lòng đang nặng trĩu nỗi buồn, khi nghe bài thơ "chống Đảng" của Cha tôi cũng phải tủm tỉm cười khen là...được, và nói: “Tôi chả thấy ông chống Đảng ở chỗ mô cả !” Có lẽ cuối cùng dù Cha tôi không thoát được tội tày đình, nhưng tự lòng Mẹ tôi đã cảm thấy vô tội và thanh thản.
Nhà tôi tuy nghèo nhưng từ nhỏ chúng tôi được bố mẹ cho ăn học, giáo dục tử tế. Cha tôi luôn nhắc nhở con cái: “Nhà ta được như ngày nay là nhờ có Đảng, các con phải cố gắng học hành, phấn đấu, đi bằng chính đôi chân của mình, sống có ích cho gia đình, xã hội”. Tôi biết rõ Cha tôi là người thế nào. Tôi không tin ông chống lại những chủ trương mà thường ngày tôi vẫn nghe ông ca ngợi là đúng đắn và tiến bộ.
Thế nhưng “có người” đại diện cho Đảng lại động lòng, tự thấy mình trong bài thơ "chuột" và cho rằng “nó” đang “chống” mình ! Họ phân tích như sau: “Con đàn cháu lũ” ở đây ý chỉ “con ông cháu cha” đời nối đời hưởng đặc quyền đặc lợi. “Đồ ăn bè cánh chia phần nhậu, Của để tớ thầy hợp sức lôi” ám chỉ chuyện vây bè, kéo cánh, ăn cắp của công, tham ô, hối lộ, móc ngoặc với nhau. Của ít chia nhau ăn, của nhiều hợp sức lôi về nhà làm giàu. Không thể chấp nhận được ! Chế độ này là khối "đại đoàn kết", chỉ có quan hệ “đồng chí” "đồng nghiệp", tại sao lại có từ “bè cánh”, “tớ thầy” ở đây ? Cao Đăng nói “Tiếc lọ”, thì “lọ” cũng là “bình”. Mà “bình” không phải “Mai Bình” còn ai vào đây ? Hóa ra, cấp trên vì nương tay với “Bình” nên không chống tiêu cực ? Thật quá "thâm ý" ! “Hoài cơm trách bạn để mèo xơi”, “mèo” đây đích thị là những người nắm pháp luật rồi ! Dám nói họ là “hoài cơm” sao ? Lại còn định “Triệt đường ẩn nấp hang cùng hốc, Cống lỗ chi chi cũng hết nòi !” Cao Đăng muốn “diệt” tận gốc, từ “ông to” đến “ông nhỏ” kia ư ? (đoạn này tôi nhớ lại theo lời kể của Cha tôi sau mỗi tuần trở về nhà với gương mặt thất thần...)
Thế là họa lớn ! Chín tháng trời ròng rã, Cha tôi chỉ làm mỗi công việc trần tình, kiểm điểm, mất ăn mất ngủ... Rốt cuộc ông vẫn không thể nào thanh minh được.
Năm Mậu Tý 2008, ông Khương Bá Tuân-nguyên PGĐ Sở NN và PTNT Thanh Hóa hỏi tôi: “Cậu còn nhớ bài thơ xướng họa “Năm Tý nói chuyện Chuột” của ông Phổ không? Thỉnh thoảng các cụ trong câu lạc bộ Hàm Rồng có hỏi. Mình thì chỉ nghe nói chứ cũng đã được đọc đâu. Nếu cậu còn nhớ chép lại cho mình một bản làm kỷ niệm” Tôi trả lời: “Cháu nhớ. Mậu Tý năm nay là 24 năm bài thơ họa năm Tý nói chuyện chuột. Cháu có nói với Bố cháu nhân đây nên kể lại sự việc để mọi người hiểu. Nhưng ông Cụ bảo, “Thôi, chuyện đã qua rồi...Mình nhắc lại người ta lại hiểu lầm là gợi chuyện cũ...”
Tôi hiểu. Sau nhiều tai bay vạ gió từ thời Cải cách ruộng đất và Đấu tranh chính trị, Cha tôi giống như con chim sợ làn cây cong vậy. Thế nên ông mới viết: "Sờ râu lão Tý tay còn nhớp, Chạm vía cụ Mèo mạng suýt toi !"
....