Văn nghệ sĩ học nghề

Mãi tới những năm nửa sau thế kỉ XX, Hội Nhà văn Việt Nam mới mở trường Quảng Bá, trường Nguyễn Du dạy viết văn chứ trước đấy, Xuân Diệu học ngoài sạp báo, Tố Hữu học ở tiệm thơ cạo, còn Nguyễn Bính học trong xưởng in! Chuyện thế này…

1. Xuân Diệu, một trong những người tiên phong của phong trào Thơ Mới, luôn coi Tản Đà là thầy, thậm chí là người thầy đầu tiên, vì theo ông, "Tản Đà là người thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại". Xuân Diệu kể: "Chúng tôi chỉ học theo Tản Đà mà  chúng tôi tôn làm thầy. Thơ chúng tôi cũng na ná giống thơ Tản Đà, nhất là thơ của tôi, giỏi ăn cắp lối dùng chữ, lối chuyển câu của Nguyễn Khắc Hiếu." Anh học trò Xuân Diệu yêu thầy Tản Đà đến mức cứ ngày đầu tháng và giữa tháng là trốn trường ra phố đón mua bán nguyệt san An nam tạp  chí - báo của Tản Đà - để được rọc ngay tờ báo và tìm đọc trước hết thơ Tản Đà.
2. Nhà thơ chiến sĩ Nguyễn Kim Thành không bao giờ quên người thầy đã cho mình bút danh Tố Hữu. Một lần thầy dẫn câu của Khổng Tử Ngô nhi tố hữu đại trí (thằng bé này quả là bậc tài trí sáng láng) rồi dạy: "Thầy đặt tên cho con là Tố Hữu. Tố là trong trắng  sáng láng. Hữu là có. Nghĩa là tự con có sự trong trắng sáng láng". Tố Hữu không quên cả những ông thầy thợ cạo của mình, ông kể: "Tôi khát khao được đọc sách nhưng vì nhà nghèo không có tiền mua sách, cứ lân la đến những bác cắt tóc để mượn. Họ có sách để khách ngồi chờ đọc cho đỡ sốt ruột. Các bác thợ cắt tóc rất quý tôi, luôn cho mượn...".
3. Có thầy trong giới thợ in là trường hợp của thi sĩ Nguyễn Bính. Chuyện rằng, một lần ông viết về sự hi sinh dũng cảm của người mẹ trẻ, giữa bom đạn, lấy thân làm bức thành đồng cho con. Người thợ in xếp chữ in thành Lấy thân làm bức thành đồng che con. Chẳng cần biết đó có thể chỉ là một lỗi morat, Nguyễn Bính thành khẩn, hồn nhiên lĩnh hội: "Cái từcho nó yếu ớt bị động, tầm thường bao nhiêu thì cái từ che nó năng nổ, dũng cảm, chủ động, quyết liệt bấy nhiêu. Ha! Quần chúng sáng tạo. Quần chúng làm thầy của nhà thơ". Vậy là,  còn hơn cả bán tự vi mới chỉ cho 1/3 chữ, anh thợ đã thành ông thầy!
4. Gánh gạo mắm theo thầy học văn là ông Nguyễn Khải. Nhà văn nhớ lại: "Tôi vào bộ đội khi còn rất trẻ. Mặc áo lính mà học viết văn. Mùa đông năm ấy đơn vị cử tôi đi thực tế cùng nhà văn T -  một người đã rất nổi tiếng, lại là thượng cấp với mình. Sướng quá,  vừa gặp tôi đã đưa cái kí mới viết nhờ đọc rồi quẩy gánh gạo mắm theo liền. Lúc đi thì mình dẫn đường, lúc nghỉ mình hỏi nhà dân ngủ đậu, kiếm củi nấu cơm. Lại còn phải đun nước để nhà văn ngâm chân! Ngâm rồi, ăn rồi người ấy thắp nến đọc sách. Cái kí gửi xin ý kiến, cả tuần sau, trước khi chia tay mới phán cho một vài câu... Lại nhớ có mùa hè,   vẫn thời kháng chiến chống Pháp, một nhà văn khác, ông P xuống đơn vị công tác, mình làm thân bằng cách dành phần đưa nhà văn đi... tắm. Chọn cái ao nước đầy, người vắng,  lại có cây vối mọc la đà, thật là nơi mát chuyện! Vừa định cất tiếng hỏi đôi điều  chữ nghĩa, nhà văn  lịch sự chặn họng: "Thôi cậu về đi. Mình tắm một mình được mà".
5. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh bắt đầu học nghề chụp ảnh với cụ Nguyễn Văn Khải người gần nhà, một tay chụp tài tử. Học…vác chân máy cho thầy. Như một anh thợ trắc địa, cậu bé Ninh 10 tuổi vác chân máy theo thầy đi chụp phong cảnh khắp Hà Nội.   Vườn hoa Con Cóc, Hồ Gươm, Bách Thú, Bách Thảo, Văn Miếu... Cũng học nghề kiểu ấy nhưng nghệ sĩ Đỗ Huân lại "hướng nội" bắt đầu bằng việc kê đèn, sửa phông ngoài phòng chụp, thay nước hiện, nước hãm trong phòng tối của cửa hàng ảnh Photo Ben đường Tràng Thi, khi ông mới là cậu học sinh tiểu học trường Hàng Vôi. Khổ học như thế, có kinh nghiệm như thế, nhưng bài thực hành nhiếp ảnh đầu tiên của cậu học sinh trường Hàng Vôi lại chẳng cho ra được một kiểu ảnh nào. Xúc động đến lúng túng, cậu làm lộ sáng cả một cuộn phim!
6. Vỡ lòng môn phổ thơ cho nhạc sĩ Hoàng Hiệp là ca sĩ Quốc Hương. Chính Hoàng Hiệp kể: "... trong kháng chiến chống Pháp tôi có  một bài phổ thơ, tôi nhờ ca sĩ Quốc Hương thể hiện. Anh xem xong nói với tôi một câu như thế này: "Bài của cậu nó chỉ là hát thơ thôi, không phải phổ thơ". Anh Quốc Hương muốn nói, mình phổ thơ nhưng âm nhạc của mình chưa có cái gì cả, mà chỉ mượn cái nhạc điệu tiết tấu trong chính bài thơ mà hát lên thôi". Theo chỉ dẫn ấy, quuyết đi tìm "âm nhạc của mình", Hoàng Hiệp đã  thành công với hàng loạt ca khúc phổ thơ nổi tiếng, cùng sáng tạo với các thi sĩ Chính Hữu, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đình Thi trong Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn  Đông Trường  Sơn Tây,  Láđỏ…
Nguồn: Vanvn.net