Rái cá trên hồ thủy điện Hủa Na

Ghi chép của Nguyễn Thị Minh Lộc. Trường tiểu học Nghi Trung- Nghi Lộc- Nghệ An. ĐT: 0987336869

 

Hai ngày nghỉ lễ, khác với chuyến đi của mọi người, đoàn chúng tôi ngược hướng miền tây xứ Nghệ, về với cội nguồn. Chú tôi là cán bộ Sở Giáo dục nhưng đã có thâm niên ở vùng đất biên giới từ những năm tháng gánh con chữ lên đại ngàn lúc tóc còn xanh. Nay, chú tổ chức chuyến đi với  mục đích vui, khỏe, thư giãn ngày nghỉ, thưởng thức cảnh đẹp nơi rừng núi hoang dã, thử thách bản lĩnh, rèn luyện tính vượt khó của mỗi người.

Đúng 6 giờ 30 phút, theo quốc lộ 48, chúng tôi đến ngã ba Phú Phương. Xe chúng tôi phải dừng lại khoảng 15 phút, vì hai xe sau trong đó có xe của chú tôi gầm thấp, tốc độ chậm. Hơn nữa chú tôi lại là tay lái cẩn thận.
Trời như sắp có mưa. Đi tiếp thêm khoảng 30 cây số nữa thì đến xã Thông Thụ.  Đoàn chúng tôi dừng lại trên đập Phủ, thuộc bản Piềng Văn. Dưới chân đập Phủ là một bến nhỏ có gần chục cái thuyền lá nhỏ. Một chiếc thuyền máy chờ sẵn đón chúng tôi theo sự bố trí của trưởng đoàn. Được biết, Thông Thụ mấy năm trước có 13 bản, chín muơi chín phần trăm thuộc dân tộc Thái. Các bản ở đây trước sự hiện diện của hồ thủy điện đã di dời.
Sau khoảng hai mươi phút ngồi trên thuyền, chúng tôi được ra sâu trong lòng hồ thủy điện Hủa Na. Bác lái thuyền cho biết, hồ thủy điện này rộng lắm, trên 5 ngàn cây số vuông. Nhưng có thể con số còn lớn hơn vì nước dâng lên lòng hồ,các con suối, khe nhỏ ngóc ngách cả các ngọn núi, tạo nên một diện tích hồ mênh mông, đi thuyền cả ngày cũng không hết. Các ngọn núi nhỏ, bên dòng sông Chu, khi nước dâng lên trở thành những mom đảo kỳ thú và độc đáo. Những mom đảo này lô xô, nối tiếp nhau, trong cái phong cảnh thanh tĩnh của một miền sông nước huyền mặc, kì bí. Những ngọn cây lớn, những cụm tre trúc do ngập nước chỉ trơ trọi cành nổi lên trơ trụi trên mặt hồ. Ba con cò đậu trên cành cây xa không còn lá. Hoang dã đến lạ lùng.
Chú tôi hội ý đoàn và tuyên bố tối nay mọi người sẽ được ngủ trên khách sạn “Ngàn Sao”. Đó là cái bè nổi của vợ chồng anh Thuận chị Huyền.
Chúng tôi được vợ chồng anh đón tiếp bằng bữa cơm trưa với măng đắng, cá sông và tép khô. Đoàn còn mang theo bánh chưng. Bữa cơm thật vui vẻ và ấm cúng.
Nằm trên võng nghỉ trưa, tôi nhìn hai bên bè nổi, thì ra, nơi này có thể gọi là một eo đảo. Thực ra là khe Nạm Chạt thuộc bản Đồng Tiến. Nơi này “Đất lành chim đậu” cho vợ chồng anh Thuận chị Hiền. Vừa dọn dẹp trên bè, Thuận vừa kể chuyện.
Câu chuyện của Thuận đã làm tôi tò mò. Thuận sinh năm 1978 sinh ra và lớn lên ở Nghĩa Đàn. Lấy vợ và sinh sống ở Quỳnh Tam. Hai vợ chồng làm nhà, mười năm không làm thêm nổi cái cửa. Cuộc sống nghèo khổ đeo đuổi. Từ nhỏ vốn cực khổ, anh không đủ điều kiện theo học hết phổ thông. Lớn lên, anh làm nghề đánh bắt tôm cá. Con sông Đào nơi anh lớn lên đã dạy cho anh dạn dày sông nước và kinh nghiệm. Cái nghề thấm vào máu. Một lần nghe có người nói ở Sông Chu, nơi làm đập thủy điện  có tôm cá, anh rủ anh trai cùng đi khảo sát. Với chiếc xe máy từ Quỳnh Lưu, anh lên tận Quế Phong, tìm và phát hiện hồ thủy điện Hủa Na có tôm. Về nhà,  anh thu xếp lên đây kiếm cơm, sống chết với nghề.
Những ngày đầu, việc đánh bắt còn khó khăn.Thuận đã ghép ba mảng nứa lại, dùng lưới và bạt ni long quấn lại làm bè, lấy phương tiện đi lại.
Thấy cái nghề của mình có hiệu quả, nhưng một thân một mình nhiều lúc cũng đơn độc, Thuận về bàn với vợ lên cùng làm. Chị Huyền không nghe. Thuyết phục mãi, cuối cùng vợ chồng cũng quyết định bán nhà dọn lên ở hẳn trên khúc sông này hằng ngày kiếm cá tôm, sáng chèo thuyền ra bến đi chợ bán cá. Lúc đầu vài trăm ngàn, năm trăm ngàn, có hôm bán được 800 ngàn hay một triệu, mừng lắm. Cứ thế hai vợ chồng dành dụm mua lưới làm vó, đóng thuyền, đầu tư mua máy nổ. Chị Huyền vợ anh nhận may lưới làm vó cho bà con. Ngoài thời gian rảnh chị nuôi lợn gà, làm thêm sắn khoai trên núi. Khoai sắn dành cho lợn ăn. Đàn lợn khoảng 2 chục con. Có đến 3 con lợn mạ, lai giống lợn nít ăn thịt rất ngon. Chuồng lợn cũng được làm bè nổi trên mặt nước. Thuận kể: lứa lợn đầu tiên do không quen cách nuôi ở vùng rừng núi, nên nhốt ở trong chuồng. Lợn con chết dần. Bà con quanh bản bày cho cách khi nào lợn sắp đẻ thì thả nó ra khỏi chuồng. Lợn mạ thả vô rừng rồi tìm chỗ đẻ, khoảng mười ngày sau thì dẫn cả đàn 19 con trở về.
Có một ít tiền vợ chồng đầu tư làm lồng nuôi cá lăng, cá vược, cá leo, cá bọp, cá trắm đen. Hàng ngày hai vợ chồng đánh bắt cá con để nuôi cá lồng. Trong khoảng hai năm, cũng đã ngót nghét bán được khoảng một tấn rưỡi cá đặc sản, thu hoạch trên một trăm triệu. Tuy nhiên để tiêu thụ cá cũng khá vất vả, một phần cũng vì phương tiện đi lại khó khăn. Có những lần vợ chồng mang cá lên tận chợ Quỳ Châu, thị xã Thái Hòa cũng không bán được, dân còn lạ với loại cá ngon này. Rồi đến tận các nhà hàng, họ chỉ mua khoảng trên 5 kg, nhưng với điều kiện cá chỉ trên một kg chứ hai hoặc ba, bốn kg thì không nhập cho. Năm này bán không hết, năm sau cá lại càng to hơn. Một đêm đi cất vó cá con nhiều đến hàng tạ, có khi bắt được cả tấn. Nhưng cá cũng ít dần, nay chỉ tầm một tạ mỗi lần bắt. Số cá đó, một nửa anh làm thức ăn cho lồng, một nửa chở thuyền ra bến bán cho dân buôn để lấy tiền sinh sống cho gia đình và mua dầu chạy máy.
Tối đó chúng tôi đi ngủ sớm, kế hoạch dậy đi lấy cá cùng Thuận.
Đêm mọi người ngủ say, 3h sáng tôi đã tỉnh giấc. Trăng sáng mờ, tiếng con chim bắt cô trói cột cứ hót vẳng đầu lòng hồ. Tôi trằn trọc mãi không ngủ tiếp được. Có thể lạ, có thể vì câu chuyện  từ hai bàn tay trắng thoát nghèo của Thuận làm tôi trăn trở.
Đúng 4 giờ, Thuận đã dậy mang đèn, đi tất chân rồi mặc áo phao. Tôi nhỏm dậy. Thuận nói nhỏ để khỏi thức giấc mấy đứa trẻ và khách trên bè: “Chị có đi theo xuồng xem cất cá không”. Tôi dậy, mợ tôi cũng dậy, rồi cả thầy Lân, thầy Sơn cũng dậy theo. Thuận thao tác nhanh nhẹn, đẩy hai cái xuồng buộc lại với nhau rồi nổ máy. Chúng tôi mặc thêm áo phao lặng lẽ lên thuyền.
Trời đêm thanh tịnh mờ ánh trăng rằm. Thuận nói trăng sáng thế này sẽ ít cá. Chạy khoảng 2 km đường sông. Đến chỗ 4 cái lồng, Thuận tắt máy và nhảy ra khỏi xuồng, quay cần trục để nâng vó lên ngang quá mặt nước. Khi nâng hết bốn vó bè lên mới quay trở lại kéo lưới. Chứng kiến cảnh quay cần trục để nâng vó bè, rồi kéo lưới để cho cá dồn về một phía sau đó hốt lên thuyền, phải nói cũng rất cực. Thuận vừa làm vừa kể: Có hôm em đi liên hoan với bạn uống rượu nên bị say không đi lấy cá được, vợ em chèo thuyền đi một mình. Không đi thì cá trong lồng không có thức ăn, và cũng tiếc một đêm dầu đèn chạy máy. Nhìn mặt hồ mênh mông tĩnh lặng với tiếng chim vọng từ bốn bề sâu thẳm, tôi chút ớn lạnh. Thấy thương cho vợ chồng Thuận quá. Cá đổ đầy khoang thuyền cũng ngót tầm một tạ, nhảy lao xao. Niềm vui thấy cá khiến ai cũng quên lạnh. Thuận nói, cá con ở đây nhiều lắm, sinh sản nhanh, nếu không bắt nó đặc cả sông. Khi lấy hết cá ở bốn cái vó thì trời cũng vừa sáng. Thuận quay mũi xuồng đến các lồng cá để cho cá  ăn. Mỗi rổ cá đổ xuống, đàn cá lăng, cá vược quẫy mạnh đớp mồi. Chỉ vào các lồng cá, Thuận nói: để có 13 lồng cá, 4 cái máy chạy thuyền và tự đóng thêm 4 cái thuyền lá, làm hai cái nhà bè, chi phí khoảng gần ba trăm triệu. Vợ chồng suốt ngày dầm sông nước, đánh cá, nuôi cá và bán lấy tiền chi tiêu hàng ngày và đầu tư từng bước vậy. Thuận nói em bây giờ bí vốn lắm, với lại nuôi cá tự nhiên vậy thôi chứ không có kiến thức gì cả. Nuôi được cá, tiêu thụ cũng khó. Chỉ mong sa  tỉnh có dự án để được học kĩ thuật và hỗ trợ thị trường tiêu thụ nhưng hiện tại cứ làm vậy đã, đến đâu hay đến đó.
Không muốn các con cuộc sống sông nước vất vả, hai đứa con của Thuận đã học xong lớp 9, Thuận cho lên bờ đi học nghề. Đứa con trai út mới ít tuổi, ý định cũng gửi về xuôi để đi học.
Trở lại bè, chúng tôi ăn sáng bằng món cháo cá vược chị Huyền nấu. Mỗi người đăng kí mua hai con cá vược nặng mỗi con ba kg.
Chia tay vợ chồng Thuận tại bè nổi trên khe Nạm Chạt. Ông Thông, người lái thuyền lâu năm trên dòng sông Chu đã đón sẵn đưa chúng tôi ra bến dưới đập Phủ để lên bờ.
Tạm biệt xứ sở núi rừng. Tạm biệt vùng cao tây bắc Quế Phong.Tôi ngoái lại ngước nhìn đỉnh Pù Ho, nơi có những mạch nguồn róc rách ngày đêm nhập vào lòng hồ, như dâng đầy khát vọng sống vươn lên vượt nghèo khó bằng sức lao động, bằng đôi bàn tay trắng, bằng niềm tin và nghị lực của những cuộc đời đang lặn lội lênh đênh trên mặt nước, gắn bó với nghề đánh bắt.
Thuận như một con “rái cá” trên hồ thủy điện Hủa Na.
Quế Phong 1/5 /2018
Nguyễn Thị Minh Lộc