Đi thôi, không gan được đâu, không chùng chình được đâu. Vợ con Cay lốc nhốc thồ lớn thồ bé theo chân Cay vào lúc trời đã sâm sẩm. Trước, cán bộ nói thế nào cũng không nghe. Trưởng bản dọa chết. Không sợ chết. Trưởng bản dọa cho đi tù. Không sợ tù. Trưởng bản dọa cho mù chữ. Cho mù. Chữ để làm gì. Cả bản đã đi rồi. Kệ cả bản. Trường học và các cô giáo cũng đi rồi. Kệ trường, kệ cô giáo. Trạm xá và thuốc cũng đi rồi. Kệ trạm xá, kệ thuốc. Cay quyết liệt bám trụ. Nương của tao, ruộng của tao, đất của ông cha, tổ tiên tao để lại, cớ gì đuổi vợ con tao đi. Cay cãi đâu ra đấy. Thế mà bố Cay bảo, lời mày nói không vào tai.
Minh họa của Đặng Hồng Quân
Cay tái mặt, đứng trên hai chân thôi không vững, hai tay phải bíu vào một gốc cây vừa tươi vừa chắc. Cái túi nước to quá. Lại đầy căng, xanh leo lẻo, treo ngay gần mặt trời Séo Tỷ mà người ta gọi là hồ ấy, nói vụng nó mà thủng một lỗ hay rạn ra một vết thì nước đổ xuống, san phẳng cả vùng thung lũng miên man trù phú này. Chết hết cả thôi. Sợ quá.
Đi thôi, không gan được đâu, không chùng chình được đâu. Vợ con Cay lốc nhốc thồ lớn thồ bé theo chân Cay vào lúc trời đã sâm sẩm.
Trước, cán bộ nói thế nào cũng không nghe. Trưởng bản dọa chết. Không sợ chết. Trưởng bản dọa cho đi tù. Không sợ tù. Trưởng bản dọa cho mù chữ. Cho mù. Chữ để làm gì. Cả bản đã đi rồi. Kệ cả bản. Trường học và các cô giáo cũng đi rồi. Kệ trường, kệ cô giáo. Trạm xá và thuốc cũng đi rồi. Kệ trạm xá, kệ thuốc.
Cay quyết liệt bám trụ. Nương của tao, ruộng của tao, đất của ông cha, tổ tiên tao để lại, cớ gì đuổi vợ con tao đi. Cay cãi đâu ra đấy. Thế mà bố Cay bảo, lời mày nói không vào tai.
Anh Chinh là người đi nhiều, học nhiều. Anh về lúc sáng, không phải để vận động Cay đưa gia đình đến khu tái định cư mới, mà rủ Cay đi thăm một nơi. Cay bán tín bán nghi. Nghi anh Chinh lại bày trò trêu Cay như hồi còn bé thôi.
Hai người đi núi. Đi lén vì bảo vệ công trình cấm rồi. Cấm thế nào được. Cay thuộc núi như thuộc nhà, thuộc đường như thuộc nét tay. Cấm đường to tao đi đường bé. Cấm đường thẳng tao đi đường cong. Cuối cùng hai anh em cũng đến cái nơi ấy. Đó là hồ thủy điện. Cái điện sẽ từ hồ nước này mà ra ấy à? Người Cay như lên cơn sốt rét. Thế ra, suốt bao năm người ta đưa người và máy móc, vật liệu lên đây để ngăn cái dòng thác nước kia lại là để làm điện. Cái hồ nước rộng khủng khiếp, gần trăm héc ta, chênh vênh trên vách núi. Tài thật. Và cũng liều thật. Thôi phải đến chỗ ở mới.
Cái chỗ mới ấy Cay không thích. Tất cả người Mông San Hồ đều không ai thích. Lạ chưa, làm thủy điện ở Seo Tỷ, dân Seo Tỷ không phải chạy đi đâu cả mà dân San Hồ phải chạy là sao? Anh Chinh bảo dân Seo Tỷ ở cao nhất, tận vai ông trời sao phải chạy. Còn người San Hồ ở thấp, dưới bụng ông trời, phải chạy thôi. Nhưng ở chỗ mới thì lấy gì mà ăn khi chia nhau mỗi người được một khoảng đất bằng cái vạt váy. Người đã đành. Con dê ở đâu? Con trâu ở đâu? Con lợn ở đâu? Chưa kể, cái chỗ ấy lại chênh vênh trên sườn núi ông Sét. Đất không có, chỉ có đá. Nước không có, chỉ có gió. Mỗi năm, vào mùa sấm sét, đến núi còn phải vỡ toang ra kia.
Cay giục anh Chinh về thôi. Đi thôi. Cay biết nghe lời rồi, không cãi cùn nữa rồi. Cay nín nhịn, dìm xuống cơn tiếc nuối sục sôi trong buồng gan, giục giã vợ con. Bản của Cay, mỗi sườn núi đôi ba nhà, thênh thang, bình yên. Đi hết bản phải già một ngày. Thế mà, đến một ngày, dân bản đi hết, vắng tênh, buồn thiu. Dỡ nhà chỗ này chuyển đến chỗ kia. Cả bản đi chẵn tháng rồi. Cay đi cuối cùng.
Núi nứt ra. Nước phun từng cột lớn, ào ạt, cuồn cuộn. Bản của Cay, rồi bản người Tày, bản người Dao, người Giáy, tất cả những bản nằm trong thung lũng đều chìm nghỉm. Cả một vùng mênh mang trắng xóa. Nước lên tận trời rồi. Người và vật trôi bập bềnh, hỗn loạn. Cay nhìn thấy anh Chinh. Anh cán bộ nhà Cay cưỡi trên một cây gỗ lớn, cười ngạo nghễ. Cây gỗ trôi phăng phăng. Cay ngồi trong cái thùng đập lúa như con thuyền và cất tiếng gọi. Anh đi đâu đấy? Anh Chinh đáp lại. Anh ra biển đây. Cay không hỏi nữa vì cái thùng đã lật sấp. Biển là nơi nào? Cay cứ chìm xuống, chìm xuống. Mãi mà không thấy đáy. Cay hận anh Chinh. Nả nuôi anh ăn học bằng hạt ngô hạt lúa thơm dẻo của núi này rừng này, để anh khôn hơn người, giỏi hơn người, để anh làm cán bộ, cán bộ huyện hẳn hoi. Thế mà núi vỡ. Anh mặc nhiên để bà con, mùa màng trôi chết…
Cay vật lộn mãi rồi mới biết. Đó chỉ là giấc mơ. Một giấc mơ kinh hoàng ngay đêm đầu tiên trong căn nhà tạm, ngổn ngang đồ đạc. Hú hồn hú vía. Mười hai cái hồn cái vía, còn ở San Hồ thì về theo người. Nơi ấy ngập lụt hết rồi.
Con Sênh ngồi chồm hỗm trên giường, thản nhiên cầm cây mía còn cả gốc rễ lên ngang mặt, đưa cái gốc vào mồm cắn xé, tước vỏ, rồi nghiến ngấu, rồi ừng ực. Nó uống mía từ gốc uống lên, thứ tự như lửa nuốt củi, như rắn nuốt chuột. Sao đã ăn mía từ lúc gà còn ngủ say? Nó ăn xong cây mía, đùn xuống nền đất một đống bã thì lăn huỵch xuống giường ngủ tiếp. Thì ra nó mơ. Giấc mơ khát. May mà nó vớ được cây mía, phải cây gậy thì gãy hết cả răng chứ còn gì.
Đêm sau, sau một ngày nhọc nhoài lặn lội trên khe xa mới cõng về được mấy can nước cho cả nhà dùng dè, Cay lại mơ. Vẫn cái giấc mơ của con Sênh. Giấc mơ đi hết mọi hang hốc tìm nước. Cay đi tìm nước lại vớ được cái phích đầy nước. Thế là bỏng hết cả mồm miệng, bỏng vào đến tận gan ruột phải đi bệnh viện cả tháng, suýt chết. Ra viện, người ta bảo phải chuyển Cay đi bệnh viện tâm thần. Tâm thần thì mới uống nước bằng phích. Cay trốn viện về nhà lúc đang đêm.
Về nhà, nhà cửa hiu hắt. Vợ con bồng bế nhau về bản cũ gặt trộm lúa trong ruộng bậc thang nhà mình. Được bao nhiêu nhồi hết vào bao cõng về. Cái lưng nó cong, đêm nằm cũng cong như cái vỏ cây bị lột ra đem phơi nắng. Thức, nó kêu đau kêu mỏi. Ngủ, nó choàm choạp nhai vạt áo chàm, dãi từ mồm chảy ra đen kịt. Có đêm nó còn đưa cả bàn tay đứa con út vào mồm mà nhai. Đứa trẻ khóc thét lên đau đớn. Tỉnh giấc, nó bảo. Lúa ít, chỉ lo đói nên mơ thế.
Cay rất sợ những giấc mơ đói khát của vợ con và chính mình.
Anh Chinh lớn nhất nhà. Nả đẻ anh Chinh lúc nả mười lăm tuổi. Cả đời Nả nuôi người học. Nuôi hết bố thì đến con ăn học. Cái đứa không biết chữ, không biết cả tiếng phổ thông lại có chồng có con giỏi giang, làm cán bộ. Như Nả mới là giỏi. Vợ Cay cũng đẻ con Sênh lúc nó mười lăm nhưng con Sênh là gái, học biết chữ là được rồi, đủ rồi. Từ khi chuyển nhà, trường xa, nó cũng bỏ học luôn. Nếu có cuộc thi việc làm, thì con Sênh phải được nhất. Không phải nhất chăm chỉ, khéo léo, mà nhất lười biếng, vụng về. Từ lúc về nơi ở mới mà dự án quy định, chẳng có việc gì làm, con Sênh sinh cái thói ra ngắm vào vuốt, đi chải về chuốt làm duyên. Nó bỏ áo chàm, mặc áo phông. Bảo thế mới mát. Nó bỏ quần lanh, mặc quần bò. Bảo thế mới ấm. Nó bán áo chàm, bán cả thắt lưng, lấy tiền nhuộm tóc vàng hoe. Cay xấu hổ lắm. Con mèo hư, Cay cho một roi. Con trâu ngoan, è cổ kéo cày vẫn ăn roi. Tức con, đánh chó, đánh mèo thôi. Mặt con Sênh vẫn trơ ra. Chưa có cách nào với nó cả. Nó lớn mau quá. Quần bò cũng nhanh chật, mà áo phông thì cứ như bị co vào, chỗ nào cũng muốn đứt chỉ. Anh Chinh bảo, mười bốn mà lấy chồng là tảo hôn, sẽ bị xã phạt. Mười lăm có phạt không? Vẫn phạt. Thế bao nhiêu mới không phạt? Mười tám mới hết tảo, hết phạt. Trời ôi, ròng rã bốn năm nữa mới được gả chồng ư? Giá nó giỏi giang chăm chỉ như gái nhà khác thì nuôi bao lâu trong nhà cũng được. Bây giờ mà nặng lời, nó ăn lá ngón chết. Phí bao công nuôi dưỡng, mà làng xóm, họ hàng còn chê cười cho.
Cái thủy điện vẫn chưa cho điện mà đã lấy đi của San Hồ quá nhiều thứ. Lấy đi cái nết na chăm chỉ, chịu thương chịu khó của con gái San Hồ. Lấy đi cái ấm áp trong tình chồng nghĩa vợ. Những thứ ấy, không ai nhìn thấy. Họ chỉ thở dài chỉ tay lên rừng. Nơi ấy, cây lớn ngã đè lên cây bé. Rừng lớn đổ, rừng bé đổ. Nhựa cây hắc cả một vùng. Nghe anh Chinh nói vùng này có năm cái hồ như thế. Hồ về đâu thì rừng chỗ đó nhoe nhoét, nham nhở và bị triệt hạ. Những làng bản đẹp như tranh phải sơ tán vì nằm trong vùng nguy hiểm. Những thang ruộng mà dân đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt mới óng ả được thế cũng bị cày xới, san ủi. Lúc cấy, nước chả đủ. Ấy thế, khi được gặt, lũ thốc lũ tháo, trôi cả nhà cả cửa. Ai cũng biết rừng San Hồ là rừng thiêng. Thiêng mấy cũng chết. Chết chả có ai bênh được. Lúc rừng sống, rừng cho củi đun, cho gỗ làm nhà, cho thuốc chữa bệnh, cho nước trồng trọt... Khi rừng bị tàn sát, ai ai làm ngơ. Chả ai dám lên tiếng. Có học như anh Chinh mà không lên tiếng thì những người vô học như Nả như Cay sao dám nói gì. Cay hỏi “Có phải thủy điện chỉ mọc lên ở vùng sâu xa, nơi mà dân dốt nát không?” Anh Chinh giận lắm. Giận, Cay cũng vẫn nói. Con chim di cư vào mùa đông tránh rét để mùa xuân nắng ấm lại về. Còn con người, đã nhường đất, nhường ruộng cho thủy điện, có ngày về không?
Anh Chinh, lúc rượu rồi, lúc say rồi thì cũng bằng Cay, bằng bao nhiêu người đàn ông San Hồ thôi. Anh khóc. Tiếc lắm chứ, bản mình đẹp quá. Thủy điện làm ở đâu chả được, sao cứ phải ở cái nơi đẹp thế này. Nơi mà cả thế giới biết đến, đổ về chiêm ngưỡng vẻ đẹp sơn thủy hữu tình. Mà sao, thay vì làm năm cái hồ nhỏ, họ không làm hẳn một cái lớn chứ? Đằng nào cũng dồn dân vào rừng sâu hay lên vách núi thì dồn luôn thể. Đằng nào cũng xóa sổ một miền đất văn hóa, cho xóa sổ luôn thể.
Lúc hết rượu, hết say, anh lại hơn Cay ở chỗ anh nói gì cũng đúng, cũng phải. Cái hồ Séo Tỷ này còn nằm trên lưng núi, chứ cái Can Hồ còn nằm luôn trên đỉnh núi Con Rùa kia cơ. Còn khủng khiếp hơn nhiều. Thủy điện làm là để cho dân cơ mà. Đời mình chịu thiệt thòi thì đến đời con Sênh, thằng Ly và con cháu chúng nó mới khá được.
Một chiều đi lấy cỏ trâu về không thấy con Sênh nằm ngửa trên giường soi gương như mọi khi nữa. Cay tức tốc sang nhà trưởng bản. Trưởng bản đang trần lưng đuổi lợn. Tại sao lại dồn nó, giết thịt à? Không, cho vào chuồng. Trời ạ, con lợn thả rông từ lúc lọt bụng mẹ tới giờ, nhốt vào chuồng làm sao nó nghe, nó chả phá ra. Biết thế nhưng phải nhốt, nếu không nó phá vườn người ta. Nhắc đến việc con Sênh đi mất. Trưởng bản lặp lại lời Cay, bảo tối nó sẽ về. Nó như con lợn đang thả rông, giờ bị giam lỏng trong cái khu định cư mới này cũng cuồng chân thôi mà.
Tối cũng chẳng thấy nó về. Đi hỏi thì mới biết cả bản định cư có năm đứa con gái trạc con Sênh đi mất hút. Ba đêm không thấy con về. Cay sợ quá. Còn sợ hơn cái đêm trong giấc mơ núi vỡ. Cả đêm, hai vợ chồng thức kiểm điểm nhau. Vợ Cay cãi, nó không mắng con Sênh câu nào cả. Không ai mắng sao tự nhiên nó bỏ đi? Hay mày đánh con mèo trước mặt nó? Có đánh con mèo, nhưng đánh trong bếp. Sáng ra lên rừng tìm. Khóm lá ngón già câng từng bụi đang lấp lánh vàng hoa, từng chùm từng chùm ve vẩy trong gió ra chừng thanh tao lắm. Xuống suối. Suối cạn khô khát, những hòn đá to lù lù đang chìa lưng sưởi nắng. Ra đường, ai ai cắm mặt đăm chiêu. Lên chợ. Chợ tan rã rượi, khách khứa vắng teo. Cứ thoáng thấy cái bóng quần bò là hai vợ chồng lại lao đến. Mông cũng giống mông, chân cũng giống chân nhưng cái mặt không phải mặt đứa con gái mình đứt ruột đẻ ra. Muốn khóc mà không khóc được. Vợ Cay ngồi phệt xuống sân nhà thờ thõng thượt hai tay, không buồn lanh với sợi, buông xuôi mọi thứ trong tiếng chuông cuối ngày chơi vơi, vội vã. Cay gục đầu trong cái quán rượu bé tí. Ai hỏi mới dám ngẩng lên, lí nhí. Tìm con. Lúc ấy Cay mới nhớ. Đêm trước, trong giấc mơ, Cay đã đánh con.
Hai vợ chồng Cay héo hon ruột gan. Bây giờ, người ta lừa con gái đi bán nhiều lắm. Tổ cha đứa không đẻ đau, không nuôi dưỡng, rình con gái người ta lớn lên là cướp đi, bán lấy tiền ăn tiêu. Tao mà tóm được, tao bóp chết. Cay hình dung cái bọn bắt người như cái lão buôn chó ngoài thị trấn với cái lồng sắt hôi thối và những sợi dây thừng bẩn thỉu. Cay chỉ biết hình dung thế thôi chứ không dám chửi ra mồm. Bản định cư, nhà nhà khít khịt, dựa vào nhau cho bớt chênh vênh trên sườn núi. Đến tiếng hắng giọng còn nghe rõ. Cay phải ý tứ lắm để kìm tiếng gầm gào bực tức cứ từng cơn trỗi lên trong họng. Mấy đứa em thiếu chị, ra vào ngơ ngác. Không khí cả bản cứ chìm xuống và nhạt nhẽo như người ta thả vào nồi nước một cục đá chứ không phải nắm muối. Ông trưởng bản đi từng nhà, khua khoắng, động viên mỗi nhà vài câu. Rồi đâu lại vào đấy. Nỗi ấm ức cứ cồn quặn. Đến lúc con vợ thằng Páo kêu lên. “Về bản cũ thôi, về thôi. Cứ thế này nó bắt hết con. Cứ thế này thì chết đói, chết khát”. Như rừng khô bén lửa. Cả bản tái định cư đang đêm rầm rầm thu dọn đồ đạc về bản cũ. Cả những hộ không có con bị bắt bán cũng về. Nhớ nhà cũ, nhớ đất, nhớ, nương, nhớ ruộng lắm rồi. Về thôi, có chết cũng chết ở San Hồ. Trưởng bản dùng tay cản người. Sức của đôi tay lúc này chả có ý nghĩa gì. Trong đêm, từ lớn đến bé, từ già đến trẻ, lục tục cõng muối, cõng gạo tìm về bản cũ. Chỉ còn lại nhà Cay và gia đình trưởng bản. Trưởng bản giục. Cậu phải nghĩ cách ngăn mọi người lại, phải đi báo cán bộ Chinh và chính quyền thôi. Bụng Cay như có người cầm dao cứa. Một nhát cứa vì mất con, lại một nhát sâu hơn vì thứ gì đó còn lớn hơn cả máu mủ vừa mất đi. Chẳng biết tin vào ai nữa. Ngay cả anh Chinh.
Cơm đắng, rau chát. Một lũ người cắm đầu cắm cổ ăn, không ai nói với ai câu nào. Vợ Cay thì cứ lấm lét ngó ra con đường vắng teo trước mặt. Con đường mới, cỏ vừa kịp nát. Ăn đi. Nhìn cái gì. Cay vô cớ hằn học với vợ. Vợ Cay mắt ngấn nước, cố và hết bát cơm rồi đi ra ngoài. Bọn trẻ con nhìn bố như nhìn thầy cúng đuổi ma. Cay quăng bát xuống cái mâm gỗ, đi ra sân, quát vợ. Vào nhà, ra đường cho nó bắt đi à? Thích đi làm vợ người ta lắm à? Vợ Cay đi vào nhà. Bọn trẻ con ngồi thu lu mỗi đứa một xó. Có đứa gục vào bó lanh, ngủ rũ không dám lên giường.
Trong nhà nhìn ra, thấy trăng trốn tìm với mây. Trời lạnh, càng lạnh. Cay chỉ tay lên trăng mà xỉa xói. Đừng tưởng ở đây đã yên. Nó mà vỡ thì cũng xóa sổ hết. Trăng ngơ ngác như không hiểu gì. Mày còn nhìn cái hồ nước ấy rõ hơn tao. Cay lẩm rẩm. Trăng đần đuội một lúc rồi chui tụt vào mây, trả cho trời một quầng tối nhợt nhạt.
Cay lầm lụi trở về bản cũ. Từ xa, mùi suối, mùi nương, mùi chàm, mùi con đường đầy phân gia súc, những thứ mùi thân thuộc đã lao thẳng vào ngực Cay và bồi hồi sục sạo trong ấy. Mới có mấy tháng mà dường như cả mấy mươi năm cách xa. Cay lặn lội đi từng nếp nhà cũ, từng căn bếp có khói. Cay nói bằng gan ruột chứ không phải bằng lưỡi. Cay tưởng mình là anh Chinh.
Hôm sau, được quản lý công trường cho phép, dân San Hồ xếp một hàng dài ngay ngắn đi tham quan hồ thủy điện trên núi, hệt như khách ở xa về. Cay đã học cái cách làm của anh Chinh. Cái cách khiến con dân phải hoảng sợ chính cái nơi chôn rau cắt rốn của mình. Sợ chính mảnh đất cắm dùi cha ông, tổ tiên để lại. Sợ những kỷ niệm xương máu và mặn chát mồ hôi. Có sợ thì mới rũ bỏ được mà đi. Có sợ mới không dám ngoảnh đầu lại tiếc nuối và so bì. Có sợ mới yên tâm mà bắt đầu với cuộc sống mới. Cách ấy tuy có tàn nhẫn. Nhưng để thay đổi một thứ gì đó quá đỗi lớn lao, không tàn nhẫn không được.
Những cái đầu đội mũ chàm từ từ trồi lên từ vạt mua đất, ngó sang mặt đập và những cái cửa xả lũ. Lần lượt. Lần lượt. Cả trẻ già trai gái, thấy rồi nhé. Ai nấy mặt cắt không còn giọt máu trước cái mênh mông vô bến bờ của hồ nước trên núi. Đi lên bằng chân. Lúc xuống người ta hoang mang đi cả bằng tay cho chắc. Sợ đến rụng rời. Sợ đến hết đời. Đi thôi. Đi thôi. Nó mà tràn xuống thì chẳng còn gì nữa cả. Một đứa trẻ lên sáu hỏi mẹ. Nả ơi, sao người ta đựng nước trên nóc bản mình? Mẹ run xình xịch, răng va vào nhau. Người Mông, cả đời chắt chiu từng giọt nước hiếm hoi cho từng gốc ngô, cọng rau, cây lúa. Nước quý lắm vì nước hiếm lắm. Thế nên trước biển nước mênh mông dường kia, ai ai cũng sợ.
Đoàn người áo chàm nhốn nháo về bản, chẳng hàng chẳng lối gì cả. Người San Hồ ở cao thế này rồi. Thế mà cái hồ nước còn ở cao hơn. Và cũng cái giờ gà lên chuồng tìm chỗ ngủ, mọi người lục tục ra đi. Lần này là đi hẳn. Đàn ông khóc bằng đôi bàn tay nắm chặt. Đàn bà khóc bằng cái lưng thêm một lần còng rạp xuống. Không ai chảy một giọt nước mắt nào nữa. Seo Tỷ thành đáy hồ người ta chả khóc thì San Hồ khóc gì chứ? Tiếng mõ trâu lạ đường lốc cốc không đều.
Thầy cúng về cúng đất mới. Cúng một trâu, nước vẫn chưa về khe. Cúng hai trâu, trẻ con vẫn ốm, khóc ngằn ngặt. Cúng mãi đất mới vẫn chưa thành đất quen. Cúng mãi chưa hết mộng mị. Cúng mãi người vẫn chưa về. Cúng hết lợn, hết gạo, hết rượu rồi. Điện vẫn chưa thấy.
Con Sênh và đám bạn gái đi biệt tăm. Những đứa gái ngẩng mặt thấy núi, cúi đầu thấy suối, sao cưỡng lại được giấc mơ điện sáng, nhà cao tầng, chợ ăm ắp hàng hóa. Trong cái mới tăm tối, cái cũ càng chói lòa. Đêm đêm, sau những nhọc nhoài mưu sinh, người ta vẫn giật mình thảng thốt vì những tiếng kêu cứu hoảng loạn. Nước vỡ rồi… chạy đi bà con ơi. Mỗi lần nghe thấy thế, Cay lại phá cửa lao ra ngoài. Trăng rờn rợn dâng đầy như nước khắp lòng thung.