Cát bụi
Cát nhảy , nhảy từng bậc một, từ dưới biển lên, rồi cát bay vụt lên cao thành một cột khói giữa đoàn quân. Cát bay vung vít khắp mọi chỗ. Cát bay ra thao trường quấn quýt lấy bộ đội và cuốn theo hàng quân. Bộ đội đi đến đâu, cát tỏa mịt mù đến đấy. Cát bốc lên nhẹ thì giống như một đám sương mù, đậm thì giống như làn khói của một chiếc tàu thủy. Cát bay cả ngày lẫn đêm. Cát bay che khuất cả mặt trời, lấp cả trăng sao. Thật chưa đâu cát bay nhiều như ở đây. Thừa cơ, cát theo đất, theo bụi, theo gió bốc lên.
Nhà văn Nguyễn Vinh Tú cùng vợ trong buổi giới thiệu tác phẩm chọn lọc của ông
Cát luôn luôn bám sát bộ đội. Đoàn quân nhạc với những bộ kèn sáng loáng đã bị cát bám mờ cả ánh đồng. Các đồng chí ấy thổi bằng gì? Phải chăng là thổi bằng hơi cát, hơi bụi! Bụi đã nhiều, cát lại nhiều hơn. Tất cả như quyện lấy nhau lan ra khắp mọi chốn. Cát phủ đầy giày, đầy tất và như dát lên áo quần. Ngọn cờ phấp phới trên cao vùi vọi thế mà cát cũng vươn cao khỏa lấp. Cát đã phủ lên mặt bộ đội ướt đẫm mồ hôi. Cùng với đất, cát biến thành một thứ bùn nhão, gắn chặt vào da, lớp này lớp nọ chồng lên nhau. Bàn tay đẫm mồ hôi và cát bụi, thoa vào nhau ra từng cục đất sét mềm nhũn. Cát còn chui vào người. Cát luồn vào lỗ mũi, thốc vào miệng, vào răng. Cứ mỗi cái ngáp dài là một cơ hội cho cát lùa vào tận trong cùng cuống phổi. Ngậm miệng lại, nghiến răng nghe lạo xạo. Nhưng cát chưa bay vào đâu “sướng” bằng vô con mắt. Bộ đội phải đứng nghiêm hàng giờ mở trừng trừng đôi mắt mà hứng lấy cát. Thế rồi trong cát bụi, người ta chẳng còn trông thấy gì nữa hết, chỉ còn nghe cát bay rào rào. Cát lại còn chui vào nòng súng, chui vào cơ bẩm. Bộ đội đi về doanh trại cát cũng theo về. cát bay vào ca, vào bát, vào bình toong nước uống. Cát đậu vào rau thịt, bám đầy mô-lô-tô-va. Cát trộn vào cơm, cát nằm trên bạt ngủ trong chăn hoặc có khi đọng lại trong đáy ba-lô. Ngọn đèn dầu hỏa bị cát bao bọc đỏ lờ mờ. Sau mai dậy rỉ mắt ùn cát ra từng cục như viên cát của con dã tràng. Hình như cát không ngủ. Cát cuốn theo gió và cùng mây lang thang suốt ngày suốt đêm. Cát dễ tung hoành nhất là lúc quét nhà. Từ dưới đất, cát nhảy lên giường, chỉ một chiếc chổi hất khẽ cũng đủ cho cát lồng lộn như điên như cuồng và biến thành một đám mây tỏa rộng vào khắp các ngõ ngách. Những phút ấy, toàn thể bộ đội như dòng thác đổ, chen chúc nhau chạy ào ào ra cửa để tránh. Nhưng ác thay, chưa kịp tránh cơn trước thì cơn sau đã thổi thốc đến cùng với lớp cát bụi khác chắn ngay trước mặt. Bộ đội đành phải nhắm mắt nín thở, lấy tay che mắt thúc thủ.
Đã gần nửa thang nay, cát tung hoành khắp nơi khắp chốn. Cát đã luồn đến ruột non ruột già. Bộ đội bắt đầu bị táo bón. Y tá chạy khắp nơi nhắc nhở mọi người uống nước rau. Mỗi người một ngày phải uống ít nhất 2 bình toong. Ngày uống không hết thì đêm uống. Tối đến dùng thuốc đau mắt để nhỏ liên tục.
Qua những ngày cát bụi vùng vẫy như thế, Mịch cũng thấy khó chịu trong người. Tập một ngày 8 tiếng, phơi mình dưới nắng, hít phải hơi cát, lỗ mũi cứ đặc sịt lại. Chiều vềmọi người phải đi tắm cho sạch cát. Ngày nào không tắm rửa hôm sau trong người đã bốc ra một mùi nồng nồng khăm khẳm. Mỗi lượt vò đầu, nước chảy xuống đục ngầu. Giếng tắm ngày càng đông người. Trong tiểu đội không có lấy một cái gầu. Nhân ngày chủ nhật. Mịch đã đi lùng khắp vùng được 3 chiếc thùng sắt. Anh em từ đó mới có dụng cụ múc nước. Mịch đề ra kế hoạch làm việc riêng cho mình. Hôm nào cũng vậy, sáng dậy anh kiểm tra bình toong nước, ai còn thiếu thì lập tức yêu cầu chạy đi đóng ngay. Cả ngày, cả đêm 10 chiếc bình toong lúc nào cũng đầy nước ăm ắp. Mịch rút kinh nghiệm, chỉ có uống nước nhiều như y tá bảo mới được. Hôm nọ vì uống ít nước, Mịch đi táo bón, bây giờ đã đỡ dần. Mịch phải lo liệu thế nào cho quân số tiểu đội ngày nào cũng đông đủ. Một hôm, Lao mệt quá, nằm ở nhà ngủ thiếp đi, trưa về, Mịch vội vàng đến giường thấy chăn xanh đã phủ kín một lớp cát trắng.
Cơn bão đã dịu xuống. Sức khỏe của anh em trong tiểu đội Mịch cũng khá dần lên thì cơn nắng tiếp đến như dội lửa xuống thao trường. Chưa bao giờ Mịch thấy trời nắng gay gắt như vậy. Trời xanh trong vắt. Từ chân trời xa xa, vài đám mây trắng bay lởn vởn. Lá cây héo que quoắt rủ xuống như lá liễu. Những thuyền ra sông đều hạ buồm còn trơ lại chiếc cột gõ. Trên mu, mấy anh ngư dân mình trần, mồ hôi nhễ nhại đang ra sức chống đỡ. Con thuyền lừ đừ dịch chuyển một cách mệt nhọc. Những buổi trời nắng gay gắt như vậy, đang tập giữa thao trường, buồn ngủ quá. Mịch đành phải méo miệng ngáp, không dám che tay sợ ảnh hưởng đến cử động. Từ trong người, mồ hôi chảy xuống đầu ngón tay nhỏ từng giọt một, rơi xuống sôi xèo xèo giữa đường nhựa nóng bỏng. Bong bóng nhựa cũng sủi lên, dẫm phải kêu lách tách. Mỗi lần giơ súng lên, dẫm phải kêu lách tách. Mỗi lần giơ súng, dưới đế dính chặt một tảng nhựa cùng đá sạn bốc hơi nghi ngút. Trán Mịch đã răn lại vì nắng chói. Trong hàng ngũ, phải đứng nghiêm chỉnh hàng giờ, hơi nóng gay gắt của mặt trời cùng hơi người u uất khiến cho mắt Mịch mờ đi. Mọi người nhìn nhau chẳng biết là mắt nhau nhắm hay mở. Được giờ nghỉ vào ngồi trong cỏ, dưới bụi cây nhỏ, hơi cỏ cũng xông lên nồng nồng và hơi bay mờ mờ như hơi sương. Nhìn ra bốn bề mênh mông một màu vàng lóa. Xa xa từng cồn cát, nối nhau lô nhô một màu vàng nhạt. Đế giày cao su mềm nhũn xuống. Dầu mỡ trong quy lát súng đều khô rong. Báng súng nóng bỏng tưởng chừng muốn vỡ toác ra. Bình toong nước còn mấy giọt nóng như nước sôi.
Trong giờ nghỉ, Mịch xắn ống quần lên cho mát. Chân lông đều dựng đứng, thấy rõ từng lỗ nhỏ trên làn da trắng mướt mồ hôi. Từng giọt mồ hôi lăn từ đầu gối xuống ngấm vào tất ướt cả giày. Đũng quần, gấu áo đều vắt ra nước. Có đồng chí tranh thủ vắt áo cổ vuông cho hết mồ hôi lại mặc. Trưa đến, sau bữa ăn, tuyệt đối không còn một tiếng động. Tất cả mọi vật, mọi người đều im lặng, lắng xuống. Mịch nằm dài xuống giường nhìn ra ngoài trời. Một vùng trắng xóa mênh mông. Nắng văng tỏa xuống như đốt cháy đồi cây ngọn cỏ. Anh nhìn vào nhà, mắt đổ đốm xanh, đốm vàng. Mịch chẳng dám trải bạt, sợ mồ hôi đổ ra thêm bẩn. anh lấy quạt ra quạt. Xung quanh đội đội đều nằm cởi trần, cái quạt phe phẩy kéo dài một giấc ngủ nặng nề. Vì không ngủ được, Mịch nhớ đến nước, cầm bình toong đi lấy. Anh tới nhà anh nuôi đã thấy Lao chực sẵn đấy rồi. Mịch hỏi:
- Đồng chí không ngủ à?
- Nóng quá không chịu được.
Mịch nhìn trong nhà bếp. Nồi nước chưa sôi, Lửa cháy hừng hực. Anh nuôi ở trong bếp da đen như cục than, khó mà phân biệt được đâu là cột nhà đâu là anh nuôi. Mịch chỉ thấy một khối đen di động. Tuy chưa đến giờ nhưng các tiểu đội đã đến lấy nước đông lắm. Mịch nghĩ thầm: “Mình đến đã sớm mà còn thế này!” Trong những ngày nắng nôi như vậy, bộ đội đã có một số người say nắng. Tiểu đội Mịch, Lã là người gục xuống đầu tiên. Mịch luôn dặn dò chiến sĩ: “Đồng chí nào thấy đã choáng váng phải xin nghỉ, không được gắng quá”. Mỗi lời y tá cặn dặn đề phòng say nắng, Mịch đều nhớ thuộc lòng. Đồng chí Hoa, trong học tập vì nhận thức chậm nên thường gắng sức. Mịch biết ý, trước một buổi học gần trưa nóng quá, mắt Hoa mờ dần, bước chân lảo đảo, bọt mép sùi ra không còn thần người nữa, thế mà cậu ta vẫn cứ cố gắng. Mịch lập tức cho hai đồng chí dìu vào trong nhà cứu thương. Trước những cố gắng không phải lối ấy, Mịch phải cương quyết mới được. Lần trước vì thiếu cảnh giác với bệnh dịch nên Mịch đã phải để đồng chí Lã về quân y trạm, đến nay đã ba ngày vẫn chưa thấy về. Mịch tự nhủ: “Mình phải tăng cường bảo vệ sức khỏe cho mọi người tốt hơn nữa”. Cơn nắng cháy như thiêu như đốt ấy kéo đến tận khuya. Tối đến, lúc đầu mọi người đang thức còn khá dễ chịu. Đến giờ ngủ, Mịch đặt lưng xuống mà không tài nào nhắm mắt được. Cả dãy nhà hơn 100 con người, đến lúc này đều về tập trung đầy đủ. Nào chăn, nào bạt, nào màn được dịp mang ra đập phành phạch. Bụi bay mờ cả ngọn đèn. Cho đến lúc buông màn xuống, hơi người càng nóng dần. Nhà mái tôn hút nắng buổi trưa, bây giờ tỏa hơi nóng càng dữ. Nhiều đồng chí phải cởi cả áo lót, chỉ mặc một chiếc quần đùi lượn đi lượn lại ngoài đường nhựa dưới ánh trăng suông. Mịch dắt tay vài đồng chí, kéo nhau đi. Ánh trăng tỏa sáng mặt biển. Sóng biển vỗ rì rào. Gió nhẹ thổi cũng đủ ráo mồ hôi. Tất cả mọi người đều lượn đi lượn lại mãi đến 11 giờ mới vào giường đi ngủ. Một số đồng chí buổi sáng tập mệt quá, quen chịu với cái nóng đã đi ngủ từ lâu. Mịch xưa nay cũng quen chịu đựng với gió với nắng, nhưng đến lần này anh cũng phải dùng quạt. Đó là một việc rất hiếm. Mỗi lần Mịch đặt mình xuống lại nghe đau rát cả lưng. Hơn nửa tháng nay, giống rôm độc địa quái ác đến hoành hành dữ dội trong người anh. Buổi đầu, thấy bộ đội có rôm, Mịch cũng cho là thường. Vài ngày thì nó hết đi chứ gì. “Mịch có rôm bao giờ đâu. Thật là may mắn”. Mịch thường nói như vậy mỗi khi nghe bộ đội kêu ca về rôm. Thế rồi và hôm sau, người Mịch cũng đầy rôm. Những lúc đứng nghiêm, gặp nắng, mồ hôi đổ ra đầm đìa rôm mới bắt đầu hoạt động. Ngứa ngáy thực sự hoành hành. Mịch phải bặm môi, nghiến răng, trừng mắt, chẳng dám gãi. Bàn tay nắm chặt tưởng chừng bóp vỡ cả báng súng. Buổi đầu rôm có vài con. Ngày hôm sau rôm lan rộng hết cả lưng. Rồi trước ngực, rồi bụng, rồi tay, rồi chân, rồi chân, khắp mặt mũi cho đến nỗi bây giờ đặt lưng xuống là rát như phải bỏng. Càng đứng dưới nắng càng nhiều rôm. Rôm mọc hết lớp này rồi lớp nọ như muốn bóc da ra. Những lúc nghỉ Mịch chẳng dám gãi. Gãi nhiều mồ hôi ra lại càng thêm rát. Ngày chủ nhật, Mịch phải bảo bộ đội đi tắm những giếng thật xa, thật trong cho mát nên cũng đỡ.
Qua những cơn nóng bỏng da, nắng xém mặt, nào cát, nào bụi, nào rôm, tiểu đội Mịch chỉ vắng mặt có một người, nên đến kỳ tổng kết, toàn đơn vị đã được vinh dự nhận cờ tiểu đội khá.
Tin vui đưa về, ai nấy càng thêm phấn khởi, càng quyết tâm giữ mãi lá cờ danh dự cho tiểu đội.
Sáng tác năm 1957