Hỏa ngục

Đã ai từng hỏi vì sao người ta thường hay đi chùa vào mồng một và cúng tại gia vào ngày rằm? Theo tự nhiên thì ngày mồng một-ngày khởi đầu trong một tháng, có ý nghĩa vô cùng quan trọng của sự chuyển hóa, sự bắt đầu. Nên sống như thế nào trong tháng mới, để mọi sự dữ hóa lành, để mọi điều trở nên ý nghĩa hơn.


TS. Vũ thị Minh Huyền

 

 

Vì vậy, đi chùa để cầu mong những điều tốt đẹp cho bản thân và cho gia đình là một nhu cầu tất yếu. Còn ngày rằm là ngày mà trời đất hội tụ, con người ta thường cúng lễ với mong muốn được thuận theo tự nhiên, mong lấy được năng lượng từ tự nhiên làm cho tâm ổn khí hòa. Mọi thứ suy cho cùng cũng chỉ do một chữ “Sợ” mà thôi. Trong cuộc sống, con người ta thường có một nỗi sợ hãi vô hình đó là hỏa ngục-nơi sẽ đợi sẵn con người sau khi lìa trần để trừng phạt cho những lỗi lầm mà người, thần hay quỷ đều không thể tha thứ trên chốn dương gian. Hình phạt trong hỏa ngục là hình phạt mà mỗi lần nghĩ đến là một lần kinh sợ.

Hỏa ngục, lửa tự thân tạo ra, nơi lửa cháy không bao giờ tắt nhưng không thiêu cháy cái gì cả, chỉ vờn quanh nó, nhốt nó vĩnh viễn trong lòng nơi mà cái nóng sẽ hành hạ linh hồn mãi vạn kiếp không thể siêu sinh.

Có thể nói, mọi thảm kịch trên đời đều bắt nguồn từ dục vọng. Mặc dù dục vọng lên men như một hạt men rất âm thầm trong thân xác con người, nhưng nếu như một đốm lửa có thể cháy lan nuốt chửng cả thế giới, thì dục vọng là một bếp lò, nếu không biết cách kiềm chế thì có thể thiêu cháy toàn vũ trụ

Dục vọng của con người bao gồm rất nhiều phương diện khác nhau, có thể chia thành dục vọng ăn uống, hưởng thụ vật chất, dục vọng về danh, lợi, sắc dục, quyền thế, tình cảm… Một người nếu không biết cách tiết chế dục vọng của bản thân, không có chừng có mực thì cả đời người ấy cũng chỉ là quá trình tìm kiếm sự thỏa mãn những tư dục không ngừng sinh ra mà thôi.

Lòng tham con người như giếng sâu không đáy không bao giờ biết chán, biết đủ, biết dừng. Người có quyền cao chức trọng thì lợi dụng chèn ép kẻ dưới. Người không có gì thì tìm cách trộm cướp, lừa gạt người khác. Kẻ bần cùng thì oán trời trách đất, bất mãn với xã hội. Có nhiều gia đình, cha mẹ vừa nằm xuống thì trong nhà anh em ruột thịt đã tranh nhau đòi chia tài sản, kiện nhau ra tòa để giành của về mình. Anh em ruột thịt còn như thế thì huống chi là người dưng nước lã, làm sao có thể thương yêu giúp đỡ nhau bằng tình người trong cuộc sống. Người có tiền của còn tham như vậy thì nói gì đến người nghèo khổ.

Chúng ta thử nhìn lại trên thế gian này từ người giàu cho tới người nghèo có ai sống mà không có đau khổ hoặc sung sướng hoàn toàn. Mỗi người đều có nỗi khổ riêng: có người khổ vì thiếu thốn vật chất; có người khổ vì không gia đình người thân; có người tuy giàu nhưng cũng khổ vì không hạnh phúc; có người khổ vì không có con; có người khổ vì con hư hỏng; có người khổ vì bố mẹ, vì chồng, vì vợ... Hầu như ai cũng biết tham lam, nóng giận, lừa dối, phản bội là xấu ác nhưng bỏ không được.

Hàn Phi Tử thời Chiến Quốc giảng: “Nhân hữu dục, tắc kế hội loạn, kế hội loạn nhi hữu dục thậm, hữu dục thậm tắc tà tâm thắng, tà tâm thắng tắc sự kinh tuyệt, sự kinh tuyệt tắc họa loạn sinh” ý nói, người nào mang theo dục vọng nhiều, tâm ắt sẽ loạn, tâm loạn thì dục vọng càng mạnh mẽ, dục vọng càng mạnh mẽ khiến tà tâm chi phối, tà tâm chi phối làm cho cách hành xử bị rối loạn, hành xử rối loạn chắc chắn sẽ sinh ra tai họa.

Ông muốn khuyên mọi người không nên nảy sinh quá nhiều dục vọng, không dung túng dục vọng, cũng như không được đam mê dục vọng.

Trong cuộc sống hiện thực, có rất nhiều người đã vì dục vọng mà thân bại danh liệt, đánh mất uy tín và nhân cách của bản thân. Khi tâm của một người chứa đầy lợi ích và dục vọng cá nhân thì người ấy không thể có một nhân cách tốt đẹp hay ý chí mạnh mẽ được.

Trong dục vọng, vị ngọt rất ít mà chất cay đắng rất nhiều, hưởng thụ rất ít mà tai họa rất nhiều. Đeo đuổi theo quá nhiều dục vọng, người ta đã không tạo dựng được hạnh phúc chân thật mà còn tạo nhiều khổ đau cho bản thân và những người xung quanh. Như vậy, dục vọng chính là nguồn gốc của khổ đau. Do đó, con người muốn được hạnh phúc, thanh thản cần phải kiềm chế bớt dục vọng. Trong thế gian tràn ngập cám dỗ này, để đạt được cảnh giới vô dục (không có ham muốn) thì thật là khó. Nhưng người ta có thể giảm bớt được dục vọng của bản thân mình.

Một người khi không mang theo dục vọng thì phẩm chất sẽ tự trở nên cao đẹp. Khi không có dục vọng, con người sẽ có ý chí mạnh mẽ và trí tuệ được khai thông. Khi không bị dục vọng chi phối, con người luôn lý trí, ở trong mọi cám dỗ mà giữ được tâm thái thanh tịnh, không đánh mất mình.

Đức Phật dạy, ít ham muốn, bằng lòng với một nếp sống giản dị và lành mạnh để có thì giờ sống sâu sắc từng phút giây của sự sống hàng ngày, có khả năng hiểu biết, thương yêu, chăm sóc và mang hạnh phúc đến cho gia đình và những người xung quanh. Đó là bí quyết của hạnh phúc chân thật.

Nỗi đau khổ của cuộc đời giống như nồi nước đang sôi, ngọn lửa làm cho nước sôi là ngọn lửa tham dục. Ngọn lửa càng lớn, nước càng sôi và càng cạn kiệt; ngọn lửa càng yếu thì nước sôi sẽ bớt nhiệt độ và hết sôi. Cũng vậy, ngọn lửa tham dục bớt đi thì đau khổ sẽ giảm, giảm mãi đến lúc không còn giảm nữa thì con người sẽ thoát khỏi được những phiền não khổ đau do tham dục gây ra.

Chúng ta muốn sống thanh thản thì phải biết buông bỏ bớt, việc gì đáng lo thì hãy lo; như sống hiếu thảo với ông bà cha mẹ, sống có trách nhiệm với gia đình; vợ chồng con cái sống thương yêu, nhường nhịn lẫn nhau, quan tâm lo lắng cho nhau; nuôi dạy con cái thành người tử tế. Ngoài những trách nhiệm và bổn phận trên thì những việc không quan trọng khác, ta nên buông dần.

Cuộc sống là vô thường, hôm nay có thể vẫn còn sống nhưng ngày mai có thể đã ra đi. Hãy yêu thương nhau khi còn có thể, khi còn có thể mặt đối mặt, khi bàn tay đang ấm áp những dòng máu nóng, khi họ còn có thể cảm nhận được yêu thương.

Trong cuộc sống ngày càng khắc nghiệt, đầy cám dỗ và bon chen này dường như tình cảm và sự yêu thương ngày càng trở nên lạnh nhạt hơn. Tại sao chúng ta lại cứ để mọi thứ như vậy, tại sao chúng ta cứ để ai đó mất đi mới biết quý trọng, mới hối hận và bất chợt " Giá như…"

Tôi từng nghĩ nhiều về lòng bao dung, vị tha hay sự tử tế... những con người tôi từng tiếp xúc và họ đã đi qua trong cuộc đời tôi, họ dạy cho tôi nhiều điều. Tốt có, xấu có, bạc bẽo có, đắng cay có, lừa dối có, phản bội có, tổn thương có…nhưng thật lòng mà nói, tôi muốn dành cho họ những lời cảm ơn sâu sắc nhất từ trái tim của mình. Bởi vì chính họ đã giúp tôi nhận ra được ý nghĩa của sự chân thành, tình yêu thực sự và biết trân trọng những yêu thương dù vô cùng nhỏ bé. Nếu họ thương yêu tôi chân thành thì tôi sẽ yêu thương họ bằng cả tấm lòng, không chỉ đơn thuần vì họ đã yêu thương tôi mà họ đang dạy tôi cách để yêu thương, cách để làm người.

Có lẽ chúng ta nên quan tâm đến nhau nhiều hơn, dễ tha thứ cho nhau hơn để cuộc sống bớt đi những muộn phiền, đau khổ...

Cuộc sống ngắn ngủi, yêu thương cả đời còn chưa đủ, tại sao chúng ta lại tốn thời gian để ganh ghét đố kị, để hãm hại, thù hằn, lừa dối người khác.

Tóm lại, trong thế giới trần tục, vô luân ngày nay, con người đã tạo hỏa ngục ở nhiều nơi cho chính mình và người khác. Một thế giới không có tình yêu thương và sự quan tâm của con người đối với nhau chính là một hoả ngục, chứ không phải là một thế giới nhân bản. Dù họ có tin hay không, nhưng cách sống của họ đã vô tình nói lên khát vọng muốn được thiêu đốt đời đời trong nơi gọi là hỏa ngục. Và chắc chắn phải có nơi này, vì tội ác của những kẻ đang làm những việc nói trên sẽ đưa chúng cuối cùng phải dừng chân ở chốn này, để bị thiêu đốt cho xứng với những việc ác mà chúng đang làm, đang tạo hỏa ngục cho người khác. Bạn hãy tin rằng:

“Nếu bạn gieo trung thực, bạn sẽ gặt niềm tin.
Nếu bạn gieo lòng tốt, bạn sẽ gặt bằng hữu.
Nếu bạn gieo khiêm tốn, bạn sẽ gặt cao thượng.
Nếu bạn gieo kiên trì, bạn sẽ gặt chiến thắng.
Nếu bạn gieo kính trọng, bạn sẽ gặt hòa thuận.
Nếu bạn gieo chăm chỉ, bạn sẽ gặt thành công.

Nếu bạn gieo tha thứ, bạn sẽ gặt hòa giải.
Nếu bạn gieo cởi mở, bạn sẽ gặt thân tình.
Nếu bạn gieo kiên nhẫn, bạn sẽ gặt tiến bộ.
Nếu bạn gieo niềm tin, bạn sẽ gặt phép màu.

Nhưng:

Nếu bạn gieo bất trung, bạn sẽ gặt nghi kỵ.
Nếu bạn gieo ích kỷ, bạn sẽ gặt cô đơn.
Nếu bạn gieo kiêu hãnh, bạn sẽ gặt hủy diệt.
Nếu bạn gieo đố kỵ, bạn sẽ gặt phiền toái.

Nếu bạn gieo lười biếng, bạn sẽ gặt trì trệ.
Nếu bạn gieo cay đắng, bạn sẽ gặt cô lập.

Nếu bạn gieo tham lam, bạn sẽ gặt mất mát.
Nếu bạn gieo bịa đặt, bạn sẽ gặt kẻ thù.
Nếu bạn gieo lo lắng, bạn sẽ gặt cau có.
Nếu bạn gieo tội lỗi, bạn sẽ gặt cắn rứt.”

(Trích từ www.hdgmvietnam.org)

Con người sinh ra ai mà không ích kỷ. Chỉ có yêu thương mới khiến người ta thoát khỏi sự tầm thường đó thôi. Vậy tại sao không để tình yêu thương trong cái tâm mỗi người được nảy nở và sự gặp gỡ của mỗi người đều là sự gặp gỡ của những tình thương yêu. Cuộc sống quá ngắn ngủi để mọi người kịp nhận ra sự nuối tiếc. Hãy trân trọng và yêu thương những người quý mến bạn và hãy tạm quên đi những người đối xử không tốt với bạn. Hãy cố gắng yêu thương bản thân và mọi người xung quanh, làm những công việc thiện nguyện xã hội bằng những khát khao cháy bỏng chẳng đòi hỏi điều gì cho bản thân. Hãy dành thời gian để yêu, để cười, để khóc, để học hỏi và tha thứ về những gì đã qua, để cuộc sống này sẽ không bao giờ còn có hỏa ngục nữa nhé. Cuộc sống không bao giờ là dễ dàng, nhưng bạn có thể làm cho nó ý nghĩa hơn, đáng yêu hơn.

Hà Nội, ngày 2 tháng 4 năm 2018

TS. Vũ Thị Minh Huyền