...Thứ ba học trò
Thầy Phùng đang ngồi viết lại một số kỷ niệm “ăn trộm vui không bao giờ quên” thời học trò của mình để in thành sách, thình lình cô giáo Ủy Mị đến chơi. Đôi bạn đồng nghiệp chí thân lâu năm nầy, hiểu tường tận từng chân tơ kẽ tóc tâm tánh của nhau, nên không cần những phép xả giao thông thường, cứ gặp nhau thì… mạnh ai nấy tự lo và… “tám”, rất ư là tự nhiên. Nói năng, kéo ghế ngồi, rót nước uống, đều tự nhiên, không ai bắt chặt, bắt lỏng gì hết.
Thầy tiếp tục viết. Cô giáo im lặng, ngồi, thầm đọc:
“ Tôi nhỏ con nhưng leo nhanh như sóc. Sau khi bàn bạc hơn thiệt, tôi lảnh phần nặng nhất, nguy hiểm nhất: trèo hái. Còn thằng Dương Kẹo Kéo, bạn tôi, cao lớn, to con, mập ú nhưng chậm như rùa…bò lật ngửa và rất ư hời hợt, lảnh phần nhẹ hều: nhặt hết những trái tôi hái được ném xuống, bỏ vào bao và canh chừng chủ nhà. Nhìn cây xoài tượng cao hơn 10m, trái nhiều không thể tưởng tượng được, mọi sự lo lắng ban đầu, phút chốc bay hết trơn lên đậu trên những trái xoài treo lủng lẳng, màu vàng vàng, óng mượt, căng phồng những thịt. Ngon thật! Đã thật! Tôi bắt đầu trèo…”.
Ông Khương Hữu, người giàu nhất nhì vùng. Năm 1954 có nhà máy xay lúa, có tiệm bán thuốc tây, có tiệm bán sách đồ sộ, hình như có khá nhiều xe khách chạy tuyến đường Mỹ Tho –Sàigòn và một số tỉnh khác. Ông có biệt thự ở ngoại ô thành phố, sống an nhàn với thú đọc sách và chơi mai. Ông có những cội mai già gốc to gần bốn gang tay người lớn, bị khống chế chiều cao chỉ còn khoảng hai thước, hình dáng vặn vẹo hoặc gấp khúc không giống ai, đôi khi được uốn thành những vòng tròn rồi đột ngột từ tâm vọt lên để nhiều lần được khéo léo cắt tỉa thành tán dù rất đẹp. Những ngày nắng nóng, ông thường ra nằm võng mắc dưới gốc mai, vừa đọc sách, vừa ngắm mai, thi thoảng theo dõi những sinh hoạt của bầy ong mật đóng rải rác khắp vườn.
Những cơ ngơi ông tạo ra đều giao hết cho các con quản lý, nếu chuyện làm ăn có trục trặc, trở ngại gì ngoài tầm giải quyết của các con, ông mới góp ý. Ông là người học cao, hiểu rộng, quen biết nhiều và có thế lực.
Chung quanh biệt thự có tường rào cao bằng gạch kiên cố, mặt trên tường có gắn miễng chai dầy đặc, nhọn hoắc. Cổng chính đóng kín, có chuyện gì cần mới mở ra. Phía trước cổng có hàng xoài trồng thẳng băng, xanh um, đầy trái.
Cô giáo đọc tiếp:
“Tôi trèo gần chót vót cây, hái trái thảy xuống lia lịa, chạm đất nghe bịch bịch. Ban đầu còn đếm một, hai, ba…thét rồi tôi hăng quá, mê quá nên không còn đầu óc đâu mà lo việc lặt vặt. Tôi hỏi Dương Kẹo Kéo:
- Được chưa mậy?
- Chưa! Mới 2/3 bao hè!
- Nghỉ được rồi!
- Hái tiếp đi cho đầy!
- Mầy có đem cái búa chặt củi theo hôn?
- Chi vậy?
- Tao đốn cây xoài nầy cho mầy mang về luôn!
Cổng rào bật mở. Ông Khương Hữu thoắt một cái đã đứng sát gốc xoài. Thằng Dương Kẹo Kéo liền vác bao xoài chạy thụt mạng, bây giờ sao nó chạy nhanh như chó sói vậy hổng biết. Nó vừa chạy vừa la:
- Ổng ra đó Phùng ơi! Xuống lẹ đi! Xuống lẹ đi!
Sự việc xảy ra thật bất ngờ và nhanh như tia chớp, tôi phản ứng không kịp, đành bó tay chịu trận. Mặt tôi xanh như tàu lá chuối tươi. Tôi liền nghĩ tới những việc sẽ tới: trước tiên là bị vài ba bạt tai nhoáng lửa cục cái đã. Tiếp theo sẽ bị lôi về cha mẹ mắng vốn. Không sao, tôi đâu có ngán. Cha tôi chết từ lâu. Mẹ tôi đâu có ở đây. Bà ở tận cái miền chó ăn đá, gà ăn cát: Bình Đại, cách Mỹ Tho hơn 50 km đường xe. Khi tôi thi đậu vào trường Collège Le Myre de Vilers, bây giờ là trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), mẹ tôi cùng một số người bạn cùng quê hùn tiền mua nhà cho con trọ học. Khỏe re! Đếch sợ! Nhưng mà… không được đâu, tôi có thể bị lôi ra trường học. Trời ơi! Tôi còn mặt mũi nào nhìn bạn bè trong lớp, trong đó có tới 2/3 là gái mới mắc cỡ thần sầu quỷ khóc, chắc phải độn thổ mới xong. Còn nữa, tôi sẽ bị nhà trường phạt, nặng nhất là bị đuổi học. Tôi sẽ trở về quê, biết ăn nói làm sao với mẹ tôi đây. Không có cách nào cứu vãn, cùng đường quá, tôi muốn buông tay té chết phứt đi cho đỡ lo!
- Xuống mầy! Xuống mau mầy! -Ông Khương Hữu quát.
- Dạ! Để con xuống, ông hầm hè quá con sợ!
- Mầy mà sợ ai mậy. Cái mặt học trò, cái giò ăn trộm của mầy, ai mà hổng biết, mậy?
Tôi tiếp tục tuột xuống, còn khoảng năm thước, tôi làm bộ khóc, lấy tay quẹt quẹt nước mắt, mồm không ngớt năn nỉ ỉ ôi lẫn hù dọa:
- Ông đứng xa ra, đứng gần quá con sợ, con té chết, chẳng những ông phải đền mạng mà còn bị mang tiếng chỉ có vài ba trái xoài mà làm chết một đứa con nít, dư luận sẽ cười chê, nguyền rủa tới đời con, đời cháu, đời chắt, đời chút, đời chít thậm chí khi ông chết đào thai lên cũng chưa hết nữa à nghen. Ông đừng lo. Con chạy lên đàng trời cũng không thoát khỏi bàn tay lông lá của ông đâu.
Ông Khương Hữu nghe nói “ bùi tai” quá, có lý quá, bèn nhích ra hai bước, rồi ba bước, rồi bốn bước. Tôi “ban lệnh” tiếp:
- Ông đứng ra chỗ cái mô đất đó đó.
Tôi tuột xuống từ từ, từ từ và…a lê hấp… ào một phát, nhảy nghe cái đụi … phóng nước rút không thua gì vận động viên điền kinh số một Việt Nam Trương Thanh Hằng bức phá lúc đường đua gần tới đích.
- Bớ…cái thằng! Bớ…cái thằng nhứt quỷ, nhì ma, thứ ba học trò. Bớ…bớ…!
Ông Khương Hữu la cứ la, tôi chạy cứ chạy!”.
Cô giáo Ủy Mị chưa bao giờ được một trận cười vừa to, vừa dai như thế!