Ao nhà
Lần đầu tiên khi bay qua Ấn Độ Dương, từ trên cao tít tắp nhìn xuống qua ô cửa máy bay, tôi thấy những chiếc tàu thủy nhỏ tý ty như những hạt gạo, kéo theo các đuôi sóng tựa những sợi chỉ trắng bơi xuôi, bơi ngược. Một nỗi nhớ mơ hồ lan tỏa trong tâm khảm, nhưng tôi mãi không thể hình dung là những hình ảnh kia gợi nhớ về cái gì? Hình ảnh những con “bọ nước” chợt xuất hiện và chúng tựa như một bộ lọc, lọc đi tất cả những tín hiệu mơ hồ, làm hiện ra một khung cảnh quen thuộc, thân thương, nét đến từng chi tiết: Mặt nước trong chiếc ao nhà tôi. Đã trên ba mươi năm, đến tận lúc đang viết những dòng này, tôi vẫn không thể lý giải nổi tại sao Ấn Độ Dương vĩ đại như thế, lại nhắc tôi nhớ về cái áo bé tẹo nhà mình?
Lần đầu tiên khi bay qua Ấn Độ Dương, từ trên cao tít tắp nhìn xuống qua ô cửa máy bay, tôi thấy những chiếc tàu thủy nhỏ tý ty như những hạt gạo, kéo theo các đuôi sóng tựa những sợi chỉ trắng bơi xuôi, bơi ngược. Một nỗi nhớ mơ hồ lan tỏa trong tâm khảm, nhưng tôi mãi không thể hình dung là những hình ảnh kia gợi nhớ về cái gì?
Tôi nghé mắt nhìn lên, bầu trời xanh ngắt không một gợn mây. Mặt biển phía dưới cũng thế: Xanh ngằn ngặt. Nếu không có lũ tàu thủy như những con “bọ nước” ly ty chuyển động dưới kia, thì tôi không thể nào phân định nổi, đâu là bầu trời, đâu là biển cả.
Hình ảnh những con “bọ nước” chợt xuất hiện và chúng tựa như một bộ lọc, lọc đi tất cả những tín hiệu mơ hồ, làm hiện ra một khung cảnh quen thuộc, thân thương, nét đến từng chi tiết: Mặt nước trong chiếc ao nhà tôi.
Đã trên ba mươi năm, đến tận lúc đang viết những dòng này, tôi vẫn không thể lý giải nổi tại sao Ấn Độ Dương vĩ đại như thế, lại nhắc tôi nhớ về cái áo bé tẹo nhà mình?
Nhưng thôi, câu hỏi đó để trả lời sau, bây giờ tôi phải về thăm lại ao nhà, nơi lưu giữ bao kỷ niệm tuổi thơ của một thời xa ngái.
Làng tôi thời xa ngái ấy bé tẹo, khoảng hơn hai chục nóc nhà. Nhưng có đến bốn dãy ao song song với nhau, chạy từ hướng Tây về hướng Đông, mỗi dãy khoảng bốn cái. Ao nhà tôi rộng khoảng gần một sào Bắc Bộ nằm ở dãy giữa, gần cuối làng về phía Đông. Mỗi một cái ao, có thể có đến hai ba cái cầu ao. Một cái là của gia chủ, những cái còn lại là của các gia đình khác sống hai bên ao. Thường thì những cái cầu ao được làm từ ba bốn đoạn tre dài khoảng ba mét ghép lại, bắc từ trong bờ ra ngoài ao. Những chiếc cầu ao này, chính là nơi giao tiếp của mọi người với cái ao trong suốt thời gian sống ở quê nhà. Trên cầu ao, bu tôi giặt quần áo, rửa rau bèo, vo gạo...nghĩa là tất tần tật những công việc cần tới nước. Bọn trẻ con chúng tôi trần truồng như nhộng, xếp hàng trên cầu, rồi lần lượt nhảy cắm đầu xuống ao như các vận động viên nhảy cầu, ồn ào suốt cả mùa hè oi bức. Chiếc cầu ao nhà tôi nằm dưới một giàn mướp mát rượi. Phía trên, miên man những hoa mướp vàng rực, gọi đến vô số các loại ong bướm tớí lấy phấn, hút mật tấp nập suốt ngày. Phía dưới giàn, rất nhiều các quả mướp to, nhỏ treo lủng lẳng, chúng âm thầm tỏa ra một mùi hương dìu dịu. Bu tôi bảo đó là loại mướp hương. Loại mướp này nấu với rau đay và cua đồng, là món canh mà tôi có thể ăn quanh năm. Nên tôi đã nhớ về nó suốt cả cuộc đời.
Một góc ao được quây lại, nuôi bèo tây làm thức ăn cho lợn. Suốt cả mùa hè mỗi khi tắm, chúng tôi đều bơi vào giàn bèo để xúc ốc, xúc cua dưới những đám rễ của bèo tây. Ngày nào tôi cũng phải hoàn thành một công việc quan trọng mà bu tôi giao cho: Vớt một rổ bèo, vặt rễ rồi thái nhỏ, để chiều bu tôi nấu cám cho lợn ăn. Những ngày cuối tháng ba, đầu tháng tư khi những cơn mưa rào mùa hạ ập tới, cả giàn bèo rộn ràng suốt ngày đêm cùng lũ cá chép vật đẻ. Từng đàn cá chép cắn đuôi bơi theo nhau sát bờ, quần thảo tung cả giàn bèo. Những ngày này thầy tôi nghiêm cấm chúng tôi bắt cá, vì để cho chúng đẻ. Nhưng lệnh đó không có tác dụng với con mèo nhà tôi. Thỉnh thoảng nó lại kéo về một con cá, đứng giữa sân kêu toáng lên báo công. Kết quả là nó được thầy tôi “ thưởng” mấy roi quắn đít. Còn chúng tôi thì vui mừng vì có niêu cá kho thơm phức.
Năm 1976 khi vào thành phố Trà Vinh công tác, vừa mới đặt chân tới khách sạn, tôi đã nhờ cô lễ tân dẫn ra sông Hậu để xem hoa lục bình. Dạo đó đọc bài thơ: Trở về quê nội...của Lê Anh Xuân, nhớ đoạn:
...Con sông nhỏ tuổi thơ ta đã tắm
Vẫn còn đây nước chẳng đổi dòng
Hoa lục bình tím cả bờ sông...
Thấy hay quá, nhưng không biết cây Lục Bình như thế nào? Cô lễ tân tủm tỉm cười, nhìn tôi như một tên ngố. Ra đến bờ sông, chỉ tay về phía một đám bèo tây to tướng, đang trôi lờ lững cùng những bông hoa tím rợp một khoảng sông...cô cười cợt nói: Lục bình của anh đó. Anh ở lại xem nha. Em về làm việc đây.
Tôi sừng sờ: Trời ơi, thì ra chỉ là bèo tây thôi mà.
Đêm ấy, tôi lại trở về bên bờ ao nhà tôi, cả giàn bèo rực lên một màu hoa tím...màu tím lan dài, tím ngắt cả giấc mơ.
RAU RÚT. HOA SÚNG. ĐÁNH CÁ. SAO ĐOM ĐÓM.
Cứ bước sang đầu mùa hạ, thầy tôi lại bắt đầu trồng rau rút ở giữa ao. Trên các trạc ba của các cọc tre, dăm bảy cái rổ được đặt lên. Trong rổ đầy phân chuồng đã ủ mục trộn lẫn với bùn. Các ngọn rau rút được trồng quanh miệng rổ, lan ra mặt ao tạo ra một hình tròn, tựa hai cái quạt giấy ghép vào nhau. Chỉ trong vòng hơn một tuần các ngọn rau rút đã biếc xanh và lan dài trên mặt nước. Lá cây rau rút tựa như lá cây xấu hổ (có nơi gọi là cây mắc cỡ, trinh nữ...), mỗi khi chạm vô, nó cũng từ từ cụp xuống một cách e lệ. Các ngọn rau rút gồm nhiều đốt dài khoảng ngón tay, nối lại với nhau và được bọc bằng một thứ xốp màu trắng, y hệt những cái phao bơi. Mỗi khi nấu canh cua, canh cá rô, hay xào nấu gì đấy, tôi chịu trách nhiệm bơi ra các giàn rau rút để hái. Tôi chọn các ngọn rau rút dài nhất, xanh nhất cắt một nắm to. Sau khi tuốt bỏ hết các phần xốp trắng, thì ngắt theo từng đốt của ngọn rau, rửa thật sạch, rồi nộp cho bu tôi là hoàn thành nhiệm vụ. Mùi thơm của rau rút và mướp hương là các mùi thơm không dễ diễn tả bằng lời, nhưng nó cứ lẩn quất đâu đó trong ký ức, lúc nồng nàn, lúc dịu nhẹ, tưạ như hương tóc của bu tôi lúc mới gội đầu. Nó là thứ hương đồng gió nội dịu dàng và đặc biệt chân quê.
Một thứ cây không thể thiếu ở bất kỳ cái ao nào ở làng tôi: Đó là hoa súng. Quê tôi vùng đồng chiêm trũng, cây súng và cây sen là hai loài đặc hữu. Ngoài những hồ rộng, người ta trồng sen, còn những cái ao nhỏ thì trồng toàn cây súng. Cây súng trong ao, dạo ấy không chỉ làm cảnh, mà nó còn là một thứ rau phổ thông của người nông dân. Trong tuần một hai lần, bọn con nít chúng tôi được sai lội ra hái rau súng. Chúng tôi lặn xuống bứt hàng chít to dọc hoa súng, và những dọc súng có lá còn đang nằm dưới mặt nước mang lên bờ. Chúng tôi hè nhau tước vỏ dọc súng rồi ngắt ra từng đoạn khoảng năm phân. Khi nấu cơm, bu tôi luộc chúng lên, vắt cho thật kiệt nước, rồi khi ăn thì chấm chúng với muối vừng, muối lạc, hoặc nước mắm cua. Rau súng luộc ăn ngọt và rất giòn. Không biết ở đồng bằng sông Cửu Long, có món gỏi rau súng có giống vậy không? Ước một lần vô đó nếm thử!
Mùa đông, cây súng như tàn hết, mặt ao quang hẳn ra. Chúng tôi đếm từng ngày mong mùa hạ tới. Rồi mùa hạ cũng tới. Những chiếc lá súng nhô lên trên mặt nước mang đến cho chúng tôi bao niềm hân hoan. Chỉ một hai tuần sau, những lá súng lá xanh non đã che kín cả một góc ao. Những bông hoa súng nhú lên như những mũi tên. Chỉ một đêm, sáng hôm sau, khi mặt trời chiếu sáng, thì những bông hoa súng cũng đồng loạt xoè cánh, cả một góc ao rực lên như một tấm vải hoa màu hồng thắm, lung linh giữa một quầng lá xanh biếc. Nếu những chiếc ao làng thiếu đi những bông hoa súng, chắc sẽ thiếu đi một phần hồn cốt của thôn quê.
Mặc dù có rất nhiều những công việc ồn ào gắn với những chiếc ao làng, nhưng tôi cho rằng những lúc đánh cá là những khoảnh khắc náo nhiệt nhất, thú vị nhất. Việc đánh cá không xảy ra thường xuyên. Nó chỉ xảy ra khi có các dịp quan trọng trong gia đình: Như giỗ chạp, tết nhất, nhà có thợ làm chi đó, hoặc là có khách quan trọng. Dụng cụ đánh cá là một cái vó nhỏ rộng khoảng hơn hai mét vuông. Cái vó này được đan bằng dây dù, mắt nhỏ. Bốn góc vó được cột vào bốn cái gọng vó bằng tre. Bốn cái gọng vó này được buộc chặt vào một cái sào để cất vó. Một ông anh tôi chịu trách nhiệm cất vó. Một anh khác thì cầm một cái nơm, lội quanh ao vừa té nước cho cá chạy, vừa úp nơm trực tiếp bắt cá. Tôi và bọn trẻ con ngồi trên bờ cạnh một cái rổ sẵn sàng nhặt cá. Tất cả các loại cá tự nhiên như cá rô, giếc, trê, cá quả...thì cứ bắt tất, nhưng các loại cá thả như mè, trắm, trôi, chép...nhiều khi phải hỏi thầy tôi. Vì các ông anh tôi cứ thấy to là sướng, muốn bắt luôn, không cần ngắm xem là có phải đang nó đang chửa hay không. Nhiều khi vì cái “sướng” ấy mà hai ông anh tôi bị thầy tôi mắng là mắt ngưỡng thiên!!! Ngồi trên bờ một lúc, tôi nhờ mấy thằng em trông cá hộ, cởi quần áo nhảy ùm xuống ao. Tôi theo sát ông anh đang úp nơm, để khi nào ông úp trúng cá thì xin thò tay vô bắt. Cái cảm giác khoái chí khi đụng vô con cá trong nơm đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ. Con cá chạy quýnh trong nơm, đầu nó đụng vào thành nơm lịch kịch. Tim tôi cũng đập thình thịch theo nó. Sau đó tôi đi đuổi những con bọ nước, đây là trò tôi yêu thích. Những con bọ nước tựa như con cà cuống, nhưng chỉ nhỏ như đầu tăm, dài khoảng đốt ngón tay. Chúng có những cái chân dài và chạy trên mắt nước hệt các vận động viên trượt băng nghệ thuật cừ khôi. Khi bị tôi dồn đuổi, chúng nhảy hết lên những chiếc lá súng, tụ lại hàng đống lộn xộn như họp chợ. Chờ tôi đi khỏi, chúng lại tản ra thong dong đi trên mặt nước...
Bây giờ không biết có cách chi để tôi gửi lời cảm ơn chúng! Bởi chính những hình ảnh của chúng đã biến Ấn Độ Dương mênh mông thành cái ao nhà nhỏ nhoi, tắm mát tâm hồn, dẫu tôi đang bay trên tận chín tầng mây.
Cái ao nhà tôi nằm ở dãy giữa làng, nên cũng nằm bên trục chính của con đường dẫn từ cổng chạy đến cuối làng. Những đêm mùa hạ không trăng, con đường ấy vẫn không tối tăm, bởi nó được bốn cái ao hội tụ ánh sánh của các vì sao trên bầu trời, rồi hắt lên con đường một thứ ánh sáng mờ ảo. Những đêm mùa hạ không trăng chính là những ngày hội: SAO ĐOM ĐÓM...cực kỳ hấp dẫn của chúng tôi. Dạo ấy đom đóm nhiều vô kể, chúng bay lên từ mặt nước, bay ra từ các bụi tre. Muôn ngàn đốm sáng, cái màu đỏ, cái màu cam, cái màu xanh lét ...lung linh khắp cả đường làng. Cả bọn con nít chúng tôi, con trai con gái hò hét vang trời đuổi theo lũ đom đóm. Chúng tôi mỗi đứa ngắt một lá khoai môn, đổ vô ít nước rồi bắt bọn đom đóm bỏ vào làm đèn pin. Chúng tôi buộc mấy chục cái “ Đèn pin đom đóm” vào quanh một bụi tre, rồi xếp hàng đi vòng quanh, vừa đi vừa hát:
Đom đóm đom đóm
Mày bị tao tóm
Mày thành đèn pin
Tao soi quanh xóm
Đom đóm đom đóm...
Chơi chán, chúng tôi mở các lá môn, thả bọn đom đóm xuống ao. Những con đom đóm chưa kịp bay lên thì đã bị bọn cá đến đớp. Sau những tiếng bóp...bóp...bóp mà bọn cá đớp đom đóm là những vòng sóng tròn giao thoa nhau lan xa, lan xa. Mặt ao vẫn lấp lánh muôn ngàn các vì sao đom đóm, lung linh như kính vạn hoa trong tâm hồn tôi tự thủa ấu thơ đến tận bây giờ.
Tháng 4/2016
Hoàng Thảo Chi
(Trong tập VÙNG QUÊ CỔ TÍCH)