Đầm làng sen lại nở
Thanh Thanh ơi! Đây là nơi dân làng thờ em ư? Em thành Bà Chúa của làng ư? Hãy hiểu cho tôi. Tôi không thể nào nguôi mối tình của chúng ta. Do hoàn cảnh run rủi mà đôi ta bị chia cắt… Em vẫn là người của tôi. Nơi xa phương Nam, vợ chồng tôi đã đưa tên em, linh hồn em vào chùa… Hình như trong gió có mùi hoa sen? Hương sen vửa nở? Tinh khiết lắm! Hương sen từ bát hương, từ cánh đồng đâu đó? Ông đưa đôi bàn tay ấp lên mặt. Hương sen! Ôi bàn tay cũng đượm hương sen. Những giọt lệ ứa ra, lẫn cả hương sen! Ông lầm thầm gì đấy ạ? Hình như ông bảo hương sen? Ở đây có còn sen đâu?
Buổi lễ khánh thành Khu công viên Đầm Sen kết thúc.
Rời nhà hàng Thiên Hương, để vợ ở lại nghỉ, ông Sâm tự lái xe con quay lại khu Đầm Sen đi dạo một lúc. Trời thu sang chiều dịu mát. Lòng nhẹ nhàng, thơ thới, ngắm những bông sen cuối mùa đung đưa theo gió, ông nhủ thầm: Chắc trong cõi thẳm xanh kia, Thanh Thanh sẽ thanh thản? Biết đâu linh hồn em đang lẫn trong sen dõi bóng ta chăng? Chao ôi! Đời người cuốn theo tia chớp! Mới ngày nào thập thõm tìm đường về quê, tìm về quá vãng...
Ba năm trước. Biết tin huyện nhà mới lên Thị xã, từ phương Nam, ông Sâm quyết định một chuyến về thăm quê hương. Làng quê, bao người lùi vào cỏ dại, bao tiếng cười của trẻ vang trên cánh đồng. Không ai nhận ra ông, biết ông là kẻ tha phương. Cũng tự lái chiếc xe này, ông thuê thêm một anh xe ôm ở chợ Rừng dẫn đường: Dạ! Đã lâu mới về đây, ta không nhận ra đâu với đâu, nên phiền cháu chỉ giùm! Ngồi bên ông, chàng trai giới thiệu: Đây là lối vào làng Yên Hà! Dạ! Cảm ơn cháu! Đừng dạ ông ơi! Bậc cao tuổi, sao ông cứ “dạ” cháu? Không sao! Ta quen theo cách Nam Bộ rồi… Vâng!
Dừng lại trên đê, bước ra xe, ông đặt chân lên mảnh đất bấy lâu xa cách với tâm trạng đầy lạ lẫm. Thì ra những gì ta từng đoạn tuyệt, bây giờ mới trở về cái chân giá trị của nó khi tiếng gọi cội nguồn thôi thúc! Cũng như chiều thu là sự vần vũ, trải nghiệm, ngưng tụ của trời đất, cảnh vật đang cho ta đón nhận, ngấm dần vị heo may, ngấm dần cái lạnh lẽo của cô đơn, mặc dù ta đang đằm thân trong phú quí và ồn ã nơi đô hội.
Chợt những làn gió nóng từ bãi cỏ rộng trước mặt phả tới. Ông vội lấy chiếc mũ vải che mắt kính: Hình như đây… trước có cái đầm sen? Vâng! Ông ạ. Thời ông Đán chủ tịch xã cháu tự dưng sang tên cho ông “Mạn cá”! Dạ! Mạn cá nào? Ông lại dạ con rồi! Ông Ngô Mạn trước làm kỹ sư thủy sản ở nông trường nuôi cá Đại Phong. Lúc bé, cháu nghe nói ông Đán bán cho ông Ngô Mạn, lấy tiền mua một chiếc xe máy cho cán bộ xã đi họp huyện… từ đó làng ta mất một lá phổi xanh! Nhưng sao nay lại là bãi cỏ hoang? Vâng! Đây là Dự án Khu dân cư tự xây treo đã hơn chục năm nay! Chàng trai cười khục khặc: Thế gian biến cải vũng nên đồi… mà ông! Dân làng độc canh cây lúa, lấy đâu ra tiền mua đất với xây nhà! Chỉ ông Ngô Mạn là được miếng nhất, tha hồ lấy bao tải đựng tiền… Toàn dân nơi khác đến mua, nhưng chủ yếu là kinh doanh, chờ thời đất lên giá mới bán lại kiếm lời. Lâu nay thị trường bất động sản đóng băng, hàng loạt đại gia đất phá sản. Con đường liên huyện ban đầu thiết kế chạy qua đây, sau chuyển hướng xuống làng dưới. Dân khu Dự án này không thiết tha xây nhà bám mặt đường nữa. Đất để cỏ mọc, chó ỉa. Nghĩ tiếc lắm ông ạ. Chí ít làng ta mỗi năm cũng mất dăm sáu chục tấn thóc... Trời! Cháu trẻ tuổi mà tính toán ra phết? Ông thở dài: Tiếc cái đầm sen quá! Sáu, bảy trăm năm ông cha mới mở được doi đất ra biển mà người ta nỡ bỏ hoang ư? Ông Đán chủ tịch có khỏe không cháu? Ối! Chết từ tám hoánh! Bà nội cháu kể: Ông ta bị sét đánh khi đứng trú cơn giông dưới gốc đa miếu Cô…
***
Hồi ở chiến trường miền Đông Nam bộ, tưởng Sâm sẽ không có ngày trở về. Trận đánh Cai Lậy, đơn vị của anh phải chiến đấu kiệt sức mới phá được vòng vây của địch. Anh suýt ăn trọn băng đạn của một tên địch bất ngờ xuất hiện đầu bờ một con kênh, nếu không có Châu kịp nã ngay viên đạn cuối cùng vào đầu nó. Nó đổ kềnh. Sâm còn kịp thấy máu nó máu mình loang đỏ mảng lục bình dưới ngang lưng.
Sau chiến tranh, Sâm về làng, mang mười một vết thương khắp cơ thể. Người lính như Sâm chả có gì ngoài bộ quần áo lính bạc màu với tấm thẻ thương binh và những quyển số ghi chép cố giữ được qua bao năm băng rừng vượt suối, lặn lội trên các vùng bưng biền cực khổ giành lấy cái sống và niềm vui thống nhất non sông.
Làng anh còn nghèo lắm. Một làng quê bên sông Bạch Đằng, lam lũ qua bao thời trận mạc, gánh bao cuộc binh đao ra phía biển. Thế hệ anh bỏ dở học cấp III, cầm súng lên đường… để còn lại những cánh đồng, những làng mạc, những ao cá, đầm năn… Thời kỳ làm ăn tập thể, các HTX nông nghiệp bắt đầu xuống dốc. Cả nhà tám miệng ăn cuối vụ được chia sáu mươi cân thóc! Nấu cháo loãng cũng không thể đổ tráng cho ba mươi ngày! Sâm theo người làng vào rừng Yên Lập chặt tre về đan thuyền nan, chèo ra Tiên Yên làm nghề đơm cá bống. Đôi chân cà nhắc do vết thương đầu gối kệnh cập nhảy long tong trên rừng bãi sú vẹt. May mà mình không cụt chân như thằng Quang, có muốn ra sông ra biển theo nghề của cha nó chuyên đi đánh chã tôm cũng chẳng được. Sau mỗi con nước, Sâm cũng có ít tiền gạo gửi về cho bố mẹ và các em chống đói. Sóng to gió lớn. Mặt người thương binh đen sạm, gồ ghề hơn cả hồi lửa đạn. Cuộc sống gian nan đắp đổi giần sàng cứ thể trôi qua.
Đầu làng Sâm, giáp bờ đê rải ran những thùng đấu, hố sâu do người xưa xẻ đất quai đê để lại. Nước chua trong vắt. Chỉ có năn cỏ mọc đan dày, ngút ngát. Chiều chiều, từng đàn chim le le rạch nước vẽ từng vệt trắng. Tiếng bim bịp kêu trầm đục như tiếng mõ buồn bã, đập vào chân đê, vọng lại. Những đêm trăng suông, Sâm thường ra hóng gió biển thổi vào. Gió mát lạnh mơn man da thịt khiến anh nẩy ra ý nghĩ: Sao ta không biến đầm hoang này thành một hồ sen nhỉ? Cải tạo chua mặn, đắp bờ vùng, trữ nước mưa, mua sen về thả. Nếu thích nghi đồng đất mình, vài năm sen sẽ như ở Tháp Mười...
Sâm trình bày ý định với anh Biên bí thư Đoàn xã. Biên mừng lắm: Cậu này khá. Nghĩ ra cách làm đẹp cho quê hương là tốt lắm! Anh liền đem ra họp bàn trong hội nghị Đoàn. Các đoàn viên thanh niên rất phấn khởi, lập tức thông qua chương trình cải tạo đầm hoang thành đầm sen và sẽ đặt tên là Đầm Sen. Sâm nhớ hôm đó chỉ có chú Đán chủ tịch xã cùng dự cau mặt, tỏ vẻ không hài lòng. Ra ngoài hiên phòng họp, Đán nói đổng: Lo ăn còn són cứt… Lấy đâu thì giờ mà sen với ngó. Chỉ tổ cho trai gái chúng nó ham chơi. Người nhà quê đồ lề hàng phố. Lãng mạn, tiểu tư sản quá! Một cô gái đang khiêng ghế quay đầu lại: Chú Đán ơi! Cũng phải cho thanh niên chúng cháu chỗ vui chơi giải trí chứ! Lam lũ đồng ruộng cả ngày, cũng phải có hương sen hương bưởi hương nhài, cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa chứ ạ!...
Hai tháng sau. Toàn bộ lực lượng thanh niên trong làng nô nức tham gia. Huyện Đoàn cũng cử đến một số cơ sở Đoàn các xã lân cận hỗ trợ lao động. Khu đầm hoang ven đê năn cỏ lút đầu thoắt cái đã biến mất. Bốn mặt bờ vùng rải cát sỏi mịn màng, kéo dài suốt ba cây số. Đầm nước lấp lánh ánh trời, trong xanh tựa một dải sông hồ đón gió cửa biển. Sen được mang về cấy thả. Những ngó sen nhủ khỏi mặt nước. Lá sen xòe những chiếc ô xanh mướt, lay động. Sâm xuống nông trường Đại Phong liên hệ mua năm mươi cây dừa về trồng ven bờ. Hai năm. Ba năm. Dừa non lên đọt, đan lá xanh om. Đầm Sen đã hiển hiện như một khu hồ công viên thành phố. Đêm trăng, trai gái các làng rủ nhau đến dạo mát, tự tình. Cuộc sống nghe thật vi vu trong tiếng sáo diều ngân vọng, thanh bình. Sâm không thấy những vết thương đau trở lại. Nhịp sống đã đưa tâm hốn anh bay bổng vào những mơ ước nơi làng quê.
***
Dạo ấy, Sâm quen Thanh trên công trường thủy lợi. Thanh là gái làng bên. Tuy hai làng, nhưng lại chung một con ngõ. Nhà Thanh cách nhà Sâm chếch hai bờ giậu gai. Thanh xinh đẹp, hát hay. Tiếng hát Thanh đã rung động Sâm vào một buổi tối sinh hoạt Đoàn ngay trên Đầm Sen do các Đoàn xã khu vực tổ chức. Khúc dân ca “Cây trúc xinh”, rồi “Bèo dạt mây trôi” đã khiến Sâm như người say sóng. Anh ra ngồi tựa vào một gốc dừa lắng nghe, tận hưởng âm thanh cây đàn bầu và tiếng hát ngọt ngào, da diết của Thanh. Rồi không ngăn nổi lòng mình, anh tìm đến sau khán trường, cầm chặt tay cô gái: Tiếng hát em đã chinh phục trái tim anh! Xin được gọi tên em từ nay là Thanh Thanh nhé! Ôi! Chịu thôi! Người xâu xí như em chả dám đệm cái tên mỹ miều thế đâu...
Làng có nhiều thanh niên thầm thương trộm nhớ Thanh. Trong đó có Vẹm con chủ tịch xã Đán. Vẹm thường rủ bọn con trai trong xóm sang làng bên tán gái. Thanh lọt vào mắt Vẹm. Vẹm tuyên bố: Con Thanh là của tao. Chúng bay phải bảo vệ. Không cho bất cứ thằng nào động đến! Tối nào Vẹm cũng la cà đầu ngõ nhà Thanh. Nhưng lại ăn không nên miếng nói không nên lời trước mặt Thanh và đám con gái tinh nghịch. Vẹm chỉ biết nuốt nước miếng ừng ực khi dáng thắt đáy lưng ong của Thanh xuất hiện. Vẹm sai thằng Hòa dúi vào tay Thanh một tờ giấy: Tôi yêu Thanh lắm! Thanh lấy tôi đi! Bố tôi làm chủ tịch xã. Ở nhà tôi Thanh sẽ rất sung sướng... Vẹm giục bố: Cuối năm, bố mẹ sắm trầu cau sang hỏi cái Thanh! Ông Đán cười gằn: Tiên sư mày, còn lạ gì cái tính mày, chưa nóng nước đã đổ gạo. Đã đặt vấn đề với nó, với bố mẹ nó chưa? Vẹm buông sõng: Chả cần! Tốt nhất cứ tát cạn bắt lấy! Cuối năm, bố mẹ Vẹm cùng bà cô sang hỏi Thanh thật. Bố mẹ Thanh ngơ ngác. Thanh giãy nảy: Sao các bác lại làm ăn thế này? Cháu không biết gì đâu! Thanh chợt liếc ngang sang chỗ Vẹm đứng nhìn cô hau háu: Phía trước quần Vem ướt trương một mảng lớn. Thanh chun mũi, bịt mắt: Cháu sợ lắm! Đỏ mặt, cô chạy một mạch sang nhà Hạnh hú, chờ đến chiều, đoàn nhà ông Đán về, mới ló ra: Khiếp! Khiếp cái loại đàn ông… Đám dạm hỏi không thành, Vẹm tức tối vô cùng. Hễ có bóng thanh niên lởn vởn ngõ nhà Thanh là Vẹm đã rình sẵn, ném đá xua đuổi.
Biết Sâm hoạt bát, năng động, được mọi người mến mộ, lại yêu Thanh, con trai mình sẽ mất mồi, ông Đán ngầm đem lòng ghét dơ. Thảo nào trong cuộc họp giao cho Đoàn thanh niên cải tạo Đầm Hoang, ông ta lộ vẻ không đồng tình.
Một hôm, Sâm và Thanh ngồi hóng gió trên bờ Đầm Sen. Đêm về khuya. Trăng thanh trôi trên bầu trời như không có đáy. Sen trong đầm dìu dịu thả hương. Cánh đồng sắp vào vụ gặt như chiếc nong vàng khổng lồ đầy dần hương lúa, hương sen. Thanh ngả vào Sâm. Khuôn ngực thiếu nữ vồng căng phập phồng, thổn thức trong làn áo bà ba. Sâm ôm chặt lấy Thanh, hòa vào mái tóc dài gió xõa miên man. Họ nằm bên nhau rất lâu, hít thở tất cả hương lúa hương sen và hương vị tình yêu. Đầm Sen đêm nay là nhân chứng của chúng ta! Cuộc sống dù vất vả bao nhiêu anh cũng không để em phải khổ! Thanh cắn vào vai anh: Em sẽ xứng đáng là của anh! Run run cởi tấm áo ngoài của Thanh vắt lên cành lá dừa ngả sát bờ đầm, Sâm ngây ngất ngắm người yêu như nàng tiên vừa sa xuống Đầm Sen. Bầu ngực Thanh nõn nà hai nụ sen hồng tinh khiết dưới trăng. Thanh xiết chặt vai Sâm. Sâm giật đau nhói: Ối! Đấy là vết thương còn sót một mảnh đạn nhỏ bên trong!
Một tiếng hô đanh gọn bật lên cùng ba tiếng súng trường chát chúa: Nằm im! Không được nhúc nhích! Bắt sống hủ hóa! Anh em trói chúng lại giải về xã! Sâm nhận ra tiếng ông Đán. Đám dân quân ào tới khóa chặt tay Sâm. Anh giãy đạp: Buông ra! Tôi và cô ấy yêu nhau thực sự! Chúng tôi sẽ lấy nhau! Nhanh như cắt, thằng Vẹm giật phắt chiếc áo trên cành dừa. Thanh thét lên: Trả áo tôi! Không được động vào anh Sâm! Anh ấy là thương binh!... Thằng Vẹm gầm gừ: Mặc kệ thương binh. Đừng có công thần! Đồng chí Du, lập biên bản tại chỗ. Hủ hóa, bắt sống vật chứng tang chứng… Đám dân quân nhốn nháo: Thương binh cũng giải đi!
Bọn người giải đôi tình nhân lõa thể dọc đường làng dưới ánh trăng vằng vặc.
Sáng sớm, loa truyền thanh thôn trên ngọn cây đa phát đi thông báo cùng biên bản bắt sống cặp trai gái hủ hóa ở Đầm Sen… Hai ngày sau. Thanh niên làng phát hiện một thi thể dưới Đầm Sen. Thi thể đó là Thanh! Sâm bỏ sào ruộng đang cày dở chạy về Đầm Sen. Anh òa xuống nước, bế xác Thanh lên bờ: Sao lại ra nông nỗi này Thanh ơi! Sao không ngẩng cao đầu, mà em phải chết khổ thế này? Hai cậu em nhà Thanh xông vào đánh đấm Sâm túi bụi: Vì mày mà chị tao tự tử… Sâm gồng mình chịu đòn, nghiến răng hét: Lão Đán mới là kẻ bức tử, giết hại cô Thanh!
***
Không ngờ Đầm Sen ngày ấy lại biến thành bãi hoang nhanh thế. Những cây dừa bị chặt hạ hết cả. Ông Sâm nhìn xung quanh khắp bãi, cố tìm xem góc nào Thanh tự vẫn. Thấy một cái miếu nhỏ, tường mốc rêu dưới một cây đa búp đỏ, ông hỏi chàng trai: Đây là miếu gì vậy cháu? Chắc cây đa cũng mới trồng? Dạ! Miếu Cô đấy ông ạ! Thiêng lắm! Từ ngày có ngôi miếu, tự dưng mọc lên cây đa này! Trước ở đây có một cô gái tự tử dưới đầm sen. Chàng trai hạ giọng chỉ đủ hai người nghe: Bà nội cháu kể: cô gái yêu một chàng trai, họ ngủ với nhau trên bờ đầm, bị dân quân bắt được, bêu khắp làng. Không chịu nổi tai tiếng, cô gái đã tự vẫn. Chàng trai ấy cũng bỏ làng ra đi, chả biết sống chết nơi nào, không thấy bén mảng về. Hồi xưa các cụ yêu nhau rõ khổ. Lôi thôi là bị bêu riếu hủ hóa… Bây giờ á? Tha hồ. Con gái có chửa trước mới cưới. Coi như kiểm tra sát hạch đồ lề đã bố ạ! Vậy ư? Miếu Cô cực thiêng ông ạ! Ai vô sinh đến đây cầu cúng, có con liền! Cháu nói thật!
Sau cái chết của Thanh, Sâm uất hận lão Đán vô cùng. Đã có lúc anh nghĩ quẩn: Phải cho lão một búa, rồi đi tù! Nhưng cũng từ hôm ấy, nhà Đán đóng cửa im ỉm suốt ngày đêm. Bố con ông ta cảm thấy có điều gì đó không yên. Một buổi chiều, Sâm đang cắt rạ. Bất ngờ thấy Đán đi họp về qua. Cơn giận nghẹn ứ tận cổ, Sâm chạy một mạch lên bờ, chặn ngang: Ông phải chịu trách nhiệm về cái chết của Thanh! Hồn Thanh sẽ không để ông yên! Rồi Sâm lao vào, vừa đấm vừa chém chiếc liềm vào Đán: Chính mày là kẻ giết Thanh! Đồ chó đẻ! Đán ôm mặt máu nhoe nhoét, lạy sụp dưới chân Sâm. Sâm dằn giọng: Tao không thèm giết mày cho bẩn tay. Nhưng tao thề sẽ không bao giờ thèm trở lại cái làng này! Hồn Thanh sẽ trừng phạt kẻ bất lương!
Từ đó, người làng không thấy bóng Sâm đâu nữa.
***
Bây giờ, ông Sâm là giám đốc một Công ty Cổ phần Thương mại lớn ở Bình Dương. Cuộc đời lăn lộn, vắt mồ hôi, vắt máu vào các cuộc bươn trải làm ăn dọc chiều dài đất nước đã hun đúc một người chạy khỏi làng thành một ông chủ có hạng. Những chuyến buôn vải Bắc Giang, nhãn Hưng Yên, rồi đồ sắt, máy bơm nước… vào Nam. rồi buôn xoài, sầu riêng, đài catxet, xe máy Honda… từ Nam ra Bắc; sang Campuchia, Thái Lan… Từ không thành có. Nghiệp buôn bán đã đưa gia đình ông ngày càng phát đạt. Ông thành lập công ty Thương mại Hải Sâm để mở rộng giao thương. Vợ ông là một cô gái gốc Tuyên Quang, xinh đẹp, có học và rất đảm đang. Sau giải phóng miền Nam 1975, bà mẹ vợ từng gánh cả gia đình vào Sài Gòn tìm chồng. Ông là biệt động nằm vùng trong căn cứ địch. Nhưng chờ hai năm không thấy ông về. Bặt vô âm tín. Không hiểu do bí mật của tổ chức hay do đâu hoặc hy sinh, mất tích? Bà mẹ đành lang thang dắt con khắp các tỉnh đồng bằng Cửu Long. Và cuối cùng họ dừng lại ở Bình Dương. Sâm đã gặp cô gái út gia đình này trên đường sang Thái Lan ký hợp đồng mua gạo về kinh doanh…
-Ông ơi! Chàng xe ôm giật khuỷu tay ông, khiến ông thoát khỏi dòng ký ức. Giọng anh thân tình như đã quen ông lâu lắm: Bà cháu kể: Sau khi Đầm Sen xảy việc cô gái trẫm mình, đâu dăm sáu năm gì đó, người ta bỏ mặc tùng tùng ăn cướp, ai có sức người ấy xí, chia năm sẻ bảy cái đầm thành ruộng để cấy lúa, nuôi cá. Coi như tháo khoán! Sang những năm 2000, Ủy ban xã thu hồi bán cho ông Mạn cá. Ông Mạn cá với xã xin huyện lập Dự án Khu dân cư tự xây. Ông ta hốt bạc như nằm mơ thấy của! Bà cháu bảo nghĩ thương cái ông Sâm nào đó bỏ làng ra đi. Ông ấy là thương binh ở chiến trường về đã có công vận động thanh niên cải tạo Đầm Hoang thành Đầm Sen. Một thời Đầm Sen chẳng khác gì Đầm Sen thành phố trên Hồ Tây Hà Nội. Vậy mà dã tràng xe cát…
Ông cúi thấp xuống mới vào được ngôi miếu nhỏ. Trong miếu lạnh toát như phòng điều hòa nhiệt độ. Thắp ba nén hương, nhìn lên ông gặp một bức tượng gỗ hình một người con gái. Một cơn gió thổi vào. Ông chợt rùng mình, khóe mắt rưng rưng. Thanh! Thanh Thanh ơi! Đây là nơi dân làng thờ em ư? Em thành Bà Chúa của làng ư? Hãy hiểu cho tôi. Tôi không thể nào nguôi mối tình của chúng ta. Do hoàn cảnh run rủi mà đôi ta bị chia cắt… Em vẫn là người của tôi. Nơi xa phương Nam, vợ chồng tôi đã đưa tên em, linh hồn em vào chùa… Hình như trong gió có mùi hoa sen? Hương sen vửa nở? Tinh khiết lắm! Hương sen từ bát hương, từ cánh đồng đâu đó? Ông đưa đôi bàn tay ấp lên mặt. Hương sen! Ôi bàn tay cũng đượm hương sen. Những giọt lệ ứa ra, lẫn cả hương sen! Ông lầm thầm gì đấy ạ? Hình như ông bảo hương sen? Ở đây có còn sen đâu?
-Đúng! Ta vừa thấy hương sen! Quanh quất đâu đó xông lên! Thơm lắm cháu à!
Ra ngoài miếu, vịn một chùm rễ đa, ông nhìn khắp lượt bốn phía khu đất. Cỏ cháy xém từng mảng dưới nắng chiều bỏng rát. Mấy con chó vừa chạy rông vừa đùa dỡn, sủa oăng oẳng, chói gắt… Ta định mua lại cả khu đất này! Cháu thấy thế nào? Chàng trai trố mắt: Ông đùa à? Trên cung trăng về hay sao mà ông dám đùa? Không! Ta không đùa! Thật lòng đấy! Nhắc lại: Ta sẽ mua bãi đất này! Dạ! Cháu nói nghiêm túc để ông biết nhé: Hơn trăm lô đất, mỗi lô hai trăm bốn mươi mét vuông chứ không phải hơn trăm cái bao diêm! Trăm tỷ cả đấy! Ông lấy đâu ra tiền? Ông Sâm cười hóm hỉnh vỗ vai chàng trai: Tiền ư? Ta có tấm lòng! Ta có thể mua cả sân bay Tân Sơn Nhất! Các cụ cử hay đùa con cháu! Nét mặt ông nghiêm hẳn lại: Ta tuyên bố: Sẽ mua cả bãi đất này và sẽ làm lại ở đây một Công viên Đầm Sen! Dạ! Có trời đất và hương hồn bà Chúa miếu Cô chứng giám. Ta sẽ biến đây thành Đầm Sen như ngày xưa! Anh làm trợ lý cho ta nhé!
***
Đúng như câu chuyện giữa hai ông cháu. Ông Sâm đã mua toàn bộ bãi đất. Ba năm sau. Một khu Công viên Đầm Sen mới được xây dựng ngay trên bãi đất Đầm Sen cũ cách đây ngót bốn mươi năm. Cũng bờ bao bốn mặt, nhưng rải bê tông, lối đi lát gạch giữa hai bên thảm cỏ Nhật xanh mát bàn chân. Cũng trồng đủ năm mươi cây dừa trong bồn xây vuông vức. Lá sen lợp xanh thắm. Mùa sen đầu khiến cả làng háo hức: Từ nay làng ta có một điểm du lịch thật tuyệt vời! Đám thanh niên ríu rít chèo những chiếc thuyền nan nhỏ luồn qua những cụm sen. Những chuỗi cười ngây ngất dưới những chiếc ô xanh. Muôn vàn nụ sen như muôn vàn giọt lệ lấp lánh ban mai. Muôn vàn đóa sen trắng hồng thả hương vào gió. Ngôi Miếu Cô cũng được tu sửa lại dưới bóng cây đa búp đỏ. Bên cạnh là một Nhà Văn hóa với sân Thể thao, phòng hát, phòng Thư viện xếp hàng nghìn đầu sách các loại… phục vụ mọi tầng lớp dân làng.
Ngày khánh thành, quan chức, du khách các nơi và dân các làng về dự khai trương rất đông. Lá phổi xanh của làng đã sống lại! Mấy già làng bấm ngón tay: Hôm nay ngày Rằm! Đúng vào ngày Bà Cô trẫm mình dưới Đầm Sen! Ngày này cả làng từng nhốn nháo, cả làng thương tiếc cô Thanh đẹp người đẹp nết mà đoản phận. Ngày này, có một ông đại gia sau khi xây dựng, đưa vào bàn giao sử dụng Công viên Đầm Sen tuyên bố tặng toàn bộ công trình cho làng. Sáng mai, ông lại lên đường về phương Nam.
Chỉ riêng ông Sâm biết và nghe rõ tiếng Thanh Thanh vẫn hát đâu đó trong ngạt ngào hương sen! Bèo dạt mây trôi… Chốn xa xôi…
7-2016
Tin cùng chuyên mục
Con yêu bố mẹ nhất trần đời
03/08/2016
Tuổi trẻ - Một thời lửa cháy khát khao
22/07/2016
Vết thương ở tay
22/07/2016
Nơi chiến tranh chưa đi qua
16/07/2016
Giã hận
04/07/2016
Tôi nhận giấy báo tử của chính mình
27/06/2016