Nơi chiến tranh chưa đi qua

Chiến tranh đi qua đã lâu. Quá khứ chiến tranh đã đôi phần lắng lại, nhưng nơi đây, trong mỗi con người, vết tích của chiến tranh vẫn còn đọng lại trong mỗi cơn đau, mỗi khi trái gió trở trời, mỗi khi giao mùa ấm lạnh... Sự hy sinh cá nhân của các anh cả xã hội không lúc nào quên nguôi. Mái ấm trung tâm vẫn là bè trầm trong bản giao hưởng chiến thắng vì nơi đây chiến tranh chưa thể đi qua.

NƠI CHIẾN TRANH CHƯA ĐI QUA

Bút ký của Lưu Quốc Hòa.
Tháng 7 này, tôi được Tổng biên tập phân công về trại Điều dưỡng thương binh Duy Tiên ( Xã Yên Nam) để chuẩn bị cho số báo kỷ niệm lần thứ 69 ngày TBLS  27/7.
Đây là lần thứ 3 tôi về đây nên từ Giám đốc và các đồng chí thương binh nặng đón tôi như đón người thân.
Bỏ qua những thủ tục trình giấy tờ tác nghiệp thông thường. Nguyễn Sỹ Lương Giám đốc trung tâm đón tôi ngay dưới sân của khu làm việc. Chúng tôi nắm tay nhau vào thăm các thương binh và nhận được sự chào đón thân tình. Chụp ảnh lưu niệm và hỏi han sức khỏe nhau. Mấy lần trước về trung tâm, tôi đi cùng Doanh nhân văn hóa Nguyễn Đức Lộc vào dịp giáp tết để tặng quà cho thương binh. Một hình ảnh tôi còn nhớ mãi. Khi chúng tôi tới phòng một thương binh nặng đang ốm, không thể cùng anh em lên hội trường được để tặng quà. Chúng tôi bắt tay anh. Anh run run nắm tay chúng tôi và hé cười. Khi chúng tôi hoàn thành chương trình thì được tin anh vừa qua đời cách đó ít phút. Anh qua đời ở tuổi ngoài 70, vượt cái ngưỡng bình quân của tuổi thọ người Việt Nam khi mang trên mình bao vết thương quái ác. Có được tuổi thọ ấy, ai cũng biết công lao của Trung tâm đã chăm sóc anh tận tụy bao năm ròng. Người Thương binh ấy trút hơi thở cuối cùng trong tổ ấm tình thương và trong vòng tay đồng đội...
Giám đốc Nguyễn Sĩ Lương thăm thương binh
Lần này tôi lại có một cảm xúc mới, đó là khi đến thăm một phòng trong khu nội trú. Gặp một toán các anh đang ngồi uống trà. Các anh là "hàng xóm" kế bên vẫn qua lại với nhau. Tôi được nghe câu chuyện của anh Phạm Hồng Hà, 78 tuổi quê Giao Thủy Nam Định. Anh kể: Trước khi đi chiến đấu anh đã có vợ. Tháng 10 năm 1968 gia đình nhận giấy báo tử và ai cũng tin là anh đã hy sinh và gia đình đặt ảnh lên ban thờ. Một thời gian sau đó, gia đình anh động viên vợ anh đi thêm bước nữa và lấy một người làng bên cạnh.. . Đến năm 1976 anh trở về nhà trước sự hoan hỉ của gia đình họ mạc. Vợ anh hớt hải ôm đứa con nhỏ của người chồng mới chạy sang và khóc. Cái bi hùng của chiến tranh là thế. Sự mất mát đến tận cùng cả tổ ấm gia đình và một phần quan trọng của cơ thể không làm anh gục ngã. Sau khi kết hôn với một phụ nữ hết lòng thông cảm và thương yêu anh. Phạm Hồng Hà đã có 4 con, hai trai hai gái và được về mái ấm trung tâm nhận sự chăm sóc của Đảng và Nhà nước.
Còn nhiều và rất nhiều những giai thoại đời tư của các anh, những người đã đi qua chiến tranh ở các chiến trường ác liệt. Người thì cụt cả hai chân hoặc hai tay, người liệt cột sống hoặc mù cả hai mắt. Người nhiễm chất độc màu da cam để lại nhiều di chứng...Tất cả đều có một quyết tâm: Vượt lên bệnh tật để "tàn mà không phế".
Trong văn phòng giám đốc không có điều hòa nhiệt độ. Nguyễn Sĩ Lương, chàng Giám đốc nho nhã quê Quan họ Bắc Ninh tiếp tôi thân mật. Anh là một giám đốc từ chối đi xe riêng, từ chối những tiện nghi thời thượng để dành cho việc chăm sóc thương binh nặng. Anh tâm sự:
Được thành lập từ năm 1957, Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên là 1 trong 5 cơ sở điều dưỡng thương binh của Bộ Lao động TBXH.  hiện đang nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho 60 thương, bệnh binh đến từ 18 tỉnh, thành phố trên cả nước của cả 3 thời kỳ: Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Hầu hết các thương binh ở đây đều có tình trạng thương tật nặng, suy giảm 81% sức lao động trở lên. Có đồng chí bị vẹo cột sống, có đồng chí bị cụt hai chân, hai tay, có những đồng chí bị mù cả hai mắt. Nhiều đồng chí vẫn còn những mảnh đạn trong người, hàng ngày, hàng giờ chịu cảnh đau đớn do những vết thương cũ tái phát. Mọi sinh hoạt hàng ngày đều nhờ sự chăm sóc, giúp đỡ của các cán bộ, y bác sỹ của trung tâm
Những năm trước đây. Do khó khăn chung của đất nước. Do chiến tranh gây nhiều thương vong. Có lúc trung tâm phải chăm sóc tới 600 chiến sỹ thành phần đa thương tật. Lương thực, thuốc men còn hạn chế, cơ sở vật chất chưa được trang bị đủ đáp ứng với yêu cầu vừa nuôi dưỡng, vừa chăm sóc và phục hồi chức năng cho nhiều đối tượng thương binh. Trung tâm phải đứng trước rất nhiều khó khăn để duy trì và phát triển. Đối tượng được phục vụ là những đồng chí bị thương tật nặng, tâm lí và sức khỏe không ổn định  luôn bị bệnh tật rày vò nên những nhạy cảm trong quan hệ giữa người phục vụ và người được phục vụ không tránh khỏi những điều chưa hài lòng. Để cân bằng được những bất cập cũng là một câu hỏi lớn và hết sức tế nhị. Qua những thăng trầm chìm nổi, qua trên 10 đời giám đốc. Bằng nội lực và bằng lương tâm và trách nhiệm của tập thể cán bộ và công nhân viên. Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên, đóng trên địa bàn xã Yên Nam đã làm tốt chức năng nhân văn của mình. Để có thành quả hôm nay. Những người lãnh đạo và quản lí trung tâm luôn trân trọng và kế thừa, phát huy những giá trị của những người đã đi trước, từ lúc mới sơ khai để trao lại một cơ ngơi khá ổn định cho những người đang đương nhiệm hôm nay.
Bước vào trung tâm trong những ngày này ta có cảm giác yên bình và ấm áp với hệ thống vườn cây xum xuê bóng mát. Hàng ngày, cán bộ và CNC đều dành thời gian thích hơp để chăm sóc và cắt tỉa chỉnh trang khuôn viên. Họ thực sự là chủ nhân của cơ sở tình thương này. Ba mươi người phục vụ cho 60 người về tất cả các nhu cầu sinh hoạt như: Cơm nước, giặt rũ, hỗ trợ đi lại...con số ấy nói lên sự chu đáo của trung tâm, những người thay mặt toàn xã hội, chăm lo cho những đối tượng đặc biệt, có công trong việc bảo vệ tự do độc lập qua những cuộc chiến đấu vệ quốc vĩ đại.
Một điều khá thú vị khi đến thăm các phòng ở khép kín của các thương binh nội trú. Tất cả các phòng đều có điều hòa nhiệt độ, tắm nóng lạnh và đài, Ti vi, bếp ga nấu ăn... Trong chăn phòng khá hiện đại này, các anh có thể tự lo cho mình về những nhu cầu cá nhân có thể tự làm được dưới sự hỗ trợ của các nhân viên phục vụ. Thương binh ở đây, phần lớn là ổn định về tinh thần và vật chất. Hiện nay thương binh của trung tâm vẫn còn đủ các thế hệ: Chống Pháp, chống Mỹ và thương binh chiến tranh bảo vệ tổ quốc. Người cao tuổi nhất là 78 và thấp nhất là 48 tuổi.
Thương binh Phạm Hồng Hà 78 tuổi quê Giao Thủy Nam Định
Nhiều năm gần đây không có tình trạng bất cập về khiếu kiện vượt cấp. Không có những điều phiền toái xảy ra giữa các thương binh và những cán bộ quản lí và phục vụ. Năm 2012 , Trung tâm được Nhà nước tặng thưởng huân chương hạng Nhì của chủ tịch nước và năm 2015 được tặng cờ thi đua của Chính phủ.
Trung tâm tổ chức cho thương binh đi thăm lại chiến trường xưa và năm 2016 này lại vừa tổ chức chuyến đi Hội An, vui vẻ và ấn tượng. Các hoạt động văn hóa văn nghệ được duy trì đều dặn. Thương binh hát cho nhau nghe và hát để thêm yêu đời, yêu cuộc sống.
Để có những trang viết này nhân ngày 27/7. Tôi đã có 1 ngày thâm nhập thực tế. Được nghe và cảm.  Được nói chuyện thân tình với các thương binh và  những điều nghe và cảm không phải là sự trích dẫn từ báo cáo thành tích hay qua lời kể của ban giám đốc trung tâm. Nó là hiện thực sinh động mắt thấy tai nghe từ các phòng, nơi có những thương binh đang ngày đêm chiến đấu với bệnh tật để sống vui, sống khỏe, sống có ích cho đời bằng nhiều đóng góp thiết thực để xứng danh anh bộ đội Cụ Hồ. Các anh là những người chiến thắng kẻ thù và chiến thắng chính mình.
Chiến tranh đi qua đã lâu. Quá khứ chiến tranh đã đôi phần lắng lại, nhưng nơi đây, trong mỗi con người, vết tích của chiến tranh vẫn còn đọng lại trong mỗi cơn đau, mỗi khi trái gió trở trời, mỗi khi giao mùa ấm lạnh...Sự hy sinh cá nhân của các anh cả xã hội không lúc nào quên nguôi. Mái ấm trung tâm vẫn là bè trầm trong bản giao hưởng chiến thắng vì nơi đây chiến tranh chưa thể đi qua.