Ở đồn Biên phòng Kẻng Mỏ Ka Lăng
Một căn nhà gỗ cấp 4 đã sập sệ, dột nát. Chắc nhiều trạm Biên phòng Lai Châu cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ôi, ước gì các nhà lãnh đạo bớt chút thời gian lên với anh em, để từ đó, quyết định giảm bớt những trụ sở chỉ ở cấp Tỉnh, cấp Huyện, cấp Xã ở dưới xuôi mà cũng kềnh càng, ngất ngưởng như Cung Vua, Phủ Chúa. Hãy quan tâm đến những vùng cao còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Anh em chưa dám mong có được căn nhà vững chắc cũng là nơi ở và làm việc, chỉ muốn xây được một cột cờ tử tế để xác định chủ quyền nơi địa đầu biên giới này thôi.
Vào giữa tháng 5 năm nay, anh Hoàng Trọng Nam, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công ty Thuỷ điện Sơn La điện cho tôi: “Mấy ngày tới, em ra Trường Sa. Em đi cùng Tổng Công ty Điện lực Việt Nam. Lần này Điện lực Việt Nam sẽ lo điện cho Trường Sa. Tất nhiên đường điện Quốc gia thì không tới được rồi. Có thể điện gió hay điện năng lượng mặt trời. Tuỳ theo thực tiễn mà lựa chọn. Ngoài số tiền công ty quyên góp xây dựng Đảo, em muốn mang ra Trường Sa một viên đá thực ở đầu nguồn Sông Đà, là Kẻng Mỏ, nơi đóng quân của đồn Biên phòng Ka lăng, ở cực Bắc, Mường Tè, Lai Châu. Anh đi cùng em chọn đá nhé. Anh là người lính từng ở Trường Sa mà…”. “Nhưng đồn Biên phòng Kẻng Mỏ Ka Lăng đã có đường lên đâu?”. “Bọn em làm đường rồi. Tuy còn vất vả. Nhưng xe lên được đến tận đồn!”.
Đấy là điều không thể tưởng tượng được. Dù bận rất nhiều việc, tôi vẫn quyết đi ngay. Tôi biết đồn Biên phòng Kẻng Mỏ Ka lăng này rồi. Đây là một trong những đồn Biên phòng xa xôi nhất, vất vả nhất của một tỉnh nghèo nhất nước - tỉnh Lai Châu.
Lúc ấy, tôi còn là lính của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Vào dịp áp tết, tôi lên Điện Biên. Lúc bấy giờ, Điện Biên còn là một địa danh của tỉnh Lai Châu. Trưởng Biên phòng Lai Châu là Đại tá Cao Thế Khiển. Theo anh Khiển, ở Lai Châu có đến 21 đồn Biên phòng. Chỉ có mười đồn có đường giao thông. Còn mười một đồn xa xôi, hẻo lánh, đến cả ngựa cũng không leo được. Anh đã vượt hàng ngàn cây số đèo dốc hiểm trở như thế bằng đôi chân đi bộ. Anh em ở đây cũng đều thế cả. Phải bám cơ sở, bám dân. Dân ở đây khổ lắm. Nhiều nhà còn đứt bữa, phải đào củ nâu mà ăn. Tết có khi vẫn phải ăn củ nâu. Thật khó mà có thể tưởng tượng được. Ở đây, dường như dân chỉ còn trông vào bộ đội biên phòng. Bộ đội dạy chữ. Bộ đội hướng dẫn cho cách làm ăn. Bộ đội chữa bệnh. Ở đây có bản còn trắng y tế. Đến được với bà con phải mất cả tháng trời leo dốc. Mà vắc xin tiêm chủng, nếu không có tủ lạnh, chỉ giữ được bốn ngày. Các chiến sĩ biên phòng phải khiêng theo tủ lạnh và máy nổ, vượt những vách đá tai mèo. Có chỗ đường sát miệng vực, chỉ vừa đủ đặt một bàn chân. Ở đồn Ka Lăng năm ấy, Phó đồn trưởng Chính trị Hoàng Văn Hoan mang từ quê Thái Bình lên mấy cân thóc giống phát cho dân. Đó là loại giống lúa bình thường ở xuôi vẫn gieo cấy. Vậy là lên đây thành thóc Tiên. Năng xuất cao hơn lúa của bà con. Thế là dân sướng. Dân thờ sống anh. Bà con dân bản còn lấy tên anh đặt cho tên lúa. Lúa anh Hoan. Rồi thóc anh Việt. Người dân ở đây dường như bị bỏ quên. Họ đói vật chất và đói cả tinh thần. Nhiều kẻ xấu đã lợi dụng sơ hở ấy để tuyên truyền nhảm nhí. Không ít người dân nhẹ dạ đã tin theo. Họ không làm gì. Chỉ cầu nguyện. Rồi người ngoại bang sẽ thả thực phẩm xuống từ trên trời. Đến lúc đắc đạo, nhìn cái gì cũng thành vàng bạc. Đá lớn thành con voi. Đã nhỡ thành con bò. Đá nhỏ thành gà lợn, ngan vịt. Không cần làm gì cũng có ăn. Đấy là những lời tuyên truyền ra rả qua băng Cassete, bằng tất cả các thứ tiếng dân tộc và không biết qua những con đường nào mà tới được từng giường ngủ của dân bản. Nếu không cẩn thận, Lai Châu sẽ lại thành một Tây Nguyên thứ hai. Phải giành lại dân. Thật không ngờ, Cao Thế Khiển và những người cộng sự của anh đã giành lại dân bằng văn hoá văn nghệ. Anh thành lập một tiểu đội lính tuyên văn xung kích gồm sáu người. Trong đó chỉ có một chàng trai, còn lại là năm cô gái. Họ có nhiệm vụ đi đến các đồn biên phòng và xuống dân bản, hát cho bà con nghe, rồi khuyên nhủ bà con đừng có nghe lời xúi giục của bọn người xấu. Khi anh em chúng tôi tới Lai Châu, những chiến sĩ văn nghệ đặc biệt này đã nhập với chúng tôi rồi cùng xuống cơ sở làm một cuộc giao lưu văn nghệ đón Tết. Điều khiến tôi kinh ngạc là anh chị em hát hay đến lạ lùng. Giọng đẹp. Lấy hơi và nhả chữ rất điêu luyện. Hầu như không có khoảng cách giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư. Chỉ cần lấy mấy ống tre, ống nứa gõ vào nhau là thành một dàn nhạc rất sinh động và họ có thể hát được suốt đêm. “Chúng em vẫn hát như thế đấy. Nhiều khi hát vo, không có loa. Vì loa bị suối lũ cuốn, hỏng. Không sửa được. Muốn sửa lại phải vượt mấy trăm cây số về Điện Biên mới có thợ sửa. Thôi thì hát chay. Hát mãi rồi cũng quen!” Tôi hỏi: “Các bạn diễn nhiều không?”. “Chúng em đi suốt. Đi quanh năm. Đi hết các đồn đã đến hơn 700 km đường rừng. Rồi còn xuống bản. Rồi lại quay trở về”. “Đi bộ hay đi xe?” “Đi bộ chứ. Làm gì có đường mà đi xe. Nhiều khi cứ cắt rừng mà đi. Bám theo các vách đá. Chỉ sảy chân là có thể nhao xuống vực. Nhiều đồn, để đến được, phải vượt bảy ngày đường”. “Thế thì đêm ngủ ở đâu?”. “ Ở dọc đường chứ. Ngày đi, đêm vào dân ngủ. Phải căn ke làm sao để đêm xuống là tới được bản. Rồi chúng em biểu diễn luôn. Hát cho dân nghe. Dân nuôi chúng em đấy. Họ đói. Nhưng họ vẫn nuôi được chúng em. Bà con ăn sắn thì mình ăn sắn. Bà con ăn củ nâu thì chúng em ăn củ nâu. Dân bản thương chúng em lắm. Chúng em đi, họ khóc đấy. Có người còn theo tiễn chúng em cả mấy ngày đường”. “Đi rừng nhiều vậy, các bạn có bao giờ gặp thú dữ không? - Hổ sói thì cũng có gặp, nhưng ít lắm. Có lần bọn em chạm mặt một con hổ. Cả hai đều ngỡ ngàng. Nó nhìn em. Rồi em cũng trừng mắt nhìn nó. Sau cú thót tim, em không chạy. Chạy nó vồ ngay. Em chờ nó quật đuôi thì nhảy dạt ra tránh cú vồ rồi leo lên cây. Nhưng nó lại ve vẩy cái đuôi rồi lảng tránh. Còn khỉ, vượn thì nhiều lắm. Chúng em gặp liên tục. Nhiều khi chúng kéo đến hàng đàn. Có con còn rung cành, ném cả quả rừng vào đầu chúng em nữa. Chúng nó trêu đấy. Chả sợ. Thú rừng không đáng sợ như các anh tưởng tượng đâu. Chúng hiền lắm, tốt lắm, thương người lắm. Ngay cả thú dữ cũng chẳng dữ đâu, nếu mình không hại nó. Gặp người là chúng tránh. Chúng chỉ giết người khi chúng đói, hoặc bị người tấn công. Mình có tấn công chúng đâu mà chúng giết mình. Mình chỉ đi hát thôi mờ” Ừ! Đúng là các cô gái mảnh mai, xinh đẹp và tinh khiết như những bông hoa rừng này chỉ có đi hát. Hát cho bộ đội. Hát cho đồng bào nghe. Và rồi bằng lời ca tiếng hát của mình, họ đã cùng bộ đội Biên phòng giành lại dân. Mất dân là mất hết…
Bây giờ, cái đồn Biên phòng Kẻng Mỏ Ka lăng xa mù tít tắp đã hiện lên trước mặt tôi kia. Đến với anh em, giờ tôi không phải lội rừng như chị em xưa. Một con đường đẹp như mơ. Thuỷ điện Mường Tè của Hoàng Trọng Nam đã làm con đường tuyệt vời này. Đúng là điện đến đâu thì văn minh theo tới đó. Bây giờ điện tới rồi, đường cũng tới rồi, nhưng văn minh vẫn chưa tới được đồn Ka lăng. Một căn nhà gỗ cấp 4 đã sập sệ, dột nát. Chắc nhiều trạm Biên phòng Lai Châu cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ôi, ước gì các nhà lãnh đạo bớt chút thời gian lên với anh em, để từ đó, quyết định giảm bớt những trụ sở chỉ ở cấp Tỉnh, cấp Huyện, cấp Xã ở dưới xuôi mà cũng kềnh càng, ngất ngưởng như Cung Vua, Phủ Chúa. Hãy quan tâm đến những vùng cao còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Anh em chưa dám mong có được căn nhà vững chắc cũng là nơi ở và làm việc, chỉ muốn xây được một cột cờ tử tế để xác định chủ quyền nơi địa đầu biên giới này thôi. “Được rồi! - Giám đốc Hoàng Trọng Nam ứa nước mắt - Công ty thủy điện Sơn La sẽ tiết kiệm, tài trợ kinh phí giúp các anh xây dựng mới trụ sở nhà làm việc. Trong đó có Cột Cờ. Địa điểm là cột mộc số 18 biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc, nơi con Sông Đà chảy vaòa đất Việt!”. “Tuyệt quá. Chúng tôi chỉ muốn có có căn nhà xây cấp 4…”. “Đã xây thì xây đàng hoàng chứ sao lại nhà cấp 4? Phải là nhà mái bằng với đầy đủ các công trình hiện đại. Và như thế, các anh phải cùng Công ty khảo sát, thiết kế, lập dự án, báo cáo Bộ chỉ huy Biên phòng Lai Châu và trình các cấp phê duyệt. Dự kiến từ nay đến tháng 9 hoàn thành dự án, khảo sát và phê duyệt. Tháng 10 nước lên, ta sẽ vận chuyển nguyên vật liệu bằng đường sông và xây dựng luôn. Làm sao để anh em có thể kịp đón Tết trong trụ sở mới…”.
Đã có Lúa anh Hoan, Thóc anh Việt, bây giờ bà con vùng cao và các chiến sĩ Biên phòng Lai Châu lại Điện Chính phủ, đường Chính phủ, nhà anh Nam cùng các cộng sự của anh. Cũng có thể xem đó như một huyền thoại. Huyền thoại giữa đời thường….