Phần tặng vô giá

Mọi vấn đề cũng có thể gọi là quà tặng cuộc sống, chính là phần tặng vô giá. Nhưng quà tặng ấy khi lại là con người thì vô giá và vĩ đại nhất.

Tháng 7/1968 Hùng nhập ngũ. Mười bày tuổi Hùng đẹp trai khỏe khoắn tráng kiện là học sinh giỏi nhất các lớp ở trường cấp 3 Lam Sơn. Hùng yêu Thúy Ngần cô thôn nữ cùng làng. Làng Hòa Học hơn 200 gia đình, nghĩa là trai gái thanh niên đông lắm. Ngần bấy giờ 16 ở cái tuổi trăng rằm này, Ngần đẹp nhất làng nhất xã. Rât nhiều chàng trai mến mộ, muốn cặp kè bên bông hoa đang rạng ngời sắc xuân. Xét về các tiêu chí thì các bạn trai khác đều thua Hùng, vậy Thúy Ngần yêu Hùng là lựa chọn duy nhất. Ngày lên đường đã đến, Ngần rụt rè trao cho Hùng một tấm ảnh làm kỷ niệm. Cha, khổ ảnh 4x6 đen trắng mà lộng lẫy biết bao, Thúy Ngần mặc áo lót 3 lỗ, ngồi tỳ má cằm lên một bàn tay bút măng. Tóc búi cao lộ đáy cổ bờ vai non nõn, vừa gợi cảm vửa ý nhị, nhìn vào khiến con tim bốc lửa theo. Ngần bảo:

- Mong lúc nào em cũng luôn bên túi ngực trái anh, khi nào về em kiểm tra lại xem có bị sứt sẹo không đấy!
Hùng cười hóm hỉnh pha lẫn chút run, gia đình Ngần hôm nay bố mẹ cùng các chị, em vắng cả. Cơ hội vậy mà Hùng cũng không dám hôn Ngần, thời ấy lạ thế chỉ cần cầm tay thôi mà người đã rạo rực xen sợ hải thế nào ấy. Hai người lưỡng lự đứng lên, Ngần xúc động ửng hồng đôi má, lấp loáng hai dòng lệ rơi ra, thay cho lời nói trước lúc chia xa. Hùng cảm nhận được cái đó, chính là lời: “Em yêu anh, chúc anh đi chân cứng đá mềm mong ngày gặp lại, anh thương!”
*                              *
Đại đội pháo cao xạ 57 ly đơn vị của Hùng, thuộc đoàn 559, bảo vệ dọc đường tây Trường Sơn. Từ các trọng điểm Pu La Nhích, cua chữ A, đèo Văng Mu, ngầm Tha Mé rừng thông sông Bạc binh trạm 34, rồi vào BT 38. Biết bao cuộc hành quân cơ động theo bánh xe lăn và những trận đánh trả máy bay Mỹ, để bảo vệ xe bảo vệ trọng điểm. Gian khổ ác liệt hy sinh chưa từng thấy, vì con đường huyết mạch vào Nam dọc dãy Trường Sơn này. Các loại máy bay phản lực rồi B52, AC 130 ném bom đánh phá trục đường, bắn xe của ta suốt ngày đêm. Rồi sốt rét, lúc đói lúc no triền miên căng thẳng tột cùng. Đến chim muông thú rừng còn biến đâu hết, chỉ còn lại là con người hàng ngày đương đầu với bom đạn thôi. Mùa khô cháy lửa, mùa mưa buồn nẫu đất. Những lúc ấy Hùng giở ảnh Ngần ra ngắm, mọi hy vọng lại bùng lên trong trái tim đang căng sức này, nhiều lần Hùng hôn ảnh, mong nguôi ngoai nỗi da diết nhớ nhung. Đây mới đích thực là quà tặng cuộc sống, Hùng nghĩ vậy. Chiến trường khắc nghiệt đủ bề, bao lần Hùng viết thư cho Ngần, chưa một lần được hồi âm. Duy nhất một lần khi còn ở F338 đóng ở Ngọc Lạc - Thanh Hóa nhận được thư Ngần, ngày nào Hùng cũng dở ra đọc và nhớ mãi không quên hàng chữ: Anh mãi mãi là của em, là của riêng em. Giờ ở chiến trường xa lắc, lá thư cũng bị gấp gãy nhiều đoạn giấy, bởi những lần giở ra gập lại.
Hùng được kết nạp Đảng, giữa năm 1972 trên lại cho ra Bắc học Sỹ quan Phòng Không. Nguồn vui khôn xiết, đợt phép đầu tiên về làng gặp lại Ngần, người thương bao năm ấp ủ yêu thầm nhớ trộm. Đùng một cái thấy Ngần thay đổi, Hùng điếng lòng nếu không phải là lính có lẽ anh đã khuỵu ngã. Hỏi kỹ, Ngần đành cho biết:
- Từ khi anh đi chiến trường em cũng vào dân công hỏa tuyến, phục vụ ở đầu đoạn đường 20 quyết thắng tại Quảng Bình, nên không hề được tin anh. Em bị trận sốt rét lớn làm rụng gần hết tóc, trong lán trại giữa rừng, mạng sống mong manh, may mà có anh Thành người làng bên xã ta đó, cùng đơn vị, đã hết lòng chăm sóc. Anh lội suối băng rừng vào tận các bản tìm thuốc, lá cây, ngày đêm bên cạnh cháo rau, góp phần chữa em khỏi bệnh, lấy lại mái tóc đen dày của em như vốn có. Em ơn sâu nghĩa lớn, rồi mang lòng yêu anh Thành. Mặc dù anh ấy hơn em 7 tuổi. Anh thứ lỗi cho, nói thế nào thì việc cũng đã rồi, bởi kế hoạch là sang năm cưới nhau.
Hùng quặn xót thất tình, anh bặm miệng nắm tay rồi từ từ buông ra để lấy lại dũng khí. Thôi được, đành hy sinh và coi đó là quà tặng cuộc sống cho người bạn đời mà Ngần chọn. Hùng mở ví lấy tấm ảnh gửi lại Ngần, cũng coi đây là lời từ biệt cuối cùng. Bất chấp nắng lửa mưa sét ở Sơn Tây, Hùng quyết tâm học thật giỏi để bù lại những mất mát lớn vừa trải qua. Hùng gần như đoạn tuyệt với tình trong giai đoạn này… Bích Phượng người con gái đầu của dì, em ruột mẹ Ngần, kém Ngần 3 tuổi. Phượng mang trong mình zen đẹp của cả cha lẫn mẹ. Mười lăm tuổi Phượng được ra Nam Định học lớp 7+2 để về làm giáo viên cấp 1 tại huyện. Không ngờ tuổi 18 Bích Phượng thật kiều diễm nõn nà, chưa từng thấy bao giờ. Như nhiều người nhận xét: Hàng mấy chục năm từ đời các cụ, ông bà đến giờ, làng xã ta chưa từng thấy người con gái nào đẹp và quyến rũ như Bích Phượng hiện nay. Thậm chí gặp Phượng, Ngần cũng phải thốt lên “Phượng ơi em đẹp quá trời”. Biết bao trai các nơi tìm đến Bích Phượng, nàng chưa đồng ý một ai, mà bố mẹ Phượng cũng chỉ muốn cho Phượng lấy chồng ở làng thôi. Mẹ Phượng thường bào “lấy chồng làng như vàng cầm tay”. Lần ấy nghỉ phép vô tình Bích Phượng gặp Hùng, một thiếu úy trẻ trung phong độ cùng làng. Vâng! Cái gì đến rồi cũng sẽ đến, cặp trai tài gái sắc bén duyên nhau, họ thành vợ thành chồng, cặp uyên ương có một không hai ở cái làng Hòa Học này…
***
23 năm sau, Hùng mang quân hàm Đại tá, Cục trưởng cục QL.. thuộc Tổng cục Kỹ thuật Bộ quốc phòng và gia đình vợ chồng Hùng Phượng đã ở Hà Nội. Lần ấy về dự cưới đứa con trai út của Ngần, vợ chồng Hùng Phượng đi xe riêng của nhà về. Hùng gần 50 rồi, vẫn đẹp trai phong độ, con gái nhiều đứa còn muốn chết. Bích Phượng sang tuổi 44, mà cô vẫn ngời ngời sắc xuân như gái ngoài 30 vừa đẹp vừa dịu dàng vừa cao sang quý phái. Cái khuôn mặt trái xoan mũi dọc dừa con mắt lá dăm ấy, không biết bao giờ người phụ nữ công dung ngôn hạnh này mới bị già, bởi sự sung sướng đủ đầy. Ngày mai là đón dâu, tối nay Bích Phượng ở lại với mẹ đẻ để tâm sự nhiều điều. Hùng một mình đến nhà Thúy Ngần, có ý thăm và chào hỏi mừng trước. Chồng Ngần, anh Thành cũng chỉ mới 54 hoặc 55 gì đó mà nhìn sọm tệ, râu không cạo, gầy đen chẳng khác chi ông già. Còn Ngần cũng gầy hơn, tóc điểm vài sợi hoa râm, đôi vết chân chim bắt đầu vào khóe mắt. Nhìn kỹ và ngược chút thời gian, thì ở Ngần vẫn còn lưu đọng đôi nét đẹp của người con gái thời son trẻ, như nụ cười vóc dáng. Mọi người đang ở trong nhà dưới bếp chuần bị các trang thứ cho ngày mai, đón khách họ hàng qua lại. Hùng ra đứng cuối góc rạp ngoài sân, Ngần bước tới, trong ánh điện sáng của ngọn đèn 200 W, Ngần ngắm Hùng không chán. Hơn hai mươi năm rồi mới gặp lại nhau, cả hai đều hồi hộp bịn rịn xao xuyến khó tả quá chừng. Đột nhiên Ngần ấp úng:
- Chào chú, à chào anh! Anh về dự cưới là mừng lắm… nhưng lại làm khổ em thôi- Tự nhiên Ngần đọc 2 câu thơ (trong truyện thơ Thúy Lan) như tự ngầm trách mình: “Vầng dương ngà ngọc người ta/ Đây, vành trăng vẹt mờ xa cuối trời”.
Ngần xụt xịt, lấy khăn thấm mặt. Khó nói quá, mãi lát sau Hùng mới đáp từ được:
- Chào chị, à chào em… Mọi vấn đề cũng có thể gọi là quà tặng cuộc sống, chính là phần tặng vô giá. Nhưng quà tặng ấy khi lại là con người thì vô giá và vĩ đại nhất. Anh đã tặng em cho anh Thành, trong nuối tiếc ngẩn ngơ. Nhưng rồi ông trời lại ban tặng Bích Phượng cho anh, phải thế không em?
Ngần gật gật không nói ra lời được nữa, chỉ thấy hai hàng lệ rớt dài trong tiếng bập bùng của bản nhạc đang phát ra từ cái loa trước hiên hè.