Ngôi nhà cổ tích
Tôi đã có một khoảng thời gian dài đi thật xa, được nhìn ngắm và thăm viếng rất nhiều những ngôi nhà, những lâu đài tráng lệ, những cung điện nguy nga trên mọi nẻo đường viễn xứ. Những hình ảnh choáng ngợp ấy in đậm trong bộ nhớ của tôi. Nhưng thật lạ, trong tâm hồn tôi: Ngôi nhà tuổi thơ...mới là lâu đài tuyệt diệu nhất. Lâu đài thần tiên, hạnh phúc long lanh và huyền ảo sắc màu cổ tích.
Tôi đã có một khoảng thời gian dài đi thật xa, được nhìn ngắm và thăm viếng rất nhiều những ngôi nhà, những lâu đài tráng lệ, những cung điện nguy nga trên mọi nẻo đường viễn xứ. Những hình ảnh choáng ngợp ấy in đậm trong bộ nhớ của tôi.
Nhưng thật lạ, trong tâm hồn tôi: Ngôi nhà tuổi thơ...mới là lâu đài tuyệt diệu nhất. Lâu đài thần tiên, hạnh phúc long lanh và huyền ảo sắc màu cổ tích.
Ngôi nhà tuổi thơ của tôi, được bao quanh bằng những bức tường đắp bằng đất, cùng với bộ khung là những cột luồng to, và những cây tre thẳng tắp. Mái nhà được lợp bằng rạ dầy khoảng bốn năm mươi phân, và cứ khoảng ba năm thì thầy tôi và các chú lại lợp lại một lần.
Tôi nhớ dạo năm sáu tuổi, khi những chiếc răng sữa lung lay, tôi chờ khi nó đã thật mõm, thì buộc chỉ vào thân răng giựt mạnh một phát, cái răng bật ra. Tôi cầm chiếc răng, nhắm mắt thì thào nói: Chuột chuột chí chí...tao cho mày răng này, mày cho tao răng khác...rồi ném cái răng ấy lên mái nhà. Không biết bọn chuột có nghe thấy không? Nhưng mấy hôm sau cái răng mới đã bắt đầu nhú lên. Tôi tin tưởng tuyệt đối là cuộc trao đổi với lũ chuột đã thành công!
Căn nhà gồm ba gian hai chái. Gian chính giữa đặt bàn thờ ông bà, hai gian bên kê hai cái giường tre, hai gian chái là hai cái buồng. Ngoài hiên nhà, thầy tôi dựng ba cái giại làm bằng tre, tựa như ba bức bình phong che nắng. Ngoài ra còn có ba tấm liếp đan bằng nứa để che ba cửa ra vào, mỗi khi có giông bão hoặc những cơn gió lạnh mùa đông.
Tôi không biết ngôi nhà đã được dựng lên từ bao giờ? Nhưng tôi đã sống dưới mái ấm của nó, với những người thân yêu suốt cả tuổi thơ gian khó, cùng bao kỷ niệm êm đềm, kỳ ảo.
Trong ngôi nhà tuổi thơ, mọi xó, mọi nơi, tôi đều thuộc lòng. Và từng ngóc ngách của căn nhà ấy, chật đầy những những điều kỳ diệu tuổi thơ.
Trước tiên phải nói đến cái nền nhà. Thời ấy nền nhà không được lát gạch hoặc đá hoa như bây giờ. Nó chỉ là đất được đầm thật chặt. Cùng với thời gian, những người sống trong nhà đi mãi, đi mãi, mặt nền cứng như đá, đen nhánh như đánh si và láng bóng.
Bọn con nít chúng tôi chẳng bao giờ ngủ trên giường. Mùa hè, chúng tôi cởi trần ngủ ngay dưới nền nhà. Mùa đông cũng ngủ trên nền nhà, nhưng trên những cái ổ rơm, mà tôi sẽ nói ở phần sau.
Những ngày hè nghỉ học, mấy đứa anh em họ đều tập trung đến nhà tôi chơi. Buổi sáng thì chơi trò đếm hoa nắng, buổi trưa thì chơi trò câu sâu đất...tất cả đều trên nền nhà.
Nhà tôi nền cao, lại quay hướng đông, nên buổi sáng hầu như mặt trời chiếu xiên vào trong nhà. Qua những khe hở của những cái giại tre, những tia nắng chiếu vào trong nhà đều thành những đốm nắng hình ô van. Lúc đó cả nền nhà rực lên, y hệt một tấm nhung đen, với muôn vàn những hoa nắng lung linh huyền ảo. Cứ hai đứa một đội, một quyển vở. Chúng tôi lần lượt đặt quyển vở trên nền nhà ở các vị trí khác nhau, rồi đếm những hoa nắng đậu trên đó. Lượt ai nhiều hoa nắng hơn thì thắng. Phần thưởng là số những hoa nắng nhiều hơn. Cứ mỗi hoa nắng là một cái búng tai thật mạnh, đau điếng. Trò này cũng hên xui. Có đứa cả buổi sáng toàn thua, hết buổi chơi, hai tai đỏ tía như da gà trọi, thề là không thèm chơi nữa. Nhưng hôm sau lại đến sớm nhất để trả thù.
Buổi trưa, khi đã ăn qua quéo chi đó, chúng tôi lăn quay trên nền nhà mà ngủ. Trưa mùa hè thường rất oi bức, nhưng trong ngôi nhà tường đất, mái rạ không khí lại khá dễ chịu. Nền đất mát lạnh, ru chúng tôi vào giấc ngủ chập chờn. Tại sao tôi lại gọi là giấc ngủ chập chờn? Bởi cứ lúc chúng tôi thiu thiu ngủ, thì những con sâu đất từ dưới nền nhà lại cắn nháy một cái như muỗi đốt, khiến chúng tôi không thể nào yên. Tuy nền nhà láng bóng như vậy, nhưng thực chất vẫn có rất nhiều những lỗ nhỏ là tổ của những con sâu đất, mà chúng tôi gọi là con Công Cống. Khi chúng tôi nằm trên nền nhà, bịt kín miệng tổ làm hết khí thở, chúng chui lên cắn cho bõ tức. Không ngủ được, chúng tôi hè nhau câu công cống. Mồi câu là những nõn tre chúng tôi bứt ở ngoài bụi tre đầu ngõ. Những nõn tre này phần cuối màu vàng, mềm như bún. Chúng tôi cắm những nõn tre ấy xuống tổ của các chú sâu, rồi đợi. Chắc nõn tre là thức ăn khoái khẩu, nên chỉ khoảng một lát là chúng đã chui lên, ngoạm nõn tre rút xuống chén. Chỉ chờ vậy, chúng tôi giật mạnh nõn tre, các chú công cống văng lên trên mặt đất. Chúng tôi gom chúng vào cái lọ thủy tinh nhỏ, chờ ông bán kẹo kéo đến để đổi kẹo. Ông bán kẹo kéo nuôi con chim chi đó rất thích ăn loại sâu đất này. Mỗi lần đổi, ông đều vặt cho mỗi thằng một cái kẹo, dài bằng đốt ngón tay út. Tôi thề là trên đời này, không có bất cứ loại kẹo nào vừa ròn, ngọt, thơm ngát mùi va ni, như những cái kẹo kéo mà chúng tôi ăn, hồi hơn năm mươi năm về trước. Bằng chứng là khi đang viết những dòng này, tôi vẫn thấy mùi vị ngọt ngào của chúng lan chảy trên đầu lưỡi thơm nức...
Mùa đông đến, khi những cơn gió mùa đông bắc tràn về, bu tôi sai chúng tôi rút mấy ôm rơm từ cây rơm ngoài ngõ mang vào trong nhà. Bu tôi vuốt chúng thành những bó gần như bằng nhau, rồi trải từng bó, từng bó cho thật đều tạo thành một tấm thảm gần như hình vuông, mỗi cạnh khoảng 2m và dầy khoảng 30 phân. Chúng tôi gọi chúng là ổ rơm. Bu tôi trải lên tấm thảm đó một cái chiếu cũ để nằm. Còn cái chiếu mới thì để đắp. Dạo ấy nhà tôi không có bất cứ một loại chăn nào. Những đêm mùa đông cả nhà chúng tôi đều ngủ trong cái ổ rơm đó. Bu tôi nằm trong cùng, rồi đến tôi, tiếp theo là hai ông anh và ngoài cùng là thầy tôi. Tôi bé nhất thường được bu tôi ôm trong lòng, còn tôi thì ôm con mèo. Đến bây giờ tôi vẫn ngửi thấy mùi tóc của bu tôi thơm mùi lá chanh lá bưởi, hương nhu...ngan ngát đâu đây. Nằm chưa ấm chỗ là ba anh anh em tôi đã gây sự với nhau loạn xạ. Thầy tôi mấy lần phải phát vào đít mỗi đứa vài cái, nhưng chỉ được một lúc là chúng tôi lại lục đục...Thấy vậy bu tôi liền kể chuyện ma. Trời ơi, những đêm nằm trong ổ rơm, chùm chiếu kín đầu, cả căn nhà chìm trong màn đêm đen kịt, ngoài sân gió rét rú rít liên hồi...mà nghe kể chuyện ma, thì không còn gì tuyệt diệu hơn...và dễ sợ hơn!
Câu chuyện của bu tôi có tên là: Ma đi xin trầu:
...Nhà bà Bang nằm ở giữa xóm. Bà đã hơn bẩy mươi và ở một mình trong một căn lều nhỏ. Cũng một đêm mùa đông mưa gió, quá nửa đêm về sáng bà vẫn không ngủ được. Chợt nghe tiếng gõ ngoài cửa liếp cùng những tiếng gọi mơ hồ: Bà Bang ơi! Cho tôi xin miếng trầu!? Hình như bà hàng xóm.Trong cơn mơ màng, bà Bang nghĩ bụng rồi ngồi dậy, vặn to ngọn đèn Hoa Kỳ, làu bàu nói: Đêm hôm khuya khoắt thế này, mà còn trầu cau cái gì? Tuy nói vậy, bà vẫn đứng lên hé tấm liếp nói: Vào đi. Một người phụ nữ gầy tong teo, chùm khăn vuông đen kín mặt, quần áo phơ phất, lách mình qua khe hở của tấm liếp bước vào, mang theo một cơn gió lạnh buốt và một mùi thum thủm như tre ngâm. Bà Bang đinh ninh là bà hàng xóm, buổi chiều đi gánh phân chuồng ra đồng, lạnh quá không tắm giặt nên mới hôi như thế. Bà lôi cái âu đựng trầu, nhặt một miếng đưa cho bà khách. Khi bà khách nhận trầu, hai bàn tay chạm nhau trong giây lát. Bà Bang vội giật tay lại vì cảm giác lạnh ngắt, và nhớt như dớt ốc sên. Bà Bang lẩm bẩm: Khiếp lạnh như tay ma. Người đàn bà há mồm ra cười, nhưng không thành tiếng. Nhìn mặt người đàn bà, bà Bang hồn bay phách lạc. Người đàn bà không có mặt, chỉ là chiếc đầu lâu trắng toát, hai hố mắt sâu hoẳm, đỏ như hai hòn than, cái mồm không răng ngoác ra, xương hàm dưới cứ giật giật, như định cắn cái gì đó...
Meo! Meo! Con mèo kêu thất thanh nhẩy vọt ra ngoài, làm mọi người một phen náo loạn. Số là khi nghe đến cái đoạn đầu lâu, tôi hãi hùng siết chặt con mèo, nó đau quá mà kêu toáng lên. Nhưng điều tệ hại nhất là chính vì tiếng kêu đó, mà tôi lại tè dầm ra quần, làm bu tôi phải lần mò tìm thay cho tôi cái khác. Còn hai ông anh thì cười khúc kích, ôm chặt lấy nhau, quay lưng về phía tôi...Ôi cái ổ rơm và những con ma của những ngày thơ ấu...bây giờ ở đâu cả rồi?
Như tôi đã nói ở phía trên: Hai chái nhà tôi là hai cái buồng, đồng thời cũng là hai cái kho. Nơi đây có vô vàn những điều thú vị. Trong một góc là một cót thóc gồm hai lá cót chồng lên nhau đứng trong một cái nong vừa. Con mèo thường trú trên cót thóc, nên bọn chuột không dám bén mảng. Vì thành tích này, mà thi thoảng nó được bu tôi thưởng cho một con cá nướng, to bằng ngón tay, bắt ở ngoài ruộng. Cạnh cót thóc là một chum gạo. Bà chị gái thứ hai của tôi, lâý chồng ra ở riêng gần đầu làng, thỉnh thoảng lại về lấy lén mấy bơ gạo. Những lần ấy, chị đều đút lót tôi củ khoai nướng hoặc miếng sắn vừa luộc nóng hổi. Tất cả quần áo của mọi người, đều được vắt chung loạn xạ lên một cái sào treo sát tường. Nhưng dạo ấy rất ít quần áo nên khi tìm cũng dễ.
Khi máy bay Mỹ ném bom miền Bắc, thầy tôi đào một cái hố vuông to ngay giữa chái nhà. Cái hố này sâu khoảng mét rưỡi, bốn bên thành hố, thầy tôi khoét thêm mấy cái hầm ếch. Ông dặn chúng tôi khi máy bay ném bom thì chui vào nấp trong đó. Không đợi máy bay ném bom, bất cứ khi nào về nhà, Chúng tôi lập tức tuột theo cái thang, chui ngay xuống hầm. Dưới hầm có rất nhiều thứ có thể chén mà tôi vẫn nhớ đinh ninh: Một cái chum vừa vừa chứa đầy những miếng khoai lang khô thơm lựng. Mấy chùm khoai lang tươi, đang mọc những cái mầm tím ngắt. Một buồng chuối chín lốm đốm thầy tôi vừa chặt ngoài vườn, một quả mít được đóng nõ bằng cành xoan đã bắt đầu thơm thơm...Ở một góc hầm, có mấy hũ sành nhỏ nút lá chuối đựng rượu của thầy tôi. Chúng tôi chả bao giờ động tới, chỉ khi bà cô họ tới chơi, thì tôi mới rót cho bà một chén mắt trâu, theo lệnh của thầy tôi. Bà cô tôi nghiện nặng. Trên đời này với bà chỉ có thầy tôi và tôi là người tốt nhất, Vì thầy tôi có rượu, còn tôi thì luôn rót rượu cho bà!
Khi ông anh trai cả của tôi lấy vợ và sinh thằng cháu trai đầu tiên, thầy tôi mua một cái võng đay và treo nó giữa hai cái cột nhà. Tôi thỉnh thoảng có nhiệm vụ phải ru cháu ngủ. Lúc đó mới tám tuổi, nên tôi leo lên võng trước, sau đó chị dâu mới đặt thằng cháu nằm cạnh. Tôi kéo cái dây cho cái võng đưa tít mù, thằng cháu mắt mở thao láo ngó lên mái nhà, một lúc chắc nó chóng mặt nên thiếp đi. Đưa một lúc tôi cũng ngủ luôn, chỉ bừng tỉnh khi có ai đó dội nước vào mặt, nóng hổi và khai khai. Hóa ra là thằng cháu đã dậy từ lúc nào, đái vọt cần câu, cả bãi nước đái của nó mặt tôi hứng trọn!
Các buổi trưa hè sau khi có thằng cháu trai, chúng tôi không được nô đùa ầm ĩ như ngày xưa, vì phải yên lặng cho nó ngủ. Chúng tôi nằm dưới đất lắng nghe bu tôi ru cháu:
Con cò bay lả bay la
Bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng
Tình tính tang là tang tính tình
Anh chàng rằng là anh chàng ơi
Rằng có biết là biết hay chăng
Rằng có nhớ là nhớ hay không...
Không biết mọi người thì sao, chứ tôi thì nhớ lắm. Chỉ cần nhắm mắt lại trong chốc lát, tôi đã nhìn thấy muôn ngàn cánh cò trắng chấp chới bay ra từ lâu đài tuổi thơ, từ lời ru trên cánh võng của bu tôi, dập dìu trên những cánh đồng ngút ngát.
Mọi người cứ nhắm mắt lại trong chốc lát thử xem.
Huế tháng 4/2016
Hoàng Thảo chi.
(Trong tập: Vùng quê cổ tích)
Nhưng thật lạ, trong tâm hồn tôi: Ngôi nhà tuổi thơ...mới là lâu đài tuyệt diệu nhất. Lâu đài thần tiên, hạnh phúc long lanh và huyền ảo sắc màu cổ tích.
Ngôi nhà tuổi thơ của tôi, được bao quanh bằng những bức tường đắp bằng đất, cùng với bộ khung là những cột luồng to, và những cây tre thẳng tắp. Mái nhà được lợp bằng rạ dầy khoảng bốn năm mươi phân, và cứ khoảng ba năm thì thầy tôi và các chú lại lợp lại một lần.
Tôi nhớ dạo năm sáu tuổi, khi những chiếc răng sữa lung lay, tôi chờ khi nó đã thật mõm, thì buộc chỉ vào thân răng giựt mạnh một phát, cái răng bật ra. Tôi cầm chiếc răng, nhắm mắt thì thào nói: Chuột chuột chí chí...tao cho mày răng này, mày cho tao răng khác...rồi ném cái răng ấy lên mái nhà. Không biết bọn chuột có nghe thấy không? Nhưng mấy hôm sau cái răng mới đã bắt đầu nhú lên. Tôi tin tưởng tuyệt đối là cuộc trao đổi với lũ chuột đã thành công!
Căn nhà gồm ba gian hai chái. Gian chính giữa đặt bàn thờ ông bà, hai gian bên kê hai cái giường tre, hai gian chái là hai cái buồng. Ngoài hiên nhà, thầy tôi dựng ba cái giại làm bằng tre, tựa như ba bức bình phong che nắng. Ngoài ra còn có ba tấm liếp đan bằng nứa để che ba cửa ra vào, mỗi khi có giông bão hoặc những cơn gió lạnh mùa đông.
Tôi không biết ngôi nhà đã được dựng lên từ bao giờ? Nhưng tôi đã sống dưới mái ấm của nó, với những người thân yêu suốt cả tuổi thơ gian khó, cùng bao kỷ niệm êm đềm, kỳ ảo.
Trong ngôi nhà tuổi thơ, mọi xó, mọi nơi, tôi đều thuộc lòng. Và từng ngóc ngách của căn nhà ấy, chật đầy những những điều kỳ diệu tuổi thơ.
Trước tiên phải nói đến cái nền nhà. Thời ấy nền nhà không được lát gạch hoặc đá hoa như bây giờ. Nó chỉ là đất được đầm thật chặt. Cùng với thời gian, những người sống trong nhà đi mãi, đi mãi, mặt nền cứng như đá, đen nhánh như đánh si và láng bóng.
Bọn con nít chúng tôi chẳng bao giờ ngủ trên giường. Mùa hè, chúng tôi cởi trần ngủ ngay dưới nền nhà. Mùa đông cũng ngủ trên nền nhà, nhưng trên những cái ổ rơm, mà tôi sẽ nói ở phần sau.
Những ngày hè nghỉ học, mấy đứa anh em họ đều tập trung đến nhà tôi chơi. Buổi sáng thì chơi trò đếm hoa nắng, buổi trưa thì chơi trò câu sâu đất...tất cả đều trên nền nhà.
Nhà tôi nền cao, lại quay hướng đông, nên buổi sáng hầu như mặt trời chiếu xiên vào trong nhà. Qua những khe hở của những cái giại tre, những tia nắng chiếu vào trong nhà đều thành những đốm nắng hình ô van. Lúc đó cả nền nhà rực lên, y hệt một tấm nhung đen, với muôn vàn những hoa nắng lung linh huyền ảo. Cứ hai đứa một đội, một quyển vở. Chúng tôi lần lượt đặt quyển vở trên nền nhà ở các vị trí khác nhau, rồi đếm những hoa nắng đậu trên đó. Lượt ai nhiều hoa nắng hơn thì thắng. Phần thưởng là số những hoa nắng nhiều hơn. Cứ mỗi hoa nắng là một cái búng tai thật mạnh, đau điếng. Trò này cũng hên xui. Có đứa cả buổi sáng toàn thua, hết buổi chơi, hai tai đỏ tía như da gà trọi, thề là không thèm chơi nữa. Nhưng hôm sau lại đến sớm nhất để trả thù.
Buổi trưa, khi đã ăn qua quéo chi đó, chúng tôi lăn quay trên nền nhà mà ngủ. Trưa mùa hè thường rất oi bức, nhưng trong ngôi nhà tường đất, mái rạ không khí lại khá dễ chịu. Nền đất mát lạnh, ru chúng tôi vào giấc ngủ chập chờn. Tại sao tôi lại gọi là giấc ngủ chập chờn? Bởi cứ lúc chúng tôi thiu thiu ngủ, thì những con sâu đất từ dưới nền nhà lại cắn nháy một cái như muỗi đốt, khiến chúng tôi không thể nào yên. Tuy nền nhà láng bóng như vậy, nhưng thực chất vẫn có rất nhiều những lỗ nhỏ là tổ của những con sâu đất, mà chúng tôi gọi là con Công Cống. Khi chúng tôi nằm trên nền nhà, bịt kín miệng tổ làm hết khí thở, chúng chui lên cắn cho bõ tức. Không ngủ được, chúng tôi hè nhau câu công cống. Mồi câu là những nõn tre chúng tôi bứt ở ngoài bụi tre đầu ngõ. Những nõn tre này phần cuối màu vàng, mềm như bún. Chúng tôi cắm những nõn tre ấy xuống tổ của các chú sâu, rồi đợi. Chắc nõn tre là thức ăn khoái khẩu, nên chỉ khoảng một lát là chúng đã chui lên, ngoạm nõn tre rút xuống chén. Chỉ chờ vậy, chúng tôi giật mạnh nõn tre, các chú công cống văng lên trên mặt đất. Chúng tôi gom chúng vào cái lọ thủy tinh nhỏ, chờ ông bán kẹo kéo đến để đổi kẹo. Ông bán kẹo kéo nuôi con chim chi đó rất thích ăn loại sâu đất này. Mỗi lần đổi, ông đều vặt cho mỗi thằng một cái kẹo, dài bằng đốt ngón tay út. Tôi thề là trên đời này, không có bất cứ loại kẹo nào vừa ròn, ngọt, thơm ngát mùi va ni, như những cái kẹo kéo mà chúng tôi ăn, hồi hơn năm mươi năm về trước. Bằng chứng là khi đang viết những dòng này, tôi vẫn thấy mùi vị ngọt ngào của chúng lan chảy trên đầu lưỡi thơm nức...
Mùa đông đến, khi những cơn gió mùa đông bắc tràn về, bu tôi sai chúng tôi rút mấy ôm rơm từ cây rơm ngoài ngõ mang vào trong nhà. Bu tôi vuốt chúng thành những bó gần như bằng nhau, rồi trải từng bó, từng bó cho thật đều tạo thành một tấm thảm gần như hình vuông, mỗi cạnh khoảng 2m và dầy khoảng 30 phân. Chúng tôi gọi chúng là ổ rơm. Bu tôi trải lên tấm thảm đó một cái chiếu cũ để nằm. Còn cái chiếu mới thì để đắp. Dạo ấy nhà tôi không có bất cứ một loại chăn nào. Những đêm mùa đông cả nhà chúng tôi đều ngủ trong cái ổ rơm đó. Bu tôi nằm trong cùng, rồi đến tôi, tiếp theo là hai ông anh và ngoài cùng là thầy tôi. Tôi bé nhất thường được bu tôi ôm trong lòng, còn tôi thì ôm con mèo. Đến bây giờ tôi vẫn ngửi thấy mùi tóc của bu tôi thơm mùi lá chanh lá bưởi, hương nhu...ngan ngát đâu đây. Nằm chưa ấm chỗ là ba anh anh em tôi đã gây sự với nhau loạn xạ. Thầy tôi mấy lần phải phát vào đít mỗi đứa vài cái, nhưng chỉ được một lúc là chúng tôi lại lục đục...Thấy vậy bu tôi liền kể chuyện ma. Trời ơi, những đêm nằm trong ổ rơm, chùm chiếu kín đầu, cả căn nhà chìm trong màn đêm đen kịt, ngoài sân gió rét rú rít liên hồi...mà nghe kể chuyện ma, thì không còn gì tuyệt diệu hơn...và dễ sợ hơn!
Câu chuyện của bu tôi có tên là: Ma đi xin trầu:
...Nhà bà Bang nằm ở giữa xóm. Bà đã hơn bẩy mươi và ở một mình trong một căn lều nhỏ. Cũng một đêm mùa đông mưa gió, quá nửa đêm về sáng bà vẫn không ngủ được. Chợt nghe tiếng gõ ngoài cửa liếp cùng những tiếng gọi mơ hồ: Bà Bang ơi! Cho tôi xin miếng trầu!? Hình như bà hàng xóm.Trong cơn mơ màng, bà Bang nghĩ bụng rồi ngồi dậy, vặn to ngọn đèn Hoa Kỳ, làu bàu nói: Đêm hôm khuya khoắt thế này, mà còn trầu cau cái gì? Tuy nói vậy, bà vẫn đứng lên hé tấm liếp nói: Vào đi. Một người phụ nữ gầy tong teo, chùm khăn vuông đen kín mặt, quần áo phơ phất, lách mình qua khe hở của tấm liếp bước vào, mang theo một cơn gió lạnh buốt và một mùi thum thủm như tre ngâm. Bà Bang đinh ninh là bà hàng xóm, buổi chiều đi gánh phân chuồng ra đồng, lạnh quá không tắm giặt nên mới hôi như thế. Bà lôi cái âu đựng trầu, nhặt một miếng đưa cho bà khách. Khi bà khách nhận trầu, hai bàn tay chạm nhau trong giây lát. Bà Bang vội giật tay lại vì cảm giác lạnh ngắt, và nhớt như dớt ốc sên. Bà Bang lẩm bẩm: Khiếp lạnh như tay ma. Người đàn bà há mồm ra cười, nhưng không thành tiếng. Nhìn mặt người đàn bà, bà Bang hồn bay phách lạc. Người đàn bà không có mặt, chỉ là chiếc đầu lâu trắng toát, hai hố mắt sâu hoẳm, đỏ như hai hòn than, cái mồm không răng ngoác ra, xương hàm dưới cứ giật giật, như định cắn cái gì đó...
Meo! Meo! Con mèo kêu thất thanh nhẩy vọt ra ngoài, làm mọi người một phen náo loạn. Số là khi nghe đến cái đoạn đầu lâu, tôi hãi hùng siết chặt con mèo, nó đau quá mà kêu toáng lên. Nhưng điều tệ hại nhất là chính vì tiếng kêu đó, mà tôi lại tè dầm ra quần, làm bu tôi phải lần mò tìm thay cho tôi cái khác. Còn hai ông anh thì cười khúc kích, ôm chặt lấy nhau, quay lưng về phía tôi...Ôi cái ổ rơm và những con ma của những ngày thơ ấu...bây giờ ở đâu cả rồi?
Như tôi đã nói ở phía trên: Hai chái nhà tôi là hai cái buồng, đồng thời cũng là hai cái kho. Nơi đây có vô vàn những điều thú vị. Trong một góc là một cót thóc gồm hai lá cót chồng lên nhau đứng trong một cái nong vừa. Con mèo thường trú trên cót thóc, nên bọn chuột không dám bén mảng. Vì thành tích này, mà thi thoảng nó được bu tôi thưởng cho một con cá nướng, to bằng ngón tay, bắt ở ngoài ruộng. Cạnh cót thóc là một chum gạo. Bà chị gái thứ hai của tôi, lâý chồng ra ở riêng gần đầu làng, thỉnh thoảng lại về lấy lén mấy bơ gạo. Những lần ấy, chị đều đút lót tôi củ khoai nướng hoặc miếng sắn vừa luộc nóng hổi. Tất cả quần áo của mọi người, đều được vắt chung loạn xạ lên một cái sào treo sát tường. Nhưng dạo ấy rất ít quần áo nên khi tìm cũng dễ.
Khi máy bay Mỹ ném bom miền Bắc, thầy tôi đào một cái hố vuông to ngay giữa chái nhà. Cái hố này sâu khoảng mét rưỡi, bốn bên thành hố, thầy tôi khoét thêm mấy cái hầm ếch. Ông dặn chúng tôi khi máy bay ném bom thì chui vào nấp trong đó. Không đợi máy bay ném bom, bất cứ khi nào về nhà, Chúng tôi lập tức tuột theo cái thang, chui ngay xuống hầm. Dưới hầm có rất nhiều thứ có thể chén mà tôi vẫn nhớ đinh ninh: Một cái chum vừa vừa chứa đầy những miếng khoai lang khô thơm lựng. Mấy chùm khoai lang tươi, đang mọc những cái mầm tím ngắt. Một buồng chuối chín lốm đốm thầy tôi vừa chặt ngoài vườn, một quả mít được đóng nõ bằng cành xoan đã bắt đầu thơm thơm...Ở một góc hầm, có mấy hũ sành nhỏ nút lá chuối đựng rượu của thầy tôi. Chúng tôi chả bao giờ động tới, chỉ khi bà cô họ tới chơi, thì tôi mới rót cho bà một chén mắt trâu, theo lệnh của thầy tôi. Bà cô tôi nghiện nặng. Trên đời này với bà chỉ có thầy tôi và tôi là người tốt nhất, Vì thầy tôi có rượu, còn tôi thì luôn rót rượu cho bà!
Khi ông anh trai cả của tôi lấy vợ và sinh thằng cháu trai đầu tiên, thầy tôi mua một cái võng đay và treo nó giữa hai cái cột nhà. Tôi thỉnh thoảng có nhiệm vụ phải ru cháu ngủ. Lúc đó mới tám tuổi, nên tôi leo lên võng trước, sau đó chị dâu mới đặt thằng cháu nằm cạnh. Tôi kéo cái dây cho cái võng đưa tít mù, thằng cháu mắt mở thao láo ngó lên mái nhà, một lúc chắc nó chóng mặt nên thiếp đi. Đưa một lúc tôi cũng ngủ luôn, chỉ bừng tỉnh khi có ai đó dội nước vào mặt, nóng hổi và khai khai. Hóa ra là thằng cháu đã dậy từ lúc nào, đái vọt cần câu, cả bãi nước đái của nó mặt tôi hứng trọn!
Các buổi trưa hè sau khi có thằng cháu trai, chúng tôi không được nô đùa ầm ĩ như ngày xưa, vì phải yên lặng cho nó ngủ. Chúng tôi nằm dưới đất lắng nghe bu tôi ru cháu:
Con cò bay lả bay la
Bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng
Tình tính tang là tang tính tình
Anh chàng rằng là anh chàng ơi
Rằng có biết là biết hay chăng
Rằng có nhớ là nhớ hay không...
Không biết mọi người thì sao, chứ tôi thì nhớ lắm. Chỉ cần nhắm mắt lại trong chốc lát, tôi đã nhìn thấy muôn ngàn cánh cò trắng chấp chới bay ra từ lâu đài tuổi thơ, từ lời ru trên cánh võng của bu tôi, dập dìu trên những cánh đồng ngút ngát.
Mọi người cứ nhắm mắt lại trong chốc lát thử xem.
Huế tháng 4/2016
Hoàng Thảo chi.
(Trong tập: Vùng quê cổ tích)
Tin cùng chuyên mục
Phần tặng vô giá
23/04/2016
Sự lựa chọn tất yếu
20/04/2016
Chương 23. ĐƯỜNG ỐNG THẦN KỲ - Tiếp SẬP HẦM
18/04/2016
Chương 19. NGƯỜI ĐẸP NỔI GIẬN – tiếp SẬP HẦM
14/04/2016