Nhà bếp của bu tôi
Bây giờ, nhiều bạn trẻ không thể hình dung ra cái nhà bếp đã hiện hữu trong đời sống của ông bà, cha mẹ của họ ngày xưa như thế nào? Nó không chỉ đơn thuần là nơi để nấu cơm, nấu thức ăn... chiếm một góc nhỏ trong ngôi nhà như bây giờ. Mà nó là cả một thế giới, chứa đựng vô vàn những dấu ấn của nền văn minh lúa nước của người Việt. Cái nhà bếp của bu tôi có tất cả những điều ấy.
Phần một: Cối xay lúa.
Sau khi viết xong “Lâu đài tuổi thơ”...mô tả về ngôi nhà tôi đã sống qua thời thơ ấu, lập tức tôi muốn viết về cái bếp thuở ấy. Trước tiên là phải đặt tên cho bài viết. Chẳng lẽ đặt là: Cái bếp! Nghe chừng cụt lủn, chẳng văn chương chút nào! Tôi đành bỏ bút mà nghĩ ngợi.
Dạo tôi bé tý, nhà tôi quay hướng Đông, còn nhà bếp quay hướng Nam, tạo thành một góc vuông. Nhớ đến nhà bếp, lập tức tôi thấy hình ảnh của bu tôi xuất hiện. Cứ ra đồng thì thôi, chứ đã trở về nhà, thì bu tôi lại lụi cụi làm tất cả các công việc liên quan đến nhà bếp: Nấu cơm, xay lúa, giã gạo, giần sàng, cho trâu bò, lợn gà ăn... Bu tôi quần quật trong bếp, ngoài sân đến tận chín mười giờ đêm mới đi nằm. Bà chính là linh hồn của nhà bếp. Vậy tôi quyết định đặt tên cho bài viết này: NHÀ BẾP CỦA BU TÔI.
Bây giờ, nhiều bạn trẻ không thể hình dung ra cái nhà bếp đã hiện hữu trong đời sống của ông bà, cha mẹ của họ ngày xưa như thế nào? Nó không chỉ đơn thuần là nơi để nấu cơm, nấu thức ăn... chiếm một góc nhỏ trong ngôi nhà như bây giờ. Mà nó là cả một thế giới, chứa đựng vô vàn những dấu ấn của nền văn minh lúa nước của người Việt. Cái nhà bếp của bu tôi có tất cả những điều ấy.
Một phần ba diện tích nhà bếp, được bố trí làm nơi xay lúa và giã gạo. Thời bây giờ ở thành phố người ta ra các cửa hàng để mua gạo. Không mấy ai đặt câu hỏi: Gạo này đã được làm ra như thế nào? Ở nông thôn thì người ta chở thóc đến chỗ có những máy xay sát. Chỉ mươi phút bao thóc đã biến thành gạo trắng tinh, phần vỏ trấu và cám riêng biệt. Mọi thứ đều rất dễ dàng. Nhưng năm sáu mươi năm về trước, mọi thứ đều rất gian khổ. Để có hạt gạo nấu cơm, trước tiên phải cho thóc vào các cối xay để xay.
Cối xay lúa được các ông phó cối chế tạo. Tôi có ông bác đằng ngoại chuyên làm nghề đóng cối. Nghề này thuở ấy rất được coi trọng. Trong hai ba ngày có thợ đóng cối, gia chủ đều khoản đãi ông phó cối rất chu đáo và hậu hĩnh. Mỗi khi ông bác lên làng tôi đóng cối cho ai đó, tôi đều được phép đi theo phụ giúp, nên tôi khá rành về việc chế tác cối xay của ông.
Cối xay lúa có hai thớt hình trụ, mỗi thớt cao khoảng bốn năm mươi phân chồng lên nhau. Thành ngoài hai thớt cối được kết bằng những vòng tre hình tròn, bên trong nhồi đất sét thật kỹ rồi đóng các dăm gỗ nhãn thật đều, thật chặt theo một kỹ thuật mà chỉ ông phó cối mới biết. Chúng liên kết với nhau qua một cái trụ bằng gỗ hình tròn được định vị chắc chắn đúng giữa tâm thớt phía dưới. Cái trụ gỗ ấy gọi là ngõng cỗi. Cái thớt phía dưới gọi là thớt đực. Thớt này thường ngắn hơn thớt phía trên. Thớt phía trên được tạo một khoảng lõm tựa cái phễu, chỗ đó để chứa thóc khi xay. Thớt này có một thanh gỗ đặt ngang xuyên qua vành tre, trên thanh gỗ được khoét ba lỗ tròn. Một lỗ chính giữa để ngõng cối xỏ lên. Hai lỗ sát bên ngoài của thanh gỗ gọi là tai cối. Khi xay người ta cắm cái mỏ của cái giằng xay vào cái lỗ đó để kéo cối chuyển động theo chiều kim đồng hồ. Cái giằng xay là một phần không thể thiếu của cái cối xay, nên không thể không kể qua về nó. Cái giằng xay thường làm bằng gỗ, hoặc tre. Nó là một cái đòn, đường kính năm sáu phân, chiều dài khoảng hơn một mét. Phần cuối được chốt vuông góc vào giữa một đoạn gỗ khác dài khoảng hơn năm mươi phân. Phần này gọi là đuôi giằng xay. Khi xay lúa, một người hoặc hai người bám vào đây để kéo cối xay. Đuôi giằng xay được buộc một sợi dây thừng rồi treo lên xà bếp. Dây thừng giữ giằng xay, giúp người xay đỡ mỏi tay. Đầu giằng xay, cố định với một miếng gỗ, tạo ra cái mỏ, cái mỏ đó cắm vào lỗ tai cối xay khi xay lúa.
Cối xay được đặt lên hai thanh đỡ có bốn chân bằng tre. Dưới gầm cối đặt một cái nia để để hứng gạo. Hai phần ba thân cối được che bởi cái váy cối đan bằng tre để gạo khỏi bắn ra ngoài.
Tôi nhớ là đã thắc mắc hỏi bác: Tại sao thớt dưới gọi là thớt đực. Bác tôi sờ vào cái ngõng cối tỉnh bơ giải thích: Thì nó có cái này giống như cái ấy của cu vậy!!! Tôi ngượng tê cả người vì có mấy cô bạn gái trong xóm học lớp bốn cùng tôi, đang ngồi xem. Chúng cấu nhau cười rúc rích, tôi thấy cháy bỏng cả lưng. Hôm sau đi học, chúng gọi tôi là: Ngõng cối! Tôi giận bác tôi đến mấy tháng và luôn tránh mặt bọn con gái.
Vì còn quá bé, tôi không bị giao công việc xay lúa bao giờ. Hai ông anh trên tôi thường được bu tôi giao cho việc đó. Có lần hai anh tôi mới xay được nửa thúng thóc thì bầy bi ra đánh. Tôi cũng xúm vào xem. Bọn gà được một phen no nê, bới tung cả nia gạo. Đang say đánh bi thì thầy tôi đột ngột từ ngoài đồng trở về. Thấy cảnh nia gạo tan hoang, thầy tôi lắc đầu, không nói năng chi, lẳng lặng đi vào trong buồng. Chúng tôi lấm lét nhìn nhau. Hai anh tôi xúm vào kéo cối xay như trâu lồng. Chốc lát, thầy tôi từ trong buồng bước ra, trên tay bưng một thúng thóc đầy ự. Đặt thúng thóc xuống cạnh cối xay, ông nói:
- Hai đứa đưa tất cả các hòn bi cho thầy. Từ giờ đến trưa, xay hết đám thóc này. Trưa bu về sàng, chiều hai đứa giã cho xong. Tối, thầy cần một ít gạo mang đi góp giỗ bà ngoại.
Hai ông anh moi túi, nộp những viên bi thủy tinh có quả khế lấp lánh bên trong với thái độ tiếc rẻ. Thầy tôi cầm những viên bi bước ra ngoài sân, tôi liếc nhìn, hình như ông tủm tỉm cười.
Khi thầy tôi đi khỏi, tôi bị một ông anh véo tay bảo: Tao đã bảo mày trông gà rồi cơ mà. Cú véo tai ấy đau đến tận bây giờ. Tôi thề là cả hai ông chẳng ai nói với tôi điều ấy. Thỉnh thoảng về quê, uống vài chén xong, tôi lại khiếu kiện điều đó. Ông anh tôi chối tội: Thì ai mà nhớ được. Bọn con cháu cười váng nhà.
Tiếng cối xay ù ì, ù ì rền rĩ ngân lên từ quá khứ. Tôi lại thấy anh tôi với gương mặt trẻ măng, thời mười lăm mười sáu tuổi, bước ra từ hình hài ông lão gần bẩy mươi, gầy tong teo, tóc bạc phơ...thoăn thoắt chạy quanh sân, cùng chúng tôi nô đùa, hò hét vang trời.
Những viên bi lấp lánh, cái cối xay ù ì, đám gà ăn quẩn cối xay...đã xa lắm rồi. Nhưng với tôi, chỉ quờ tay ra là với được.
Phần hai: Cối giã gạo, chái bếp và những ông đầu rau
Lại kể tiếp chuyện xay lúa. Khi thầy tôi đi khỏi, hai ông anh tôi bắt đầu kéo cối xay như ma ám. Nhưng chỉ được một lúc hai anh lại cãi nhau. Ông nọ bảo ông kia kéo yếu! Cãi lộn mãi không xong, một ông nảy ra sáng kiến: Mỗi người kéo một trăm vòng. Tôi được phân công làm trọng tài đếm. Thật là khổ hết chỗ nói. Tôi phải tập trung cao độ để đếm từng vòng. Đến vòng cuối cùng, kết thúc hai thúng lúa, tôi nằm vật ra thở. Còn mệt hơn cả kéo cối xay.
Cái cối giã gạo nằm sát cạnh tường bếp, nó được làm từ một cây gỗ chi đó dài khoảng hơn hai mét. Thân cây gỗ được đẽo tròn hoặc vuông, đường kính khoảng hơn hai mươi phân. Cây gỗ chia làm hai đoạn. Đoạn cuối (bằng một phần ba cây gỗ) gọi là đít cối. Người ta đục một lỗ qua thân gỗ (phần bắt đầu của đít cối) rồi xuyên qua một đoạn gỗ tròn, tạo thành hai tai cối. Hai tai cối được đặt lên một tấm đá hình chữ u, hai bên khoét hai lỗ vừa khít tai cối. Dưới đít cối người ta đào một cái hố sâu khoảng gần một mét. Trên phần đít cối, mấy sợi dây thừng được treo lên, để khi giã gạo người ta đu vào đó để giữ thăng bằng. Ở đầu chót của cây gỗ, người ta gắn một cái mỏ cối cũng bằng gỗ, đường kính khoảng hơn mười phân, vuông góc với cây gỗ và mặt đất. Cái này gọi là cái mỏ cối. Mỏ cối dài khoảng năm sáu mươi phân, đầu dưới bịt bằng sắt. Dưới mỏ cối người ta đặt lộ thiên hoặc chôn dưới đất một cái cối đá to hình phễu, đựng gạo cần giã. Khi giã gạo, một hoặc hai, thậm chí cả ba người đứng hai bên, giận lên đít cối làm cho đầu cối cao vổng lên. Khi đến ngưỡng, người ta đồng loạt bỏ chân ra. Cái đầu cối tự động rơi xuống, cái mỏ cối giáng xuống đám gạo một tiếng thịch nặng nề. Cứ thế giã mãi, đến khi sờ thấy mát tay, cám mịn, gạo trắng bóc là được.
Buổi trưa, khi đã ăn cơm xong, bu tôi lật đật đi sàng gạo. Dụng cụ sàng gạo gồm một cái nia, cái sàng và một hai cái thúng. Cái giần, cái sàng hình thức giống nhau (Hình tròn, đan bằng tre, đường kính khoảng năm sáu mươi phân), nhưng cái giần thì đan các mắt sít nhau, chỉ đủ hạt cám và hạt tấm lọt qua. Còn cái sàng thì mắt thưa hơn, đủ cho hạt gạo lọt xuống.
Chuẩn bị gạo sau khi xay để giã thì dùng cái sàng. Khi sàng, bu tôi lắc đều tay, cái sàng rung lên, tạo thành những vòng tròn uyển chuyển như múa, gạo thì lọt xuống dưới nia, còn trấu và những hạt thóc chưa vỡ tụ lại giữa tâm sàng và được loại ra. Khi gạo đã giã xong thì dùng cái giần để giần, tách gạo và cám. Gạo lúc ấy coi như đã có thể nấu cơm. Nhiều người cố công học mà không thể giần sàng cho đẹp, cho khéo. Ở làng tôi, các bà muốn thử các cô gái chỉ cần nhờ họ sàng hộ chút gạo. Nhìn vòng xoay của cái giần cái sàng, cùng dáng ngồi của các cô là biết ngay sự khéo léo, nết na của họ. Tôi đã trố mắt ngạc nhiên khi nghe bu và dì tôi nói về điều này. Thì ra nết ăn nết làm của người nhà quê là vậy.
Nếu như một đầu nhà bếp là nơi đặt cối xay và cối giã gạo, thì đầu đối diện luôn là cái chái bếp. Chái bếp chính là cái kho nhỏ chứa tất cả các công cụ làm việc đồng của gia chủ. Chái bếp nhà tôi như một bảo tàng nhỏ. Ở một góc có hai cái cày. Cái cũ có tên là cầy Chìa vôi, bởi nó có cái lưỡi nhỏ và tựa như cái chìa vôi vậy. Cái mới có tên là Năm mốt. Cái này, thân cày và lưỡi cày to gấp đôi cày Chìa vôi. Chắc là khi dùng thì năng xuất sẽ cao hơn cày chìa vôi. Nhưng sao nó có tên là Năm mốt...thì tôi chịu. Trên vách treo lủng một bộ vai cày, cái bắp cày được dựng sát vào góc chái. Cái bừa cũng được xếp sát chân tường, cùng một lũ những mai, móng, cuốc xẻng, liềm hái cùng hai ba bộ quang gánh bằng tre có mấy cái đòn gánh, đòn càn, đòn xóc bắc ngang. Mấy cái gầu dai và gầu sòng, dựng bên cạnh hai ba cái áo tơi lá của thầy bu tôi treo ở một góc nào đó. Tôi hay chui vô chúng mỗi khi chơi trốn tìm. Tôi vẫn còn nhớ mùi mồ hôi của thầy bu tôi nồng nồng mùi bùn đất, rơm rạ, thóc lúa, mùa vụ tỏa ra từ những cái áo tơi. Đấy là mùi quê hương, theo tôi suốt cả cuộc đời.
Phần giữa là trung tâm của nhà bếp, nơi đặt những ông đầu rau để nấu những bữa ăn hằng ngày. Cứ ba ông đầu rau tạo thành một bếp, nhà tôi có ba bếp, chín ông đầu rau. Các ông đầu rau này được thầy tôi làm bằng đất sét nhào kỹ, phơi thật khô. Mỗi năm thay mới một lần vào rạng sáng ngày 23 tháng Chạp, ngày cúng đưa ông Táo về trời họp. Những ông đầu rau cũ được ném xuống ao hồ, một hình thức tiễn đưa các ông ý về trời. Hầu hết các bữa ăn đều do bu tôi đảm trách, nhưng khi bu tôi bận, một ông anh trai được ủy thác và thế nào tôi cũng bị kéo vào việc. Dạo đó đun bếp chỉ bằng rơm rạ. Anh tôi đun hai bếp, một nồi cơm, một nồi canh. Tôi được giao đun ấm nước. Cái ấm nước đó bằng đồng, to tướng và giầy kịch. Mùa hạ oi bức vô cùng, ngồi sát bếp lửa cháy rừng rực, thật là một cuộc tra tấn khủng khiếp. Tôi vừa đút rạ vào bếp, khều than cho ngọn lửa cháy to, vừa lấy cái que đun gõ lên cái thành ấm cong cong, vô cùng sốt ruột. Sau này, khi đã đi thoát ly, khi trở về thăm nhà, tôi hay mang cái ấm đồng đó ra coi, trên thành ấm vẫn còn vệt lõm mà suốt cả tuổi thơ tôi đã gõ trong bếp. Tôi tiếc đến vô cùng là cái ấm đó đã bị bán cho đồng nát tự bao giờ.
Cái khó nhất trong những lần nấu cơm đó là làm sao vùi để nồi cơm thật chín, không khê, không sống. Khi cơm sôi, ông anh tôi cho bớt rạ để ngọn lửa nhỏ đi, lấy đôi đũa cả đảo gạo đều một lần. Tiếp tục đun lom rom, đến khi kiệt nước, đảo thêm một lần nữa, khỏa cho mặt nồi cơm thật đều, đậy vung lại rồi bắc nồi cơm đặt giữa đống tro đang hồng rực. Chúng tôi tiếp tục cời tro ở các bếp đang đun phủ thêm cho nồi cơm một lớp tro dầy. Chỉ khoảng hơn chục phút sau, mùi cơm chín thơm ngát tỏa ra, chúng tôi mới yên tâm nhảy xuống ao tắm.
Từ sau bữa cơm tối, bu tôi tiếp tục làm việc trong bếp đến tận chín giờ đêm. Bà băm bèo, thái cây chuối để nấu một nồi cám thật lớn, cho đàn lợn mới đẻ hơn chục con lít nhít. Khi đun nồi cám, bu tôi luộc luôn nồi khoai lang. Đây là bữa sáng cho gia đình ngày hôm sau. Nhiều khi bu tôi còn nướng mấy củ sắn nhỏ, bởi bà biết khoảng chín giờ đêm, thế nào tôi cũng chạy về nhà xin ăn một thứ gì đó...
Mùa hạ ít ai muốn vào bếp. Nhưng mùa đông thì ngược lại. Nhất là những ngày giáp tết Âm Lịch. Viết đến đây, tôi ngửi ngay thấy mùi rượu thơm lừng từ cái nồi nấu rượu của thầy tôi. Nồi nước luộc lòng lợn ngày Ba mươi Tết sôi sùng sục, bung tỏa mùi lòng chín thơm chun mũi. Nồi bánh chưng sôi rền rĩ suốt cả đêm, tôi buồn ngủ díp mắt, còn bu tôi vẫn tỉnh như sáo, cho đến khi tiếng pháo giao thừa rộn rã khắp nơi. Tôi tỉnh dậy, bu cho tôi cái chưng vét (vét những gạo, đỗ, thịt còn sót lại) bé bằng nắm tay, tôi ăn ngấu nghiến. Tôi thề là trên đời này tuyệt đối không có thứ bánh nào ngon hơn cái bánh chưng vét, của tôi thuở ấy.
...Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua. Cái nhà bếp của bu tôi đã không còn nữa. Thầy bu tôi đã về với cõi ngàn thu. Mấy anh em tôi tóc râu cũng đã trắng màu sương tuyết. Nhưng bếp lửa mà bu tôi nhen nhóm, nuôi dưỡng thuở xưa, vẫn mãi cháy hồng trong ký ức chúng tôi.
Tháng Năm 2016
Hoàng Thảo Chi
(Trong tập: Vùng quê cổ tích)