Giã hận
Cả cuộc đời dài dằng dặc của mỗi con người, kể từ khi còn non trẻ, cho đến lúc về già hẳn ai ai cũng từng mang trong lòng những vui buồn, oán giận. Thậm chí cả những mối hận thù tưởng chừng khó phai nhạt trong tim. Trong đó phải kể đến hận tình, hận một vài cá nhân nào đó và… hận đời. Chỉ đến khi đứng tuổi, có nghĩa là phải mất một thời gian dài chiêm nghiệm và suy xét mới thấy cái sự hận của mình nhiều khi nó ngô nghê, vô lối và mang dáng dấp tầm thường. Biết vậy, nhưng với những ai hay tự ái và cố chấp (trong số đó có tôi), thì những gì được xem là bị xúc phạm sẽ không dễ một sớm, một chiều mà nguôi ngoai, tha thứ được, nếu…
Số là năm ấy, chính xác là tháng 9 năm 1971. Tôi vừa thi tốt nghiệp cấp ba xong. Điều làm tôi mừng là mình đã đỗ, đỗ với số điểm tương đối cao. Trong khi phải đến một phần ba khối 10 bị trượt, kể cả cô bạn gái Thu Mai của tôi trước đó lực học thuộc loại khá, vậy mà cũng dẫm phải vỏ chuối nên hai cẳng đành giơ lên trời. Thu Mai thẹn thùng, xấu hổ và tủi thân bao nhiêu thì tôi lại tự hào và tơn tớn bấy nhiêu. Những lúc gặp nhau, tôi chỉ biết an ủi, động viên cô nàng mỗi một câu: Thôi, học tài, thi phận mà Mai. Đúp một năm đã chết ai, học lại kiến thức càng vững, sang năm chắc chắn sẽ đỗ thôi. Những lúc như thế, Thu Mai chỉ biết chớp chớp mắt và cắn môi ậm ừ tít trong cuống họng.
Thế rồi tôi làm hồ sơ vào trường Đại học sư phạm Việt Bắc. Phải nói hồi đó dễ ợt, chẳng cần phải thi cử gì, miễn là có tấm bằng tốt nghiệp cấp ba. Và chừng nửa tháng sau, hôm ấy tôi đang đi làm cỏ lúa cùng mẹ và bà con đội tổ ngoài cánh đồng Chẩu thì cái Liên em gái hớt ha, hớt hải chạy ra cười toe toét phô:
- Anh Khánh ơi, anh được trúng tuyển vào Đại học rồi, giấy báo đây này. Vừa nói, con bé vừa cầm chiếc phong bì to bằng nửa chiếc quạt cọ vẫy vẫy trước thảm lúa đang thời kỳ xắp làm đòng, xanh mướt mát.
Khỏi phải nói tôi mừng như thế nào, suýt nữa thì phát điên, bởi đã từ lâu tôi luôn ấp ủ ước mơ được làm thầy giáo. Và trong thâm tâm, nghề dạy học nó cao quý lắm. Mưa không đến áo, nắng chẳng đến đầu đã đành. Lại đi đến đâu cũng được mọi người cung kính, lũ học trò một điều thưa thầy, hai điều thưa thầy, nghe mà mát ruột, mát gan làm sao. Nhất là những hôm nhìn thầy Trần Trọng Chính hay thầy Nguyễn Đức Sản đầu tóc chải ngôi bóng mượt, quần áo sơ vin phẳng phiu dắt chiếc xe Fafôluýt hoặc chiếc Phượng Hoàng màu cánh chả đến lớp giảng bài khiến tôi phát thèm. Chao ơi, thời buổi đất nước đang tơi bời lửa đạn chiến tranh. Bữa cơm chỉ lấy sắn, khoai làm trọng và áo quần chỉ biết dựa vào mấy mét vải tem phiếu. Vậy mà các thầy cô vẫn Tuýp Si, Ka Ki, Sa tanh Nam Định và dép nhựa Tiền Phong mới chững chạc và sang trọng làm sao. Nay mình được trúng tuyển vào Đại học Sư phạm, đồng nghĩa với việc chỉ sau bốn năm dùi mài con chữ. Ra trường, khi ấy cái danh “ Ông giáo” chắc chắn trong lòng bàn tay. Nghĩ đến đấy, lòng tôi cứ nhẹ bẫng, lâng lâng. Dưới cái nắng vàng như mật ong rừng của mùa thu đổ loang lổ xuống sân gạch trước nhà. Tôi mơ hồ nhìn lên bầu trời xanh thăm thẳm, tự ví mình như con chim xắp đủ lông, đủ cánh. Ngày mai thôi, mình sẽ thỏa sức bay cao, bay xa…xa mãi tới một chân trời nào đó. Nói cách khác, chỉ sau bốn năm chuyên tâm học tập trên ghế trường Đại học Sư phạm. Mình sẽ là thầy giáo hẳn hoi, rất chững chạc, đàng hoàng và cao đạo cắp chiếc cặp đen lét bước lên bục giảng. Dưới kia, mấy chục mái đầu xanh và hàng trăm con mắt long lanh, sáng như những ngọn nến, im phăng phắc nghe thầy truyền thụ kiến thức. Đời người, như thế chả mãn nguyện bình sinh lắm sao ?
Ngày nhập học đã định, những vật dụng, tư trang như hòm “ khóa chuông”, chăn màn, quần áo, khăn mặt, bót díp…đã được bố mẹ cùng anh chị em trong nhà lo liệu chu tất. Chiều, ông bố tôi bê tải lúa lên chiếc xe đạp cà tàng để ra Cửa hàng lương thực huyện làm thủ tục cắt khẩu. Cũng đồng thời ông cụ không quên giục tôi ra ngay ủy ban nhân dân xã làm các thủ tục, giấy tờ theo quy định. Vừa bước vào trụ sở, tôi đã thấy mọi người bàn tán xôn xao về tình hình chiến sự miền Nam. Đặc biệt là, lại mấy trường hợp có giấy báo tử trên vừa đưa về và xắp tới có đợt tuyển quân. Tôi nghe câu được, câu chăng, vì đang bận chúi mũi vào ông Trưởng ban công an làm giấy cắt khẩu. Chỉ còn chụp con dấu đỏ chót vào dưới hàng chữ: TM UBND xã…là xong. Bỗng có tiếng nói gần như quát:
- Khoan, trường hợp anh Khánh dừng lại.
Tôi giật nảy mình, té ra là ông Chủ tịch xã Trần Ngọc. Ông Ngọc chừng ngót năm mươi tuổi, người ngoài xóm Trại.Với nét mặt nghiêm nghị pha chút lạnh lùng, ông ta đẩy chiếc ghế ba nan cong đến bên tôi nói đóng sống:
- Nhà cậu có ba anh em trai, nhưng chưa có ai đi làm nghĩa vụ quân sự, cậu phải ở lại.
Tôi nghe mà cứ tưởng sét đánh ngang tai, mặt ngây như phỗng. Hình như có dòng xung điện chạy suốt sống lưng lên tới đỉnh đầu. Cái mặt đang hớn hở, tơn tớn là thế, nay xanh tái như gà bị cắt tiết. Tôi cố trấn tĩnh và định thét lên: Không, tôi phải đi học Đại học, các người không được giữ. May mà kìm chế được. Đọc thấy phản ứng của tôi thông qua đôi mắt, ông Chủ tịch Trần Ngọc nở nụ cười đôn hậu và khẽ đặt tay lên vai tôi ôn tồn:
- Bác biết cháu là người ham học và việc đi học Đại học là hoàn toàn chính đáng, rất đáng được trân trọng và hoan nghênh. Nhưng, đất nước đang có giặc mà nhiệm vụ tiêu diệt quân thù, tổ quốc đã đặt lên vai thế hệ trẻ – Ngừng một lát như thử xem thái độ của kẻ đang đứng đực ra là tôi, ông Chủ tịch chầm chậm:
- Đợt tới cháu sẽ đi bộ đội, môi trường quân đội cũng chính là Trường Đại học tổng hợp lớn nhất của thế hệ trẻ. Cháu hãy vui vẻ và cố gắng lên.
Thấy ông ta có vẻ dễ tính, sởi lởi. Tôi cà trớn:
- Thì bác cứ để cháu lên trường nhập học, chứ hẹp hòi làm gì ? Lên đó nếu phải đi bộ đội thì cháu sẽ xin chấp hành.
Nghe tôi nói thế, cứ tưởng ông Ngọc xuôi tai, nào ngờ ông ta gầm lên:
- Cái gì, anh bảo cái gì ? Anh bảo ai hẹp hòi, hả ? Là đoàn viên thanh niên mà anh dám bảo: Nếu phải đi bộ đội. Như thế thử hỏi ý thức trách nhiệm, lập trường tư tưởng và vai trò đầu tàu của người đoàn viên đối với đất nước anh để ở đâu, hả ?
Thực tình là do tôi nhỡ mồm, nhưng vì bức xúc quá nên dùng từ ngữ sai. Giờ nghe ông Chủ tịch xã quát mắng khiến cho tôi chết đứng, suýt nữa tè ra quần. Biết mình yếu thế, tôi chẳng kịp lấy lại số giấy tờ trên bàn ông Phó chủ tịch, vùng ra về như bị ma đuổi. Về đến nhà, tôi đổ xuống chiếc phản làm bằng gỗ mít ở giữa nhà, ôm mặt khóc rống lên như con bò bị chọc tiết. Trời ơi, giấc mộng được làm thầy giáo của tôi bỗng tan thành mây khói. Niềm tự hào và kiêu hãnh đối với lũ bạn đồng trang, phải lứa về sự đổi đời nay trở thành trò cười. Thử hỏi như thế có nhục nhã, bẽ bàng không ? Càng nghĩ, càng tự dằn vặt mình bao nhiêu, tôi lại càng căm ghét và thù hận ông Chủ tịch Trần Ngọc bấy nhiêu. Tôi căm ghét đến độ, từ bữa ấy bất cứ gặp ông ta ở đâu đều cố ý tránh hoặc nếu phải giáp mặt cũng không thèm chào hỏi, dù chỉ là máy môi.
Biết mình sớm muộn gì cũng khoác áo lính, tôi quyết định viết đơn xin đi bộ đội. Phần cho nó oai và phần nữa là để cho bàn dân thiên hạ biết tôi cũng rắn giỏi, không thuộc diện hèn đớn như một số kẻ tìm cách né tránh, “ B quay”. Trong lá đơn còn có đoạn: “ Tôi không sợ gian khổ, hy sinh, sẵn sàng ôm súng xông pha nơi chiến trường lửa đạn, dẫu có phải thịt nát, xương tan…”
Lá đơn tôi gửi lên xã đội được mấy hôm thì đúng là mong được, ước thấy. Ngày 18 tháng 9 năm 1971 tôi nhận được lệnh nhập ngũ. Thực tình khi ấy trong tôi cứ buồn vui lẫn lộn. Vui vì mình xắp là người lính, thậm trí sẽ là anh giải phóng quân. Anh giải phóng quân trong bộ quần áo Tô Châu xanh màu lá rừng, đầu đội mũ tai mèo, chân đi dép cao su, khoác khẩu súng AK hiên ngang trên trận tuyến. Thử hỏi có hình tượng nào đẹp bằng và buồn vì phải xa bố mẹ, anh em, bạn bè và quê hương với biết bao nhiêu kỷ niệm đầu đời, ít ngọt bùi, quá nhiều cay đắng của cái thời khốn khó.
Đêm ấy, cũng phải khéo léo đặt vấn đề chán, Thu Mai mới nhận lời đi chơi với tôi. Hai đứa cứ đi lòng vòng quanh cái xóm Xộp đầy đá sỏi lạo xạo dưới chân. Đến bãi cây sở khu Nhà Căng thì chẳng ai bảo ai, cùng ngồi xuống. Trời cuối Thu cao xanh lồng lộng, trăng hạ tuần đã tụt xuống rặng núi Lưỡi Hái phía xa, chỉ còn ngàn vạn ngôi sao nhấp nháy như mắt con gái. Gió nồm Nam thổi mát rượi, khẽ hất tung mái tóc Thu Mai táp vào mặt tôi. Hương bồ kết, hương lá bưởi từ mái tóc của nàng nồng nàn, khuyến rũ phả vào cánh mũi, khiến cho tôi thấy xao xuyến, ngất ngây. Hai đứa rất chừng mực, kể cả khoảng cách ngồi. Thì nào đã có gì với nhau đâu ngoài cảm giác bịn rịn, quý mến theo kiểu phải lòng mặt thế thôi. Lúc lâu tôi khơi mào:
- Mai mốt mình vào bộ đội và chắc chắn sẽ ra chiến trường. Chả biết người ở nhà có nhớ nhau không ?
Thu Mai hai tay đan vào nhau ôm gối thật thà:
- Khánh vào bộ đội và Mai cũng khăn gói lên Lạng Sơn du học, thế là chúng mình cùng xa quê.
Tôi ngạc nhiên:
- Thu Mai bảo sao cơ, lên Lạng Sơn làm gì ?
Thu Mai thầm thì như nói với chính mình:
- Bị trượt cấp ba, giờ học lại cũng ngượng lắm. May mà có ông anh con bác làm hiệu phó trên đó nhận giúp đỡ, nên…
Giờ thì tôi đã vỡ ra, Thu Mai quyết tâm có tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 bằng mọi giá. Chắc hẳn lên trên đó, học lực cô nàng sẽ nổi trội…Nghĩ đến đấy, trong tôi cảm thấy se sắt buồn, nỗi buồn vu vơ, xa lắm. Bỗng tôi nảy ra mấy câu thơ ( thì lâu nay vẫn được lũ bạn bè “tung hô” là “ Nhà thơ xóm” đấy thôi ). Tôi chầm chậm đọc nhát gừng: Em lên xứ Lạng xa xôi / Tôi vào miền Nam xa lắc / Ai đếm được bao lần sao lên, sao tắt / Đếm được trong lòng bao nỗi nhớ thương. Thu Mai nghe xong cười khúc khích, nàng khẽ đấm nhẹ vào vai tôi:
- Khiếp, nhà thơ lãng mạn quá.
Nghe Thu Mai khen làm cho tôi sướng rơn người, dòng nhiệt huyết hình như chạy nhanh hơn, trống ngực bỗng đập rộn ràng hơn khiến tôi thấy rạo rực khó tả. Hương vị tình yêu và lực hút trái dấu vô cùng mãnh liệt khiến tôi khó làm chủ được đôi tay. Tôi định ôm chầm lấy Thu Mai để tặng cho nàng nụ hôn cháy bỏng. Bất ngờ Thu Mai khẽ đẩy tôi ra, nàng cười nghiêm ngắn:
- Không được chàng lính trẻ, hãy để đến ngày chiến thắng… Thôi, ta về đồng chí bộ đội nhỉ .
* * *
Thế rồi tôi lên đường nhập ngũ và sau gần hai tháng tập tành với các kỹ, chiến thuật cơ bản giành cho người lính chiến. Giữa tháng 12 năm 1971 đơn vị tôi được lệnh chính thức lên đường vào chiến trường gấp. Mãi sau này chúng tôi mới biết là đơn vị mình được bổ xung vào Đoàn Sông Mã để kịp tham gia chiến dịch Đăk Tô- Tân Cảnh 1972. Hành trang mà bắt buộc cánh lính phải mang theo gồm Ba lô, bên trong có quần áo, chăn màn, tăng võng, thuốc men. Ngoài ra còn tượng gạo, muối mắm, xoong nồi và súng đạn nặng vai. Riêng với tôi còn mang theo hình ảnh Thu Mai, người bạn gái thân thương của cái xóm Xộp nghèo xơ, nghèo xác và mối hận thù với ông Chủ tịch Trần Ngọc vẫn còn tím ruột, bầm gan.
Suốt hơn hai tháng trời vượt núi, đạp rừng và nếm trải với đủ loại bom rơi, đạn nổ của địch. Cũng là bấy nhiêu ngày vô cùng cực khổ, thiếu thốn, đói khát và bệnh tật hoàng hành. Những chàng lính tò te, mặt búng ra sữa ngày nào. Nay sốt rừng quật ngã khiến mặt xanh như tàu lá chuối, trông đến tội nghiệp. Họ cứ lầm lũi và dặt dẹo như thế, khi thì Đông Trường Sơn, lúc lại sang Tây Trường Sơn. Cơm trắng, ruốc bông, thịt hộp cạn dần và…hết. Giờ đến lượt môn thục, rau tàu bay, măng các loại… là thứ lương thực chủ đạo trong mỗi bữa ăn vốn vội vàng, đạm bạc cho qua ngày, đoạn tháng.
Có lẽ, cũng bởi cuộc sống hàng ngày quá ư là thiếu thốn, kham khổ và cơ cực tưởng đến tận cùng của con người nên cánh lính nhà ta trong đó có tôi sinh hư, mà hư thật. Số là càng vào sâu thì sự đói khát và mệt nhọc càng tăng lên. Những vật dụng dẫu chỉ vài ba cân, thì nay tưởng như hàng tạ đè nặng xuống tấm thân gầy xiêu vẹo. Hơn thế, sự thèm thuồng về một miếng thịt, miếng cá luôn réo rắt trong thực quản, dạ dày. Đúng lúc ấy chúng tôi gặp những người Lào, nghe đâu họ thuộc Bộ tộc Lào Lum. Cũng chẳng biết thông tin từ đâu mà họ biết bộ đội giải phóng đi qua lối này. Già có, trẻ có và trông họ đen đúa, nhếch nhác, ngây ngô như thể vừa mới thoát xác từ kiếp người rừng bước ra. Những ông già cổi trần gầy giơ xương, đầu trọc hốc. Trên mình chỉ có mỗi miếng vải cuốn lấy bộ hạ. Hai hàm răng gần rụng hết, lợi trơ ra đỏ loét trông phát khiếp. Đàn bà, con gái thì có miếng vải nhầu nhĩ màu cháo lòng làm váy và chiếc áo ngắn cộc cỡn che lấy bộ ngực như trái bầu già. Lũ trẻ con thì đương nhiên là tồng ngồng, không một tấc vải che thân. Trên tay họ ôm khư khư con gà “ hết lớn”. Đoàn chúng tôi đang đi bỗng đồng bào ( Cách gọi của bộ đội giành cho những người dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn ) lên tiếng lơ lớ:
- Ơ bộ đội, bộ đội cho mình cái áo, cái chăn. Mình cho cái bộ đội con gà.
Nhìn con gà dễ chừng vài kg đang giãy đạp trên tay những người như ma đói, ma khát kia mà lòng tôi thấy có nỗi gì…thương cảm quá chừng. Nhưng lúc này, chiếc áo cộc hay chiếc chăn chiên chẳng quan trọng gì, nếu không nói chúng là những vật dụng khả dĩ cứu cánh cho chúng tôi trong cơn bĩ cực. Mới lại, hai bên cùng có lợi và có ai nài ép ai đâu. Lúc này, miếng thịt gà quý hơn vàng và một bát cháo gà nấu với gạo nương còn giá trị gấp tỷ lần sơn hào, hải vị giành cho vua chúa.
Khốn nỗi thói đời, sướng miệng thì khổ cái thân. Thời tiết ở Tây Nguyên đã bắt đầu chuyển sang mùa Đông, ban ngày còn đỡ, nhưng đến đêm thì lạnh giá, tê tái thịt da. Cánh chúng tôi cứ ngày vịn vào nhau đi, khi hoàng hôn xắp buông xuống lại nháo nhào tìm kiếm cái gì cho vào miệng. Đêm mắc tăng võng bung biêng giữa đại ngàn ngủ. Có những đêm tuy rất mệt, lũ bạn vừa đặt mình xuống võng đã ngáy vo vo. Vậy mà tôi vẫn thao thức, trằn trọc trên chiếc võng bạt của mình. Nhất là những đêm ôm khẩu súng Ak đứng gác theo phiên. Gió rừng rung cây xào xạc và cái rét tê tái khiến cho hai hàm răng cứ va vào nhau lập bập như đang gõ nhịp trong miệng. Đêm Tây Nguyên âm u, đặc quánh như bủa vây lấy tôi. Xa xa, tiếng con chim “trót bóp” thi thoảng lại khản giọng gọi nhau nghe sao mà não nùng quá thể. Tiếng con “ rủ rỉ, rù rì” rờn rợn, cứ như là lũ ma rừng đang than vãn, thầm thì những câu chuyện gì huyền bí lắm. Bỗng có tiếng nai tác phía rừng xa làm tôi giật nảy mình, vài phút sau tôi lại chìm vào nỗi nhớ. Tôi nhớ và thương bố mẹ suốt một đời quần nâu, áo vá, lam lũ trên ruộng đồng để kiếm chín, mười điểm theo chế độ làm công của Hợp tác xã. Tôi nhớ cái xóm Xộp đầy cọ và cây gai xương xọng. Tôi nhớ Thu Mai, cô bạn cùng xóm, cùng lớp rất dí dỏm và thầm kín. Chính cái đức tính dí dỏm và tế nhị ấy lại là thứ men tình khiến cho tôi ngấm dần và ngơ ngẩn say, thế mới khổ. Vẫn biết tôi và Thu Mai chưa hề nói với nhau một lời nào rằng yêu. Nhưng trong thâm tâm, hình bóng cô nàng đã có chỗ đứng trong trái tim tôi. Trái tim của người con trai mới mười tám tuổi đời đầy mộng mơ và ao ước…Riêng mối hận giữa tôi với ông Chủ tịch xã Trần Ngọc không hề bị xóa nhòa. Nhất là lúc này đây, tôi đã và đang nếm trải muôn vàn nỗi cực khổ, thậm trí là mất mát, hy sinh thì oán hận xưa càng có điều kiện hằn sâu trong tâm khảm.
Nhiều lúc tôi tự đặt câu hỏi: Có phải vì thành tích của địa phương và nguyên tắc quản lý con người trong thời chiến nên ông Trần Ngọc đã không cho tôi vào Đại học, hay là vì động cơ cá nhân ? Nhớ có lần bố tôi bảo: Nhà ta với nhà ông Ngọc là hai thái cực hoàn toàn trái nhau. Ông nội tôi hồi cải cách ruộng đất bị quy là thành phần địa chủ, chỉ vì có ngôi nhà gỗ mít năm gian và có gần ba mẫu ruộng ở cánh đồng Quoài mầu mỡ nhất làng Thạch Lỗi. Ngược lại gia đình ông Ngọc thuộc diện bần cố, quanh năm suốt tháng chỉ đi làm thuê, làm mướn nuôi nhau. Hồi đấu tố, nghe đâu ông cụ thân sinh ra Trần Ngọc nằm trong thành phần cốt cán nên năng nổ, hung hăng lắm. Cuộc họp nào cũng có mặt và cuộc đấu tố nào cũng như ông làm sấm, làm chớp. Dân tình ai cũng e dè, kiêng nể, khiếp sợ. Thôi đúng rồi, có lẽ vì thế mà ông ta thành kiến, trùy dập cả đến tôi chăng ? Trời ơi, nếu đúng như thế thì ông ta tầm thường, tiểu nhân quá. Đã thế tôi đếch sợ, dám ôm khẩu súng băng qua muôn vàn chông gai, hiểm trở để vào đến đây thì dù cho có phải đổ máu, hy sinh tôi cũng coi nhẹ như lông con vịt bầu. Còn ông Trần Ngọc, xin thưa hãy đợi đấy.
Cuối cùng thì đoàn chúng tôi cũng tới được điểm tập kết và gần một tháng sau, chiến dịch Đăk Tô –Tân Cảnh bắt đầu. Tôi có may mắn được điều động về trung đoàn 66, đơn vị anh hùng, đã từng đánh thắng hàng trăm trận lớn nhỏ, làm cho Mỹ ngụy bạt vía, kinh hồn. Đúng 15h ngày 23 tháng 4 năm 1972. Pháo binh của ta đã nã đạn dồn dập vào các căn cứ của địch ở thị trấn Tân Cảnh, cứ điểm mạnh nhất của địch ở phòng tuyến Đăk Tô. Đến 1h, xe tăng T54 của ta xuất kích, xông thẳng vào thị trấn Tân Cảnh. Theo sau là hàng ngàn chiếc mũ tai bèo như từ trong lòng đất bật dậy xung phong. Bọn ngụy hoảng loạn chống cự yếu ớt, đứa thì bị tiêu diệt, đứa thì giơ tay hàng. Đến 5 h 55 phút, quân ta đã làm chủ hoàn toàn thị trấn Tân Cảnh. Trận mở màn đã chiến thắng ròn rã, khích lệ toàn quân ta tiến lên tiêu diệt các cứ điểm còn lại của địch và cũng vì thế mà từ tướng tá cho đến binh lính ngụy mất hết sức chiến đấu. Số thì bị tiêu diệt, số thì đầu hàng và một số cố sống, cố chết cắt rừng chạy về thị xã Kon Tum. Một vùng rộng lớn mênh mông từ Võ Định –Chi Đạo qua Diên Bình về thị trấn Tân Cảnh – Đăk Tô, lên tới Đăk Mót đã thuộc về quân giải phóng.
Phần tôi, ôm khẩu súng AK cùng đồng đội như dán mình xuống đất chờ hiệu lệnh. Nghe hàng ngàn quả đạn pháo của ta xé gió rợn hết cả người. Rồi tiếng nổ như long trời, chuyển đất phía căn cứ địch vọng đến. Lúc ấy, tôi thấy hồi hộp quá chừng và trái tim như muốn nhảy ra khỏi lộng ngực. Vẫn biết lúc này gianh giới giữa cái sống, cái chết chỉ là trong gang tấc. Nói cách khác là cái chết có thể đang treo lơ lửng trước mặt. Nhưng thật lòng, chúng tôi chả có thời gian để nghĩ, để liên tưởng đến nó, đành phó mặc cho may rủi mà thôi. Người xưa bảo: Hòn tên, mũi đạn nó tránh mình, chứ mình đã dễ gì mà tránh nó. Nói toẹt ra, đã dám vào đến đây, đã dám ôm cây súng để chiến đấu thì phải dám chấp nhận cái chết, có thế thì lòng mình mới thấy nó nhẹ nhàng, thanh thản được.
Sau trận đánh có tính lịch sử ấy, may mắn đầu tiên là tôi thấy mình vẫn còn nguyên vẹn và lớn lên rất nhiều cả về thể xác và tinh thần. Trong khi đơn vị cũng bị tổn thất ít nhiều về con người và vũ khí. Cũng sau trận ấy, tôi được phong quân hàm Hạ sỹ và được phân công làm tiểu đội trưởng tiểu đội nuôi quân. Thấy tôi tỏ vẻ không vui, chính trị viên Cao Đắc Vụ tươi cười:
- Đơn vị đang cần một người nhanh nhẹn và có trình độ để quản lý lương thực và nhu yếu phẩm. Cậu vốn hoạt bát và đã học hết cấp 3, như thế thuộc diện dân có học còn gì, bọn mình rất tin tưởng ở cậu.
Quân lệnh như sơn, tôi về tổ anh nuôi đúng lúc đơn vị nhận được lệnh khẩn trương tiến đánh cứ điểm Plei kần, một căn cứ do Tiểu đoàn biên phòng 90 anh hùng của địch lâu nay trấn giữ và được chúng vô cùng ưu ái, trang bị đến tận răng. Phần tôi, nhận nhiệm vụ phụ trách bộ phận hậu cần của đơn vị tôi rất yên tâm vì sau chiến thắng ĐăkTô – Tân Cảnh, ít nhiều cũng thu được một số chiến lợi phẩm như gạo Đồng Tháp trắng xanh như ngọc và thơm ngon đến nhức cả mũi. Rồi thịt hộp, cá hộp, đậu phộng hộp, thậm trí cả xoài hộp của Mỹ. Thành ra, cánh lính nhà ta không phải đói khát như trước đây.
Đúng sáng ngày mồng 9 tháng 5, sau những loạt pháo 85 ly và pháo 105 ly của các đơn vị pháo binh. Quân ta đã ào lên phá cửa mở. Nhưng tiếc thay có lẽ do ta quá chủ quan, cộng với công tác điều nghiên thiếu chính xác. Cái chính là ta cứ tưởng căn cứ Plei kần nằm trơ trọi giữa bốn bề là rừng xanh và Cộng sản đang xiết chặt vòng vây nên dễ tiêu diệt. Phần nữa là ta chưa nắm hết được sự ngoan cố, lỳ lợm của hơn 400 tên địch ở đây. Chúng dựa vào hầm ngầm, lô cốt, công sự vững chắc và vũ khí rất đầy đủ, hiện đại chống trả quyết liệt. Thế nên, sau ba ngày dòng rã, quân ta không tài nào giải phóng được cái căn cứ tưởng chỉ bé bằng cái mắt con muỗi. Đành chấp nhận thất bại rút ra.
Gần trưa hôm ấy, tôi cùng tổ hậu cần giục nhau khẩn trương gánh cơm thịt và nước uống cho anh em. Trời ơi, một thảm cảnh bày ra trước mắt chúng tôi. Mấy trăm con người bị thương vong gần hết. Số còn lại được băng bó trắng lốp, trông mà đau đớn, xót xa. Không cầm được lòng, chúng tôi khóc rống lên như những đứa trẻ bị đòn oan. Ôi, một bài học xương máu và cái giá quá đắt cho bệnh chủ quan, nôn nóng, khinh thường đối phương giành cho không chỉ riêng ai…
Sau trận đánh thất bại đầy cay đắng ấy, quân ta được lệnh rút sâu vào trong rừng nghỉ dưỡng, bổ xung quân và học tập chính trị, quân sự. Đặc biệt là quán triệt và rút kinh nghiệm sâu sắc về những thắng lợi và thất bại vừa qua. Cũng trong dịp này, cùng lúc có hai niềm vinh dự rất lớn đến với tôi. Đó là tôi được kết nạp Đảng và được đề bạt giữ chức đại đội phó.
Năm tháng trời giấu mình trong rừng sâu tập dượt, học tập và rèn luyện. Tại đây, một Lei Kần giả định được bày ra. Cũng hầm hào, cô cốt và bùng nhùng kẽm gai các loại. Cũng đây khu A, kia khu B, khu C, khu D. Rất cụ thể, chính xác và bài bản. Để đúng ngày 12 tháng 10 năm 1972, quân ta được lệnh bao vây, tiến đánh lần thứ 2 cứ điểm Plei kần. Lần đánh này, Trung đoàn 40 pháo binh chiến dịch đã dùng hàng chục khẩu D74, pháo 155mm và pháo 105mm trút sấm sét xuống đầu lũ giặc. Hơn thế, ta còn dùng pháo 105mm đặt trên điểm cao 775 và 976 bắn nát các công sự phía Nam của địch, làm cho chúng hoảng loạn phải chạy sang sườn phía bắc. Chớp thời cơ, E 66 và D37 đã anh dũng xông lên. Sau khoảng 3 giờ đồng hồ, chúng tôi đã hoàn toàn làm chủ trận địa.
Đầu năm 1973, chính xác là ngảy 27 tháng 1, Một tin vui nức lòng quân dân cả nước – Hiệp định PaRis về Lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Cánh lính chúng tôi vô cùng sung sướng, ôm nhau nhảy múa tưng tưng và chúng tôi được lệnh giãn ra để giữ đất, giữ dân.
Cuối năm 1974, đơn vị tôi đang trấn giữ dưới chân cao điểm 751 – phía bắc thị xã Kon Tum thì bỗng được lệnh rút về, đi làm nhiệm vụ mới. Tất cả cán bộ, chiến sỹ đều khấp khởi mà chả biết cấp trên điều động đi đâu, chỉ được quán triệt mỗi một câu: Không hỏi, tuyệt đối bí mật. Thực sự, trong tác chiến, yếu tố bí mật cực kỳ quan trọng. Giờ thì không còn ngú ngớ như ngày xưa nữa. Cánh chúng tôi đã bắt đầu dày dạn kinh nghiệm trận mạc. Việc lội suối, trèo non và nhìn địa hình để cắt rừng quá thuần thục như đi trong lòng bàn tay mình. Đặc biệt, phiên hiệu đơn vị và các nguồn thông tin liên lạc đều bị cắt hết. Với khẩu hiệu: “ Nấu không khói, nói không to, ho bịt lấy miệng. Cứ thế đêm nghỉ, ngày im ắng hành quân. Chúng tôi đi dưới những cánh rừng khộp rộng mênh mông, những cánh rừng le bạt ngàn man dã. Mãi sau chúng tôi mới được biết, trên đã quyết định mở chiến dịch Tây Nguyên và đơn vị chúng tôi được lệnh tiến đánh căn cứ Đức Lập.
Trưa ấy, vừa điểm tâm mấy thanh lương khô 702 xong. Tôi khẽ ngồi tựa vào gốc cây xăng lẻ tính nghỉ ngơi đôi chút, bỗng có tiếng động cơ máy bay. Ba chiếc AD6 đen chũi bất ngờ sập đến. Chúng lượn mấy vòng rồi ném xuống mấy quả bom. Tôi đang liu diu chợt giật mình khi nghe tiếng bom rít trên không, cũng vừa lúc có tiếng kêu thất thanh: Bom nó thả đấy, nằm xuống. Đúng lúc, có tay ai nắm lấy tay tôi lao như mũi tên xuống cái hố đất bên cạnh sâu chừng hơn một mét. Ầm, ầm. Tiếng bom nổ chói tai, đất đá bay rào rào. Hai tai tôi bị ù đặc và toàn thân bị phủ một lớp đất đỏ như máu. Phải mấy phút sau bọn tôi mới đứng lên í ới gọi nhau, may quá không ai việc gì. Tôi bần thần khi thấy cái cây xăng lẻ lúc nãy bị bom cắt phăng, ném đi rất xa. Thật là hú vía – Tôi khẽ lẩm bẩm như thế và không quên cám ơn người đồng đội đã nhanh tay kéo mình ra khỏi lưỡi hái của tử thần:
- Rất cám ơn cậu, cậu tên gì ?
Người chiến sỹ trẻ măng, hai má phơn phớt như má con gái cứ đứng trân trân, nhìn như thôi miên vào mặt tôi. Cậu ta thỏ thẻ:
- Thủ trưởng có phải là…Cậu ta gọi tôi là “Thủ trưởng” cũng không sai lắm, vì tôi vừa được đề bạt là tiểu đoàn phó.
- Mình là Quốc Khánh.
Bỗng cậu ta reo lên:
- Ôi anh Khánh, anh không nhận ra em sao ? Em là Đức Sơn, con ông Trần Ngọc ở xóm Trại đây.
Nghe Đức Sơn nói thế, tôi ớ người ra rồi sung sướng lao đến ôm chầm lấy cậu ta, hôn chùn chụt lên hai má. Mấy phút sau tôi vô tình buột miệng:
- Ôi, Sơn nhanh lớn quá nhỉ ? Thế con Chủ tịch xã cũng phải đi bộ đội à ?
- Được đi chứ anh – Sơn láu lỉnh nhìn tôi cười tít mắt – Xong cấp ba, em cũng định xin đi học Đại học, nhưng bố em kiên quyết không đồng ý. Ông bảo:
- Mình là Đảng viên, là cán bộ chủ chốt mà còn để con em né tránh nghĩa vụ quân sự thì còn nói được ai. Không cẩn thận dân làng họ sẽ ỉa đầy, ỉa vơi vào mặt.
Tôi cười chống thẹn:
- Ờ, anh nhầm. Thế bố mẹ và cả nhà có khỏe không em ?
Giọng Đức Sơn bỗng chùng xuống:
- Bố em mất rồi.
- Hả, Sơn bảo sao cơ – Tôi thất thần.
- Dạ, hôm em xắp sửa đi B thì nhận được tin ông cụ tham gia chữa cháy nhà ông bà Thanh Thảo ở xóm Đầm bị hỏa hoạn, không may chiếc xà ngang đổ trúng đầu, cả xóm đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi…
- Trời ơi – Tôi khẽ thốt lên, thì ra bấy lâu tôi vẫn ngấm ngầm tích thù, tích oán bác Trần Ngọc. Nay được nghe những điều Đức Sơn nói, tôi như người tỉnh cơn mê, lòng tái tê và ân hận vô cùng. Cầm tay Đức Sơn, tôi nghẹn ngào:
- Đau lắm phải không em. Thôi cố lên, anh em mình phải sống sao cho thật xứng đáng với những người đã khuất.
* * *
Sau ngày toàn thắng, đồng đội không ít người vẫn theo đường binh nghiệp và đã trở thành tướng tá, đảm trách nhiều chức vụ quan trọng. Riêng tôi, chả hiểu thế nào lại nổi máu văn chương. Nên đã xin ra quân và theo học tại Trường Đại học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Ra trường về công tác tại Hội Nhà văn của thành phố mang tên Bác. Riêng Nguyễn Đức Sơn cũng ra quân và theo học Trường Đại học Nông - Lâm tỉnh Hòa Bình. Sau đó tiến dần lên chức Giám đốc nông trường.
Đúng là thời gian thoi đưa, đời người thấm thoắt. Vừa mới ngày nào, vậy mà đã gần nửa thế kỷ trôi qua. Những người lính năm xưa nay đã trở về già, trên đầu hai thứ tóc. Rất có thể lúc nào đó họ lẩm cẩm, lú lẫn và đãng trí. Song, những kỷ niệm về một thời trai trẻ, kỷ niệm về những ngày hào hùng và bi tráng sẽ là những hành trang vô cùng quý giá theo họ đi hết cuộc đời. Chắc chắn là như vậy.
Tin cùng chuyên mục
Tôi nhận giấy báo tử của chính mình
27/06/2016
Thái độ sống - Sự lựa chọn của mỗi người
19/06/2016
Viết cho miền kí ức
30/05/2016
Ở đồn Biên phòng Kẻng Mỏ Ka Lăng
27/05/2016
Nhà bếp của bu tôi
19/05/2016
Lối xưa ngậm ngùi
12/05/2016