Con yêu bố mẹ nhất trần đời

“Mẹ ơi, mai con về. Con vẫn không biết ngày Vu Lan là gì, nhưng đến phút này con hiểu rất rõ câu nói của con trai con, và con cũng muốn nói: Bố mẹ ơi! Con yêu bố mẹ nhất trần đời, to hơn biển, cao đến tận Sao Kim.”

Mẹ à, con muốn về bà ngoại
Sao con muốn?
Vì bà rất yêu con!
Người mẹ trẻ thổn thức, nước mắt tuôn tràn qua gò má lấm tấm nám, rơi xuống bàn tay nóng hổi. Như có sợi dây vô hình ấm áp, thiêng liêng nối từ lời nói ngây thơ của con trẻ tới đôi mắt vẩn đục và trái tim vốn đa cảm có phần yếu đuối. Cô khép mắt lại thật nhanh như thợ điện ngắt cầu dao triệt để. Những giọt mặn không chảy ra nữa, nhưng cô biết rõ nó đang sùng sục, bức xúc cực độ nơi cửa nhãn và sâu thẳm ở lòng cô, chỉ cần một vết nứt nhỏ thôi nó sẽ tràn ra như cửa đập của thủy điện Sông Đà bật mở.
Thôi đi ông tướng, vào lớp học đi
Mẹ ơi, mẹ đừng khóc. Con yêu mẹ nhất trần đời, to hơn biển, cao đến tận Sao Kim.
Người mẹ trẻ khẽ ừ một tiếng rồi quay xe, lẫn vào dòng người hối hả cùng bụi trắng trên con đường sửa dở. Có hạt bụi tinh nghịch chui vào mắt cồm cộm, tại bụi đó làm cô nhìn đường như qua một tấm kính có nước mưa tràn qua.
… Cô đã hoàn thành nhiệm vụ đầu giờ sáng thường nhật của một kế toán viên kiêm văn phòng. Lướt qua Web, nhiều bài, trang nói về ngày Vu Lan. Bất giác nghĩ: Vu Lan là ngày gì nhỉ ? Tra Google đọc sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên. Mùi hương rằm thắp trước sao thấy ngai ngái lạ… Tiếng hót gọi mẹ của chú chim con tỉnh giấc, nghe lạc giọng kéo cô ra tựa vào thành cửa sổ: Một làng quê có tên gọi Văn Phú  hiện lên, sao thấy rưng rưng, ngọt ngào, thanh trong đến vậy. Cô nhớ con sông chở phù sa đục ngầu với bờ đê dài miên man sim tím và cánh đồng lúa với những tên gọi dễ thương: Điền Thanh, Lủ, Phần Trăm, Bên Sông…  Những cây lúa khoe bản lĩnh của “gia đình no đủ”, chúng trổ những bông trĩu hạt cảm tưởng chỉ có trong cổ tích. Và Cô nhớ,  cơm mẹ nấu có mùi thơm nhẹ, hạt cơm nhỏ màu trong, chan ngập nước rau muống luộc vắt quả chanh mọng nước, ăn cùng với cà muối xổi dôn dốt, cay cay.  Mẹ Cô bảo xổi hay muối cà ngon thì khâu chuẩn bị rất quan trọng: Nước dùng phải đun sôi để nguội, cà xắt từng miếng phải cân đối sàn sàn nhau, không được miếng to, miếng nhỏ. Khi cho gừng vào cà chia làm hai phần, một phần băm nhỏ mịn, một phần cắt từng lát miếng mỏng để mùi thơm nồng của gừng được hòa quyện vương vấn mãi đến khi ăn hết cà vẫn còn thơm. Còn nếu thích ăn chua cay, ngoài việc để chua tự nhiên theo thời gian thì có thể cho cốt dấm gaọ và ớt cay, tùy vào nhu cầu ăn chua cay của mỗi người để phối hòa gia vị. Mẹ nói như một giảng viên có lý lẽ và dẫn chứng sinh động. Những lúc đó Cô chỉ cười: “Lớn lên con mua cho tiện”.
Một làn gió nhẹ thơm  lên má cô. Mắt khép hờ cô hít, thở sâu. Cô muốn nhốt  nhựa sống tràn trề của thiên nhiên vào lồng ngực, chỉ riêng cô tận hưởng, thật tham lam và ích kỷ. Vô thức Cô nhoẻn cười. Nụ cười như bị đánh thuế cụt ngủn. Cô nhớ con trai cô có hỏi : Mẹ à, sao tay Ông ngoại có nhiều đường xanh thế, sao ngón chân bà ngón thẳng, ngón vẹo không giống chân mẹ và chân con. Cô thấy con trai Cô để ý xung quanh  hơn Cô,  hay Cô cố tình đổ lỗi cho dòng đời phải bon chen, tấp nập, xô bồ để quên đi những điều nhỏ bé nhưng thiêng liêng vô cùng. À, khi nghỉ hưu sớm  ông ngoại phải bê thóc hay vác máy tuốt lúa nặng hàng trăm cân trên vai, có đêm ông phải thức trắng để trông đầm cá rộng mênh mông  nên tay ông có nhiều gân xanh đấy. Cái ngày xưa xa lắm, bố Cô công tác ở trời Tây, mẹ Cô phải gồng mình nuôi năm chị em Cô ăn học, trưởng thành, đối với Cô, đấy  là một kì tích. Mẹ Cô bảo: vàng bạc, châu báu của bà là năm người con được sinh ra lành lặn, khỏe mạnh có cuộc sống riêng của mỗi người, đấy là niềm vui của bà. Ấy thế có thời nhà phải đi vay một trả lãi một rưỡi hay gấp đôi, mẹ cũng vay. Vay rồi trả, trả rồi vay, mẹ vẫn vui, nhìn các con khôn lớn làm động lực phấn đấu. Nên những hôm gánh mạ đi cấy, cơn  mưa đằng xa như khiêu khích rồi tàn nhẫn, rào rào trút xuống làm con đường đồng nhão nhẹt, đất biến thành bùn, bùn bùng nhùng ngập chân, có chỗ đường đất sét rắn thì trơn tuột, mẹ Cô phải bấm bàn chân, ngón chân thật mạnh xuống lòng đường để không bị ngã, cộng với sức nặng của các dụng cụ làm nông nghiệp đè lên đôi vai, đôi chân, các ngón chân roãng ra vô thức tự nhiên. Có  lần mẹ Cô dẫm phải miếng thủy tinh nhọn làm chảy máu lẫn vào bùn đất hòa vào dòng nước mưa, nhấc chân lên ngón chân bị rách đó lỏng lẻo cảm tưởng như sắp đứt rời khỏi bàn chân. Mẹ vẫn nén đau cười hồn hậu, nụ cười chất phác, nụ cười có mùi mặn trải nghiệm và bây giờ nụ cười đó thêm vị ngọt của cảm giác đông đủ.
Hello! Have a nice day!
Tiếng của sếp làm Cô giật mình quay lại.
Vâng! Em chào Sếp ạ!
Ngày Vu Lan, Huyền sẽ làm gì?
“Ôi! Sếp hôm nay chắc ra ngõ gặp trai đẹp đây. Sao đến sớm thế, tâm lý, bất ngờ đến giật mình.”
Em xin Sếp cho em nghỉ để về quê ạ!
Câu nói bật ra vô thức nhưng dứt khoát và tràn đầy hứng khởi.
Giám đốc nhìn Cô dò xét, bất giác cười ẩn ý, ngắn gọn
Ok, em! Bây giờ thì làm việc đi.
Vâng! Thưa Sếp
Cô quay vào bàn làm việc của mình với những thao tác quen thuộc, so sánh, định khoản, diễn giải, kết chuyển… Cô không quên ngoái nhìn  chú chim con hót phấn khích khi được chim mẹ nhả mồi với bữa sáng no nê. Cô thầm trả lời cho con trai Cô. “Hì, con trai  cưng à. Hồi nhỏ, mẹ không nhớ có nói với bà ngoại con rằng: Con yêu mẹ nhất trần đời, to hơn biển, cao đến tận Sao Kim hay không, và đến bây giờ, tại thời điểm này mẹ cũng không biết biển to rộng bao nhiêu và Sao Kim cách trái đất bao xa… mẹ không biết!  Nhưng mẹ biết rõ một điều: Mẹ yêu con rất  nhiều cũng như bà ngoại con yêu mẹ vậy, con à. Mai mẹ xin nghỉ làm, con xin nghỉ học cùng mẹ về quê thăm Ngoại, con nhé!”
Alo: Mẹ à. Bố đâu? Mai con về, Mẹ “xổi cà” nhớ cho cả ớt vào nhé!
Cha bố cô! Tôi biết rồi. Đi đường cẩn thận đấy, về cả nhà hay mình con. Về mẹ đãi chim quay, gà tần, món ngon chứ ăn cà có chất gì đâu. Bố đang chơi với cháu nội. Về chơi lâu lâu nhé.
Cô biết, trong suy nghĩ của mẹ: Ngày xưa chăm các con đủ là tốt nhất rồi, còn ngày nay đủ nhưng còn phải ngon. Nên mỗi lần về quê, trong mâm cơm cô thấy toàn thức ăn lạ, hấp dẫn, giàu đạm. Chị em Cô, dâu, rể và các cháu của bố mẹ Cô thích thú, hào hứng. Còn bố mẹ Cô thì sao?... Đến lúc dư giả thì răng đã yếu cộng với những bệnh lý tuổi gìa không cho bố mẹ ăn uống theo sở thích được. Mẹ cô bảo: nhìn con cháu đầy đàn, đông vui sum vầy còn gì hạnh phúc bằng… Màu thời gian như cánh buồm bạc phếch phủ vào tình đời, tình người. Cái nhãn quan soi vào thế giới vô thường này thật vô tâm, vô tính cho bản hòa ca muôn màu, đa thanh bị lỗi nhịp, xướng lên dặt dẹo, lay lắt… Cô dối lòng không biết: cái quý nhất, đáng trân trọng nâng niu nhất nhiều khi không phải là sản phẩm hàng hiệu hay sấp tiền polime xanh đỏ. Đơn giản chỉ là một câu nói, môt cái nhìn, một buổi tụ họp, một cái ôm thật nhẹ để biết “người yêu ta, người ta yêu còn sống và khỏe mạnh”. Cô biết, cô và nhiều người khác chỉ là một cá thể, một tế bào sống nhỏ bé luôn phải gồng mình cho “hợp thời, hợp mốt” để khỏi lạc đàn giữa  bầy cừu non tơ có, ma mãnh có, nhưng tất cả vẫn là nô nệ của “đồng tiền biết nói” mà thôi! Nhưng Cô đâu biết vòng quay luẩn quẩn mà lại bất tận của cuộc sống sẽ làm một số thứ bị biến dạng, mất đi hay đơn giản chỉ già nua xấu xí, rồi biến vào hư vô... Thật may mắn cho Cô, Cô đã nhận ra điều đó kịp thời.
Tút, tút, tút…
Mẹ ơi, mai con về. Con vẫn không biết ngày Vu Lan là gì, nhưng đến phút này con hiểu rất rõ câu nói của con trai con, và con cũng muốn nói: Bố mẹ ơi! Con yêu bố mẹ nhất trần đời, to hơn biển, cao đến tận Sao Kim.