Những người thường ra công viên tập thể dục không ai lạ gì một cặp chiều nào cũng đẩy xe trẻ em. Trong xe là một em bé trai bụ bẫm khoảng mười tháng tuổi. Cặp đôi rất lạ: Người đàn ông cao mảnh khảnh, mái đầu trắng xóa nhưng mái tóc đẹp bồng bềnh, khuôn mặt nhiều nếp nhăn nhưng luôn ánh lên niềm hạnh phúc khó tả. Bên ông là một thiếu phụ trẻ hơn nhiều. Chị không đẹp nhưng mặn mà với đôi mắt to đen và cái miệng lúc nào cũng như cười. Nếu ai không biết tưởng người đàn ông là bố còn thiếu phụ là con gái. Tay ông cầm bát cháo, còn thiếu phụ đẩy xe và bón cho em bé ăn. Thỉnh thoảng ông hoặc thiếu phụ lại nựng thằng bé rồi có lúc dừng xe lại ôm lấy nó mà hôn hít. Nhìn họ hạnh phúc ai đi bộ qua cũng ngoái lại. Người quen thì chào hỏi. Chính cảnh đẹp này làm cho công viên như ấm áp hẳn lên. Và hình ảnh họ như một phần thưởng của cuộc sống.
Vợ Đại tá Định mất đã mười bẩy năm.
Trước kia do các con chưa trưởng thành, lại đang công tác nên ông không có thời gian sống cho mình. Nay về hưu ông mới thấy thật buồn. Hai đứa con trai lấy vợ ở riêng. Các cháu đã lớn đi học cả ngày, không cần ông chăm chút, đưa, đón nữa. Ông thành người cô đơn. Sáng đi tập thể dục về ăn gói mỳ tôm rồi đọc báo, xem ti vi. Chán ông lại đứng thần mặt nhìn ra ngoài cửa, hoặc một mình đi ra đi vào đợi giờ nấu cơm trưa. Hàng xóm cũng đều đóng cửa đi làm, có ấm chè ngon cũng không biết mời ai. Cô quạnh quá. Vì ăn uống, tập luyện, ngủ nghỉ có giờ giấc ông lại trẻ ra, khỏe hơn cái thời ông còn đi làm. Nhu cầu cần một người đàn bà làm bầu bạn của ông cấp thiết vô cùng. Ông lững thững đi ra ngõ. Ở đó có bà Thảo bán nước chè xanh. Bà Thảo năm nay ngoài năm mươi, chưa lấy chồng lần nào nên bà còn ngọt nước lắm. Bố mẹ bà mất sớm. Bà phải thay bố mẹ nuôi bốn đứa em, lo dựng vợ gả chồng cho các em xong thì bà quá lứa. Cao không tới thấp không thông nên bà vẫn ở vậy đến bây giờ. Cũng có vài đám mai mối nhưng xa quá. Bà quen ở đây rồi, với lại bà đi lấy chồng thì ai hương khói cho các cụ. Gìa rồi, mấy mà xuống lỗ nên bà không nghĩ đến chuyện lấy chồng. Mấy ông có vợ đến uống nước bờm xơm là bà mắng cho mất mặt.
Dạo này ông Định hay ra quán bà uống nước lắm. Chỉ có cốc nước mà ông ngồi đến trưa. Ra quán cho đỡ buồn. Ông ngồi nhìn người đàn bà phốp pháp da trắng nõn luôn mặc bộ đồ lụa rất đẹp ngồi bán nước. Khuôn mặt bà Thảo dễ nhìn, tuy không gọi là xinh nhưng bà cũng là một người đàn bà đẹp. Đôi mắt đẹp vẫn to tròn nhưng luôn ẩn chứa một nét u buồn. Điều này làm ông càng thích bà Thảo hơn. Ông ra đó uống nước mỗi ngày thành khách quen. Hôm nào ông không đến bà Thảo lại tất tả chạy vào xem ông có ốm đau gì không. Ông cũng như bà có một mình nên bà biết. Đàn ông cơm niêu nước lọ khổ lắm. Nhiều hôm đi chợ gặp mớ rau ngon, gặp con cá rẻ bà lại mua cho ông. Cứ như thế hai người trở thành đôi bạn thân tình từ lúc nào không biết.
Một hôm ông Định hít một hơi thở dài lấy cam đảm, hỏi:
- Bà về ở với tôi nhé.
Bà Thảo giãy nảy lên:
- Ông sao thế, sắp xuống lỗ rồi còn … Nhìn mặt ông rất nghiêm túc nên bà không phản ứng nữa vì bà cũng có tình cảm với ông. Hai nhà gần nhau, người đầu phố, người cuối phố . Bà chưa chồng, ông góa vợ. Con cái đã trưởng thành. Hai người nấu cơm chung cũng hợp lý .
Ông thấy má bà ửng đỏ và bẽn lẽn nên ông biết bà đã ưng ông. Tối đó ông điện cho các con về nhà. Sau khi cơm nước xong ông bảo:
- Bố sẽ tái hôn .
- Với ai hả bố?
- Bà Thảo đầu phố.
Hai thằng con trai phản đối kịch liệt. Chúng phân tích: Lương bố hơn chục triệu một tháng nên bà ấy “chài” bố. Từ ngày mẹ mất bố có thiếu thốn gì đâu. Bây giờ bố vẫn khỏe nên chúng con chưa về ở chung, chứ nếu bố ốm đau chỉ cần gọi một tiếng là chúng con có mặt. Con cháu kinh tế đầy đủ bố còn thiếu gì nữa mà phải lấy vợ. Hãy cảnh giác, bà ấy yêu cái nhà 4 tầng, chứ yêu gì bố….
Mấy cô con dâu cũng vào hùa với chồng:
- Đang bán nước vất vả thế, lấy bố chỉ việc ở nhà ăn trắng mặc trơn ai chả muốn. Với lại bà ấy còn một lũ em vẫn bám vào bà ấy. Lấy bà ấy ngang bằng bố ôm rơm nặng bụng. Thôi, bố cứ sống như bây giờ là sướng nhất, tự do tự tại, muốn làm gì thì làm. Còn tiền lương không tiêu hết thì bố cho con, cho cháu. Mà chúng con nói khí không phải, bố thích ai cứ bồ bịch, thậm chí “bóc bánh trả tiền”, xong ai về ấy là khỏe nhất, chả ràng buộc gì hết.
Ông Định ngồi buồn không nói câu gì. Thì ra: con trai sợ mất ngôi nhà bốn tầng, con dâu sợ tiền lương của ông bị người khác tiêu, không cho con chúng nó. Cũng tại ông thương con thương cháu nên chúng nó sinh ích kỷ. Chúng đâu biết nhiều đêm ông nằm mãi không ngủ được. Có hôm ông thức giấc lúc ba giờ sáng mà không sao ngủ lại được vì cô đơn hiu quạnh. Nhất là những khi trái gió dở giời. Những hôm thời tiết thay đổi mình mẩy mỏi nhừ mà ông vẫn phải đi chợ, nấu cơm. Rồi những lúc xem phim trên ti vi có những cảnh yêu đương ông khát khao một thân thể phụ nữ biết nhường nào. Ông là người, cũng có những hỉ nộ ái ố. Ông không phải thánh. Ông rất thèm khát một vòng tay đàn bà mà các con chúng có hiểu cho đâu.
Không muốn mất bà Thảo, nhưng lại ngại các con. Một hôm ông buồn bã thăm dò:
- Con cái không đồng ý, hay chúng mình cứ yêu nhau mà không cần theo ý kiến chúng nó.
Bà Thảo không nghe. Dù gì bà cũng còn là con gái, bà không thể áo gấm đi đêm. Nếu lấy chồng phải đăng kí kết hôn, phải cưới hỏi đàng hoàng.
Thế là chuyện đi bước nữa không thành. Ông Định lại trở về với nỗi cô đơn vốn có. Sáng thể dục về ăn gói mì tôm rồi đọc báo, xem ti vi. Chán ông lại đứng thần mặt nhìn ra ngoài cửa.
*
* *
- Ai có giấy sách báo cũ, vỏ lon vỏ hộp bán không….Tiếng cô mua đồng nát rao lảnh lảnh.
Ông Định mở cửa:
- Có báo cũ này.
Cô đồng nát mừng rỡ dựng xe vào ngay. Ông chỉ mấy tờ báo cũ. Vài cái vỏ bia dưới bếp, nhặt xong rồi cô đồng nát còn nhòm ngó các xó xỉnh :
- Còn cái gì bán nữa không ông?
Ông thủng thẳng:
- Cô ngồi uống chén nước đã rồi tôi tìm thêm cho.
- Cô đi cả ngày thế này được bao nhiêu?
- Được bao nhiêu đâu ông. Hết vụ lúa thì cháu đi chợ, ngày nào gặp mua được nhiều thì được dăm bẩy chục ngàn. Ngày ít vài ba chục thôi. Cũng có khi gặp người nhờ dọn nhà hộ thì được trăm bạc - Vừa nói cô đồng nát vừa cười rồi bỏ cái nón và chiếc khăn che mặt ra.
Ông ngồi đối diện cô đồng nát. Khi cô bỏ khăn che mặt ra thấy cô là một phụ nữ khỏe mạnh, nước da hơi đen nhưng thân hình săn chắc, phồn thực. Chân tay ông Định bỗng run lên, tim đập loạn xạ. Nhu cầu của người đàn ông khoẻ mạnh đòi hỏi, khỉ thật. Mồ hôi ông đổ mướt mát do phải kìm nén. Ông bảo cô đồng nát vào phòng ông mà nhặt, còn khối báo cũ ra đấy. Chẳng biết ma xui quỉ khiến thế nào mà ông đâm liều. Đúng là phần ‘’con’’ đã mạnh hơn phần ‘’người’’. Ông vứt mấy tờ báo xuống gầm giường. Cô đồng nát phải cúi xuống rồi thò tay với, Ông liền cầm lấy tay cô và khẽ khàng:
- Để anh nhặt hộ cho nào !
Cô đồng nát là người không vừa, hét lên :
- Ông già mất nết, tôi không phải cave nhé.
Miệng nói tay cô đẩy ông ra rồi chạy nhanh ra ngoài, bỏ cả mấy tờ báo cũ và bỏ ông đứng như trời trồng, gương mặt héo rũ. Vừa xấu hổ vừa nhục. Ông thấy cuộc đời sống theo ý mình không phải dễ.
Hàng tuần ông cũng vẫn gọi những cô đồng nát vào mua báo cũ. Nhưng ông thay đổi chiến thuật, ông chỉ ngồi trò chuyện nếu họ khát nước. Cũng có nhiều cô lấy báo cũ xong rồi quầy quả đi ngay:
- Hôm nay cháu chưa mua được gì nên cháu đi luôn đây ông ạ. Cám ơn ông cháu không khát nước.
Trong những cô đồng nát hay đến mua báo cũ nhà ông có một người đàn bà hay ngồi lại uống nước nói chuyện. Khi ông biết cô này ở một mình thì ông bảo :
- Tôi muốn thuê ô sin. Nếu cô đồng ý làm cho tôi, tháng tôi trả 3 triệu đồng chưa tính các thứ mà tôi có thể cho thêm cô.
Vài hôm sau hàng xóm thấy nhà ông Định có ô sin. Ông không phải cơm nước lọ mọ nữa. Ăn cơm lại có hai người. Ông vui, nhàn hạ, khỏe mạnh hơn và càng trẻ ra. Hàng xóm thấy ông ăn mặc đẹp hơn khi đi tập thể dục. Ông còn sắm vợt đi đánh cầu lông nữa. Hàng xóm cũng không thấy nhà ông có báo cũ gọi đồng nát đến.
Cô ô sin tên là Hiến, năm nay ngoài bốn mươi tuổi. Cô cao gầy, người như cá rô đực. Trước sau như một. Mấy ông hàng xóm đùa trông cô ô sin nhà ông như chiếc vô tuyến màn hình phẳng. Cô không sang hàng xóm chơi bao giờ, sáng ông đi tập thể dục cô cũng dậy quét sân nhà rồi chuẩn bị bữa sáng. Chờ ông về ăn sáng xong cô đi chợ mua thức ăn để dùng cho cả ngày. Từ khi có Hiến ông Định có người nói chuyện, tâm sự nên ông vui hơn. Thỉnh thoảng vừa tắm ông còn nghêu ngao hát :
Cuộc đời vẫn đẹp sao , tình yêu vẫn đẹp sao…
Rồi ông lại :
Cây trúc xinh tang tình là cây trúc mọc…
Chị hai xinh tang tình là chị là hai đứng, đứng đứng một mình …nhưng vẫn xinh càng xinh…
Hiến ở nhà ông chừng một tháng thì thấy cô nây nả hơn. Đỏ da thắm thịt. Một là nhàn hạ, không phải mưa nắng nên nước da đen sạm sáng ra và mướt như cỏ gặp mưa . Ông Định còn đưa tiền bảo cô mua mấy bộ đồ mặc ở nhà trông ra dáng người thành phố lắm. Hai là cô không phải lo cái ăn cái mặc nên trông cô không còn cau mày suy tư như khi mới đến mà tươi hơn hớn. Mấy người đến thu tiền internet và tiền điện nước còn khen ông Định có cô vợ trẻ thế. Ông không đính chính chỉ cười rất tươi rồi gọi Hiến :
- Vợ ơi, ra đóng tiền cho họ đi em.
Hiến nộp tiền xong rồi bẽn lẽn chào khách vào bếp.
Từ ngày về hưu chưa thấy bao giờ ông Định vui và dễ tính như bây giờ. Ai trêu gì ông cũng chỉ cười trừ.
Hiến đến đây cũng được gần nửa năm rồi. Tháng nào cô cũng về nhà hai ngày rồi lại lên. Hai tháng gần đây cô không về. Ông Định hỏi :
- Em chuẩn bị đồ ăn cho anh rồi về thăm nhà đi.
- Em không khỏe lắm nên không muốn về.
Đúng vậy, dạo này Hiến hay nôn ọe, lại ăn uống chểnh mảng nên ông Định mấy lần định đưa Hiến khi khám bệnh nhưng Hiến nói không sao, chỉ là rối loạn tiêu hóa thôi. Thấy Hiến ngày một phổng phao nên ông Định không nhắc Hiến mua thuốc nữa. Bỗng nhiên Hiến mua nhiều thức ăn. Cô kho một nồi thịt để vào hộp trong tủ lạnh. Lại làm một lọ ruốc to. Mua dầu ăn, nước mắm, gạo. Mấy chục quả trứng gà. Cô còn mua một ki lô gam cua về làm cẩn thận để vào tủ đá. Cô mua cả một thùng sữa cất ngăn mát tủ lạnh- thứ nước mà sau bữa ăn mỗi sáng ông Định thường uống một hộp. Ông Định đi đánh cầu về mở tủ lạnh thấy nhiều đồ ăn quá thì hỏi :
- Sắp có bão hả em. Làm gì mà tích trữ nhiều đồ ăn thế.
- Mai em về thăm nhà.
- Em về có hai hôm thì sao mua lắm thứ cho anh thế.
- Lần này em về ba hôm, nhà em có giỗ,
- Lâu thế sao.
- Lâu hơn mọi khi một ngày.
- Ừ, xong việc lên sớm nhé. Nhân tiện khám bệnh xem em bị đau ở đâu.
Ông đưa tiền lương cho Hiến và đưa thêm mấy triệu để cô đi khám bệnh. Hiến cầm và đi dọn cơm.
Tối ấy Hiến còn là cho ông hết cả mấy bộ quần áo rồi treo cẩn thận trong tủ.
Ông đọc báo, xem thời sự rồi đi ngủ.
Sáng ông vẫn dậy đi tập thể dục như mọi khi. Lúc ông về thì Hiến đã không còn ở nhà.
Hai ngày Hiến về nhà ông thấy trống trải quá. Nhất là ngày thứ ba thì ông mong Hiến từng phút. Ông thấy sốt ruột hết đứng lại ngồi, lại ra cửa ngóng. Ông gọi điện thì Hiến tắt máy. Điện thoại báo ngoài vùng phủ sóng. Vào nấu cơm thì mất nước. Ông đành uống sữa suông rồi chờ nước nấu cơm. Đến khi có nước ông cũng chả buồn cơm cháo gì. Đúng là ông đã yêu Hiến đến độ sống không thể thiếu cô. Hiến cũng hiểu hết hoàn cảnh của ông. Hai người có dấu nhau chuyện gì đâu. Sao không thể liên lạc được với cô ấy nhỉ???
Sáng hôm sau ông Định dậy sớm. Ông đi xe máy về quê tìm Hiến, nhân thể thăm hỏi gia đình cô ấy vì từ khi Hiến đến nhà ông mà ông chưa đến gia đình Hiến lần nào. Ông hỏi thăm đến nhà Hiến không khó khăn gì. Ông vào nhà mang theo một túi hoa quả làm quà. Bà mẹ Hiến tiếp ông vẻ ngượng ngập vì họ ngang tuổi nhau:
- Chào ông, tôi có nghe cháu kể về ông. Mời ông xơi nước.
- Cô Hiến có khỏe không ạ.
- Cháu nó không được khỏe. Từ hôm về chơi nó không ăn uống được mấy. Cứ đến bữa cơm là ôm bụng nôn ọe. Tôi giục cháu mai đi bệnh viện khám xem làm sao.
Bất giác ông Định chợt hiểu ra tất cả. Trời ơi, ông vô tâm quá. Ông sắp được làm bố sao. Có lẽ Hiến biết và hiểu các con ông nên cô đã giấu ông và định rời bỏ ông. Cô đã quyết định làm mẹ đơn thân vì cô rất yêu ông. Cô chỉ cần đứa con và cô không cần danh phận, cũng không cần ông phải có trách nhiệm. Cô đến với ông tự nguyện và không cần bất cứ ràng buộc nào. Lâng lâng trong niềm xúc động nghe theo con tim mách bảo ông Định không cần hỏi ý kiến các con. Ông xin phép mẹ cô và xin chăm sóc mẹ con cô đúng nghĩa vụ của một người chồng, người cha. Cô Hiến đồng ý với điều kiện không đăng kí kết hôn, để không ràng buộc về tài sản.
*
* *
Đám cưới của ông Định và cô Hiến diễn ra vào một ngày cuối thu trong sự đồng thuận của các con. Bởi chúng nó hiểu, Hiến không đến để cướp tài sản mà là họ yêu nhau thật lòng.
Sự có mặt của Hiến trong ngôi nhà bốn tầng như một điều hiển nhiên, tiền định. Bữa cơm nhà ông Định đầy ắp tiếng cười. Bụng Hiến càng to thì sự yêu quý và khâm phục của các con ông càng lớn. Lúc đầu chúng gọi Hiến bằng chị. Sau dần chuyển thành bằng cô. Lúc Hiến sinh một thằng bé bụ bẫm giống ông như hai giọt nước thì chúng chính thức gọi Hiến bằng bà và gọi em bé bằng chú Cún.
Bây giờ người hạnh phúc nhất là ông Định. Trông ông như trẻ ra đến hai mươi tuổi. Tất cả hàng xóm đều mừng cho ông. Nhưng vẫn có những tai nạn xảy ra khi ông bế con, người lạ không biết vẫn hỏi cháu nội hay cháu ngoại ? Ông không xấu hổ mà tự hào giới thiệu :
- Con trai tôi đấy
Tất cả những người cao tuổi thường ra công viên đi tập thể dục không ai lạ gì một cặp chiều nào cũng đẩy xe trẻ em. Trong xe là một em bé trai bụ bẫm khoảng mười tháng tuổi. Cặp đôi rất lạ: Người đàn ông cao mảnh khảnh, mái đầu trắng xóa nhưng mái tóc đẹp bồng bềnh, khuôn mặt nhiều nếp nhăn nhưng luôn ánh lên niềm hạnh phúc khó tả. Bên ông là một thiếu phụ trẻ hơn nhiều. Chị không đẹp nhưng mặn mà với đôi mắt to đen và cái miệng lúc nào cũng như cười. Nếu ai không biết tưởng người đàn ông là bố còn thiếu phụ là con gái. Tay ông cầm bát cháo, còn thiếu phụ đẩy xe và bón cho em bé ăn. Thỉnh thoảng ông hoặc thiếu phụ lại nựng thằng bé rồi có lúc dừng xe lại ôm lấy nó mà hôn hít. Nhìn họ hạnh phúc ai đi bộ qua cũng ngoái lại. Người quen thì chào hỏi. Chính cảnh đẹp này làm cho công viên như ấm áp hẳn lên. Và hình ảnh họ như một phần thưởng của cuộc sống.