Chương 6. Mô hình mới – tiếp thiểu thuyết SẬP HẦM
Giám đốc Văn Chèo vừa đầu tư mấy tỷ bạc xây dựng nhà vệ sinh cho thợ lò rất hện đại. Trong nhà vệ sinh có gương, lược, khăn mặt, xà phòng thơm. Văn Chèo còn chi tiết tới mức, bố trí cả móc treo áo cho thợ lò. Chèo tâm đắc với công trình của mình. Nhà vệ sinh các công sở, các biệt thự, dù hiện đại đến đâu vẫn không có móc treo áo. Quý khách cao sang chui vào, mùi phân ám vào áo vetos, thối lựng lên vẫn thản nhiên vào hội trường bắt tay; vào nhà ăn cầm thìa cầm đũa. Mất vệ sinh quá!
Vậy mà vợ Chèo lúc nào cũng phê bình anh ăn phở cứ khoắng lên là kiểu ăn của nhà quê, là mất vệ sinh. Chấm mắm mà cứ mang cả gắp rau chấm sang đĩa thức ăn khác cũng là mất vệ sinh. Sao lại mất vệ sinh! Mang thức ăn chấm vào đĩa thức ăn khác đỡ vãi mắm ra mâm, sạch sẽ bằng mấy vị quan khách mang cả hơi phân vào phòng ăn!
Nhưng thợ lò Công ty Thành Đạt thường đi ủng và mặc áo bảo hộ, không cần xà phòng, không cần móc treo áo. Được mấy bữa, nhà vệ sinh hiện đại nhoe nhét bùn đất. Trước thảm cảnh đó, Văn Chèo cử một người ăn lương chỉ để lau chùi và thường trực ngay cổng nhà vệ sinh để tư vấn, hướng dẫn người đi đồng. Theo đó, quý khách vào nhà vệ sinh phải bỏ ủng, mũ, giày dép bên ngoài.
Bữa nọ, có cô phóng viên trẻ đến Công ty Thành Đạt tìm hiểu về xây dựng mô hình văn hóa doanh nghiệp. Biết ông Tạch Già có tài ăn nói, Văn Chèo giao cho ông đưa cô nhà báo đi thăm các công trình phúc lợi. Đang đi, ông Tạch mót quá, liền tìm đến khu vệ sinh. Cô phóng viên lẽo đẽo đi theo. Ông Tạch già ra hiệu cô phóng viên dừng lại. Cô phóng viên tưởng ông Tạch Già giục cô mau chân để kịp chứng kiến sự kiện quan trọng sắp xảy ra nên hấp tấp bám đuổi. Ông Tạch dừng lại, bảo:
- Đây cũng đề tài báo chí để cô khai thác đấy.
Cô phóng viên trẻ nhìn theo tay ông Tạch Già, thấy mỗi chữ WC, đỏ mặt:
- Dã...á?…
- Em ngạc nhiên à? Lâu nay, cánh nhà báo thường nhăm nhăm chầu chực, bám đuổi những sự kiện lớn mà không chịu quan sát để phát hiện những chi tiết nhỏ xảy ra trong đời sống xã hội…
- Dã...á?...
- Đôi khi, những sự việc, hiện tượng rất nhỏ nhưng nếu nhà báo chịu khó tìm tòi khám phá, sẽ khái quát được vấn đề rất lớn mà xã hội đang quan tâm đấy em ạ.
- Dã...á?...
- Ví như việc quản lí khu vệ sinh của Công ty Thành Đạt này. Nếu nâng tầm nó lên, đâu phải chuyện nhỏ!
- Dã...á?...
- Đó là biểu hiện chân thực, sinh động của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp mà lâu nay báo chí cô thường đề cập tới.
Cô phóng viên như đã hiểu ra vấn đề:
- Dạ. Vàng vàng.
- Văn hóa doanh nghiệp là một phạm trù rộng lớn, trong đó có sự ăn và sự…đi đồng, em hiểu chưa?
Cô phóng viên chưa hiểu ông Tạch định nói gì nhưng vẫn gật đầu:
-Dạ. Vàng, vàng.
- Nghĩa là, nói như sinh vật học, đã đồng hóa phải có dị hóa. Em hiểu không?.
- Dạ, vàng.
- Nói theo kinh tế học thì có đầu vào, ắt phải có đầu ra. Em hiểu không?
- Dạ, vàng.
- Trong ăn uống, người ta thường dạy nhau, ăn đúng chỗ, thì việc đi đồng cũng vậy. Đi thế nào cho đúng chỗ, đúng lỗ, đó là quy trình khép kín, cần phải quan tâm. Em hiểu không?
- Dạ, vàng.
- Anh thấy cung cách quản lí nhà về sinh như ở đây là mô hình hay, rất đáng được phổ biến để nhân rộng.
- Vàng, vàng, ạ…
Nói đoạn, ông Tạch Già kéo cô phóng viên đến bên anh thanh niên phỏng vấn về quy mô, về phương thức hoạt động của nhà vệ sinh. Cô phóng viên mở sổ ghi chép. Mấy hôm sau, trên tờ báo xuất hiện bài viết: “Mô hình xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở Công ty Thành Đạt cần được nhân ra diện rộng”. Kèm bài là bức ảnh anh công nhân gương mặt đờ đẫn, đằng sau là nhà vệ sinh tinh khôi…