Chương 5. Con người cẩn trọng- Tiếp tiểu thuyết SẬP HẦM
Sự việc dù có nóng bỏng, dù có cháy nhà chết người, anh Lùng cứ kệ. Ai giục, anh bảo, muốn nhanh phải từ từ. Ấy là anh bắt chước cách nói của người Lào chứ sự dềnh dàng của anh chẳng việc gì nhanh. Ví như công việc trực điện thoại. Ai có việc gấp, gọi điện nhờ anh thông báo thông tin, anh bảo, cứ từ từ, chờ anh lấy giấy bút. Nói đoạn, anh xỏ tất, xỏ giày, buộc giây giày cẩn thận mới chậm rãi đến bàn làm việc. Tháo chiếc khẩu trang, mở ngăn kéo lấy bút, mở sổ, vuốt vuốt trang giấy, chỉnh lại thế ngồi, anh mới ghé vào điện thoại, hỏi như tra khảo rằng, tên gì? Bao nhiêu tuổi? Làm ở tổ nào? Có việc gì? Rồi anh nắn nót ghi vào sổ.
Anh đi giày quanh năm. Ngày hè, ra đường, anh thường đeo khẩu trang chống bụi và găng tay để chống nắng. Chiếc khẩu trang của anh độc đáo, loe ở giữa, khi anh đeo vào, nói trộm, nom như… mặt con khỉ. Anh giải thích, chiếc khẩu trang phải loe như vậy để giữ ốc - xít! Anh gọi nguyên tố ô xy là ốc - xít; gọi điện thoại là tê - lê - phôn, gọi ti vi là ti - vi - xần, gọi con khỉ là cá thể khỉ. Đôi găng tay của anh cắt cụt các đầu ngón, khi đeo vào, thòi ra các móng tai tái, nom như móng vuốt con khỉ. Anh giải thích, các ngón phải chìa ra như vậy để dù có đeo găng, các thao tác vẫn linh hoạt và chính xác.
Anh giải thích vậy chứ công việc của anh chẳng cần sự linh hoạt, chính xác. Trước, anh làm công tác tuyên giáo công đoàn của Mỏ than Dương Dương. Công việc của anh cần nói nhiều nhưng anh lại rất kiệm lời. Trong các cuộc họp, anh lại càng ít phát biểu. Và, nếu có thì mỗi lời của anh đều được cân nhắc, rào trước đón sau, kỹ lưỡng. Chẳng hạn, trong cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, anh mạnh dạn góp ý kiến cho lãnh cơ quan. Đại loại, đồng chí Lê Thị Ngọc Phượng (Chủ tịch Công đoàn mỏ Dương Sơn) là người năng động, sáng tạo, tận tuỵ với công việc. Tuy nhiên, như nhiều đồng chí đã phát biểu, đồng chí Phượng vẫn còn xuề xòa, đôi lúc nóng nảy... Mà chẳng riêng góp ý cho lãnh đạo, với ai, anh cũng góp ý như vậy. Tức là anh góp ý cho lãnh đạo nhưng thực ra, anh chỉ tổng hợp ý kiến của người khác. Như vậy, anh vừa được tiếng là người thẳng thắn phê bình, vừa khách quan mà chẳng mất lòng ai. Như trên đã nói, anh rất ít phát biểu trong các cuộc họp. Thường, mọi người thường thấy anh chỉ ngồi nghe người khác phát biểu, thi thoảng điểm một “chiếc”... gật đầu!
Ta hãy hình dung xem, khi đang phát biểu, đang diễn thuyết hay đang đọc báo cáo mà nhìn xuống đám cử toạ thấy người thì đọc báo, người thì nhổ râu, người ngáp vặt - tức là kẻ nói nhưng không có ai thèm nghe. Khi đó mới thấy ta bị rẻ rúng, bị xúc phạm làm sao! Với anh Lùng thì khác, khi người ta đang nói, ai nhổ râu, ai ngáp vặt, kệ. Anh vẫn nhẫn nại ngồi nghe và luôn điểm nhịp... gật đầu! Gật đầu tức là đồng tình ủng hộ người đang nói. Bởi vậy, những “chiếc” gật đầu của anh khiến ai cũng có cảm tưởng như anh là... đồng minh!
Mới đây, trong cuộc họp quan trọng của Công đoàn mỏ do chị Phượng Bốc chủ trì, anh vẫn túc tắc điểm gật như thế. Chị Phượng Bốc tưởng anh Lùng ngủ gật, bèn nói:
- Anh Lùng, tại sao tôi nêu vấn đề quan trọng như vậy mà anh không chú ý lắng nghe? Anh cần ngủ, mời anh về nhà ngủ cho đàng hoàng!
Anh Lùng đỏ mặt:
- Dạ, bá cáo ... tôi vẫn chú ý lắng nghe đấy chứ ạ!
-Vậy, ý kiến anh như thế nào?
- Dạ, bá cáo, tôi... tôi không có ý kiến gì ạ!
- Sao lại không? Đợt tinh giản biên chế này anh thuộc diện nghỉ hưu trước tuổi. Để mở rộng quyền dân chủ, trong cuộc họp này, chúng tôi mong được nghe ý kiến của anh trình bày về tâm tư, nguyện vọng của mình.
Anh Lùng bật dậy, nói lắp bắp:
- Dạ thưa... toàn thể cống (các) đồng chí! Tôi năm nay năm mươi tuổi, ba mươi năm công tác, hai tám tuổi Đảng, đã từng hoạt động ở nhiều lĩnh vực. Tôi tự thấy tôi có đủ kinh nghiệm để đảm đương các nhiệm vụ của cơ quan giao. Gia đình tôi lại đang gặp nhiều khó khăn...
Nói xong, mồ hôi anh túa ra, mặt tái dại. Chưa bao giờ mọi người được nghe anh Lùng nói nhiều như thế. Dù vậy, anh Lùng vẫn phải nghỉ hưu trước tuổi, đành tìm đến Công ty Thành Đạt xin việc.
… Từ nhỏ, Văn Chèo đã biết anh Lùng học giỏi nổi tiếng; sau đó đi đại học rồi làm cán bộ nhà nước. Dân làng Đồng Xa thường mang tấm gương anh Lùng để răn dạy con cái. Bố mẹ Chèo cũng thường mang anh Lùng ra dạy anh em Chèo. Lâu nay, Chèo tưởng, học giỏi, đỗ đạt như anh Lùng, phải làm cán bộ ở viện nghiên cứu hay giảng dạy ở trường đại học. Không ngờ, anh Lùng chỉ là cán bộ tuyên huấn công đoàn mỏ, bây giờ thất nghiệp, đến Công ty Thành Đạt xin việc; còn vợ anh Lùng chỉ là cấp dưởng ở bếp ăn công trường, nay cũng về “một cục”.
Hôm đến Công ty Thàn Đạt xin việc, Văn Chèo trực tiếp sát hạch anh trình độ của anh Lùng. Anh Lùng chìa ra hai bằng đại học, một là cử nhân chính trị, hệ chính quy; bằng hai là cử nhân ngành kinh tế phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân, hệ tại chức.
Văn Chèo xem hai tấm bằng đại học, lắc đầu, hỏi anh Lùng, cụ thể là anh làm được việc gì? Anh Lùng chậm rãi rằng, anh có thể phân tích, tham gia hoạch định và tư vấn thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành và mọi lĩnh vực; quản lý các quá trình phát triển; xây dựng, phân tích, thẩm định và chỉ đạo thực hiện các chương trình và dự án phát triển; phân tích và dự báo kinh tế - xã hội; mô hình hóa tăng trưởng kinh tế; tổ chức các hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế, thực hiện các dự án phát triển với nước ngoài. Chèo sốt ruột, lắc đầu, ở đây chỉ cần chuyên gia kỹ thuật và người có sức khỏe để đào than. Lúc này, anh Lùng không thể từ từ được nữa. Anh lắp bắp trình bày hoàn cảnh gia đình; anh nài nỉ van xin Văn Chèo vì tình đồng hương mà chiếu cố. Chèo động lòng trắc ấn, đồng ý tiếp nhận anh vào làm gác của lò, trực điện thoại và nấu nước cho công nhân uống, mỗi tháng năm triệu bạc, cao hơn lương cán bộ tuyên giáo công đoàn.