Khởi đăng tiểu thuyết SẬP HẦM của Minh Cao

Minh Cao tên thật: Nguyễn CaoThâm; Từng làm công nhân, chỉ huy sản xuất mỏ hầm lò; giáo viên dạy nghề hầm lò; cán bộ kỹ thuật, kế hoạch, tiền lương v.v. tại các mỏ ở Quảng Ninh, Thái Nguyên. Cựu phóng viên Báo Bắc Thái; Phó Tổng biên tập Báo Bắc Kạn; phóng viên, biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Công nhân, NXB Lao động; Phó Tổng Biên tập Tạp chí Than –Khoáng sản Việt Nam. Hiện là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập – phụ trách báo điện tử DoanhnghiepNet. Tác phẩm văn học, báo chí đã xuất bản: Lạc thú, tiểu thuyết, 1991; Cơ hội vàng, tiểu thuyết, 1992; Đa mang, tiểu thuyết, 1993; Thần tượng, tập truyện ngắn, 2003; Những ngày đàng, tập phóng sự, 2006; Chạy trốn, tiểu thuyết, 2006; Tiếng đập cửa, kịch bản phim truyện và sân khấu, 2009; Ký sự nhân vật, tập ký sự, 2010; Thăm thẳm đường xa, tập phóng sự, 2014; Góc khuất, tập phóng sự, ký sự, năm 2015. Tiểu thuyết “Sập hầm” viết trong nhiều năm, sửa chữa tại Trại sáng tác Văn học, Bộ Công an, tháng 4/2014 và sửa chữa trong dịp Tết Bính Thân.


Tác giả với các nhà văn tại Trại sáng tác Bộ Công an, 2014

Chương 1.  ÔNG TẠCH GIÀ

Chuyện ông Tạch Già đưa gái điếm về nhà đồn um cả Mỏ Dương Sơn. Ai gặp ông, hỏi thực hư, ông đều cười ê hề hế, rồi rằng:

“ Chú hỏi anh kể chú (hay anh, hay  em…) nghe

Chiều mồng Ba Tết ca ve nó vào

Nó vào biết tính làm sao?

Bia lon bật nắp tào lao rông dài

Đầu xuân nói chuyện khôi hài

Nâng lên hạ xuống được vài ba lon

Vô tư là cái tròn tròn

Sờ sờ nắn nắn vẫn còn vô tư

Đàn bà dù có là hư

Thì da thịt vẫn ngọt lừ, chú ơi (hay anh, hay em..)”

Đọc xong, ông vỗ bét vào vai người đó mà lắc lắc, xoa xoa.

Với ông, chuyện gì cũng có thể diễn đạt bằng…thơ. Thợ mỏ gọi những “sáng tác” của ông là thơ, thực ra đó vè. Thậm chí, ông còn sáng tác cả …trường ca; thực ra là diễn ca. Đây là trích diễn ca nhại theo “Chinh phụ ngâm”, đoạn nói về tranh chức quyền ở mỏ, khi Giám đốc Vũ Văn Văn bị cách chức:

…Từ khi Vũ Văn Văn ngã ngựa

Hai ứng viên sấp ngửa tranh ngôi

Thợ lò như lửa như sôi

Phen này ai biết vua tôi thế nào!

Phạm Văn Minh học cao chịu khó

Bao năm rồi làm chó canh sân

Bao năm nhịn nói, nhịn ăn

Bây giờ giám đốc đến phần ông chăng?

Lê Xuân Phượng lăng xăng, hớn hở

Bằng cấp này ai đã hơn ta!

Bao năm lò bễ xông pha

Bây giờ chắc mẫm là cờ đến tay?

Đùng một cái – đánh đùng một cái

Kẻ ngoại bang nhảy tới chiếm ngôi!

Thợ lò như đỉa gặp vôi

Ôi trời, cái gã mặt dơi, tai mèo…

Giống dơi mèo hay trèo, hay rúc

Thích đi đêm để phụ mồi ngon

Chỉ thương một lũ lon ton

Dở quan, dở lính, dở con, dở thằng…

 

“Trường ca” của ông Tạch Già nhanh chóng lan truyền trong công nhân mỏ.

Ông là thợ lò bậc sáu Mỏ than Dương Sơn; từng được đào tạo nghề mỏ ở Liên Xô.Vợ con ông ở quê. Mấy chục năm sống trong khu tập thể mỏ, phiền toái, bất tiện, ông tậu vạt đồi, làm túp lều, ở riêng.

Dáng ông cao lớn, đường bệ; mặt chữ điền, trán cao, miệng rộng, tai to. Mỗi khi ông khi diện comple; cắt tỉa râu ria, nom như … bộ trưởng. Nhiều người cho rằng, ông cao to, béo tốt là nhờ ở nết ăn tạp. Bếp của ông đặt chiếc nồi gang, sôi ùng ục quanh năm. Trong nồi gang nào cơm nguội, xương lợn, bánh mì, xương cá, bún, rau…. Khi nồi vơi, ông vét các thức ăn thừa ở nhà ăn tập thể, nạp vào. Mỗi khi đói hay nhạt mồm, ông tợp mấy ngụm rượu, xúc bát hổ lốn, húp, coi như xong bữa. Ai đến nhà ông, nhìn nồi hẩu lốn đều thè lưỡi, rùng mình. Ông bảo, xét cho cùng, thứ gì chẳng tập kết ở cái dạ dày! Rồi ông giải thích, nhiệt độ trong nồi hàng trăm độ xê, không thứ gì sống được dưới lửa!

 

***

… Đang làm ở Mỏ Dương Sơn, đột nhiên ông Tạch Già bỏ việc, làm thuê cho Công ty Thành Đạt – một công ty tư nhân do Văn Chèo làm Tổng Giám đốc. Ông Tạch Già biết Văn Chèo từ khi hắn làm  than “thổ phỉ”. Than “thổ phỉ” là dân gian gọi hình thức khai thác than trái phép. Hôm lên thăm nhà ông Tạch, Chèo rất thích thú khi nhìn thấy nồi hẩu lốn và cảnh sống bừa bộn của ông, bèn nói:

-Bác giống em…

Ông Tạch trừng mắt:

-Tao mà lại giống mày! Tao là thợ lò được đào tạo ở Nga Xô, là công nhân của thành phần kinh tế Nhà nước năng động; còn mày là thằng nhà quê, đi làm cửu vạn, đào than chui cho đám thổ phỉ. Mày cần giống tao thì giống chứ tao mà lại giống mày? Nói ngược!

Chèo đập vào vai ông:

-Gớm, bác…

Có lẽ Chèo và nhiều người đã nhầm. Thoạt nhìn nồi hẩu lốn vội cho rằng ông Tạch ăn tạp, ăn bẩn là nhầm. Chủ trương của ông, ăn chỉ là phương tiện; ăn đủ chất, ăn tiết kiệm và hợp vệ sinh; thoạt nhìn đồ đạc bài trí trong phòng có vẻ lủng củng, lộn xộn vội cho rằng ông luộm thuộm cũng nhầm. Thực ra, đồ đạc trong nhà ông sắp xếp rất trật tự. Có lẽ nghề hầm mỏ đã rèn ông thói quen đó. Trong nhà ông, dù mất điện, ông vẫn tìm được chai rượu ở đâu? chai mắm ở đâu? cái kìm, con dao ở đâu?...

-Chỗ đái đâu, bác?- Chèo hỏi.

-Muốn đái đâu thì đái.

Chèo cười phớ lớ rồi lặc lè ra đầu hồi. Chợt, phát hiện dưới mé đồi có tiếng con gái, Chèo nấp vào búi lau rướn người, nhòm. Dưới ấy là nhà tắm công cộng của Mỏ Dương Sơn. Gọi là nhà tắm nhưng đó chỉ là bể nước lộ thiên, lợp ngói xi măng, xung quanh quây tường lửng. Từ độ cao này, Chèo rướn người nhìn thấy những mảng thân thể nõn nà của chị em dập dềnh trên mặt nước.

-Bác Tạch ơi, ra đây, ra đây…

Ông Tạch hấp tấp chạy ra. Chèo bảo:

-Bác có cái mỏ lộ thiên mà không biết khai thác.

- Gớm, tưởng gì…

Cái “mỏ lộ thiên” này thì cánh đàn ông làm ở văn phòng Mỏ Dương Sơn ai cũng biết, chỉ có chị em là không biết. Nhà tắm ngay mé đồi, dưới con đường lên văn phòng mỏ. Mấy bác ở phòng tổ chức qua đây cũng liếc nhìn; mấy cậu kỹ sư trẻ, qua đây cũng liếc mắt nhìn. Có người qua đây, vờ cúi xuống buộc giây giày để nhìn lâu hơn. Chỉ có đàn bà qua đây là không thèm nhìn.

Đêm đó, Chèo đi khai thác “mỏ lộ thiên”. Tiếng nói, tiếng cười rúc rích của chị em lẫn trong tiếng nước rào rào kích thích Chèo ghê gớm. Hắn trườn về phía rãnh thoát nước để thu hẹp cự li. Mùi xú uế từ  rãnh nước xộc  lên tởm lợm khiến hắn hắt hơi. Đám con gái trong nhà tắm hét toáng lên. Chèo hốt hoảng lao vào nhà ông Tạch. Tiếng cô gái:

-Lão Tạch già! Lão Tạch già!

Một cô hướng về phía nhà ông Tạch mà rằng:

-Lão già khốn nạn!

Nhìn Chèo mặc quần đùi, mình lấm lem đất cát, ông Tạch Già lừ lừ tiến về phía Chèo. Chèo nghĩ, có thể ông sẽ đấm vào mặt Chèo; cũng có thể ông Tạch sẽ làm ầm lên để thanh minh, kẻ rình trộm phụ nữ tắm không phải là ông. Nhưng không, giọng ông Tạch Già nhẹ nhàng:

-Mày thấy da thịt gái mỏ thế nào?

Chèo hào hứng:

-Ối giời, tuyệt vời. Cơ mà chúng nó xả ra rãnh nước, thối kinh, bác ạ.

-Đẹp mặt nhỉ!

-Gớm, bác. Bác… cũng đưa gái điếm về nhà, dân trong mỏ đồn ầm lên.

-Nói ngu! Ở đời, muốn thưởng thức cái gì cũng phải mất phí chứ; phải chi tiền mặt chứ.

-Gớm, bác…

Lại một vụ “xì – căng – đan” của ông Tạch Già, khiến dân mỏ đàm tiếu. Chị  Lê Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Công đoàn Mỏ Dương Sơn biết tin này liền yêu cầu ông Tạch Già viết kiểm điểm. Chị Phượng có tục danh là Phượng Bốc. Thoạt nghe, nhiều người tưởng, trên diễn đàn chị Phượng thường bốc đồng hùng biện; có người lại tưởng, chị có thân hình bốc lửa. Nhưng không phải. Đơn giản vì chị Phượng có bộ ngực to hiếm thấy! Mỗi lần chị thể hiện một động tác mạnh mẽ, bầu ngực bật ra khỏi “áo con”. Khi đó, chị Phượng thản nhiên… bốc bầu ngực đặt vào vị trí!

Tục danh Phượng Bốc trở thành khẩu hiệu hành động của thợ lò mỗi khi thực hiện một công đoạn nặng nhọc. Thuật ngữ hầm lò gọi hai dây xích sắt, móc hai cái đòn gánh bằng đường ray, đỡ xà khi chống giữ những đoạn lò đất đá mềm yếu, nguy cơ sụp đổ cao là coóc sê. Công nghệ chống giữ lò bằng coóc sê yêu cầu kỹ thuật cao, phải nhanh, chính xác. Khi đó, thay vì hô, “hai ba này!”, thì thợ lò  Sơn Dương  hô: “Phượng Bốc, này! Phượng Bốc, này!”. Vậy là chỉ cần hai “đỏ”, chiếc xà bằng sắt, nặng hàng tạ, được tốp thợ lò đưa lên, gối trên cooc sê, nhịp nhàng, mau lẹ và chính xác.

Chỉnh lại “áo con”, chị Phượng Bốc mở cửa phòng. Nhìn ông Tạch vận bộ veston, đi giày da, đầu bóng lộn; cử chỉ, nói năng lịch lãm, chị Phượng bỗng nhiên bối rối. Nghe chuyện về ông Tạch đã nhiều, chị hình dung ông già nua, nhếch nhác, hâm hâm ngồ ngộ, vậy mà… Khi cầm bản tự kiểm điểm của ông Tạch Già, chị Phượng Bốc càng bối rối hơn. Đó là một bài…thơ! Thơ rằng:

Lãnh đạo hỏi, em xin thưa

Cái nhà tắm nữ xây bừa từ lâu

Chị em da thịt trắng phau

Mà bày ra trước mắt hau háu thèm

Ông già và đám thanh niên

Đi qua cũng liếc mắt nhìn chị em

Chị em thì cứ thản nhiên

Cởi quần cởi áo tắm tiên bên đường

Lãnh đạo hỏi, xin tỏ tường

Em đây vóc dáng thịt xương đẫy đà

Chị em thì cứ bày ra

Em đây tiện mắt bỏ qua sao đành…

Đọc đến đây, chị Phượng Bốc càng bối rối:

- Sao lại thế này? Tôi cho gọi bác lên đây để kiểm điểm về hành vi của bác xảy ra đêm mồng mười tháng tám tại nhà tắm nữ cơ mà.

-Thì đấy.Tôi đã kiểm điểm rồi đấy. Chị đọc tiếp đi. Trong đấy tôi còn kiến nghị xây lại cái nhà tắm. Ai lại xây nhà tắm hớ hênh cạnh đường đi. Các chị có của phải biết giữ chứ…

-Cái bác này, nói năng …rất chi là gì…

Mỗi lần bối rối, chưa diễn đạt thành lời, chị Phượng Bốc thường nói “rất chi là gì”

…Đấy là chuyện của năm năm trước. Bây giờ ông Tạch Già đã rời bỏ thành phần kinh tế nhà nước năng động đến làm thuê cho Văn Chèo với tư cách là chuyên gia kỹ thuật, thu nhập mỗi tháng gấp bảy lần so với thời ông làm thợ hầm lò bậc sáu trên sáu ở  Dương Sơn – doanh nghiệp của  Nhà nước.

Đón đọc chương 2. MA NHÀ TIÊU