Tản văn về mùa xuân của Vũ Thị Minh Huyền

Tác giả Vũ Thị Minh Huyền là cử nhân sư phạm tiếng Trung Quốc, Thạc sĩ tiếng Trung Quốc, Cử nhân Kinh tế đối ngoại, Cử nhân Luật, Nghiên cứu sinh ngành Ngôn ngữ học tại Học viện Khoa học xã hội. Chị đã có nhiều tản văn đăng trên TÁC PHẨM MỚI và các báo, tạp chí trung ương, địa phương. tacphammoi.net trân trọng giới thiệu bạn đọc 2 tản văn mới của Vũ Thị Minh Huyền.

XUÂN MỘC CHÂU

(Thân tặng bạn Bùi Hồng Hạnh-Giáo viên Trường PTTH Lương Thế Vinh, Hà Nội cùng các bạn đã và đang sống và làm việc tại Sơn La)

“Như tay em vẫy trong sương

Dệt thêu gấm vóc triền nương lưng đồi

Dịu dàng ngân khúc đàn môi

Chợt nhòa chợt hiện gửi lời trao duyên.

Em cười nắng chợt hồng thêm

Đồi vồng ngực trẻ xanh lên bồi hồi

Mộc Châu sương nối đất trời

Ẩn trong sương giá nụ cười duyên em”

(Trích trong Bài thơ: “Tâm sự với làn sương” của tác giả Trần Vân Hạc)

Bỏ lại sau lưng những guồng quay vội vã, bon chen và đầy rẫy những mệt mỏi của cuộc sống nơi thủ đô, mùa xuân đã về Mộc Châu với một sức hút đầy mê hoặc bởi khung cảnh rực rỡ khoe sắc của rất nhiều loài hoa: hoa mận, hoa cải trắng, hoa đào, hoa lê, hoa ban, hoa chuối, hoa lan rừng....Những bông hoa dập dờn, thấp thoáng như muôn ngọn lửa ấm áp.Hương hoa thấm đẫm trong từng ngọn gió, thơm trong tiếng khèn thanh thoát vút cao, ngọt ngào trong tiếng hát ai thiết tha, nồng cháy trong tiếng đàn môi thầm thì gọi bạn, ngây ngất đam mê trong làn tóc ai náo nức hội xòe.Tôi đã đến Mộc Châu nhiều lần, nhưng dường như lần nào cũng cảm giác đến để tìm lại sự bình yên trong tâm hồn, để được sống chậm lại sau những tháng ngày vội vã.

Nhớ đến Mộc Châu là nhớ đến những đồi chè mướt xanh, những trảng cỏ xanh mơn mởn với những đàn bò sữa, những cánh đồng hoa cải trắng trải rộng đến tận chân trời tít tắp, bò lan trên những sườn đồi thoai thoải. Tiếp nữa là những rừng hoa đào đỏ rực, hoa mận, hoa mơ trắng tinh nguyên trải hết cả những thung lũng mỗi độ Tết đến xuân về.Trong áng chiều đã ngả dần tím, cảnh chiều hôm ở Mộc Châu đã bảng lảng khói lam chiều.....vạn vật nơi đây khiến chúng ta lâng lâng một nỗi niềm khó tả.Một Mộc Châu mộc mạc, thanh bình, tĩnh lặng. Tôi có thể ngồi cả ngày để ngắm nhìn những bình yên ấy mà không biết chán.

Sau những vội vã của cuộc sống hằng ngày, tôi luôn mơ ước được đến đây để lắng nghe tiếng đêm bước vào thung lũng, tiếng chiều tàn dịu dàng, một ngày trôi đi thật nhẹ nhàng. Chốn bình yên của tôi chìm trong bóng tối, chậm rãi và tĩnh lặng.

Mùa xuân, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cô gái Mông ngồi trên lưng ngựa, bắp chân chắc nịch của người quen trèo đèo, lội suối, nếp váy thổ cẩm rực rỡ phủ xòa trên lưng con ngựa thồ đủng đỉnh gõ móng trên đường nhựa, cô nào má cũng đỏ bồ quân, mái tóc hoe vàng, đôi mắt đen láy, miệng cười chúm chím thật duyên.

Những ngày cuối năm tuy lạnh nhưng vui hơn bởi những phiên chợ Tết. Dân bản tấp nập đi chợ Tết.          Mùa này, bếp lửa của đồng bào lúc nào cũng rực lửa, làm ấm cả căn nhà. Tết sắp về rồi, người ta phải làm trước những món ăn cầu kì cho ngày Tết. Người ta chuẩn bị những nguyên liệu để dùng trong Tết như gạo nếp nương, gà sống, lợn cắp nách, rau cải nương và cả những mẻ rượu nếp. Cả một miền ẩm thực độc đáo của Tây Bắc lại bừng lên mỗi khi mùa xuân về.

Rời khỏi vùng đất này, chắc hẳn trong mỗi chúng ta đều bồi hồi và không ai có thể quên tiếng sáo Mông vi vút gọi bạn, tiếng khèn xao xuyến bước chân ai, nếp váy thổ cẩm của những cô gái Mông đẹp như trái táo chín mọng, tiếng cười ròn rã lấp loáng hàm răng trắng bóng của các chàng trai bên bạn tình....Tất cả tạo nên một ấn tượng sâu sắc đối với những ai đã từng một lần đặt chân lên vùng đất cao nguyên Mộc Châu.

Hương sắc mùa xuân chân thật ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, mỗi độ xuân về lại náo nức hồi hộp đợi chờ như lời hẹn hò với một mối tình thuở hoa niên.Còn với những người con xa xứ, tình yêu, nỗi nhớ với mùa xuân nơi đây thật khó mà đặt tên, cứ đau đáu, day dứt khôn cùng trong ký ức và khát khao một cuộc hành hương về cội.

Mùa xuân vẫn luôn được coi là mùa của yêu thương và đoàn tụ. Bởi lẽ với mỗi người con xa quê, mùa xuân luôn là mùa được mong chờ nhất, là mùa của những bữa cơm sum họp rộn vang tiếng cười. Có lẽ những ai đã từng đi qua tháng năm tuổi trẻ nơi đất khách quê người mới thực sự thấu hiểu sự thiêng liêng và quý giá của hai tiếng thân thương- hai tiếng "gia đình". Đó là nơi bình yên nhất luôn rộng mở chào đón những bước chân con trẻ khi đã thỏa sức tung cánh vẫy vùng giữa biển đời thênh thang. Chúng ta được sống lại trong không khí ấm áp của gia đình thân yêu. Những chuyến trở về của những người con xa quê như cánh chim mỏi cánh chợt nhớ về tổ ấm. Sau một năm vất vả và mệt mỏi, xuân đem về cho ta ngọn gió heo may mới mẻ và mát dịu như một làn gió mới thổi vào đời mỗi chúng ta.

Mùa xuân đến, hạt giống bắt đầu nảy mầm, chồi non bỗng thức giấc, hoa mơ, hoa mận, hoa đào, hoa ban hòa quyện vào gió xuân... chỉ từng ấy thôi cũng đủ khiến chúng ta xao xuyến. Cây cối sau tháng ngày mê man trong giá lạnh của đất trời Tây Bắc giờ đây được đánh thức bởi tia nắng sớm mai lung linh. Nắng xuân rộn ràng, lòng người rạo rực và khoan khoái vô cùng. Mùa xuân như một điểm tựa để tạo sức bật về phía ngày mai, cho chúng ta quyết tâm và sự tin tưởng vào những điều tốt đẹp.

Xuân về, đồng nghĩa với một cái Tết cổ truyền đang đến gần. Từ bé tôi đã rất thích ánh lửa bập bùng tỏa ra từ bếp củi mỗi lần luộc bánh chưng. Ngồi bên mẹ, cùng mẹ trông nồi bánh và nghe mẹ kể chuyện cổ tích. Tự sâu thẳm tâm hồn, những kỉ niệm về Tết không phải là rực rỡ sắc màu của quần áo mới, của những phong bao lì xì mà là những lần háo hức gói và trông nồi bánh chưng cùng bố mẹ.

Cuộc sống gấp gáp của thời đại công nghiệp hóa, chỉ cần ra siêu thị một buổi sáng thôi là có thể mang cả không khí Tết về nhà. Thế nhưng niềm vui ngày xưa, sự háo hức đếm từng ngày cho đến Tết của trẻ thơ nơi phố thị liệu có còn? Những "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh" có làm lòng ai se sắt và ước mong về một ngày mai viên mãn? Cuộc sống này như một bức tranh với những mảng sáng tối vẫn đan xen nhau. Trẻ em thành phố thì quần áo mới chưa mặc hết đã được mua bộ quần áo mới khác,trẻ em ở vùng cao thì vẫn đi chân đất, mặc áo cộc tay trong tiết trời giá lạnh, ăn không đủ no mặc không đủ ấm thì nói gì đến chuyện sắm Tết?Có chăng là chờ những chuyến đi làm thiện nguyện của những nhà hảo tâm mang quần áo ấm, sách vở, bánh kẹo, giầy dép...lên chia sẻ với các em vào dịp đông về Tết đến để các em được đón Tết ấm áp hơn. Khi mọi thứ phát triển với tốc độ quá nhanh, con người cũng bị cuốn theo cơn lốc ấy và dần trở nên vô cảm với đồng loại của mình. Mọi mối quan hệ, mọi sự liên kết tình cảm giữa người và người dường như đang mờ nhạt dần và ngày càng xa cách. Tuy nhiên, giữa "cơn bão" ấy, vẫn còn nhiều - thậm chí là rất nhiều bạn trẻ đang đi "ngược chiều gió" để vận động, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay, góp sức xây dựng cuộc sống cho những mảnh đời còn khốn khó.Họ đang thực hiện một hành trình đẹp và đầy màu sắc của cuộc đời mình... cho tất cả mọi người, và cho chính họ.Tôi rất đỗi tự hào vì có những người bạn đang làm công việc thiện nguyện như thế.Có thể kể đến bạn Bùi Hồng Hạnh-hiện đang làm giáo viên tại Trường THPT Lương Thế Vinh Hà Nội cùng một số bạn học phổ thông của tôi đã cùng nhau lập nên “Hội từ thiện chuyên Hoàng Văn Thụ Hòa Bình 96-99” để kêu gọi cộng đồng cùng quyên góp quần áo ấm cho các em học sinh nghèo vùng cao ở Hòa Bình. Những việc làm bình dị mà đầy ý nghĩa đó dẫu chỉ là sự tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong lúc không may hoạn nạn, là “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm là rách nhiều”… nhưng đã thắp lên ngọn lửa hy vọng vào những điều kỳ diệu trong cuộc sống, để rồi những mảnh đời bất hạnh có thêm nghị lực, vững tin viết tiếp ước mơ.

Về Mộc Châu, say với màu xanh của núi, với hương thơm của rừng, với vị chát ngọt của chè, tôi còn ngây ngất say bởi sự hồn hậu của những người dân nơi đây.Tết cùng uống rượu, cùng chia bánh, chia thịt ngon, cùng say tiếng khèn, cùng trao nhau quả pao trong ngày hội. Ai lên đây những ngày cuối năm hẳn như được đắm mình vào không khí mùa xuân đang về khắp núi rừng và làng bản. Thiên nhiên, lòng người như níu giữ lòng người cùng hòa vào men say của mùa xuân nơi đây. Mùa xuân đang từng bước đến gần. Tôi chợt da diết nhớ Mộc Châu, nhớ từng con phố, dãy núi mờ sương cùng bao gương mặt thân yêu, bao kỷ niệm.Nhớ đất trời Mộc Châu bốn mùa như tấm thổ cẩm cô gái vùng cao tỷ mỷ thêu vào lòng tôi một Mùa Yêu, ánh lên những gam màu huyền ảo, thân thiết đến nao lòng. Chợt nhớ đến những câu chuyện cổ tích ngày xưa, những ông Bụt, bà Tiên với muôn vạn phép màu. Đã từng ước mình được lạc vào xứ sở thần tiên ấy, dù chỉ một lần thôi, nhưng lớn dần lên mới hiểu thực ra những phép màu nhiệm ấy có ở đâu xa, chỉ cần trong trái tim mỗi chúng ta biết yêu thương, vị tha và đồng cảm. Bỗng nghe xuân thì thầm kể câu chuyện về cuộc đời mình và chợt nghe đâu đó tiếng phố gọi mùa, mùa gọi nắng xôn xao…

 

“Mai về lòng những vấn vương

Mở bàn tay gặp con đường cùng hoa

Chắt chiu một khoảng sân nhà

Để tôi, trời, đất, em, hoa trao tình

Ô kìa!Lan hé nụ xinh

Mộc Châu thơm thoảng lung linh mây trời”

(Trích trong Bài thơ: “Thì thầm với hoa Lan” của Tác giả Trần Vân Hạc)

 

NỖI NHỚ NGƯỜI XA XỨ KHI XUÂN VỀ

(Thân tặng bạn Đỗ Hồng Hạnh-Cựu sinh viên K33C Trung-Đại học Ngoại Ngữ-ĐHQGHN, hiện đang sống và làm việc tại Bắc Kinh, Trung Quốc)

 

“Đông đến trời xa hoa tuyết lượn

Xuân nhà ta lỡ hẹn bao năm.

Mẹ chờ con đã bao mùa tết

Quặn thắt lòng đau, Mẹ tảo tần...

 

Đông đến trời xa, Xuân nhớ Mẹ

Nhớ nhà nhặt tuyết kết thành hoa

Dâng tặng quê hương bao mùa nhớ

Ân tình con Mẹ đón xuân xa.”

(Trích trong Bài thơ “Xuân nhớ mẹ”của Tác giả Ngọc Mai)

Chẳng biết do đâu, người ta thường ở trong tâm trạng buồn khi nhắc tới người xa xứ? Cũng đúng thôi! Bất luận vì lý do gì ra đi, những người xa xứ cũng đều có chung trong tâm khảm của mình một cái gì đó sâu lắng về quê hương, xứ sở, về cái nơi mình đã dứt áo ra đi. Nỗi nhớ nhung theo năm tháng cứ chất đầy lên, đầy lên, để cho ai đó lại nghẹn ngào mỗi lần nghĩ về quê hương.Thế là mười hai năm rồi con làm dâu xứ người, tha phương nơi đất lạ. Cứ mỗi năm Tết đến, Xuân về con lại hướng về quê hương mà nghẹn ngào nhớ mong. Thèm lắm mùi Tết quê hương.Bắc Kinh giàu có đủ đầy cũng không khỏa lấp nỗi nhớ quê ngày Tết. Có cái gì đó mộc mạc, thân thương bỗng chợt ùa về trong con những ngày giáp Tết này.

Mẹ ơi, hầu hết người Việt sống xa quê ai cũng muốn được về sum họp bên gia đình trong giờ khắc năm cũ qua đi, năm mới sắp đến. Nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện trở về đón Tết với gia đình. Ở xứ người dẫu có mâm cao cỗ đầy cũng không thể nào con quên được hương vị Tết Việt có những món ăn do chính bố mẹ đã làm. Con nhớ món “Hành muối” mẹ làm để ăn cùng bánh Chưng, nhớ “bánh Gai”đặc sản của Nam Định quê mình do chính tay mẹ làm để biếu ông bà nội, ngoại và thắp hương các cụ nhà mình trong dịp Tết. Những ngày này cuối năm ở quê mình chắc đã nườm nượp người rủ nhau đi mua sắm, nghĩ đến đó con đã thấy rưng rưng, cảm giác nôn nao... muốn về bên mẹ. Ký ức về những ngày Tết ngày xưa lại hiện về. Những buổi chiều hai mẹ con xách làn ra chợ sắm đồ, những đêm cả nhà quây quần để cùng gói bánh Chưng, những ngày bố thay bốn mẹ con dọn dẹp nhà cửa, thổi vào trong căn phòng bao nhiêu hơi ấm yêu thương. Con nhớ cả những ngày ngồi bên bếp lửa, nấu cơm bằng củi khô. Nhớ mùi cơm nếp, nhớ những món ăn mẹ nấu đơn giản thế thôi mà sao vẫn thấy ngon đến vô cùng.Con nhớ những đêm trăng ngồi trước sân nhà mình nghe mẹ kể chuyện ngày xửa ngày xưa, nhớ những ngày mẹ nấu cho nồi nước bồ kết để gội đầu, nhớ những buổi trưa nắng chói chang cùng chị Hiền và em Hương đi bắt bươm bướm, chuồn chuồn, châu chấu... nhớ, nhớ nhiều lắm đi thôi.

Mười hai năm xa nhà cùng với bao bước chân lúc thấp, lúc cao, lúc như được bay giữa bầu trời hạnh phúc, lúc thấy mình như không thể đứng dậy và bước đi được nữa. Nhưng con đã biết vượt qua những khốn khó đời thường ấy, đã biết xây cho mình những nền móng cho tương lai. 12 năm với biết bao nhiêu lần thổn thức trong đêm quẹt ngang dòng nước mắt những lúc nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ những kỷ niệm... Nhưng rồi dần dần, con đã tập bắt nhịp với cuộc sống mới và trôi theo dòng chảy đó, quê hương bỗng trở thành một nỗi nhớ, một cái gì đó mà con chỉ có thể nuôi dưỡng ở trong ký ức chứ không thể chạm tay tới được khi mình muốn. Và nỗi nhớ đó theo thời gian cũng lặng hơn, nó không còn quay quắt và đớn đau như cái ngày con mới theo chồng sang làm dâu xứ lạ nữa... Nhưng điều đó không có nghĩa là tình yêu quê hương trong con đã ít đi.

Bạn bè của con cứ bảo là"Tết ở Việt Nam bây giờ buồn lắm!", con không biết mọi người mong đợi điều gì ở những ngày Tết. Còn con, con chỉ ước giá như mình có một đôi cánh để có thể bay về sà vào lòng của những người thân yêu trong gia đình. Tết đối với con, có lẽ chỉ cần được ở bên cạnh những người mình yêu thương, thế là đã đủ lắm rồi.

Tuy không về được nhưng mỗi năm sắp đến tết âm lịch là con cũng chuẩn bị tìm mua các nguyên liệu để gói bánh chưng, gạo nếp để thổi xôi, làm Nem, nấu canh Măng... để cho chồng và con của con hiểu thêm về văn hóa ẩm thực có các món ăn Tết của Việt Nam.

Có dịp là con lại giới thiệu với chồng, con về tết cổ truyền có những thứ gì và có những tập tục gì. Như tục đi tảo mộ tổ tiên, lễ đưa ông Táo về trời, hướng xuất hành, tục xông nhà vào sáng mùng một, rồi chúc thọ, tiền lì xì cùng các thủ tục kiêng kỵ khác... Nhưng cuối cùng ý muốn nói Tết đến là lúc cả gia đình phải họp mặt đông đủ, nhất là bữa cơm chiều ba mươi thì không thể thiếu.

Dù đi xa đã bao năm, dù trở về đã bao lần, con vẫn cứ rạo rực khi ai đó kể chuyện về quê hương, đất nước của mình, như là khám phá đầu tiên, như là những gì rất mới lạ. Vẫn bâng khuâng mỗi lần trở lại quê hương, bồi hồi như buổi đầu hò hẹn của mối tình trong trắng thuở học trò.

Một năm cũ sắp qua, một năm mới sắp đến. Con lại bắt đầu vấn vương với những suy nghĩ của mình. Đất nước đã quá nhiều đổi thay. Hình ảnh quê hương ăn sâu vào trí não mỗi người là cái gì mộc mạc nhất, đơn sơ nhất, chẳng hiểu sau này liệu người ta có còn giữ được không?

Cuối năm. Nửa đêm. Con nhìn ra ngoài trời đầy tuyết trắng. Bên ngoài trời lạnh lắm! Lòng con cũng se lạnh. Bỗng dưng, con thấy mắt mình cay cay. Mười hai năm rồi, vậy mà trong con vẫn nguyên cảm giác ấy. Ôi! Nỗi lòng người xa xứ, cuối năm!Một cảm giác nhớ nhung trào dâng trong lòng khi nghĩ về quê hương:

“Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một Mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nỗi thành người”.

(Trích trong Bài hát “Quê hương”của Giáp Văn Thạch, thơ Đỗ Trung Quân)

 

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2015

Th.s Vũ Thị Minh Huyền