Ai treo cờ trong ngày tiếp quản TX Quảng Yên?

Tôi là Nguyễn Sơn Hà, sinh năm 1941 tại nhà số 36 phố Lê Lợi thị xã Quảng Yên, nay gia đình tôi ở nhà số 63, đường Lê Thánh Tông, tổ 7, khu I, phường Hồng Gai, đường Lê Thánh Tông, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh , điện thoại di động số : 0904 362 298. Tôi phải ghi cụ thể thế, để ai đọc bài này mà còn băn khoăn hay nghi ngờ điều gì, thì cứ liên hệ trực tiếp với tôi. Tôi đã suy nghĩ rất kỹ và phải viết ra điều có thật này, để sự thật không bị ngộ nhận, nhất là khi lớp già như tôi khuất núi..

 

 

SỰ THẬT VỀ VIỆC TREO CỜ NGÀY TIẾP QUẢN QUẢNG YÊN

Nguyễn Sơn Hà

Tôi là Nguyễn Sơn Hà, sinh năm 1941 tại nhà số 36 phố Lê Lợi thị xã Quảng Yên, nay gia đình tôi ở nhà số 63, đường Lê Thánh Tông, tổ 7, khu I, phường Hồng Gai, đường Lê Thánh Tông, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh , điện thoại di động số : 0904 362 298. Tôi phải ghi cụ thể thế, để ai đọc bài này mà còn băn khoăn hay nghi ngờ điều gì, thì cứ liên hệ trực tiếp với tôi. Tôi đã suy nghĩ rất kỹ và phải viết ra điều có thật này, để sự thật không bị ngộ nhận, nhất là khi lớp già như tôi khuất núi..

Tháng 6-1954, do tình hình thời cuộc, trường học của bọn tôi bị đóng cửa, bọn trẻ sướng rơn, thỏa thích lêu lổng, trong đó có tôi. Chẳng ai để ý đến bọn oắt con, nhưng do tọc mạch, hồn nhiên với những người trong cuộc, nên biết nhiều điều, trong đó có việc chuẩn bị treo cờ vào ngày tiếp quản Quảng Yên.

Do chỉ đạo từ đâu thì tôi không biết. Nhưng tôi biết rất rõ :

Người làm cái giá chữ T bằng thép đường ray, rồi gắn lên miệng ống khói lò 4, cao 50m của nhà máy kẽm Quảng Yên là ông Tài Thời ( Phạm Văn Thời). Ông Tài Thời là thợ cơ khí có tay nghề cao, đặc biệt chuyên ngành kết cấu kim loại. Ông làm việc ở nhà máy kẽm Quảng Yên, vì rất giỏi nghề, nên được các kỹ sư người Pháp rất nể trọng, do đó, khi rút đi, người Pháp đã giao cho ông trông nom nhà máy, để chính quyền của ta tiếp quản và quản lý.

Nhà ông Tài Thời lúc đó ở xóm Chanh Giang , gần chợ Rừng Quảng Yên. Ông làm cái giá chữ T đó tại lò rèn ở nhà riêng của ông, rồi bằng cách nào đó, ông đã gắn cái giá chữ T ấy lên miệng ống khói cao 50 m. Đây là một việc bí mật không ai có thể làm được, ngoài ông Tài Thời, vì ngoài tay nghề, việc ra vào nhà máy lúc đó rất khó khăn qua cửa lính gác của Pháp. Cùng cộng tác làm việc này với ông, còn có ông Phú Sơn, nhà ở phố Lê Lợi, tôi biết, vì nhà ông ở cạnh nhà tôi ( ông Phú Sơn cũng là thợ cơ khí của nhà máy kẽm, là bạn của ông Tài Thời). Ông Tài Thời làm việc này, tôi đoán chắc có sự chỉ đạo của Việt Minh. Tôi biết việc làm này của ông là do tôi thường xuyên vào chơi với anh Sự ( còn có tên là Di) con trai ông Tài Thời. Chúng tôi là bạn cùng đội bóng trẻ con với nhau.

Vào buổi sáng hôm tiếp quản, bọn tôi đang câu cá ở cống xi măng Tài Thời, gần chợ Rừng. Ông Tài Thời nhận thầu đầm nuôi cá, nên dân chúng gọi là Đầm Tài Thời và có cái cống xi măng qua đường quốc lộ, cũng gọi là Cống Tài Thời. Bây giờ vẫn còn hai cái tên ấy trong bản đồ hành chính của thị xã Quảng Yên. Bọn tôi thấy ông Nhi ( nhà gần trường học của tôi) đang chở bằng xích –lô một bọc gì rất lớn, có kèm theo cả dây thừng cỡ lớn, chạy về hướng nhà máy kẽm, sau xe có lũ trẻ con đùn theo xe. Chúng vẫy bọn tôi, bọn tôi chạy lên, cũng theo xe, rồi hỏi :

- Gì đấy?

- Xuỵt! Treo cờ !

Bọn tôi hiểu và cũng bám theo xe xích-lô. Ông Tài Thời đón ở cổng đưa chúng tôi vào, lúc đó đã thấy ông Phú Sơn và hai anh là anh Lưu và anh Lới ở chân ống khói nhà máy kẽm. Anh Lưu sau này mới biết là họ Nguyễn, con trai ông Đa Thành, nhà bán hàng thuyền ở cổng chợ Rừng. Anh Lới là Hoàng Văn Lới, người làng Yên Hưng ( Công an Việt Minh). Thì ra, ông Nhi chở hai lá cờ, một cờ hòa bình, một cờ đỏ sao vàng, cỡ lớn, mỗi cái rộng khoảng trên 20m2, từ nhà ông Hách (còn gọi là ông Hiểu), ông Hách có nhà ở trước cửa trường Trung học. Như vậy, Ông Hách là người may cờ, còn ai cung cấp vải thì tôi không biết.

Hai anh Lới và Lưu là hai thanh niên khoảng 25 tuổi, rất tráng kiện, thay nhau leo lên ống khói cao 50m, trên cao có nhiều gió, rất nguy hiểm, bằng các bậc kiểu vòng đai thép, trông rất mạo hiểm, buộc theo dây thừng vào lưng. Lên tới đỉnh ống khói, hai anh luồn dây thừng vào hai ba-lăng đã được ông Tài Thời và Phú Sơn đính sẵn ở giá chữ T trên đó, rồi đẩy dây xuống chân ống khói. Sau khi hai anh trèo xuống, mọi người buộc hai lá cờ vào dây thừng. Hai anh bảo tất cả bọn trẻ và mọi người ở đó giải tán, chờ đến chiều, khi chiếc xe quân Pháp cuối cùng đã xuống phà thì ta mới kéo cờ lên. Bọn tôi giải tán, nhưng háo hức muốn xem việc treo cờ, nên ăn cơm xong là kéo nhau ra chỗ đó ngay.

Khoảng 3 giờ chiều, tôi thấy có mấy loạt súng tiểu liên nổ ran ở phía bến phà Rừng. Bọn Pháp bắn tiễn biệt. Thế là tất cả có đến hàng chục đứa trẻ ( đa số là mục đồng ) và người lớn kéo cờ lên. Sau đó tất cả giải tán, bọn tôi từ xa ngắm hai lá cờ bay phần phật in đậm trên nền trời xanh thẫm, trong lòng thấy nao nao!

Sau này, tôi được biết rằng, anh Khoát khai nhận treo hai lá cờ này, thì rõ ràng là sai sự thật. Tôi biết rõ về anh Khoát lúc đó mới 16-17 tuổi, bố mẹ chết sớm, không công ăn việc làm, nhà ở gần khu nhà thờ công giáo Quảng Yên. Anh vẫn thường lêu têu cùng bọn tôi. Thử hỏi: Anh Khoát lấy tiền đâu ra mua vật liệu bao gồm dây thừng, sắt thép, vải may cờ, làm sao đưa được cái giá chữ T bằng thép đường ray vào khu vực cấm, có canh gác, và một mình làm sao đưa được cái giá chữ T nặng 4-5 tạ lên đỉnh ống khói cao 50m rồi sau đó hàn gắn vào miệng ống khói trong điều kiện có canh gác của bọn Pháp và phải bảo đảm bí mật. Đây rõ ràng là một việc lớn, có sự chỉ đạo của tổ chức Việt Minh, có phân công cụ thể và lập kế hoạch hẳn hoi. Đây là công sức, tinh thần của cả một tập thể. Nhưng chính quyền địa phương đã công nhận và khen tặng anh Khoát. Tôi đã xem một tờ báo thuật lại việc anh Khoát treo cờ. Lúc đó, tôi nghĩ rằng, có người liên quan biết việc này sẽ có ý kiến. Nhưng đến nay vẫn không thấy ai lên tiếng cả. Vậy tôi buộc phải viết bài này.

Giờ đây, các ông Tài Thời, Phú Sơn, ông Hách, anh Lới đã mất, còn anh Lưu không biết có còn sống hay không, ở đâu, tôi không rõ. Và những vị chỉ đạo chắc cũng không ai còn sống. Chẳng ai đòi hòi công lênh gì cả... Tôi chỉ có một nguyện vọng là nói đúng sự thật những gì mình biết, tai nghe, mắt thấy để nhân dân Quảng Yên và nhân dân Quảng Ninh biết rõ sự thật. Nếu cứ để việc xuyên tạc diễn ra, chúng ta sẽ có lỗi, rất khó tha thứ, đối với các thế hệ tiền bối, những người rất đáng được kính trọng và tôn vinh.

-------------------------------------

NGUYỄN-SƠN-HÀ
Số 63 ĐƯỜNG LÊ THÁNH TÔNG

TỔ 7 KHU 1 PHƯỜNG HÔNG GAI

TP. HẠ LONG-QUẢNG NINH

ĐT: 0904362298