Về Hà Tiên
Hà Tiên, một thị xã xinh đẹp thuộc tỉnh Kiên Giang nằm ở phía Tây cực Nam của Tổ quốc. Nơi ấy có cửa khẩu quốc tế thông sang Căm Pu Chia và cũng có cửa biển hướng ra vịnh Thái Lan. Một vùng trời đất bao la trù phú với non xanh nước biếc thơ mộng hữu tình ấy cũng chính là cõi biên thùy trấn ải nơi tận cùng trời Nam. Mảnh đất phên dậu ấy cách đây trên ba trăm năm đã từng vang danh một dòng tộc, một thi đàn và cũng là một thương cảng trên bến dưới thuyền sầm uất nhất trong vùng được nhiều nước biết đến. Xứ sở ấy cũng là nơi ao ước được một lần đặt chân đến của biết bao người.
Tác giả ở chùa Tam Bảo
1. Buổi bình minh của những người đi mở cõi
Hà Tiên xưa có tên gọi là Mang Khảm hay Phương Thành. Đây là vùng đất rộng lớn bao la gồm toàn bộ tỉnh Kiên Giang, tỉnh Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu, một phần nhỏ của tỉnh An Giang và tỉnh Sóc Trăng. Đất này, trên danh nghĩa, thuộc phủ Sài Mạt của Chân Lạp nhưng thực tế thì chưa có chính quyền nào cai quản cả. Tên gọi Hà Tiên, theo truyền thuyết trong sách địa lý thời Tự Đức có chép lại: xưa kia, nơi đây (sông Giang Thành) thường có các nàng tiên (Tiên) hiện xuống đi lại ngọa cảnh, vui tắm ở trên sông (Hà) nên người ta gọi là đất Hà Tiên. Tuy nhiên đó chỉ là truyền thuyết, không có cơ sở khoa học. Còn theo nhà “Hà Tiên học” Trương Minh Đạt cho biết thì tên gọi Hà Tiên bắt nguồn từ tên gọi của một dòng sông xưa có tên là Tà Ten, cũng là tên của một ấp cư dân người Việt cổ sinh sống, ở hướng Đông Bắc thị xã Hà Tiên bây giờ. Theo “Lịch sử khẩn hoang miền Nam” của cụ Sơn Nam, đất Hà Tiên khoảng trên ba trăm năm trước là một vùng hoang hóa “đất rộng người thưa”, tuyệt đại bộ phận đất đai vẫn là đầm lầy và rừng rậm. Hay như trong ghi chép du ký của Pierre Poivre, một du hành người Pháp, năm 1794 có viết rằng: “một vùng hoang vu gần như không có người ở”. Cái thủa “hồng hoang” ấy, vùng đất Hà Tiên rộng lớn, hoang vu chỉ có một số ít lưu dân người Việt, người Khmer là chủ nhân sinh sống và khai khẩn làm ăn trên đất này. Sau đó khoảng đầu thế kỉ XVII, một số người Hoa do Mạc Cửu dẫn đầu đến định cư và chung sức khai phá, phát triển giao thương và tổ chức xây dựng Hà Tiên thành một vùng đất trù phú, hùng mạnh. Có thể nói, để có một Hà Tiên đẹp và cường thịnh vang danh thiên hạ một thời là công lao khẩn hoang, phát triển làm ăn của bao thế hệ lưu dân với những bước chân trần của các tộc người Việt, Khmer, Hoa; trong đó phải tính đến công lao rất lớn cho Mạc gia mà đứng đầu là Tổng trấn Hà Tiên Mạc Cửu.
Tuy nhiên, kể như trên không có nghĩa là vùng đất này mới được người Việt biết đến trong khoảng trên dưới ba trăm năm. Căn cứ vào các dấu tích về ngôn ngữ học, khảo cổ học và dân tộc học, người ta đã chứng minh được rằng vào cuối thời đá mới ở miền Tây sông Hậu (trong đó có Hà Tiên) đã từng có cư dân cổ sinh sống. Đó chính là cư dân của nền văn hóa Óc Eo. Theo tài liệu của nhà nghiên cứu văn hóa Trương Minh Đạt ta được biết: “Người Việt thời xưa đã dùng thuyền đi đến những nơi thật xa…khi đi vào vùng biển Hà Tiên, họ đã gặp một dãy núi dài án ngữ phía trước, vùng bán đảo Mũi Nai. Đó là nơi thích hợp cho người thời cổ dừng chân. Họ đã ở lại và sản sinh một lớp địa danh cổ mang từ tố Pù - Tà - Nạy” (Nghiên cứu Hà Tiên). Và rồi, trên đất Kiên Giang, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện ra những bằng chứng về sự xuất hiện của người Việt cổ ở nơi đây. Đó là: một chiếc trống đồng được tìm thấy ở đảo Lại Sơn (Sơn Rái), có thể nói cổ vật này là một minh chứng cho sự xuất hiện của người Việt cổ trên hải hành Nam tiến mà điểm xuất phát bắt đầu từ vịnh Bắc Bộ và năm di chỉ: Nền Chùa, huyện Tân Hiệp: có nhiều di tích cư trú, kiến trúc, mộ tán, đường nước cổ; Cạnh Đền, huyện Vĩnh Thuận: có di tích cư trú nhà sàn, đồ gốm, đường nước cổ; Đá Nổi, huyện Tân Hiệp: có nhiều di tích cư trú, kiến trúc, hệ thống đường nước hình rẻ quạt; Giồng Đá, huyện Giồng Riềng: có nhiều mẫu gốm thuộc loại hình văn hóa Óc Eo; Mốp Giăng, huyện Hòn Đất: di tích kiến trúc, mảnh gốm mang đặc trưng loại hình của văn hóa Óc Eo. Chúng ta đều đã biết, nền văn hóa Óc Eo là thành quả hợp tác của người Việt cổ và người Khmer cổ cùng nhiều cư dân khác ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nền văn hóa ấy cũng đã để lại cho lịch sử cổ đại Đông Nam Á một nhà nước có tên gọi là Phù Nam với một trung tâm văn hóa rất rực rỡ, hưng thịnh một thời (nhà nước Phù Nam ra đời và tồn tại từ thế kỉ thứ I đến thế kỉ thứ VII). Thế đấy, từ buổi “bình minh” cho đến khi trở thành vùng đất Hà Tiên trù phú thơ mộng, lịch sử đi mở đất của các lưu dân gắn với nhưng hưng thịnh và thăng trầm như vậy đó.
2. Mạc gia danh vọng muôn đời
Theo dòng lịch sử, Mạc gia đứng đầu là Mạc Cửu, người ở Lôi Châu, Trung Quốc. Ông là một trong những cựu thần của nhà Minh tham gia phong trào bài Thanh nhưng bị thất bại. Ông đã vượt biển ly hương về phương Nam lập quê mới để tránh sự truy sát của nhà Thanh. Từ con thuyền lênh đênh trên biển ông đã đến Nam Vang thuộc Chân Lạp xin định cư và khai phá ở Phủ Sài Mạt (tức là đất Hà Tiên). Khi đến đây Mạc Cửu đã mở sòng bạc, xây dựng thương cảng, mở rộng buôn bán, tổ chức chiêu mộ các lưu dân khai khẩn đất hoang và khai thác mỏ bạc nên rất giàu có. Đồng thời ông cũng cho mở rộng các làng mạc, phố xá nên Hà Tiên ngày càng sầm uất và phát triển. Thấy sự phát triển mạnh mẽ của Hà Tiên nên quân Xiêm đã đến cướp phá (năm 1687) và cho bắt cả nhà Mạc Cửu về giam ở Muang Galapuri (Vạn Tuế Sơn). Hai năm sau, nhân cơ hội nước Xiêm bị loạn ông đã đưa cả nhà trốn chạy trở về Mang Khảm (cũng là tên gọi của Hà Tiên) và bắt tay vào khôi phục vùng đất này. Với sự nhạy cảm về chính trị và tầm nhìn chiến lược ông đã thuần phục chúa Nguyễn để yên ổn làm ăn và dựa vào chúa Nguyễn chống lại âm mưu xâm lược của giặc Xiêm. Năm 1708, Mạc Cửu đã đem toàn bộ vùng đất Mang Khảm dâng cho chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa Nguyễn đã đón nhận sự thuần phục của ông và phong cho ông làm Tổng Binh và đặt tên mới là trấn Hà Tiên. Kể từ đây, vùng đất này đã chính thức trở một bộ phận máu thịt của nước Việt. Và cũng bắt đầu từ đó số phận của gia đình họ Mạc gắn liền với những thăng trầm của nhà Nguyễn. Có thể nói, việc dâng đất thuần phục ấy của Mạc Cửu là một công lao to lớn của ông đối với đất Việt. Cũng bởi lẽ này mà vua nhà Nguyễn đã ban cho ông bốn chữ “Khai trấn trụ quốc” và xem ông như một vị “khai quốc công thần”.
Từ một vùng đầm lầy rừng rậm, mảnh đất Hà Tiên chỉ thực sự lột xác trở thành viên ngọc quí từ khi có sự xuất hiện và cai quản của Mạc Cửu. Trong suốt bốn mươi năm cai quản và phát triển Hà Tiên, với tài năng và lòng nhân nghĩa đức độ, Mạc Cửu đã để lại những tình cảm yêu quí và kính trọng đặc biệt trong lòng người dân Nam Bộ nói chung và nhất là ở Hà Tiên. Sau khi Mạc Cửu qua đời, Mạc Thiên Tứ, còn được gọi là Mạc Thiên Tích (được chúa Nguyễn cho truyền ngôi cha và phong làm Tổng Binh Đại Đô Đốc trấn Hà Tiên) cũng đã kế tục xứng đáng sự nghiệp của cha mình để lại. Về mặt ngoại thương, ông cho xây dựng và mở rộng thương cảng để giao lưu buôn bán với nước ngoài. Thời đó Hà Tiên có thuyền buôn của nhiều nước cập bến, đúng là “một nơi đô hội miền biển”. Cùng với buôn bán, Mạc Thiên Tứ cho xây dựng thêm nhiều đường xá, phố chợ, đền miếu, dinh thự, công xưởng, thành lũy làm cho bộ mặt Hà Tiên trở nên đổi mới, sầm uất. Về mặt văn hóa, Mạc Thiên Tứ làm chủ soái của Tao Đàn Chiêu Anh Các. Hội Tao Đàn này đã để lại một dấu ấn đặc biệt và có đóng góp quan trọng vào trong lịch sử sử văn hóa, văn học của dân tộc Việt Nam. Không chỉ có công lao to lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội xây dựng Hà Tiên thành nơi đô hội có tầm trong khu vực Đông Nam Á và thế giới, Mạc Thiên Tứ còn có công rất lớn trong việc chống lại sự xâm lược của quân Xiêm và quân Chân Lạp giữ yên bờ cõi phía Tây Nam của Tổ quốc. Và sau Mạc Thiên Tứ, các con của ông là Mạc Tử Dung, Mạc Tử Hoàng, Mạc Tử Thảng (còn gọi là Thượng) cũng đã noi gương cha ông phò tá chúa Nguyễn Phúc Thuần đóng giữ ở Trấn Giang (Cần Thơ) và dốc sức phát triển, mở mang vùng đất này làm rạng rỡ, vinh hiển cả một danh gia vọng tộc. Đánh giá về công lao của Mạc gia với vùng đất phương Nam của đất Việt, với Hà Tiên, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần đã viết: “Dấu tích của Phương Thành xưa còn đó, những vần thơ của các bậc tao nhân mặc khách trong Chiêu Anh các còn ngân vang đâu đó, mười cảnh đẹp của Hà Tiên theo cách tuyển lựa và giới thiệu của Mạc Thiên Tứ cũng đang còn đó… Đến với Hà Tiên xưa, đến với xứ Đàng Trong thuở xưa, không ai lại không được nghe những lời đầy trân trọng đối với họ Mạc. Việc họ Mạc theo phò chúa Nguyễn, đặc biệt, việc Mạc Thiên Tứ một lòng trung thành với Nguyễn Ánh là điều có thật, nhưng những gì mà họ Mạc đã cống hiến cho Hà Tiên, cho giang sơn một thuở cũng là điều có thật. Không ai có thể xóa bỏ quá khứ mà họ Mạc chính là một phần của quá khứ đó thôi.”
Nhà Mạc nguyên quán tuy không phải ở Hà Tiên nhưng xem ra vùng đất này đã trở thành quê hương của họ từ rất lâu rồi. Có đến Hà Tiên ta mới thấy Mạc gia vẫn còn đó. Thành quả xây đắp của truyền đời họ Mạc cho xứ Hà Tiên vẫn còn đó. Lăng, mộ của họ vẫn còn nằm sâu trên núi Bình San. Linh hồn của họ đã thanh thản an nghỉ trong tiếng gió reo, tiếng sóng biển rì rào bất tận. Bảy đời nhà Mạc nối nhau cống hiến xây dựng đất Hà Tiên, đặc biệt hai cha con Mạc Cửu và Mạc Thiên Tứ là những nhân vật xuất chúng, đã để lại sự ngưỡng mộ cho muôn đời con dân đất Việt. Đền thờ họ Mạc dưới chân núi Bình San bốn mùa hoa trái ngan ngát khói hương và ấm áp tình người. Âu thế chẳng phải là Mạc gia danh vọng muôn đời đó sao?
3. Hạ Long phương nam, xứ thơ non xanh nước biếc vinh danh anh tài.
Từ đảo Phú Quốc tiền tiêu, theo con tàu lênh đênh trên biển ngót năm mươi kilômet chúng tôi về Hà Tiên vào một chiều đầu thu trời xanh mây trắng tuyệt đẹp. Phía trước vịnh Thái Lan rộng bao la mênh mông sóng biếc với biết bao trái núi xanh rì lô nhô trên biển. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là cảnh hoàng hôn phương Nam trên biển. Trong ráng hoàng hôn, một vầng dương to tròn, đỏ rực, tỏa chiếu những vầng sáng dịu êm mà không hề làm chói mắt. Vầng dương ấy cứ từ từ, nhẹ nhẹ đi xuống mặt nước biển xanh một cách chậm rãi, uể oải như thể sau một ngày lao động mệt nhọc. Tôi đã không ít lần đứng nhìn hoàng hôn trên biển phía Đông nhưng nhìn hoàng hôn trên biển phía Tây là lần thứ nhất. Ánh mặt trời lấp lánh phản chiếu biển xanh tạo thành một màu vàng loang loáng nhấp nhô nhảy múa trên muôn ngàn con sóng bạc đầu. Nhìn về phía vịnh Thái Lan, mặt nước và những đám mây màu cam quấn quyện lẫn nhau làm thành một chân trời đỏ rực, tráng lệ.
Có đến Hà Tiên ta mới thấy nơi đây đúng là một “Hạ Long phương Nam”. Đất trời nơi đây thơ mộng và đa dạng đúng như lời nhận xét ngợi ca không ngoa một chút nào của thi sĩ Đông Hồ: “Ở đó kì thú thay, như gồm đủ hết. Có một ít hang sâu động hiếm của Lạng Sơn. Có một ít ngọn núi đá chơi vơi ngoài biển của Hạ Long. Có một ít núi đá vôi của Ninh Bình. Có một ít thạch thất sơn môn của Hương Tích. Có một ít Tây Hồ, một ít Hương Giang. Có một ít chùa chiền của Bắc Ninh, một ít lăng tẩm của Thuận Hóa. Có một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng, một ít Nha Trang, Long Hải…”. Quả đúng thế, thăm thú Hà Tiên ta mới thấy đất này có rất nhiều danh thắng. Đó là những Hòn Phụ Tử; Hang Tiền; Thạch Động; biển Đông Hồ; các núi Bình San, Lộc Trĩ, Đá Dựng, Châu Nham, Hòa Đại, Kim Dữ, Tô Châu; chùa Phù Dung; sông Giang Thành … cùng những bãi tắm tuyệt đẹp dưới những dặng dừa xanh hay những hàng dương thơ mộng như Mũi Nai, bãi Ớt, bãi Dương, bãi Hòn Neo, bãi Chông, bãi Trẹm, bãi Nò… và cả những huyền thoại nửa hư nửa thực xung quanh các danh lam đó.
Hà Tiên đúng là một xứ thơ. Có đọc mười bài thơ vịnh cảnh (Kim dự làn đào - đảo vàng chắn sóng, Bình san điệp thúy - dãy núi như bức bình phong trùng điệp màu xanh, Tiêu tự thần chung - tiếng chuông sáng sớm ở ngôi chùa tịch mịnh, Giang thành dạ cổ - tiếng trống đêm ở bức thành ven sông, Thạch động thôn vân - hang đá nuốt mây, Châu nham lạc lộ - cò đậu triền đất đỏ, Đông hồ ấn nguyệt - trăng in ở hồ nước phía đông, Nam phố trừng ba - bãi nam giữ sóng, Lộc trĩ thôn cư - thôn xóm ở mũi nai, Lư khê ngư bạc - thuyền chài ở rạch vược) của đất này thì ta mới thấy được sự cuốn hút say mê của non nước trữ tình thơ mộng. Quả là đất tạo hứng khơi nguồn cho những ca từ dạt dào sức sống. Và rồi người lại thổi hồn cho đất tỏa sắc màu lung linh: “Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình/ Non non nước nước gẫm nên xinh/ Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn dòng chảy/ Nam Phố, Lư Khê một mạch xanh/ Tiêu Tự, Giang Thành chuông trống ỏi/ Châu Nham, Kim Dự cá chim quanh/ Bình San, Thạch Động là rường cột/ Sừng sững muôn năm cũng để dành”.
Ở Hà Tiên, tôi đã lặng người mê mải ngắm nhìn Đại Tô Châu và Tiểu Tô Châu soi mình trên mặt nước Đông Hồ phẳng lặng vào một đêm thu trăng sáng mà lòng bất giác ngân vang “Một hồ rỡ rỡ tiết thu quang/ Giữa có vầng trăng nổi rõ ràng … Cảnh một mà tình người dễ một?/ Kẻ thì ngả ngớn kẻ sầu thương”. Và tôi cũng đã đứng ngắm bao núi non của miền biên viên cuối nẻo trời Nam. Thạch Động sát biên giới sừng sững như một cột mốc tự nhiên phân định trời Việt đất Miên; núi Đá Dựng với những thạch nhũ lửng lơ trên vách đá tựa như những dây đàn. Và cũng giống như bao du khách khác, tôi không thể không đến Bình San để thăm thú và thắp dâng Họ Mạc một nén nhang để tỏ lòng ngưỡng vọng.
Toàn cảnh núi Bình San trông như một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Núi nằm cách thị xã Hà Tiên khoảng một kilômet về hướng Tây Bắc và ở trên độ cao khoảng chừng hơn năm chục mét quanh năm cây cối xanh tươi một màu. Đứng trên đỉnh núi ta có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh Hà Tiên tươi đẹp với những cảnh hòn Phụ Tử, Thạch Động Thôn Vân, thắng cảnh Mũi Nai ... Đây cũng chính là nơi yên nghỉ của dòng họ Mạc, đứng đầu là Mạc Cửu Tổng Trấn Hà Tiên. Dưới chân núi Bình San là đền thờ họ Mạc. Đền được thiết kế theo hình chữ quốc, xung quanh có tường dày bao bọc, ở chính giữa là điện thờ. Đi qua cổng đền là con đường nhỏ lát gạch trồng cây xanh hai bên dẫn vào tiểu đình. Trước tiểu đình có đôi sư tử bằng đá uy nghi và trước điện thờ có một biển đề bốn chữ “Khai Trấn Trụ Quốc” và bức hoành “Nghị Võ Công”. Trong gian thờ chính có đặt bài vị của Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ, Mạc Tử Sanh, Mạc Tử Hoàng... còn ở hai bên thì thờ Thái phu nhân (mẹ Mạc Cửu), phu nhân Nguyễn Hiểu Túc (vợ Mạc Thiên Tứ), Mạc Mi Cô (con Mạc Thiên Tích) cùng các thuộc tướng văn võ và con cháu họ Mạc. Phía trước đền có hai ao sen hình bán nguyệt. Tương truyền hai ao này trước kia do Mạc Thiên Tứ đã đào để lấy nước ngọt cho dân sử dụng vì Hà Tiên gần biển nên rất kham hiếm nước ngọt. Từ đền thờ vòng theo phía sau, đi theo con đường có những bậc đá về hướng lưng chừng núi, chúng tôi đến nơi an táng của của các tiền nhân nhà Mạc. Mộ Mạc Cửu nằm ở trên cao, khoét sâu vào núi được xây bằng đá nên rất bền vững dù đã trải qua mấy trăm năm. Mộ được làm theo thế tọa ngưu (trâu nằm), phía trước, hai bên có hai tượng đá cầm gươm đứng còn đằng sau là rừng cây xanh mướt quanh năm che phủ cho những ngôi mộ. Phía trước mộ là một khoảng sân đủ rộng với các bậc thềm bằng đá xanh để cho du khách đến thăm viếng thắp hương. Xung quanh mộ Mạc Cửu là mộ của Mạc Thiên Tứ, Mạc Tử Hoàng và mộ của con cháu Mạc gia nằm ở bên dưới cùng mộ các gia tướng của Mạc Cửu mà lúc sinh thời đã cùng ông gìn giữ, khai khẩn phá hoang lập nên đất Hà Tiên. Đi lên đỉnh núi Bình San ta sẽ thấy đàn xã tắc. Nền đàn có vẽ hình bát quái màu đỏ, ở giữa màu đen tâm màu vàng; trên có bày một lư hương lớn bằng đồng. Xưa nay đàn này là nơi tế lễ trời đất cầu cho mưa thuận gió hòa của người Hà Tiên. Bây giờ, núi Bình San và khu đền thờ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử và thắng cảnh quốc gia (năm 1989). Công lao của Mạc Cửu cũng đã được ghi nhận. Tại quảng trường, cạnh cầu Tô Châu ) UBND tỉnh Kiên Giang đã dựng tượng đài danh nhân Tổng Trấn Hà Tiên Mạc Cửu cao 10 mét để vinh danh anh tài. Trên đời có lẽ còn điều gì hơn thế nữa?
Hành phương Nam, theo bước chân những người đi mở cõi ta mới thấy trí lực và tâm đức của tiền nhân quả là sức mạnh vô cường để làm nên một trời Nam đất Việt tươi đẹp như ngày hôm nay. Bây giờ Hà Tiên không còn nguyên vẹn và rộng lớn như thời Mang Khảm nữa nhưng “vẫn nhìn ra vịnh Thái Lan, bên kia là đảo Phú Quốc vẫy gọi, ngày đêm sóng vỗ như nhắc nhở chúng ta phải làm gì để Hà Tiên phát triển phù hợp với thời đại mới, xứng đáng với di sản văn hóa, công lao của tiền nhân để lại’ (Di sản văn hóa Hà Tiên – Bảo tồn và phát triển).