Hội thảo: Những lá thư thời chiến Việt Nam

8:30 ngày 25/7/2017, tại Trung tâm Triển lãm VH - NT Việt Nam Vân Hồ (Số 2 Hoa Lư, HN) sẽ diễn ra Hội thảo Những lá thư thời chiến Việt Nam. Dự kiến khách mời tham dự Hội thảo khoảng 100 - 150 người. Đặc biệt, tham dự hội thảo này còn có nhiều Tướng lĩnh, Anh hùng LLVTND, cựu tù chính trị, thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh và CCB tiêu biểu; với sự chứng kiến của đông đảo các phóng viên báo chí và truyền thông…

ĐÔI NÉT GIỚI THIỆU VỀ HỘI THẢO KHOA HỌC

NHỮNG LÁ THƯ THỜI CHIẾN VIỆT NAM VỚI LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG VÀ VĂN HÓA DÂN TỘC

 

Tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” (NLTTCVN)là một Công trình khoa học “Sưu tầm và Giới thiệu” độc đáo và mang tính nhân văn sâu sắc. Cuốn sách là kết quả của Cuộc vận động sưu tầm, biên soạn và xuất bản bộ sách “Những Lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam” được tiến hành từ tháng 12-2004, nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam và tiến tới kỷ niệm 30 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam. Mặc dù lúc đầu, cuộc vận động chỉ mang tính tự phát của một nhóm tác giả, nhưng đã động chạm đến một nhu cầu sẵn có trong đời sống cộng đồng; nên đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng rộng rãi toàn xã hội. Đã có hàng vạn lá thư, hàng trăm cuốn nhật ký thời chiến được phát hiện, gửi đến cho những người sưu tầm và biên soạn sách. Đấy là cơ sở cho hàng trăm tác phẩm thuộc “Tủ sách Mãi mãi tuổi 20” ra đời. (Trực tiếp Nhà văn Đặng Vương Hưng đã sưu tầm, biên soạn và viết lời giới thiệu và tổ chức xuất bản cho hơn 20 cuốn sách)...
Các tác phẩm tiêu biểu của Tủ sách “Mãi mãi tuổi 20” đã được bạn đọc cả nước đánh giá cao: Những lá thư thời chiến Việt Nam (nhiều tập, nhiều tác giả), Tài hoa ra trận (Nhật ký của Liệt sĩ Hoàng Thượng Lân); Trở về trong giấc mơ (Nhật ký của Liệt sĩ Trần Minh Tiến); Nhật ký Vũ Xuân; Sống để yêu thương và dâng hiến (Tập thư của Liệt sĩ Hoàng Kim Giao); Trời xanh không biên giới (Nhật ký của Thương binh Đặng Sỹ Ngọc); Tây tiến viễn chinh (Nhật ký của Liệt sĩ Trần Duy Chiến); Gửi lại mai sau (Nhật ký của Liệt sĩ Nguyễn Hải Trường)… Đặc biệt, 2 tác phẩm “Mãi mãi tuổi 20” và “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” đã trở thành hiện tượng trong đời sống chính trị xã hội của cả nước năm 2005. Nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã trở thành phong trào rầm rộ mang tên “Tiếp lửa truyền thống mãi mãi tuổi 20” của Thế hệ trẻ và các Cựu chiến binh; do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp tổ chức trên quy mô cả nước.
Năm 2005, Nhà văn Đặng Vương Hưng đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin tặng Bằng khen vì đã có công sưu tầm, biên soạn và giới thiệu cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Năm 2012, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác nhận kỷ lục gia: "Nhà văn Đặng Vương Hưng - Nhà văn Việt Nam đầu tiên tổ chức Cuộc vận động Sưu tầm và Xuất bản bộ sách "Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam". Cũng với Cụm công trình tác phẩm này, Nhà văn Đặng Vương Hưng vinh dự là một trong 3 Tác giả (Lê Văn Ba, Đặng Vương Hưng và Minh Chuyên) được Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trao Giải Tôn Vinh, giải cao nhất trong Cuộc vận động Sáng tác và Xét chọn các tác phẩm Văn học - Nghệ thuật 70 năm qua “Viết về đề tài Thương binh - Liệt sĩ và những người có công với Cách mạng”, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017).
Riêng “Tuyển tập NLTTCVN” là Công trình được Nhà văn Đặng Vương Hưng thực hiện trong thời gian 10 năm (2005 – 2015), tập hợp hơn 300 lá thư của 127 tác giả. Người viết thư thuộc đủ mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội: Từ Chủ tịch Nước đến nông dân, công nhân, bộ đội, thanh niên xung phong…Họ giống nhau ở một điểm là đều trực tiếp đi qua chiến tranh. Đặc biệt, đa phần các tác giả, nhân vật trong thư được giới thiệu trong cuốn sách đều là Liệt sĩ, hoặc Thương binh và khi cuốn sách này ra đời thì hầu hết họ đều không còn nữa. Bởi thế, nhiều lá thư không chỉ là kỷ vật vô giá, mà còn là di vật thiêng liêng, từng đặt trên bàn thờ của nhiều gia đình Việt Nam.
TS, Nhà văn Lê Thị Bích Hồng (nguyên Phó vụ trưởng Ban Tuyên giáo TW) đã viết trong lời giới thiệu sách: “Tôi tin Tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” sẽ luôn mang thông điệp về cái đẹp, có giá trị rất cao về nội dung tư tưởng và mang tính nhân văn sâu sắc; có tác dụng lớn phục vụ phong trào và sự nghiệp Cách mạng; có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài trong đời sống nhân dân; đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc và phát triển nhận thức xã hội; góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc”.

Còn tác giả cuốn sách cũng bộc bạch những điều gan ruột: “Những bức thư là những kỷ vật lịch sử của một thời, cho chúng ta biết những cảm xúc, suy tư của thế hệ ông cha trước những khoảnh khắc định mệnh của lịch sử, của đất nước và của cuộc đời mỗi con người. Cha ông ta đã sống như thế nào, đã yêu, đã hy sinh và cống hiến ra sao? Tôi muốn góp một cách nhìn mới về chiến tranh, thông qua những tư liệu sống động và chi tiết nhất, nhằm khắc họa hình ảnh những con người với những số phận riêng biệt nhưng đã làm nên hơi thở hào hùng chung của cả thời đại. Những bi hùng, những ám ảnh trong chiến tranh, các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn học văn, những người quan tâm đến lịch sử truyền thống và văn hóa dân tộc rất cần biết… Điều đó sẽ giúp chúng ta hiểu thấu đáo hơn quá khứ, để tự xây dựng cho mình một lý tưởng sống, hoài bão sống đẹp hơn, có ích hơn cho đất nước và cuộc đời này”...

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017; Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh,Quỹ Mãi mãi tuổi 20, Hành trình “Mỗi nén hương một tấm lòng”… đồng tổ chức Hội thảo khoa học Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc; nhằm khẳng định giá trị của Công trình khoa học này với các thế hệ bạn đọc hôm nay và mai sau.
Dự kiến khách mời tham dự Hội thảo khoảng 100 - 150 người. Đặc biệt, tham dự hội thảo này còn có nhiều Tướng lĩnh, Anh hùng LLVTND, cựu tù chính trị, thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh và CCB tiêu biểu; với sự chứng kiến của đông đảo các phóng viên báo chí và truyền thông…

Về việc chuẩn bị các tham luận hội thảo:

Đến nay, Ban Tổ chức Hội thảo đã thu hút được hơn 30 tham luận của các tác giả từ khắp mọi miền đất nước gửi về.

Thành phần tác giả tham gia viết tham luận hết sức phong phú: Từ các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm với học hàm, học vị là Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Nghiên cứu sinh; cho đến các Nhà giáo, Nhà báo,các CCB, cựu cán bộ kháng chiến, thậm chí còn có 2 Nhóm tác giả là Sinh viên. Đặc biệt, hội thảo còn thu hút được tham luận một số Tướng lĩnh Quân đội, Công an, Anh hùng LLVTND, Cựu tù Chính trị và cả thân nhân gia đình liệt sĩ. Mỗi người đề cập một góc độ khác nhau. Nhưng tất cả đều có chung một điểm là: Trân trọng và biết ơn NLTTCVN –  Những Kỷ vật và Di vật thiêng liêng của một thời máu lửa, giờ đây đã trở thành Di sản và Tài sản của chúng ta.
Xét về dung lượng, số chữ, nhiều bài tham luận dài tới vài chục trang A4. Chưa nói đến chất lượng nghệ thuật và nội dung, thì trước hết phải ghi nhận sự nhiệt tình và kỳ công của người viết. Bởi phải đọc cả cuốn sách dày gần ngàn trang, riêng việc hiểu nội dung cho đúng, trích dẫn cho trúng đã là cả một vấn đề.Nếu không có đam mê, không trân trọng lịch sử và văn hóa dân tộc thì không làm nổi. (Xin được nói thêm: Tôi có yêu cầu Nhóm thường trực đề nghị một số tác giả rút gọn lại chỉ còn 04 trang mỗi tham luận, nhưng vẫn còn những bài dài tới 20 trang A4. Tác giả nào khi yêu cầu cắt đi cũng tiếc. Có tác giả cho biết sẽ còn viết thêm để thành một luận văn hàng trăm trang mới đủ).
Xét về nội dung, đề tài của các tham luận hết sức phong phú. Một số nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn đã dày công khảo cứu đưa ra những khái niệm, nhận định, phân tích và chứng minh một cách thuyết phục: Chỉ với gần chục trang viết, nhưng PGS, TS Hà Minh Hồng (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã khái quát được lịch sử và vai trò của những lá thư thời chiến không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới từ nhiều ngàn năm trước... ThS-NCS Nguyễn Hồng Quý (ĐHQG HCM) đã có bài giới thiệu khá kỹ về Tình cảm bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Thương binh – Liệt sĩ qua một số bức thư gửi Bác sĩ Vũ Đình Tụng. Bằng kinh nghiệm giảng dạy và là người làm nghề gần 30 năm, PGS, TS, Nhà báo Nguyễn Ngọc Oanh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã khẳng định “Giá trị Thông tin và Tính chất báo chí của NLTTCVN”. Nhà nghiên cứu Lê Thị Thu (đến từ Gia Lai) đã có những phát hiện thú vị, khi khảo sát, phân tích và so sánh về khái niệm “Không gian, Thời gian và Thông điệp” của NLTTCVN. TS, Nhà văn Lê Bích Hồng đã tiếp cận NLTTCVN với góc nhìn một Công trình khoa học mang tính Lịch sử và Văn hóa. ThS. Nguyễn Kim Thành lại khảo sát và phân tích giá trị Di sản của NLTTCVN cho hôm nay và mai sau. TS, Nhà báo Ngô Vương Anh (Báo Nhân dân) khẳng định “NLTTCVN là một khối tư liệu phong phú và đặc sắc, mang những giá trị chân thực và chứa trong đó vô vàn câu chuyện cảm động”. Bà Đinh Lê Hằng (Phó Trưởng Ban Tuyên Giáo Hội LHPN tỉnh Ninh Bình) đã đọc và cảm nhận NLTTCVN dưới góc nhìn của người mẹ, người vợ và người yêu… Bởi một nửa nhân vật hoặc tác giả trong sách là phụ nữ! Trung tá Trần Văn Nghị (Giám đốc Bảo tàng CAND) thì cho biết “Những lá thư thời chiến CAND đã góp phần vào kho tàng di sản văn hóa và bản sắc CAND”…
Các nhà giáo như TS. Trần Bách Hiếu (ĐH Quốc gia Hà Nội); ThS Trần Trung Hiếu (Trường Chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An); ThS Lê Thu Hương và ThS Nguyễn Thị Hòa (ĐH Thái Nguyên); Các tác giả Phan Thị Xuân Yến (ĐH Sài Gòn), Mai Diễm (THPT Phùng Khắc Khoan – Hà Nội)… đều có những bài viết sâu sắc, phân tích thấu đáo, nhìn dưới góc độ sư phạm và kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo việc nghiên cứu, giảng dạy NLTTCVN trong Nhà trường…
Cũng trong Hội thảo này, BTC còn bất ngờ nhận được nhiều tham luận hết sức xúc động và thuyết phục của những “người trong cuộc”: Thiếu tướng Phan Khắc Hy (nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Không quân; Phó tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh) với câu chuyện tình yêu của chính mình. Thiếu tướng, AHLLVTND Đào Trọng Hùng với “Những lá thư thời chiến của lực lượng Công an chi viện An ninh miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ”. Cựu tù chính trị Lê Tú Cẩm (Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP. HCM) với “Thư thời chiến từng là phương tiện giao tiếp Địa ngục – Trần Gian”.Cựu tù binh Phạm Bá Lữ (Trưởng Ban liên lạc Tù binh Việt Nam) có “Chuyện về những lá thư bí mật thời chiến”. Bà Hoàng Phương Trang (Chánh VP Hội Khoa học Lịch sử VN) đã tiết lộ những lá thư của chồng mình – Ông Trần Phương Thạc một trong những thanh niên đầu tiên của Hà Nội vào chiến trường Quảng Trị; từ Phó bí thư Quận đoàn Hoàn Kiếm (Hà Nội) 1964 sau thành Chủ tịch Ủy ban Quân quản Đông Hà 1972 và tiếp theo là Bí thư Tỉnh đoàn đầu tiên của Quảng Trị sau 1975... CCB Trương Công Đạo (Quỹ Mãi mãi tuổi 20) đã thay mặt cả những đồng đội đang an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tâm sự xúc động “Chúng tôi thấy chính mình trong đó”. Đặc biệt, bà Lê Thị Bích Vân (con gái của Mẹ VNAH Đào Thị Năm) đã có bài viết thấm đẫm nước mắt “Mẹ đi hỏi vợ cho cha - Nỗi đau có thật của một gia đình có 2 con trai liệt sĩ”…
Chúng tôi cũng hết sức cảm động, khi nhận được 2 tham luận của 2 Nhóm tác giả trẻ, là sinh viên ĐH, đến từ TP. HCM. Đó là Nhóm tác giả Trần Ngọc Hân – Hoàng Như Hão – Bùi Thị Thúy Nga – Hoàng Thị Nguyện Thành với tham luận “Những người trẻ đọc và tiếp cận NLTTCVN qua kỹ thuật công nghệ số” dài tới 22 trang A4.  Nhóm tác giả Liêu Mẫn Thy - Hoàng Kim Chi - Nguyễn Thị Thiện - Trần Thị Thanh Thúy Quỳnh với tham luận “Giá trị Văn hóa và ý nghĩa giáo dục tình yêu đôi lứa từ NLTTCVN” dài 23 trang A4. Điều ấy chứng minh thế hệ trẻ đã tâm huyết với Lịch sử, Truyền thống và Văn hóa dân tộc!
Trong khuôn khổ thời gian có hạn của Hội thảo, chắc chắn không thể trình bày hết hơn 30 tham luận nêu trên, nên chúng tôi đã cố gắng đưa đầy đủ vào tập kỷ yếu. Những ý kiến trình bày trên hội trường chỉ là tóm tắt những ý chính và các tác giả đại diện.Nếu quý vị và bạn đồng nghiệp nào thật sự quan tâm đến nội dung cuộc hội thảo này, Ban Tổ chức có thể gửi cả bản mềm của kỷ yếu qua email…
_________
Khi cần, xin liên hệ số máy Thường trực BTC: 0913210520 (Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng)