Ai bảo vệ nhà báo khi bị nhà báo...đánh?

ngay trong nhiều tòa soạn báo còn chứa đựng sự bất công, vô lí; nhiều nhà báo còn chịu sự ngược đãi thậm tệ, nhưng ít người quan tâm, không thấy tờ báo nào lên tiếng bảo vệ. Làm nhà báo mà không nói lên sự thật nhức nhối xảy ra ở quan báo, xảy ra với mình thì còn biết đợi ai nói hộ cho mình, bảo vệ mình! Bi kịch của nhà báo là thế.


 

 

AI BẢO VỆ NHÀ BÁO KHI NHÀ BÁO ĐÁNH...NHÀ BÁO?

Theo tin từ các báo, 5 năm trở lại đây đã có khoảng 40 vụ nhà báo VN bị hành hung trong khi tác nghiệp.Trong các vụ việc đó, các báo, các tổ chức nghề nghiệp đã lên tiếng bảo vệ nhà báo. Nhưng đó là sự quan tâm tới những nhà báo bị các thế lực ngoài xã hội tấn công. Vậy, những nhà báo bị chính các đồng nghiệp trong các tòa soạn báo “đánh” bằng nhiều hình thức thì ai quan tâm bảo vệ?

Ai cũng biết, tòa soạn báo cũng như các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước; tổng biên tập cũng như các ông giám đốc, được hưởng vô số đặc ân; được quyền sinh quyền sát và nhiều ông cũng lộng quyền, ức hiếp cấp dưới, nịnh bợ cấp trên. Trong một số tòa soạn báo cũng liên kết bè mảng, dưới TBT là những kẻ xu nịnh, ton hót. Nhiều nhà báo từng bị tổng biên tập và các đệ tử “quây” đánh cho tơi bời, thân tàn ma dại; bị sa thải hoặc không thể chịu được bầu không khí u ám của tòa soạn, buộc phải xin chuyển công tác hoặc tự bỏ việc. Nếu một công nhân, cán bộ ở các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước bị lãnh đạo ức hiếp, trù dập; bị oan trái thì còn được các nhà báo lên tiếng bảo vệ. Nhưng nếu nhà báo bị TBT và một số đồng nghiệp trong tòa soan xử tệ như vậy, chẳng mấy tòa báo lên tiếng bảo vệ. Mà sự xử tệ của một số ông TBT rất tinh vi, xảo quyệt; nếu cơ quan thanh tra, kiểm tra “sờ” đến cũng khó mà tìm ra bằng chứng.

Lí do mà TBT thường lợi dụng nó để sát phạt, đó là phóng viên bị sai sót về nghiêp vụ. Làm nghề báo, không ai tránh được những sơ suất, rủi ro trong tác nghiệp.Tôi có sai sót nghiệp vụ, suýt phải ra tòa, xin kể hầu bạn đọc. Ngày đó, tôi làm phóng viên Báo Bắc Thái (năm 1996, Báo Bắc Thái chia tách thành Báo Bắc Cạn và Báo Thái Nguyên). Qua đơn thư tố cáo của công nhân, tôi đã đi điều tra và viết bài tiêu cực xảy ra tại một doanh nghiệp Nhà nước. Bước vào thời kỳ đổi mới, doanh nghiệp này tê liệt, không hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được giao; công nhân bị thả nổi, việc làm và đời sống vô cùng khó khăn; đến nỗi doanh nghiệp phải bán hết máy móc, tài sản, thậm chí dỡ cả nhà trẻ để bán sắt vụn. Trong khi đó, giám đốc thì nấp dưới danh nghĩa doanh nghiệp Nhà nước để trục lợi… Khi báo đăng, các đoàn kiểm tra đến xác minh và cơ quan cấp trên ra quyết định giải thể doanh nghiệp này, đồng thời yêu cầu những người liên quan phải xây lại nhà trẻ cho các cháu. Cùng lúc đó, tôi bị ông giám đốc doanh nghiệp nọ kiện ra tòa vì trong bài báo có một thông tin không đúng sự thật. Thực ra, thông tin này, do sơ suất về nghiệp vụ, tôi không có bằng chứng để bảo vệ.

Tổng Biên tập Báo Bắc Thái thời đó là Nhà báo Hồng Dương. Ông là người thông tuệ, lịch lãm và hiền lành. Suốt 17 năm làm TBT, ông không hề thù oán ai; ai cũng kính trọng ông về nhân cách, cảm phục ông về chuyên môn. Trong vụ này, khi thấy tôi tỏ ra hoang mang, ông gọi lên động viên “nếu có ra tòa thì tôi cùng ra tòa với chú; nếu cấp trên kỷ luật thì trước tiên, tôi là TBT, chịu trách nhiệm , sau đó mới đến tác giả bài báo”. Nói rồi ông tủm tỉm cười. Nụ cười của ông khiến tôi vững tin, thấy sự việc trở nên nhỏ bé. Đến giờ, tôi vẫn nhớ nụ cười tủm tỉm, thân ái và cử chỉ thân mật, ấm áp của ông.

Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Bắc Thái thời đó là ông Phan Sum. Tôi không biết, sau đấy Nhà báo Hồng Dương đã quan hệ với Viện Kiểm sát tỉnh và ông Phan Sum như thế nào để thống nhất cách giải quyết vụ việc này, chỉ biết rằng, vụ việc miễn khởi tố, nhưng Báo Bắc Thái phải cải chính trên báo.

Trường hợp kể trên, tôi may mắn được làm việc dưới quyền một minh chủ- một ông TBT công minh, đại lượng, biết thương yêu, bảo vệ cấp dưới.Nếu ở một số cơ quan khác, đây là lí do để TBT và bọn đàn em sát phạt; nếu không bị ra tòa cũng sẽ bị kỷ luật nặng. Tôi có đồng nghiệp, chỉ vì sai sót nhỏ về nghiệp vụ, TBT giả vờ tỏ ra dân chủ, đem sự việc ra mổ xẻ tại cuộc họp xét kỷ luật cơ quan. Đến nỗi, ông lái xe, cô nhân viên tạp vụ, anh bảo vệ cũng lên tiếng góp ý phê bình về nghiệp vụ cho đồng nghiệp nọ. Chưa thỏa, TBT còn xin ý kiến tập thể về hình thức kỷ luật đồng nghiệp nọ bằng cách bỏ phiếu kín. Kết quả là, anh nhà báo kia bị sa thải. Hồ sơ giải quyết sự việc đều khép kín, đúng thủ tục, đương sự không thể kêu ca thắc mắc gì được. Thế nhưng, trong cơ quan ai cũng biết đó là “đòn” sát phạt của TBT. Các lá phiếu ấy dù là của ông lái xe, cô tạp vụ, anh bảo vệ v.v. thực chất là của nhóm lợi ích, cùng bè mảng với TBT. Cái đau của đồng nghiệp nọ không chỉ bị mất việc mà hơn thế, đó còn là nỗi nhục khi lòng tự trọng bị chà đạp, nỗi cay đắng vì bất lực.

Đồng nghiệp khác, khi bị TBT “để ý”, dù không “tì vết” gì, không sai sót nghiệp vụ nhưng triền miên sống trong nơm nớp lo sợ những tai ương ập đến; triền miên sống và làm việc trong bầu không khí u ám; trong cô độc, thiếu niềm tin vào đồng nghiệp, thiếu sự cảm thông chia sẻ, buộc phải chuyển đi nơi khác…

Lâu nay, chúng ta quen nhìn nhà báo với “quyền lực thứ tư”; với sứ mệnh cao cả là đi tìm sự thật, nói lên sự thật bản chất của sự việc, của những hiện tượng xã hội, để góp phần làm cho xã hội công bằng hơn, tốt đẹp hơn. Vậy mà, ngay trong nhiều tòa soạn báo còn chứa đựng sự bất công, vô lí; nhiều nhà báo còn chịu sự ngược đãi thậm tệ, nhưng ít người quan tâm, không thấy tờ báo nào lên tiếng bảo vệ. Làm nhà báo mà không nói lên sự thật nhức nhối xảy ra ở quan báo, xảy ra với mình thì còn biết đợi ai nói hộ cho mình, bảo vệ mình! Bi kịch của nhà báo là thế.