Triển lãm 70 năm Đền ơn đáp nghĩa

Trong khuôn khổ triển lãm đã diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa. Trong đó, phần giao lưu thơ ca diễn ra sôi nổi, tưng bừng với sự tham gia của đông đảo người làm thơ Thủ đô. Nội dung các bài thơ, ca đều tôn vinh sự đóng góp, hi sinh của các anh hùng, thương binh, liệt sĩ… cho Tổ quốc được toàn vẹn, hùng cường.

Triển lãm “70 năm đền ơn đáp nghĩa” chính thức khai mạc tối 25/7 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam nhằm tôn vinh, tri ân các anh hùng liệt sỹ, người có công với cách mạng đã cống hiến xương máu, hy sinh để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng một số đơn vị phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947​-27/7/2017). 

Tới dự lễ khai mạc có sự tham dự của đại diện các Bộ, ban, ngành, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân… và đông đảo công chúng. 

Tại triển lãm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho biết: Triển lãm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Qua đó, khơi dậy các nguồn lực trong xã hội nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng; góp phần thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng.

Trong khuôn khổ triển lãm diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa. Trong đó, phần giao lưu thơ ca diễn ra sôi nổi, tưng bừng với sự tham gia của đông đảo người làm thơ Thủ đô. Nội dung các bài thơ, ca đều tôn vinh sự đóng góp, hi sinh của các anh hùng, thương binh, liệt sĩ… cho Tổ quốc được toàn vẹn, hùng cường.

MỘT SỐ BÀI THƠ DO CÁC TÁC GIẢ TRÌNH BÀY

GIỖ GẠC MA

Phạm Quỳnh Loan


Sáu tư đôi đũa tre gầy
Sáu tư bát, lệ đắng đầy mắt cha
Sóng ngầm cuồn cuộn Trường sa
Gió hun hút gió... Gạc ma gầm gào

Bao năm cũng thể hôm nào
Mâm cơm cúng, khói cứa vào biển đông
Hồn như lẩn quất gió dông
Đảo như vẫn máu luênh dòng. Đảo đau

Cha già vôi phủ trắng đầu
Nén hương cháy, đỏ lên màu ứng linh.


ĐÊM Ở NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN

Đỗ Chiến Thắng

Bồi hồi ngọn nến cầm tay
Đêm Trường Sơn, khói lệ cay mắt nhoà
Kính cẩn nghiêng đặt vòng hoa
Biết bao ký niệm vỡ oà trong tôi

Ngày ấy trận đánh bên đồi
Mấy thằng giữ chốt nắng trời như nung
Đạn nổ chát chúa vạt rừng
Bạn tôi ngã xuống chưa từng được yêu

Phều phào...đứt quãng...dăm điều ...
Thư tao...gửi mẹ...
viết chiều...hôm qua ...
Còn ... sống ...
mày ... nhớ ... 
qua ........ nhà..........
Thế rồi ngoẹo cổ lìa xa đất trời

Hoà bình tôi vội về nơi
Nghe tin sét đánh mẹ ơi đi rồi 
Bom nổ ngay gần đầu hồi
Bao căn nhà cháy mấy người bị thương

Bạn ơi mình đốt tuần hương
Bạn hãy về nhé âm dương cách trùng
Day dứt mình mãi cánh rừng
Nấm mộ đất mỏng mưa từng tả tơi

Âm dương cách biệt đôi nơi
Tôi ôm nấm mộ đất trời TRƯỜNG SƠN

7-2014

ĐẾN VỚI CÁC ANH

Thẩm Bình


Nghĩa trang Trường Sơn chiều nay.
Do Linh - Quảng Trị một ngày cuối xuân.
Trên đồi thông các anh nằm.
Hàng nghìn ngôi mộ hương trầm đâu đây 
Sen hồng thắm giữa rừng cây.
Các anh nằm lại nơi này xa quê
Ra đi từ bấy không về
Vì quê hương giữ lời thề kiên trung.
Quên mình bảo vệ non sông
Để cho Tổ Quốc cờ hồng tung bay.
Chúng tôi thắp nén hương này
Thành tâm xin được tỏ bày tri ân.
Hương hồn các anh xa gần
Quây quần như thể người thân một nhà 
Giữa vùng rừng núi bao la
Các anh là bản hùng ca trường tồn.
Thẩm Bình

 

BÀ MẸ MANG HÌNH TRĂNG

Đặng  Cương Lăng
​ 
Bà mẹ mang hình trăng
Đi ngang qua chiến tranh
Năm người con sao sáng
Đã hiến dâng non ngàn.

Trong ngôi nhà thắp lửa
Bao tình nghĩa nước non
Bao tình người chan chứa
Lòng mẹ bớt héo hon.

Mọi nẻo đường vấn vương
Ngày giỗ, tết sớm tối
Dâng lên mẹ tình thương
Cả mùa xuân chín tới.

Bà mẹ mang hình trăng
Lắng sâu hồn non nước
Thiếu vắng người con đẻ 
Lại thêm nhiều con nuôi. 

Mái ấm là trời cao
Sân nhà là đất rộng
Gió bốn phương ra vào
Tóc Người bay lồng lộng.

Bà mẹ mang hình trăng
Nhẹ bước trong bình yên
Ngàn vì sao toả sáng
Giữa đất trời mênh mông.

​Hà Nội, 14/10/2012
​ 

GIỜ NÀY CON Ở ĐÂU 
Nguyễn Mạnh Thoa


Người mẹ già mải miết ngóng trông con
Hơn bốn mươi năm chẳng biết còn hay mất
Chiếc gậy trên tay tháng ngày lận đận
Tháng năm qua vẫn chờ đợi mỏi mòn!...

Trong Nghĩa trang lệ đẫm khóc tìm con
Đôi chân trần mẹ bước lê từng bước
Bên đồng đội mộ phần mẹ thầm ước:
"Thấy một phần xương thịt của con yêu!"

Hỡi con ơi! Tuổi tác mẹ đã nhiều
Sức đã kiệt rồi chẳng biết được bao nhiêu
Con có linh thiêng xin hãy giùm chỉ mẹ
Để mộ phần hương khói bớt quạnh hiu!...
Hà Nội 15/7/2017


NHỚ ANH HÙNG LIỆT SĨ VŨ XUÂN THIỀU

Bùi Minh Trí


Năm bảy hai, một mùa đông nhớ mãi 
Máu chảy loang nơi bệnh viện, nhà dân 
Muôn con tim của mọi miền thắt lại 
Đau đớn nhìn Hà Nội chít khăn tang
Mẹ mong đời Anh như khúc ca xuân 
Thầy bạn muốn Anh thành chuyên gia giỏi 
Anh lắng nghe tiếng quê hương vẫy gọi 
Thay áo kỹ sư, mặc áo phi công
Trời Thăng Long nâng Anh cao vời vợi 
Giặc đây rồi - một lũ pháo đài bay 
Giữa sống chết - phút giây này mong đợi 
Nhằm kẻ thù xả căm uất bấy nay
Từ trên cao Anh lao vào con ó 
Trời Thủ đô một khối lửa bùng lên 
Thiêu ra tro mác “ Không quân chiến lược” 
Giặc loạn bay, nháo nhác vỡ tan đàn
Mười hai ngày đêm đối đầu huyền thoại 
Tổ quốc sáng lên với mỗi chiến công 
Thiên Anh hùng ca ngàn năm hát mãi 
Vũ Xuân Thiều - Điện Biên Phủ trên không 
Bùi Minh Trí
_____________ 
(1)Anh hùng liệt sĩ Vũ Xuân Thiều là một trong những phi công đầu tiên của quân đội ta bắn rơi B52 của giặc Mỹ. Với lòng căm thù cao độ,để chác chắn tiêu diệt B52 của giặc Mỹ, sau khi nhằm bắn trúng nó,anh đã cùng máy bay của mình lao vào nó. Một khối lửa lớn bùng lên trên bầu trời Hà Nôi thiêu cháy B52 và anh đã hy sinh anh dũng!

 

CÒN ĐÂY

Kim Quy

Còn đây chồng vở bên rèm
Đợi con năm tháng đã hoen ố rồi
Con đi đánh giặc xa xôi
Dây trầu không héo mồ côi cuộc tình

Còn đây chiếc võng nhỏ xinh
Ru con từ thưở bình minh chào đời
Thương con rau cháo một thời
Mẹ ngồi đếm lá nát trời heo may

Chiếc giường tre chiếc ghế mây
Còn đây kỷ niệm giăng đầy tuổi thơ
Bến sông ngày ấy hẹn chờ
Khải hoàn đất nước nối bờ Hiền Lương

Linh thiêng hồn ở chiến trường
Men theo ngọn gió khói hương con về
Lắt lay bậc cửa tái tê
Người yêu con đã xa quê lấy chồng

Người ta con bế con bồng
Con tôi một nấm mồ không cốt hài
Nghĩa trang đọng giọt sương mai
Mẹ ngồi hóa đá thiên thai cửa chùa


CHIỀU NGHĨA TRANG

Nghiêm Thản


(Kính tặng hương hồn cha)

Chiều nay con đến thăm cha
Hoàng hôn đến sớm, là là sương rơi
Cha đi gìn giữ đất trời
Bờ tre mẹ ngóng: “Mình ơi! Không về?”

Nghĩa trang tĩnh lặng bốn bề
Hoa hương đừng tắt - gió quê thổi vào
Ngẩng đầu vẫn thấy trời cao
Hay là cha đấy - ngôi sao ban chiều.

Bây giờ mẹ hết xiêu diêu
Nhưng mẹ lại quá xế chiều đây thôi
Ước gì một bữa cơm côi 
Được so thêm đũa cha ngồi cùng ăn.

Suốt đời mẹ vẫn băn khoăn
Cha con đi, trước lúc con chào đời
Mẹ thì mới tuổi đôi mươi
Một vai gánh nặng - gánh trời gió mưa.

Mẹ thôi đừng kể chuyện xưa
Sao hương nhấp nháy chắc vừa lòng cha
Những năm tháng đã đi qua
Với cha mẹ vẫn tuổi là hai mươi.

Ngày 23 / 3 / 1971

 

TIẾNG GHI TA TRONG RỪNG VẮNG

Đỗ Thu Yên



Bên bếp Hoàng cầm

Hơi lửa tỏa lan nồng ấm

Chúng tôi khe khẽ hát giọng trầm

Theo tiếng guitar bập bùng trong rừng vắng.

Bên chúng tôi lán thương binh nặng

Nén đau dõi theo câu hát

Các anh mong ngóng chờ ngày đánh giặc

Vẫn nằm đây ,bức bối một vết thương.

Đêm nay rừng vắng lặng hơn

Người lính đánh đàn không về nữa

Anh hy sinh trên đường hộ tống thương binh

Cây guitar treo trên vách hầm lạnh lẽo.

Chúng tôi giọng nghẹn ngào

Người lính hát cùng tôi ,thức trắng đêm

Dò từng nốt nhạc

Tiếng guitar lại bập bùng ấm khu rừng vắng.

Chúng tôi hát về anh, về những người đã khuất

Hát về trạm quân y phẫu thuật

Tận tụy chữa lành những vết thương

Nay mai các anh trên các ngả đường đánh giặc

Đừng quên tiếng guitar bập bùng trong rừng vắng

Đừng quên chúng tôi những người hát giọng trầm

Cho bài ca chiến thắng.


ĐỢI CON

Nguyễn Thị Thanh Xuân

Mẹ vẫn đứng đó đợi các con về
Bấm đốt ngón tay, lại chờ thêm mùa nữa
Lưng mẹ còng chiếc gậy cũng xác xơ
Mẹ đợi con,mẹ đợi đến bao giờ

Bóng các con hiện hình chập chờn trong giấc ngủ
Chín thằng vẫn đầy đủ đấy thôi
Sao đi mãi chẳng về các con ơi!
Nước mắt mẹ đã cạn khô chẳng thể rơi thêm được nữa

Mưa lã chã mưa từ trong lòng mẹ
Mòn mỏi chờ trông dằng dẵng những tháng ngày
Rồi một chiều các con ơi có hay
Thân héo ngầy mẹ về cùng tiên tổ

Khoé mắt sâu còng lưng mẹ với
Nén hương trầm cong theo hình dấu hỏi 
Bậu cửa mẹ ngồi, móm mém miếng trầu khô
Mẹ vẫn đợi các con về, mẹ vẫn đợi
Các con ơi...!

11/7/2017



VÌ SAO CHỊ KHÔNG VỀ HỌP LỚP

Mai Thanh Tịnh


Năm năm biết mấy nẻo đường 
Đánh tan giặc Mĩ,chiến trường chia tay 
Trở về họp lớp hôm nay 
Hỏi xem : Đồng đội đủ đầy hay không ?

Thầy Khẩn trăn trở trong lòng :
Còn đồng chí Tuyết là không thể về
Đạn bom giặc Mỹ ác ghê
Một hôm nã xuống bốn bề trường y .

Chị Tuyết anh dũng ra đi 
Vì dân ,vì nước cũng vì tương lai ,
Vì nền độc lập ngày mai
Dân giầu ,nước mạnh ,tượng đài khang trang .

Khóa mình thắp đỏ nén nhang 
Nhớ thương đồng chí ,hai hang lệ rơi 
Chị về Can Lộc xa xôi...
Bao lần đến lớp lòng tôi nghẹn ngào !

Đồi sim thoang thoảng gió lào 
Hội trường ,lớp học ra vào lặng im 
Nỗi đau chôn chặt vào tim 
Thề :Đánh tan giặc về tìm lại nhau .

Chị giờ ở tận nơi đâu ?
Nhắc tên chị mãi ... lệ sầu đẫm mi
Ai ơi !đừng hỏi làm chi
' Mần răng chị Tuyết ra đi nỏ về ??? "

Khóa mình vẫn giữ lời thề
Bốn ba năm lại trở về bên nhau 
Nén lòng ... dịu bớt nỗi sầu
Hỏi xem chi Tuyết vì đâu ... không về ????


27 /7 
Chị Tuyết là liệt sĩ hi sinh tại Cự Nẫm, Quảng Bình



VỀ ĐI ANH! VỀ ĐI ANH!

Nguyễn Ngọc Lân
(Ca ngợi 10 phi công Việt Nam hy sinh khi làm nhiệm vụ trên biển )

Chín anh cứu nạn một anh
Bất ngờ tất cả biển xanh xác vùi
Máu hoà nước mắt trùng khơi
Các anh đi để cả trời tiếc thương

Nắng hè phượng nở rực đường
Nghẹn ngào tiếng nấc quê hương ngóng chờ
Mẹ già vợ trẻ con thơ
Ngày đêm vò võ thẫn thờ nhớ mong

Bao ngày nằm dưới biển đông
Anh ơi có lạnh lùng không, anh à?
Về với em với cả nhà
Đất lề quê thói đậm đà tình anh

Về đi anh! Về đi anh! 
NL