Hai tập thơ sắp ra mắt bạn đọc của Nhà báo Nguyễn Thị Hạnh Loan

Ngày 11/3, vào 15 h, tại Hi – Bar Ca phê 43 Nguyên Hồng – Hà Nội, Nhà sách Phương Đông Books và Nhà sách Sunflower Books phối hợp nhà xuất bản Văn học sẽ tổ chức lễ ra mắt 02 cuốn sách. Đó là tập thơ “ Hãy nói yêu khi hoa hồng nở” NXB Văn học ấn hành 1/2017 và tập thơ “ Khoảng trời sau cửa sổ”, NXB Văn học ấn hành tháng 2/2017, của tác giả Nguyễn Thị Hạnh Loan, Nhà báo tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh , Hội viên Hội VHNT Hà Tĩnh.


Nhà báo Nguyễn Thị Hạnh Loan

 

 

Khách mời tham gia chương trình có Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Đặng Huy Giang, ca sỹ Sao Mai Đinh Thành Lê, Nghệ sỹ Ưu tú Hồng Liên, Nhạc sỹ - Nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Tiến, Đạo diễn – Nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Thước. Cùng các nhà thơ Dương Xuân Nam, Lê Cảnh Nhạc, Phan Huyền Thư, Lữ Mai, Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, các nhà văn, nhà thơ: Hữu Ước, Hồng Thanh Quang, Như Bình, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Phúc Thành, Sương Nguyệt Minh, Trịnh Đình Nghi, Nguyễn Thế Hùng... cùng các nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, Tạ Bích Loan, Tùng Lâm, Nguyễn Thu Hà, Phan Thanh Phong…và nhiều bạn bè của tác giả và hội đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội.

Nhà báo Nguyễn Thị Hạnh Loan, sinh năm 1976, hiện là phó Trưởng phòng Chuyên đề, Đài  Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh. Chị được biết đến nhiều năm trước là một gương mặt thơ của Hội VHNT Hà Tĩnh, là một cây bút làm thơ từ tuổi học trò với nhiều thơ đăng trên báo Trung ương và địa phương.

Tập thơ “Hãy nói yêu khi hoa hồng nở”, NXB Văn học ấn hành 1000 bản, tập hợp 61 bài thơ chị viết từ lúc 18 tuổi cho đến nay, với những bài thơ về tình yêu, tình mẫu tử, tình vợ chồng. Viết lời tựa cho tập thơ này, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét : “Nếu quan niệm thơ nữ quyền (feminist poet) là thuốc giải độc cho sự nhẫn nhục, quẫn trí hay tuyệt vọng về chính trị xã hội thì đó là thơ của những nhà thơ phụ nữ khác chứ không phải Hạnh Loan. Hạnh Loan thể hiện tính nữ quyền về tình yêu trong những bài thơ của mình. Nàng thoát khỏi hai từ “gái ngoan” để trở thành một người thơ khát khao tình yêu tự do đích thực, kêu đòi quyền yêu cho phái đẹp. Nàng thoát khỏi hai từ “kìm chế” để nói về tình yêu từ trong vô thức. Đó là bản ngã của nàng: Quẳng hết đi những lụy phiền, những cô đơn, những hanh hao, những cay đắng gặm nhấm tâm hồn em như một thứ a xít ăn mòn kim loại/ Em thanh tao, em kiêu hãnh bởi trái tim người phụ nữ biết yêu và biết sống riêng mình…(Quẳng). Và nàng tuyên bố: “Hãy yêu thương thật nhiều đừng chờ tới ngày mai!!!”.

Trong chủ đề tình yêu, Hạnh Loan muốn cháy tận cùng niềm khao khát, say mê mà con người đáng được thụ hưởng. Nhiều bài thơ của nàng nói đến thời gian và cái chết với một tinh thần nhân văn. Có lẽ nhờ thế mà động chạm đến trái tim và thức nhận của người đọc. “Hãy hôn em đi/Giây phút nào cũng là/Giây phút cuối” (Những giây phút cuối cùng); “Em sẽ yêu anh/Bằng tất cả những người đàn bà của đời anh cộng lại"; "Nếu anh chết bia mộ anh sẽ gió”…Nhưng nói nhiều về nỗi sợ thời gian, nói nhiều về cái chết lại chính là để đề cao tình yêu, khẳng định tình yêu là bất tử: “Cốt xương chỉ là hình hài/Hồn ta mới bên nhau mãi” (Nếu em có thể là anh), “Còn tình yêu ta còn mãi trên đời”(Mình còn thấy bao nhiêu lần biển biếc)… “Như tình yêu trong tim ta ngự trị/ Cháy lên kiêu bạc như loài hoa dẫu đối diện với u linh/ Để cái chết sẽ cúi đầu cô độc”… (Hoa hồng Ecuador).

Và Nguyễn Trọng Tạo kết luận:

“ Đọc thơ Hạnh Loan, ta gặp đủ loại hoa hồng: đỏ, trắng, hồng, vàng, xanh, đen. Vâng, cả hoa hồng đen tượng trưng cho cô đơn, lạnh lùng và bí ẩn vẫn được yêu, được viết thành thơ:

Bông hồng đen kỳ bí và lạnh lùng
Kiêu hãnh dẫu bầm dập trong tim
Dẫu đen mà hương nồng thơm ngát
Lặng lẽ để tang cho chính mình

( Hoa hồng đen cho em).

Những câu thơ trân trọng ngợi ca cô đơn của hoa hồng đen đã nói lên sự bình đẳng của mọi loài hoa trước tình yêu cuộc sống. Điều đó chứng tỏ Hạnh Loan luôn chấp nhận thực tiễn và hòa mình vào cuộc sống để khám phá vẻ đẹp muôn màu, không thiên vị. Bởi vậy nên tôi tin ngay sau khi đọc tập thơ “Hãy nói yêu khi hoa hồng nở”, trái tim của người thơ cũng chính là “trái tim hoa hồng”, mang hương sắc tình yêu dâng tặng cuộc đời này?”.

Tập thơ “Khoảng trời sau cửa sổ “ là một tập thơ dành cho lứa tuổi học trò , được tác giả viết thành 3 chương với 53 bài thơ, trong đó có 46 bài thơ được Nguyễn Thị Hạnh Loan viết trong khoảng thời gian  từ 10 – 17 tuổi. Những bài thơ trong veo, đẫm chất học trò, diễn tả lại sự lớn lên, thay đổi từng ngày, hình thành tâm hồn và nhận thức của một cô bé học trò, rất trong sáng, hồn nhiên, cho đến lúc có những rung cảm đầu đời của tuổi mới lớn. Sách dày 140 trang, được trình bày đẹp, mỗi bài thơ được minh họa bằng một bức tranh sinh động. Tập thơ được ấn hành 2000 bản.

Viết lời mở sách của tập thơ này, nhà thơ Đặng Huy Giang nhận xét:  Đó là những rung cảm một đi không trở lại. Ông viết: “Đó là phát hiện và cảm xúc trong suốt của tuổi thơ trong suốt, của những gì một đi không trở lại. Từ đó, tôi càng tin Wislawa Szymborska (Nobel văn chương 1986) trong tứ thơ “Không có gì hai lần” mà mấu chốt và điểm tựa của nó nằm ở ngay mấy câu mở đầu: Không có gì xảy ra hai lần/và sẽ không bao giờ có cả/vì thế mà chúng ta/sẽ sinh ra như những kẻ vụng về/ và sẽ chết như chưa từng nếm trải’’.

Còn trong phần Lời khép sách, nhà thơ Trần Đăng Khoa viết: “Theo lý giải của nhà thơ Huy Cận, viết cho trẻ con khó, vì người viết phải hiểu biết rất nhiều, nghĩa là phải hiểu biết gấp đôi: Hiểu trẻ con và hiểu cả người lớn nữa.

Và vì thế, một bài thơ hay đích thực viết cho thiếu nhi, phải là bài thơ trẻ con đọc thích, người lớn cũng thấy thích. Bởi trong một đứa trẻ, bao giờ cũng có một người lớn đang hình thành. Và trong một người lớn, luôn luôn có một đứa trẻ không bao giờ già đi.

Nguyễn Thị Hạnh Loan rất yêu trẻ con. Mà không phải chỉ yêu, chị còn sùng kính chúng nữa. Và vì thế, chị đã kỳ khu tạo dựng cả một KHOẢNG TRỜI SAU CỬA SỔ để dâng tặng các em. Tôi bảo chị “kỳ khu tạo dựng” vì đây là món quà mà chị cặm cụi làm trong suốt một đời mình, từ khi chị còn là một cô bé học trò ở lứa tuổi thần tiên từ 10-17 tuổi cho đến khi chị đã là một người mẹ.”

Hai tập thơ là một dòng chảy cảm xúc của nhà báo Hạnh Loan, đó là một trái tim người phụ nữ mềm mại, bao dung, nhân hậu luôn khao khát yêu thương. Đa số, đây là những bài thơ đã được đăng trên trang facebook cá nhân của Nguyễn Thị Hạnh Loan. Hai tập thơ đã được độc giả đón nhận với nhiều tình cảm yêu mến.

PV.